Ebola: Nhiều gia đình che giấu “tử thần” trong nhà
Sự tồn tại của những “vùng xám”, nơi người bệnh sống chung nhà với người khỏe đã khiến đại dịch Ebola hoành hành ở Tây Phi.
Ngày 22/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng rất nhiều gia đình ở châu Phi đang che giấu người thân bị nhiễm bệnh Ebola ngay trong nhà, và sự tồn tại của những “vùng xám” ngoài tầm kiểm soát của cơ quan y tế này đang khiến đại dịch Ebola hoành hành dữ dội ở Tây Phi.
Cho đến nay, khoảng 1.427 người trong tổng số 2.615 người nhiễm virus Ebola đã thiệt mạng ở Tây Phi kể từ khi đại dịch này bắt đầu bùng nổ từ hồi tháng Ba. Tuy nhiên WHO cảnh báo rằng đây chỉ là con số thống kê chính thức, và số nạn nhân trong thực tế có thể lớn hơn rất nhiều vì tình trạng giấu dịch.
Khoảng 1.427 người đã thiệt mạng vì Ebola kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng Ba
Video đang HOT
Cách đây một tháng, nhiều chuyên gia độc lập cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng thực sự của đại dịch Ebola khi rất nhiều gia đình xua đuổi nhân viên y tế và kiên quyết từ chối việc chữa trị cho những người bị nhiễm bệnh.
Tình trạng gia đình giấu dịch đặc biệt phổ biến ở Liberia và Sierra Leone, hai quốc gia hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch Ebola. WHO cho biết hiện họ đang hợp tác với tổ chức Bác sĩ Không biên giới và Trung tâm Phòng ngừa, Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) để có được con số thống kê “sát thực tế hơn”.
Tình trạng người nhiễm bệnh sống chung với người khỏe mạnh là trở ngại lớn nhất trong nỗ lực kiểm soát đại dịch Ebola có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đặc biệt là tại những khu ổ chuột và các thành phố đông đúc.
WHO giải thích: “Vì hiện nay Ebola không có thuốc chữa nên nhiều gia đình muốn người thân nhiễm bệnh được chết thanh thản ở nhà. Trong khi đó, nhiều người kiên quyết cho rằng người thân của họ không nhiễm bệnh, và nếu đưa họ vào trung tâm cách ly, họ sẽ bị lây Ebola của người khác mà chết”.
Sự bất hợp tác của người dân khiến đại dịch Ebola hoành hành dữ dội hơn
Trong trường hợp người thân của họ qua đời, các gia đình này thường lén lút chôn cất mà không thông báo với chính quyền, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Ebola từ tử thi. Đây là cách thức những “vùng xám” hình thành, nơi cơ quan y tế không có cách nào tiếp cận được với người bệnh vì vấp phải sự kháng cự và bất hợp tác của gia đình.
Theo báo cáo của các y bác sĩ tại hiện trường, có những lúc trung tâm cách ly của họ bất ngờ tiếp nhận cả một làn sóng bệnh nhân, chứng tỏ có rất nhiều người nhiễm bệnh vẫn nằm ngoài khả năng giám sát của các hệ thống y tế.
Theo quy định của WHO, dịch Ebola được coi là đã hết ở một nước nào đó nếu trong vòng 42 ngày không có thêm ca nhiễm mới. Tuy nhiên, với sự tồn tại của các “vùng xám” trên, thời gian và công sức mà các nhân viên y tế bỏ ra để dập dịch là vô cùng lớn.
Hôm qua, WHO tuyên bố đã vạch ra một kế hoạch chiến lược nhằm đối phó với đại dịch Ebola ở Tây Phi, và các chi tiết của kế hoạch này sẽ được công bố vào tuần tới.
Trong khi đó, sự cảnh giác của các nước châu Phi với các quốc gia láng giềng có dịch Ebola đã tăng cao đến mức Senegal vừa tuyên bố không cho phép máy bay viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc hạ cánh xuống nước này, đồng thời cấm mọi chuyến bay đến các nước có dịch để loại trừ nguy cơ nhiễm Ebola.
Theo Trí Dũng (Khampha.vn)
WHO cho phép điều trị Ebola bằng thuốc thử nghiệm
Trong khi số ca tử vong vì nhiễm Ebola đã lên tới 1.013 người, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12-8 đã quyết định cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola. ZMapp là một hỗn hợp 3 kháng thể được cho là có thể nhận diện virus Ebola và tự gắn vào các tế bào nhiễm virus để hệ miễn dịch có thể tiêu diệt chúng.
Chính phủ Liberia ngày 12-8 cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ chuyển các mẫu thuốc thử nghiệm ZMapp đến Liberia trong tuần này. Cuối tuần trước, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã gửi yêu cầu đến Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc viện trợ thuốc chữa trị virus Ebola.
Cùng ngày, bệnh nhân châu Âu đầu tiên nhiễm virus chết người này và cũng là người được truyền những liều huyết thanh Zmapp đầu tiên đã qua đời chỉ vài ngày sau khi được đưa từ Liberia về quê nhà điều trị. Linh mục người Tây Ban Nha Miguel Pajares, 75 tuổi, bị lây nhiễm virus Ebola trong khi chăm sóc người bệnh ở Bệnh viện Saint Joseph Hospital tại Thủ đô Monrovia, Liberia. Sau đó, ông này được chuyển về Madrid hôm 7-8 để chữa trị bằng huyết thanh ZMap của Mỹ nhưng không qua khỏi.
Theo ANTD
"Quả bom hẹn giờ" Trong nỗ lực ngăn chặn căn bệnh lao đang có nguy cơ bùng phát trở lại, LHQ vừa đệ trình kế hoạch mới nhằm xóa bỏ hoàn toàn căn bệnh này tại 30 quốc gia có mức độ nhiễm bệnh thấp. Tại một trung tâm chữa bệnh lao ở Ấn Độ Kế hoạch do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp...