EC đưa ra 2 lựa chọn về khoảng thời gian trì hoãn Brexit
Ngày 20/3, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo việc trì hoãn ngày Anh rời Liên minh châu Âu (EU) tới ngày 30/6 sẽ gây ra những “nguy cơ pháp lý và chính trị nghiêm trọng” đồng thời đưa ra hai lựa chọn ưu tiên.
Trong một thông báo vắn tắt nội bộ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, ủy ban trên kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên EU thống nhất một trong hai lựa chọn, gồm hoãn Brexit tới ngày 23/5 (trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu) hoặc là ít nhất tới cuối năm 2019. EC cho rằng đây là những lựa chọn tốt nhất để đảm bảo chức năng và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy điều hành EU.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Strasbourg, Pháp ngày 11/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Nếu các quốc gia thống nhất cho phép trì hoãn Brexit trong thời gian dài thì phải đảm bảo Anh cam kết bỏ phiếu trắng trong các phiên tranh luận của EU về những vấn đề quan trọng như ngân sách hay việc bổ nhiệm các vị trí trong EC. Yêu cầu này là nhằm ngăn chặn London dùng quyền phủ quyết như một “quân cờ” để gia tăng sức ép, buộc EU nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tiếp theo về Brexit.
Ngoài ra, việc trì hoãn sẽ không được sử dụng để tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà hai bên đã đạt được hồi cuối năm 2018 mà EU luôn khẳng định là “lựa chọn tốt nhất có thể”. Thông báo được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đề nghị lui thời điểm Anh chính thức rời EU từ ngày 29/3 tới ngày 30/6/2019.
Chính phủ Pháp cũng cho rằng Thủ tướng Anh cần phải giải thích rõ ràng khoảng thời gian trì hoãn mong muốn và mục đích trì hoãn cùng với những đảm bảo đi kèm. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux khẳng định việc trì hoãn Brexit không tự động hay mặc nhiên diễn ra.
Video đang HOT
Trong khi đó tại Anh, phát biểu trước Hạ viện, Thủ tướng May bày tỏ phản đối gia hạn Brexit trong thời gian dài đồng thời khẳng định đã đến lúc cuộc tranh luận quốc gia nên được chuyển sang các chủ đề khác. Bà May cho rằng việc gia hạn Brexit trong thời gian dài có thể dẫn tới khả năng Hạ viện sẽ chỉ mất thêm nhiều thời gian tranh cãi về quan hệ với EU thay vì thảo luận về những vấn đề mà các cử tri Anh thực sự quan tâm khi bỏ phiếu trưng cầu ý dân năm 2016.
Theo bà, việc trì hoãn Brexit sau ngày 30/6 buộc Anh phải tham gia các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu từ ngày 23-26/5 tới là điều “không thể chấp nhận”. Bên cạnh đó, bà cho rằng việc trì hoãn Brexit bằng cách kéo dài thời gian đàm phán không thể giúp loại bỏ hoàn toàn khả năng Anh “ra đi” mà không có thỏa thuận và khẳng định kịch bản không thỏa thuận vẫn tồn tại cho tới cuối giai đoạn trì hoãn.
Theo quy định, 2 năm sau ngày chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, tức là vào ngày 29/3 tới, Anh sẽ rời khỏi EU dù có hoặc không có thỏa thuận với EU. Thủ tướng May cho rằng London cần thêm một khoảng thời gian ngắn để thực hiện thủ tục pháp luật cần thiết tại Hạ viện nếu như các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận rút khỏi EU của bà.
Đề nghị này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày (21-22/3). Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố ông không kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh EU tới có thể đưa ra được quyết định liên quan vấn đề Brexit. Ông nhấn mạnh phía EU sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào khi mà quan điểm của Anh vẫn chưa rõ ràng.
Việc bà May đề nghị trì hoãn Brexit vài ngày trước hạn chót 29/3 cũng lập tức vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ cầm quyền. Nghị sĩ Peter Bone đã cảnh báo Thủ tướng May sẽ “phản bội” cử tri Anh nếu tiếp tục theo đuổi yêu cầu trì hoãn Brexit đồng thời kêu gọi bà thay đổi chiến thuật.
Nghị sĩ này thậm chí còn gia tăng sức ép với bà May khi cho rằng đây là thời điểm mà lịch sử nước nhà sẽ phán xét tư cách thủ tướng của bà. Các báo ủng hộ Brexit cũng gọi quãng thời gian 1.000 ngày từ khi chính phủ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon tới ngày chính phủ đề nghị hoãn Brexit là quãng thời gian “dang dở, phản bội và là nỗi hổ thẹn quốc gia”. Đây cũng là lời lẽ của Lãnh đạo Công đảng đối lập đưa ra khi bà May tham dự phiên trả lời chất vấn hàng tuần trước Hạ viện Anh.
Đề nghị hoãn Brexit khiến gia tăng những bất ổn xung quanh tiến trình này đã khiến đồng bảng Anh lập tức giảm giá. Tính đến 13h GMT (20h Việt Nam), đồng bảng trượt giá gần 1% xuống mức 1 bảng Anh tương đương 1,3149 USD.
Lê Ánh (TTXVN)
Theo Tintuc
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk: 'Gia hạn thời hạn chót Brexit là một giải pháp hợp lý'
Việc gia hạn thời hạn chót 29/3 để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ là một "giải pháp hợp lý" cho những diễn biến chính trị. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhận định như vậy khi đề cập đến tiến trình Brexit.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: TTXVN phát
Ông Tusk cho biết đã thảo luận về bối cảnh pháp lý và thủ tục liên quan đến khả năng gia hạn thời hạn chót Brexit trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 24/2, bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU - Arab đang diễn ra tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập.
Phát biểu tại cuộc họp báo kín, ông Tusk nói: "Một quyết định gia hạn lúc này sẽ là một giải pháp hợp lý, song Thủ tướng Theresa May vẫn tin rằng có thể tránh được kịch bản này".
Trước đó, bà May cho rằng vẫn còn nhiều thời gian để đàm phán lại thỏa thuận Brexit và đề xuất Quốc hội có thể bỏ phiếu đến thời điểm 12/3, 17 ngày trước khi Brexit diễn ra. Tuy nhiên, ông Tusk nhận định mọi sự đã quá rõ ràng, khó có thể đạt được đa số ủng hộ trong Quốc hội Anh cho thỏa thuận hiện nay.
Ông nói: "Hoặc gia hạn thời hạn chót hoặc chúng ta sẽ phải đối mặt với một Brexit hỗn loạn". Ông cho rằng càng đến gần thời hạn chót, khả năng gia hạn càng lớn.
Mặc dù vậy, phát biểu với bà May, ông Tusk khẳng định "bất kể kịch bản nào, tất cả 27 nước thành viên còn lại của EU sẽ thể hiện sự thông cảm và thiện chí nhất".
Hiện Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất được một thỏa thuận Brexit dù chỉ còn 32 ngày trước hạn chót 29/3 khi Anh chính thức rời EU theo luật định.
Điều này càng làm dấy lên quan ngại về một kịch bản Brexit không thỏa thuận gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới khi mọi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.
Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang tích cực làm việc với EU để có được những "đảm bảo cần thiết" giúp thỏa thuận Brexit đạt được hồi tháng 11/2018 nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần 2.
Phương Hoa (TTXVN)
Theo Tintuc
Lo ngại không thuyết phục được EU, bà May hoãn bỏ phiếu lần 2 thỏa thuận Brexit Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định hoãn việc trình Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit lần 2 vào tuần tới do bà lo ngại sẽ không thuyết phục được EU đàm phán lại. Nhật báo Telegraph của Anh ngày 6/2 cho biết phát biểu tại cuộc họp nội các Anh hôm 5/2, ông Julian Smith, nghị sĩ phụ trách...