EC gia hạn “thẻ vàng”: Chủ tịch Bình Định nhận khuyết điểm
Xung quanh câu chuyện Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gia hạn thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và giao trách nhiệm khắc phục thẻ vàng về tận bộ máy chính quyền huyện, xã.
Ngày 13.8, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp triển khai Luật Thủy sản 2017 và thúc đẩy triển khai việc khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định).
Cảng chật như nêm, nguy cơ gây hiểm họa
Theo ông Nguyễn Chí Công – Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, địa phương này đang dẫn đầu tỉnh Bình Định về số lượng tàu thuyền của ngư dân với trên 2.000 chiếc. Giai đoạn từ năm 2013-2014, số lượng tàu thuyền ngư dân vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ rất lớn. Tuy nhiên, đến năm 2017 các trường hợp vi phạm đã giảm đến hơn 70%.
Chúng tôi đưa ra nghị quyết chuyên đề, giao trách nhiệm quản lý về tận xã nên việc tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài giảm đáng kể. Hiện nay, nghề khai thác hải sản đang phát triển khá toàn diện, trở thành ngành kinh tế chiến lược và số lượng tàu thuyền đóng mới liên tục tăng. Tuy nhiên, khu neo đậu tại cảng cá Tam Quan đang bị bồi lấp và xuống cấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào chật như nêm khiến việc phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng chưa được đảm bảo, ông Công lo lắng nói.
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ NNPTNT với các địa phương ven biển tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Trần Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng: Cảng cá Tam Quan là cảng quy hoạch cấp vùng, theo công suất thiết kế là gần 3.000 tàu neo đậu. Thế nhưng, thực trạng tại cảng này cho thấy tàu vào không có chỗ ra, nếu xảy ra sự cố cháy một chiếc tàu thì nguy cơ cháy lan các tàu bên cạnh là rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp cảng là điều rất cấp thiết.
Video đang HOT
Khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Tam Quan đang quá tải do bị bồi lấp, xuống cấp nghiêm trọng.
Chủ tịch Bình Định nhận khuyết điểm
Ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận định: Nếu có cháy ở khu neo đậu cảng cá Tam Quan thì đúng là việc cứu chữa trở tay không kịp. Nhiều năm nay, chúng tôi đã kiến nghị Trung ương đầu tư nhưng chưa được. Khu neo đậu xuống cấp khiến ngư dân Bình Định phải đi tha phương cầu thực khắp nơi vì không chỗ neo đậu. Điều này, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân.
Xung quanh câu chuyện Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gia hạn thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NNPTNT và hứa chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Ảnh: Dũ Tuấn
Thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai rất quyết liệt nhưng nhiều việc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vẫn còn trách nhiệm trong khâu quản lý nhà nước để ngư dân đánh bắt vi phạm. Trong khi đó, nhiều huyện còn lơ là trong việc tuyên truyền vận động ngư dân. Xin hứa với Bộ trưởng, cùng với ngư dân cả nước tỉnh Bình Định sẽ nghiêm túc thực hiện việc khắc phục thẻ vàng, nếu địa phương nào để ngư dân vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch xã sẽ bị xử lý kỷ luật, ông Dũng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT chọn tỉnh này là nơi triển khai thí điểm Luật Thủy sản 2017.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dũ Tuấn
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và cũng là của người dân, các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Luật thủy sản sửa đổi đã được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 4 thông qua vào cuối năm 2017 với 2 nghị định, 9 thông tư và chính thức có hiệu luật từ ngày 1.1.2019. Hiện nay, Bộ NNPTNT đang bàn với 3 địa phương tiên phong trong khâu tổ chức thực hiện là: Kiên Giang, Bình Định và Quảng Ninh. Tại 3 tỉnh này đều có sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, ngư dân sở hữu số lượng tàu lớn, riêng tỉnh Quảng Ninh có đặc điểm gắn giữa vùng biển với di tích thiên nhiên vịnh Hạ Long nên cực kỳ quan trọng. Việc thực hiện sẽ được triển khai theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, ai cũng phải có trách nhiệm vì đây là lợi ích chung của quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất của tỉnh Bình Định về các bất cập tại cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Địa phương phải chuẩn bị các kiến nghị, giải pháp xử lý và ghi lại bất cập thực tế tại cảng bằng video, hình ảnh. Sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đăng ký buổi làm việc riêng với các Bộ, ngành Trung ương với sự tham gia của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT… để có hướng xử lý, tháo gỡ. Việc này làm càng nhanh càng tốt vì có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân.
