Đường tránh Chư Sê trăm tỉ tiếp tục nứt gãy sâu hơn 1,2 m
Vết nứt gãy tại đường tránh Chư Sê tụt thẳng đứng xuống trong phạm vi 40 m, ngày càng sâu thêm, tính đến sáng 6.9 vết nứt sâu nhất đo được là 1,2 m, tăng gần 80 cm so với ngày đầu phát hiện.
Đường vừa làm xong đã hư hỏng nặng, vết nứt sâu đến 1,2 m . ẢNH: TRẦN HIẾU
Trả lời PV Thanh Niên ngày 6.9, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) 6 Bộ GTVT – đại diện chủ đầu tư dự án tuyến tránh Chư Sê thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết vết nứt được phát hiện tại vị trí Km 10 200 – Km 10 300 ngày 3.9, với chiều dài khoảng 130 m.
Đáng chú ý, vết nứt gãy tụt thẳng đứng xuống trong phạm vi 40 m và ngày càng sâu thêm, tính đến sáng 6.9 vết nứt sâu nhất đo được là 1,2 m, tăng gần 80 cm so với ngày đầu phát hiện.
Ban QLDA 6 và đơn vị tư vấn thiết kế (liên danh Công ty CP tư vấn thiết kế cầu đường thuộc TEDI và Công ty CP tư vấn thiết kế 8) đã mời một số chuyên gia đầu ngành về địa chất vào kiểm tra hiện trường. Kết quả kiểm tra sơ bộ thấy có điểm lạ thường trong vị trí nứt gãy. Bình thường sụt trượt võng xuống ở giữa thì 2 bên sẽ vồng cao lên, nhưng tại khu vực này nứt gãy theo phương thẳng đứng, nền 2 bên vẫn bình thường, nhận định do địa chất phức tạp.
Theo tìm hiểu, điều tra dân sinh, trước đây khu vực này có 3 ao nước sâu 4 – 5 m, gần đó có suối, nước ngầm để tưới cà phê. Theo ông Hưng, ao nước của người dân dù đã được lấp lại khá lâu (gần 10 năm), bề mặt phía trên bằng phẳng, nhưng phía dưới sâu có thể đã hình thành túi bùn, dẫn tới khi mưa to khối lượng lớn dồn dập (trong các ngày từ 1 – 2.9) đã tạo áp lực khiến nền đất bị lún trôi xuống các túi bùn này, tạo ra nứt gãy thẳng đứng trên bề mặt đường.
Đáng chú ý, quá trình lập hồ sơ thiết kế dự án, tư vấn đã khoan 20 mũi thăm dò địa chất (theo quy định mỗi mũi khoan cách nhau 500 m) trên toàn dự án (dài 10,8 km), nhưng vị trí xảy ra nứt gãy lại không được khoan thăm dò.
Để xác định chính xác nguyên nhân, Ban QLDA 6 cũng đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát bổ sung về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng nhằm khoan khảo sát địa chất và tính toán thủy văn, hoàn thành trước ngày 18.9 để báo cáo lên Bộ GTVT hướng xử lý. “Sau khi xác định chính xác nguyên nhân, liên quan đến trách nhiệm của tư vấn thì tư vấn phải chịu, nhưng Ban cũng chịu một phần trách nhiệm”, ông Nguyễn Hữu Long, Tổng giám đốc Ban QLDA 6, nhìn nhận.
Như Thanh Niên đã thông tin, đoạn đường tránh qua TT.Chư Sê, H.Chư Sê được đầu tư gần 250 tỉ đồng, do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư, chiều dài hơn 10,8 km, khởi công từ giữa tháng 5.2018, mới hoàn thành vào tháng 6.2019. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận mưa lớn, nhiều vị trí đã bị sụt lún nghiêm trọng. Hiện đoạn đường này chưa bàn giao, chưa chính thức đưa vào sử dụng.
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Tiết lộ "bất thường" về đường 250 tỷ đồng vừa làm xong đã nứt toác
Kết quả kiểm tra sơ bộ sự cố sụt lún đường Hồ Chí Minh cho thấy có điểm lạ thường.
Đường bị sụt trượt nhưng mái taluy vẫn còn nguyên hiện trạng, đường bị sụt theo phương thẳng đứng và ngày càng phát triển sâu hơn. Sau sự cố mới biết trong khu vực dự án từng có 3 hồ chứa nước (!?)
Ngày 6/9, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6 và ông Vũ Hữu Hoàng - Giám đốc Công ty CP Thiết kế cầu đường, thuộc TEDI - đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí về thực trạng tuyến đường 250 tỷ đồng ở Gia Lai nứt toác, biến dạng như vừa trải qua một trận động đất dù mới làm xong và chưa được bàn giao.
Sau sự cố mới biết có 3 hồ chứa nước
Thưa ông, diễn biến sự cố sụt lún đến hôm nay như thế nào?
- Ông Nguyễn Kiều Hưng: Hiện tượng sụt lún được phát hiện vào trưa ngày 3/9, đến ngày 4/9 thì đường bị sụt thẳng đứng trong phạm vi khoảng 40m với độ sâu khoảng 60-80cm, nay vị trí sụt đã phát triển sâu xuống 120cm.
Chúng tôi sẽ tiến hành khoan khảo sát địa chất để lấy mẫu, trên phạm vi 130m chúng tôi dự kiến sẽ khoan 12 lỗ, sâu 20m so với mặt đường, tuy nhiên khi thực hiện khoan mà địa hình thay đổi liên tục hoặc có bất thường thì sẽ sâu hơn nữa để tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Giới chuyên môn nhận định đây là sự cố đường sụt lún lớn nhất từ trước đến nay, ở đây có gì bất thường, thưa ông?
- Tôi đã trực tiếp ở hiện trường sự cố và thấy có điều lạ thường. Thông thường, khi đường bị sụt trượt thì sẽ phải đẩy trồi, nghĩa là đường bị sụt ở giữa thì 2 bên đường sẽ bị đẩy trồi lên, nhưng ở sự cố này không có hiện tượng đó, mái taluy vẫn còn nguyên hiện trạng, đường bị sụt theo phương thẳng đứng và ngày càng phát triển sâu xuống hơn.
Nhận định ban đầu của chúng tôi là địa chất khu vực này có vấn đề phức tạp, khi mưa xuống thì mạch nước ngầm dâng lên có thể gây tác động làm phần nền đắp bị sụt xuống. Hiện đường tiếp tục sụt lún xuống theo phương thẳng đứng.
Sau sự cố, chúng tôi cũng đi tìm hiểu và điều tra dân sinh thì được biết khu vực này có 1 con suối và mạch nước ngầm, cách đây nhiều năm người dân từng đào 3 hồ nước sâu từ 4-5m nhằm chứa nước tưới cà phê. Người dân cũng phản ánh, cách đây khoảng 7-10 năm những hồ chứa nước này đã được lấp lại để canh tác. Vì vậy, khi thực hiện dự án rất khó để phát hiện ra những ao hồ chứ nước này từng tồn tại.
Rõ ràng, khu vực dự án từng có 3 hồ chứa nước. Khi chuẩn bị thi công, chắc chắn phải thực hiện khảo sát địa chất và đánh giá rất kỹ về tổng thể các vấn đề liên quan như thổ nhưỡng, địa hình, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội... nhưng tại sao lại không phát hiện ra 3 hồ nước từng tồn tại và hệ thống nước ngầm ở khu vực này?
- Chúng tôi cũng chỉ nghe người dân phản ánh như vậy, còn thực chất như thế nào thì phải làm rõ. Người dân thông tin những hồ chứa nước đã được lấp từ rất lâu và người dân đang canh tác như địa hình bằng phẳng từ rất lâu rồi, vì thế bằng mắt thường không thể phát hiện được.
Theo quy trình khảo sát thiết kế, 500m có 1 mũi khoan địa chất, nếu ở khu vực đó có công trình gì thì sẽ ưu tiên khoan địa chất ở đó, các vị trí khác sẽ không khoan nữa. Tư vấn thiết kế đã khoan địa chất ở 1 cống nước tại vị trí sâu nhất, kết quả cho thấy mọi thứ bình thường.
Như vậy ở đây có lỗi của tư vấn thiết kế, thưa ông?
- Tư vấn thiết kế đã làm đúng quy trình, nhưng có thể có những sơ suất và không lường trước được những vấn đề theo trực quan, chưa đánh giá đầy đủ. Tôi cho rằng kể cả do vô tình thì tư vấn thiết kế cũng có phần trách nhiệm.
Hiện công trình chưa bàn giao, vì vậy hiện nay trách nhiệm đương nhiên thuộc Ban Quản lý dự án và các đơn vị tham gia thực hiện dự án. Sau khi có số liệu khoan địa chất và số liệu khảo sát thì chúng tôi sẽ đánh giá nguyên nhân dẫn tới hư hỏng và xem xét trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan.
Kinh phí sửa chữa lấy từ đâu và mất bao nhiêu thời gian để khắc phục sự cố này, thưa ông?
- Hiện nay công trình chưa bàn giao nên kinh phí sửa chữa là từ bảo hiểm và nhà thầu. Với phạm vi sự cố 130m thì theo tính toán sẽ hết khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Tới ngày 18/9 này chúng tôi sẽ có số liệu khảo sát và đưa ra giải pháp, tư vấn đưa ra hồ sơ thiết kế để xử lý. Chúng tôi sẽ trình Bộ Giao thông vận tải xem xét và phê duyệt hồ sơ, sau đó nhà thầu mới có thể triển khai thi công.
Giai đoạn này trong Tây Nguyên đang là mùa mưa nên khả năng phải tới giữa tháng 10 mới triển khai thi công được, dự kiến mất khoảng 15-20 ngày là hoàn thành.
Tư vấn thiết kế nói gì?
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6.
Xin ông cho biết, trong quá trình thiết kế dự án này tư vấn đã thực hiện quy trình như thế nào?
- Ông Vũ Hữu Hoàng: Đầu tiên chúng tôi phải đấu thầu cạnh tranh giữa các tư vấn. Chúng tôi liên danh với Công ty CP Tư vấn 8 tham gia đấu thầu. Sau khi có hợp đồng rồi, trên cơ sở đề cương nhiệm vụ của dự án mà chủ đầu tư đưa ra đề bài trong hồ sơ thầu thì tư vấn tiến hành đi khảo sát.
Trong phân công của liên danh, dự án do chúng tôi thiết kế nhưng phần khảo sát địa chất là do Công ty CP Tư vấn 8 thực hiện. Sau khi được cung cấp các số liệu khảo sát địa chất thì chúng tôi thiết kế đường theo số liệu khảo sát, theo các quy trình, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hiện trường tuyến đường nứt toác, sụt lún nghiêm trọng, chiều 6/9.
Đối với địa hình ở khu vực Tây Nguyên thì không thể tin tưởng vào đánh giá trực quan để nói rằng không thấy vấn đề gì và triển khai thi công dự án. Phải chăng khâu khảo sát đã có thiếu sót, thưa ông?
- Tôi không thấy có thiếu sót gì cả. Về nhiệm vụ của tư vấn, nguyên tắc tư vấn làm là phải theo đề cương nhiệm vụ và kinh nghiệm của người kỹ sư trên cơ sở đi thực địa, đi tuyến. Theo tôi, với địa hình ở khu vực và dựa trên những kết quả khảo sát của anh em kỹ sư đi tuyến về miêu tả thì để phát hiện có gì bất thường ở bên dưới lòng đất là vô cùng khó. Đây là điều kiện địa chất đồng nhất, trừ trường hợp phải có thông tin rất cụ thể.
Tôi mới về phụ trách công ty được 3 năm, nhưng chưa từng gặp sự cố dự án nào như tại dự án này. Ở đây không thể nói là nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, sự cố xảy ra như thế này thì có nhiều nguyên nhân, muốn xác định được thì phải khảo sát, điều tra.
Như thông tin người dân cung cấp là khu vực này trước đây có ao chứa nước, chúng tôi đang phán đoán địa chất ở ao yếu, cộng với mưa nhiều dẫn tới sụt, nhưng biết đâu khi lấp ao họ lại lấp bằng địa chất tốt thì lại do yếu tố khác. Bởi vậy, ở đây phải xét thêm yếu tố thiên nhiên, đặc biệt là giai đoạn vừa rồi mưa rất nhiều có thể gây tác động (ngày 1/9-3/9); cũng có thể khi có kết quả khảo sát địa chất thì chỉ ra do thi công... Nhận định do lỗi của ai lúc này là phản cảm, theo tôi phải chờ kết quả khảo sát.
Xin cảm ơn ông!
Theo Châu Như Quỳnh (Dân trí)
Vụ đường 250 tỉ bị nứt toác: Xe không lưu thông, đường vẫn lún Đơn vị thi công cho biết, sau khi ngăn đường không cho xe ra vào vị trí đường hư, mặt đường vẫn xảy ra lún. Ngày 5-9, trao đổi qua điện thoại, ông Mai Anh Đồng, Giám đốc Công ty cổ phần 471 (TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đơn vị thi công) cho biết, ông đã đã nắm được thông tin đường hư...