Đường về của một con bạc từng bị “xử lý” bên kia biên giới
Máu đỏ đen dường như đã “thâm căn cố đế”, trở thành căn bệnh nan y đối với Nguyễn Minh Tân (23 tuổi, tại Bến Tre).
Những lần vượt biên qua Campuchia sát phạt, không ít lần “chàng công tử miệt vườn” phải dùng bản thân thế chấp cho chủ nợ. Chỉ khi bị giam cầm, tra tấn, đánh đập, bị chặt đứt ngón tay gửi về cho cha mẹ thì “con bạc” này mới tỉnh ngộ và nhận ra: Casino không phải là thiên đường.
Cá không ăn muối cá ươn…
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi tìm đến trường Tiểu học M.P. (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) để tìm gặp cha mẹ của Nguyễn Minh Tân, cậu công tử miệt vườn nổi tiếng với chiến tích “đỏ đen” lẫy lừng. Sau những biến cố đẫm máu và nước mắt mà cậu con trai gây nên, hiện gia đình bà Võ Thị Ngộ (44 tuổi, mẹ Tân) đang buôn bán tại căngtin trường học.
Cố giấu những ký ức kinh hoàng về những lần đi chuộc con bên xứ người, bà Ngộ nén tiếng thở dài: “Vợ chồng tôi đã bán hết đất đai nhà cửa để chuộc thằng con về. Giờ chẳng còn gì nữa. Ngày trước nhà tôi ở cạnh trường học. Nhà trường biết hoàn cảnh nên cho vợ chồng tôi ngày bán hàng nước ở căng-tin, tối ngủ lại ở đây”.
Nói rồi, người mẹ khốn khổ vì con liên tục lau nước mắt. Suốt cuộc đời này, bà chẳng thể nào quên những lần “đốn tim” khi nhận hung tin con trai bị giam giữ tại các sòng bài Casino bên kia biên giới.
Là con trai độc đinh, Tân được cha mẹ ưu ái, cưng chiều hết mực. Tân nhanh chóng xao nhãng việc học hành, ham mê chơi bời. Học đến lớp 10, Tân nghỉ giữa chừng để theo bạn bè đi làm nhân viên bảo vệ cho một công ty tại TP. Hồ Chí Minh.
Xa vòng tay cha mẹ, Tân sớm ngã vào vòng xoáy ăn chơi. Nhà vốn nghèo, nhưng Tân không cảm nhận được điều đó. Trong suy nghĩ của cậu, chỉ có những cuộc ăn chơi và các chuyến du ngoạn mạt chược ở Casino mới đem lại niềm vui và sự thỏa mãn.
Sau Tân còn một cô em gái, nhưng gia đình cũng vì đổ dồn hết gia tài cho thằng anh mà đứa em đành dang dở chuyện học hành. Bẵng đi một thời gian ở Sài Gòn, Tân gọi điện về cho cha là ông Nguyễn Văn Trược (48 tuổi) bảo rằng sẽ qua Campuchia cùng một vài người bạn nuôi gà thuê.
Cha mẹ Tân khấp khởi mừng thầm về thằng con đã biết tính toán làm ăn, lo cho tương lai. Niềm vui còn đang nhen nhóm thì ông bà Trược tá hỏa khi biết con trai cưng đi “nuôi gà” thâu đêm suốt sáng tại các sòng bài Casino.
Tân vượt biên qua cửa khẩu Mộc Hóa (Long An) để đánh bạc. Lúc đi, Tân lận lưng 9 triệu đồng, số tiền Tân dành dụm từ công việc làm bảo vệ gần một năm của mình. Cái giống đỏ đen như có ma lực, càng thua thì lại càng ham.
Khi “cháy túi”, Tân không chịu về nhà mà đi theo một người bạn mới quen tại Casino tiếp tục qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) tìm đến Casino Chateau cầu vận may. Được bạn bảo lãnh, Tân không ngần ngại vay 3.000 USD của một chủ sổ người Campuchia để chơi bạc.
Nhưng lần này, vận đen vẫn chưa chịu buông tha và Tân lại cháy túi. Không có tiền trả, Tân bị chủ sổ bắt giam. Chủ sổ đe dọa nếu không trả nợ sẽ khó bảo toàn tính mạng. Không còn cách nào khác, Tân phải điện thoại về cầu cứu cha mẹ. Nhận được điện thoại của con trai, ông bà Trược bỏ hết công việc ruộng đồng, chạy vạy đi vay mượn khắp nơi để có đủ 3.000 USD mang sang Campuchia chuộc con trai.
Video đang HOT
Tiền chồng đủ, chủ sổ giao “hàng” về cho ông bà Trược, Tân cúi gằm mặt về nhà và thở phào nhẹ nhõm khi rũ bỏ được cục nợ “đỏ đen”. Ở nhà, Tân lang thang không nghề ngỗng gì, rảnh rỗi chân tay, rồi lại buồn mồm, Tân gọi điện rủ thêm hai chiến hữu cùng ấp đi chơi sả tress.
Đội quân công tử miệt vườn bắt xe lên cửa khẩu Mộc Hóa, lăm le qua Casino làm vài ván mạt chược giải khuây. Nhưng nơi này không có người quen bảo lãnh, Tân rỉ tai bạn lên Mộc Bài. Ở đó, Tân có đồng môn và người ta cũng biết mặt Tân vì vụ chuộc người vài tháng trước.
Vừa đặt chân đến Casino, kỷ niệm cũ ùa về, Tân cay cú khi nhớ lại lần chủ sổ tại sòng bài Chateau bắt giữ nên lần này cậu ta quyết tâm phục thù, rửa hận. Được chủ sổ nhiệt tình mời gọi, Tân không ngần ngại ký nhận vay khoản tiền 5.000 USD. Tân hì hục “mài đũng quần” từ 21h đến 3h sáng ngày hôm sau. Kết quả, hơn 3.000 USD đội nón ra đi.
Vẫn còn một chút tiền, nhưng cảm thấy chưa thỏa thê để tiếp tục cuộc chơi, Tân qua Casino Titan gần đấy vay của một chủ sổ người Việt Nam 3.000 USD. Tân lao vào các ván bạc như con thiêu thân, suốt 3 giờ đồng hồ, Tân thua không còn một xu dính túi. Cảnh cũ lặp lại, Tân bị chủ nợ giam giữ, đánh đập dã man và bắt gọi điện về nhà bảo cha mẹ mang tiền chuộc.
Nhận được số điện thoại từ bên kia bên giới, ông bà Trược linh tính ngay việc chẳng lành, tiếng người đàn ông lạnh lùng như xát ớt vào mặt: “Nếu không mang tiền chuộc con thì sẽ có “quà” gửi về”. Bà Ngộ không còn nước mắt để khóc, bà quá hiểu được “món quà” mà người ta nói ở đây là gì rồi. Nhưng số tiền vay để chuộc Tân lần trước còn chưa trả hết, lần này biết đi vay ở đâu được. Ông bà bàn nhau bán vài công đất ruộng để chuộc thằng “quý tử” về.
Casino “đi dễ khó về”…
Thói ăn chơi “thâm căn cố đế” đã ngấm vào người Tân như một căn bệnh nan y. Lấy cớ lên TP. HCM để làm công cho nhà hàng, Tân xin phép cha mẹ được. Nghe con bày tỏ chí hướng làm ăn, ông bà Trược mừ
ng mừng tủi tủi hy vọng cậu con trai duy nhất sẽ giúp gia đình thoát cảnh nợ nần hiện tại. Nhưng “quá tam ba bận”, Tân lại vượt biên mò sang sòng bài Campuchia. Lần này cậu cũng thua hết tiền và lại vay chủ sổ 2.000 USD. Kịch bản lặp lại, không biết bấu víu vào đâu ngoài gia đình, Tân điện thoại về nhà xin cha mẹ mang tiền qua chuộc.
Gia sản còn mỗi căn nhà rách như xơ mướp, ông Trược rao bán cũng không nhằm nhò gì so với số tiền ngàn đô mà cậu con trai mang nợ. Nét mặt vẫn còn ám ảnh, sợ hãi, bà Ngộ nhớ lại: “Mấy ngày sau khi nhận được cuộc gọi của Tân nhưng chúng tôi vẫn chưa gom đủ tiền. Chủ nợ nhiều lần gọi điện về bảo nếu người nhà không mang tiền chuộc thì sẽ gửi “quà” về. Vài hôm sau, chúng tôi nhận được một phong bì chuyển phát nhanh có dấu chuyển từ bên kia biên giới. Nhìn ngoài thấy chữ của con trai, cả nhà mừng rỡ bóc ra xem…”.
Nào ngờ, bên trong phong thư lớn còn có một phong bì nhỏ. Trong phong bì nhỏ có tờ giấy viết bằng máu với nội dung: Tân đã bị chặt đứt một ngón tay. Ngón bị chặt đứt gói trong túi nilon. Nhìn thấy ngón tay con, bà Ngộ ngất xỉu, còn ông Trược loạng choạng không đứng vững.
Liền sau đó, có cuộc điện thoại lạ gọi đến hăm dọa: “Nếu ông Trược không mang tiền lên chuộc con trai về, thì vài ngày sau sẽ nhận được ngón tay khác”.
Vụ việc đã đi quá xa, tính mạng của Tân mong manh như sợi tóc. Bây giờ đã cạn kiệt tiền, đất đai cũng bán sạch, chẳng biết lấy gì chuộc thân con. Nghĩ nát óc, cuối cùng ông bà Trược đã lên báo chính quyền. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45B) bộ Công an vào cuộc và Tân được giải cứu về nhà an toàn.
Nguyễn Minh Tân với ngón tay khiến khuyết sau khi được Công an giải cứu.
Lần thứ ba trở về từ “thiên đường Casino”, Tân mới thực sự tỉnh ngộ. Nhớ lại quãng thời gian sống dật dờ khi bị chủ nợ giam giữ, cậu vẫn rùng mình bởi những đòn tra tấn dã man. Tân cho biết, chủ nợ nắm được gia đình không có khả năng chuộc con về.
Ngày hôm sau, họ đưa Tân cùng một con nợ khác tên Toàn vào phòng và cho uống thuốc giảm đau, sau khi ngấm thuốc thì chủ nợ cho cậu được lựa chọn một ngón tay bất kỳ để… “lên thớt”. Tân nước mắt ròng ròng nhìn chiếc chày đâm tiêu đập cho đứt lìa ngón tay út trái.
Nhắc đến Tân bây giờ, mặt bà Ngộ giãn ra nhẹ nhõm: “Thoát chết về nhà, sau lần thứ ba này Tân mới chịu thừa nhận bước đường sai lầm. Khi được Công an trả về, nó cũng đã hứa từ nay sẽ không bao giờ đi nữa. Vết thương ở đầu ngón tay bị chặt của nó trái gió trở trời lại đau nhức. Mỗi lần như thế nó lại bảo với tôi từ nay xin chừa. Nay nó quên luôn bài bạc rồi, tu chí làm ăn và đã lấy vợ”.
“Casino đi dễ khó về /Khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Đó là câu cửa miệng mà rất nhiều con bạc đã phải ê chề thốt ra sau khi thoát chết trở về. Lời cảnh báo ấy dường như chưa đủ sức răn đe đến những kẻ say máu đỏ đen, sẵn sàng lao thân vào chốn địa ngục. Câu chuyện trên đây là một hiện thực đau thương mà không ít gia đình đã phải ngậm đắng nuốt cay chịu đựng.
Hà Long
Theo_Người Đưa Tin
Nỗi đau của người mẹ có con trai mang 2 án giết người
Lấy chồng muộn, chồng lại mất sớm, để lại cho bà 2 đứa con trai. Bà bất lực, chẳng thể thay chồng dạy dỗ đứa con trai cả. Nhiều lần, giữa đêm khuya, bà đạp xe đi tìm con nhưng rồi ngã gục khi chỉ trong vòng 2 năm, nó tham gia 2 vụ án giết người.
Nguyễn Văn Dũng được dẫn giải ra khỏi phiên tòa.
Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng "đui", SN 1989 trú tại phường Đông Vĩnh, Tp Vinh, Nghệ An), 26 tuổi đã mang trên người 3 tiền án. Khi HĐXX cho phép Dũng nói lời nói sau cùng trước khi vào nghị án, gã lạnh lùng "Không có gì để nói". Nghe thằng con trả lời bất cần đời như thế, bà Y. biết, hi vọng vào sự thay đổi của đứa con trai ngỗ ngược này là điều không thể.
37 tuổi, bà Lê Thị Y. mới lấy chồng. Hai đứa con trai lần lượt ra đời. Tiếng là ở thành phố nhưng nghề chính của bà vẫn là làm nông nghiệp. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, bà nấu chè đỗ gánh bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Thằng Dũng học hết lớp 6 thì bỏ ngang, thằng P., em Dũng gắng gượng được đến lớp 10 thì "nối gót" anh. Bao nhiêu lần bà năn nỉ các con kiếm cái chữ "dắt lưng" sau này còn kiếm công việc tử tế nhưng chẳng đứa nào nghe.
Chúng bỏ học không phải là để phụ bà trang trải cuộc sống mà chỉ biết theo bè, theo bạn đi chơi. Khi người chồng mắc bệnh nan y, cuộc sống của bà càng trở nên khó khăn gấp bội. 3 năm sau thì chồng bà qua đời. "Hồi ông ấy còn sống, thằng Dũng còn biết sợ cha. Đến khi ông ấy chết, nó chẳng còn ai để mà sợ. Nó đi tối ngày, cứ về nhà một lát lại thấy mấy đứa bạn đến chở đi. Có đêm đợi mãi không thấy hắn về, tôi phải đạp xe đi tìm. Tôi nói mà nó không có nghe...", bà lắc đầu bất lực.
Cái "ngông" và độ "chịu chơi" của thằng Dũng thì đám bạn nó cũng phải dè chừng. Có người kể, hồi nhỏ, nó bắt được con cò, nghe người ta khuyên đừng có nhìn vào mắt cò kẻo bị mổ vào mắt. Thằng Dũng không tin, nó trừng trừng nhìn con cò. Con cò vươn cổ ra, mổ hỏng luôn mắt phải của Dũng. Từ đó, hắn có biệt danh là Dũng "đui". Dù hỏng một mắt nhưng cái độ liều lĩnh và chịu chơi của Dũng chẳng giảm đi mà có chiều hướng tăng hơn.
Năm 2007, Nguyễn Văn Dũng bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy và bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 4 năm 9 tháng tù giam. Mãn hạn tù, cứ tưởng mấy năm ăn "cơm trại" đã cho Dũng thấm thía nhưng với cái "số" ở tù ra, Dũng quy tụ lớp đàn em tiếp tục ăn chơi. Bà Yên lại khóc hết nước mắt vì con.
Bà Y. bất lực trước thằng con trai ngỗ nghịch mang hai án giết người.
Những lời khuyên ngăn, van lơn của người làm mẹ như chìm đi giữa những cuộc chơi của thằng con. Bà cũng không biết nó lấy đâu ra tiền mà chơi bời với lũ bạn. Ngày 28/8/2013, ngày sinh nhật, hắn hào phóng mời bạn bè đến quán karaoke "xõa". Tại đây nhóm của Dũng đụng độ với một nhóm khác. Chúng lao vào ăn thua với nhau. Kết quả, một người nhóm bên kia chết. Dũng bị truy tố tội "gây rối trật tự công cộng" và được tại ngoại.
Trong thời gian tại ngoại phục vụ điều tra, Dũng lại theo bạn bè "dạt" sang Hà Tĩnh chơi. Tại đây, nhóm của Dũng và một nhóm thanh niên địa phương lại có một cuộc huyết chiến khiến 1 người chết. Khi cơ quan chức năng Hà Tĩnh ra quyết định truy tố Nguyễn Văn Dũng tội "giết người" thì cũng thời gian đó, Cơ quan điều tra CA Nghệ An cũng có quyết định thay đổi tội danh từ "cố ý gây thương tích" sang tội "giết người" đối với Dũng.
Tháng 1/2015, Nguyễn Văn Dũng bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 14 năm về tội "giết người", 2 năm 6 tháng về tội "gây rối trật tự công cộng". Cuối tháng 4/2015 vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án giết người tại quán karaoke ra xét xử. Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Dũng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng căn cứ vào các chứng cứ thu thập được và lời khai của đồng bọn cũng như "đối thủ", HĐXX nhận định truy tố Dũng tội danh "giết người" là đúng người, đúng tội.
HĐXX tuyên phạt Dũng 18 năm tù giam về tội giết người. Tổng hợp với bản án của TAND tỉnh Hà Tĩnh chưa thi hành, áp dụng Điều 50 Bộ Luật Hình sự, Nguyễn Văn Dũng phải chấp hành hình phạt 30 năm tù giam cho 2 bản án giết người.
Nghe tòa tuyên án, bà Yên bật khóc. Hai bản án cộng lại còn nhiều hơn số năm bà nuôi Dũng lớn. "Hắn còn ở trại tạm giam, cố gắng lắm tôi mới thu xếp vô thăm con được. Không vào thăm, động viên hắn thì sợ con buông xuôi. Vào thăm cũng phải có tiền gửi lưu ký cho nó mà mỗi ngày gánh chè đi bán khắp nơi, tằn tiện lắm mới lo liệu được chi tiêu, ăn uống.
Thằng P. đi làm nhưng không có trình độ, chỉ có thể làm công việc tay chân nặng nhọc mà tiền công không đáng bao nhiêu, đủ lo cho bản thân nó là may lắm rồi. Mai mốt thằng Dũng phải chuyển đến trại khác thi hành án, tôi sợ không đi thăm con được, mà tính hắn tôi biết, nếu hắn nghĩ mẹ bỏ rơi thì quậy phá, không còn đường về nữa", bà thút thít.
Thằng Dũng được dẫn giải ra khỏi tòa án, mặt nó câng câng, chẳng biểu lộ tý cảm xúc gì. Bà không chạy theo con như những bà mẹ khác mà đứng lặng trên thềm. Có lẽ, bà cũng chẳng còn nước mắt mà khóc thương phận mình...
Hoàng Lam
Theo dantri
Có nên đưa "quyền được chết" vào luật? Quyền được chết không thể trao một cách tùy tiện, bừa bãi, bởi nếu quy định không khéo thì sẽ dễ bị lợi dụng, xâm phạm đến quyền sống của con người. Đó là quan điểm của các ĐBQH, luật sư khi trao đổi với PV về đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trước đó, trong...