Theo Danviet
Nhãn VietGAP của Hưng Yên "bay" vào siêu thị
Đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ nhãn của tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có hai điểm nổi bật là sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết được mở rộng và dấu ấn của các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nhãn ngày càng rõ.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hưng Yên, năm nay, do thời tiết thuận lợi, cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đạt trên 95%, diện tích trồng nhãn cho thu hoạch trên địa bàn tỉnh khoảng 3.820ha, sản lượng ước đạt 41.000 tấn.
Ông Nguyễn Hữu Phú - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hàm Tử cho biết, phần lớn diện tích nhãn trên địa bàn được sản xuất theo chuỗi, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: K.N
Đến nay, trà nhãn sớm với diện tích khoảng 250ha đã thu hoạch xong. Nhãn chính vụ thu hoạch trong khoảng 5-25.8 với diện tích khoảng 2.100ha, sản lượng 22.700 tấn. Trà nhãn muộn từ 30.8-20.9, diện tích 1.500ha, sản lượng ước đạt 16.200 tấn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình VietGAP đã giúp nâng cao chất lượng, hình ảnh của nhãn Hưng Yên. Đến nay, diện tích nhãn sản xuất theo VietGAP đã chiếm hơn một nửa trong tổng số hơn 4.000ha nhãn, chỉ riêng xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) đã có đến 300ha nhãn VietGAP. Đó là con số đáng mừng, thể hiện mối liên kết giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp ngày càng bền chặt-Bộ trưởng Cường nói.
Điều đáng ghi nhận là, phần lớn sản lượng nhãn VietGAP đều được các siêu thị tiêu thụ với giá ổn định.
Chính vì đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi nên việc tiêu thụ nhãn đang khá thuận lợi. Ông Đặng Văn Xây - Giám đốc HTX Nhãn lồng Hồng Nam, xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) cho biết, thời điểm này, giá nhãn của hợp tác xã đạt 30.000 đồng/kg. Hiện HTX có 26 thành viên, canh tác trên diện tích 12ha, sản lượng nhãn dự kiến đạt 100 tấn.
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho hay, ngay từ đầu năm 2018, Sở đã chủ động xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại, trong đó ưu tiên các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn, mời gọi các doanh nghiệp, siêu thị về kết nối, tiêu thụ nhãn giúp người dân.
Từ kinh nghiệm của vụ vải thiều vừa qua tại Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặc dù nông sản được mùa tăng gấp rưỡi, gấp đôi sản lượng nhưng nếu các cấp, ngành vào cuộc một cách đồng bộ, các thành phần kinh tế cùng bà con nông dân ý thức ngay từ đầu để có phương án tiếp cận thị trường, huy động lực lượng từ các nhà phân phối, chế biến đến bán lẻ trong và ngoài nước thì sức ép tiêu thụ sản lượng lớn không phải là quá nan giải.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế, các nhà khoa học, ngành chức năng cần nghiên cứu giúp bà con sản xuất rải vụ. Trước đây, chúng ta chỉ thu hoạch nhãn trong vòng 1-2 tháng. Hiện nay, bằng các tiến bộ kỹ thuật, cơ cấu giống, hiện chúng ta đã rải vụ được 3 tháng. Nhưng cần phải nghiên cứu để vụ không chỉ kéo dài 3 tháng mà có thể nửa năm, thậm chí lâu hơn, bằng cơ cấu giống chọn lọc, bằng tiến bộ về bảo quản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu, gắn kết nông nghiệp với du lịch để nâng cao giá trị gia tăng- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Theo Danviet
Đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT "chào hàng" doanh nghiệp Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức ngày 30.7 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào...