‘Đường tới Nhà Trắng’ bắt đầu từ biên giới nước Mỹ
Nhập cư đã trở thành vấn đề chính của chiến dịch tranh cử, 8 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Người di cư vượt sông Rio Grande để vào Mỹ từ thành phố Matamoros, bang Tamaulipas, Mexico, ngày 11/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Laken Riley, một sinh viên ngành điều dưỡng 22 tuổi, đã tham gia chạy bộ vào ngày 22/2 tại Đại học Georgia ở thành phố Athens, bang Georgia (Mỹ). Cô không bao giờ trở lại phòng của mình. Người ta tìm thấy cô đã chết cùng ngày hôm đó trong một cánh rừng trong khuôn viên trường. Ngày hôm sau, José Antonio Ibarra, một người Venezuela 26 tuổi vượt biên trái phép vào tháng 9/2022, đã bị bắt và bị buộc tội giết người. Vào thời điểm đó, vụ giết hại Riley đã trở thành vũ khí chính trị.
“Cuộc xâm lăng biên giới đang hủy hoại đất nước của chúng ta và giết chết công dân của chúng ta!”, cựu Tổng thống Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social, gọi Ibarra là “quái vật”. Mặc dù các nghiên cứu phủ nhận bất kỳ mối tương quan nào giữa nhập cư và tội phạm, ông Trump đã sử dụng lại kịch bản bài ngoại, từng mở đường cho ông vào Nhà Trắng năm 2016. Biên giới đã trở thành chiến trường trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Việc cả tổng thống đương nhiệm Biden và cựu Tổng thống Trump đều quyết định đến thăm bờ sông Rio Grande vào ngày 29/2 là bằng chứng cho điều này.
Có nhiều vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của cuộc bầu cử ngày 5/11. Nền kinh tế, vấn đề nạo phá thai, mất an ninh, tuổi cao của các ứng cử viên, những rủi ro đối với nền dân chủ, các cáo buộc hình sự chống lại cựu tổng thống Trump và thậm chí cả chính sách đối ngoại – vốn hiếm khi ảnh hưởng đến cử tri – đều có thể ảnh hưởng tới kết quả. Tuy nhiên, cử tri Mỹ vẫn coi nhập cư là vấn đề chính của đất nước, theo một cuộc thăm dò của Viện Gallup được công bố vào tuần trước. Khoảng 28% cử tri được hỏi (trong đó có 57% đảng viên Đảng Cộng hòa) cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Đây được cho là một phản ứng diễn ra sau làn sóng vượt biên bất hợp pháp trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, đạt mức cao kỷ lục 250.000 người vào tháng 12.
Đám tang sinh viên Laken Riley, vào ngày 1/3/2024. Ảnh: Atlanta Journal
Thị trường lao động Mỹ đã hấp thụ (và cần) lao động phổ thông từ nước ngoài. Tình trạng nhập cư phần nào giải thích sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và khả năng chống chọi bất ngờ của nước này trước việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự xuất hiện ồ ạt của người nhập cư cũng đã làm quá tải các dịch vụ xã hội ở nhiều thành phố. Ngay cả thị trưởng đảng Dân chủ của các thành phố như New York, Chicago và Denver cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Đảng Dân chủ nhận thức được rằng vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử của ông Biden. Vì lý do này, tổng thống đã quyết định “tấn công”, như đã thấy trong chuyến thăm của ông tới Brownsville (Texas) hôm 29/2. Đội mũ lưỡi trai màu đen và không đeo cà vạt, ông đi bộ cùng các nhân viên Biên phòng dọc theo bờ sông Rio Grande, nơi được coi là biên giới tự nhiên giữa Mỹ và Mexico. Ông cũng đã gặp gỡ các nhân viên hải quan, sĩ quan biên phòng, nhân viên phụ trách tị nạn cũng như các thẩm phán nhập cư.
Cách đó khoảng 500km, cựu Tổng thống Trump cũng quan sát từ phía sau hàng rào thép gai trên bờ sông ở Eagle Pass, nơi đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chính trị về kiểm soát nhập cư giữa chính phủ liên bang và Thống đốc Texas Greg Abbott – người đi cùng ông Trump.
Cả hai ông Trump và Biden đều đi đến cùng một kết luận. Hệ thống nhập cư của Mỹ đã bị phá vỡ và tình hình không bền vững: “Chuyện thực sự đơn giản. Đã đến lúc phải hành động. Đã lâu rồi không hành động”, ông Biden giải thích ngắn gọn cốt lõi của vấn đề.
Video đang HOT
Những người vượt biên bất hợp pháp xin tị nạn khi họ bị giam giữ. “Quá trình đưa ra quyết định về yêu cầu tị nạn phải mất từ 5 đến 7 năm. Bây giờ, tất cả các bạn ở đây đều biết điều đó, nhưng người dân khắp đất nước không hiểu điều đó. Thế là quá dài”, ông Biden tiếp tục, “Điều này khuyến khích nhiều người đổ tới Mỹ hơn”.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã nhất trí về dự luật An ninh Biên giới lưỡng đảng nhằm cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho các dịch vụ nhập cư và theo ông Biden, điều đó sẽ cho phép các trường hợp được xử lý chỉ trong 6 tháng. Những người nhập cư sẵn sàng trả hàng ngàn USD cho các băng nhóm tội phạm để vào Mỹ vì họ biết rằng có thể phải mất nhiều năm trường hợp của họ mới được xét xử.
Người di cư vượt sông Rio Grande để vào Mỹ từ thành phố Matamoros, bang Tamaulipas, Mexico, ngày 11/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nếu quá trình này được đẩy nhanh, “điều đó sẽ có tác dụng răn đe nghiêm trọng đối với những người tiến về phía bắc [tức vượt biên vào Mỹ]“, ông Biden lập luận khi tới thăm trung tâm chỉ huy Tuần tra Biên giới Brownsville.
“6 tháng và 7 năm… hai điều khác nhau”, ông nói. “Họ sẽ không trả cho các băng đảng hàng nghìn đô la để thực hiện hành trình đó khi biết rằng họ sẽ nhanh chóng phải quay về”.
Dự luật cũng sẽ trao cho tổng thống quyền khẩn cấp để tạm thời đóng cửa biên giới khi số lượng người qua lại vượt quá một ngưỡng nhất định và vượt quá khả năng của dịch vụ nhập cư. Tuy nhiên, khi dự luật đang trên đường được thông qua, đảng Cộng hòa đã lùi bước trước áp lực từ ông Trump. Kết quả là, đảng Dân chủ cho rằng đảng Cộng hòa không muốn một giải pháp, mà muốn một vấn đề có lợi cho họ tại các cuộc bầu cử.
“Dự luật đang trên đường được thông qua. Sau đó, nó bị trật bánh bởi chính trị đảng phái”, Tổng thống Biden nói tại Brownsville trước khi nhắc trực tiếp tới ông Trump.
“Tôi hiểu người tiền nhiệm của tôi hôm nay đang ở Eagle Pass. Vì vậy, đây là những gì tôi sẽ nói với ông Trump: Thay vì chơi trò chính trị với vấn đề này, thay vì yêu cầu các thành viên Quốc hội ngăn chặn đạo luật này, hãy tham gia cùng tôi – hoặc tôi sẽ tham gia cùng với ông – yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật An ninh Biên giới lưỡng đảng này”, ông Biden nói, kêu gọi một sự thỏa hiệp.
Tuy nhiên ý tưởng đồng thuận từ phía cựu Tổng thống Trump là khó khăn. Vài tháng trước, ông Trump nói rằng nếu thắng cuộc bầu cử tháng 11, ông sẽ trở thành “nhà độc tài trong một ngày”, với lý do nhập cư là mục tiêu chính của ông.
Tại Eagle Pass, hôm 29/2, cựu Tổng thống Trump đã nhắc đến vụ sát hại Laken Riley để đổ lỗi vấn đề nhập cư cho chính quyền ông Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang quan tâm đến vấn đề nhập cư – một chủ đề nóng, có tác động quan trọng tới cuộc bầu cử vào tháng 11. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, bà Vanessa Cárdenas, giám đốc điều hành của America’s Voice, một tổ chức hỗ trợ người nhập cư, nói với rằng “cách thức mà Đảng Cộng hòa, do Donald Trump lãnh đạo, đang sử dụng sự kiện bi thảm này (vụ sát hại Riley) để thu lợi chính trị, là đáng sợ.”
“Đó là sự phân biệt chủng tộc mang tính chiến lược; một chiến thuật quen thuộc từ một cuốn sách quen thuộc với mục đích duy nhất là biến thảm kịch này thành thức ăn cho mục tiêu chính trị và tường thuật rằng người di cư và người xin tị nạn là những mối đe dọa nguy hiểm khi sự thật chứng minh điều ngược lại. Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, sự thật rất rõ ràng: người nhập cư có tỷ lệ tội phạm thấp hơn phần dân số còn lại”, bà Vanessa nhấn mạnh.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump vẫn sẵn sàng đẩy chiến lược đó đến giới hạn để lấy lòng cử tri. Ông nói ở Eagle Pass: “Họ đến từ các nhà tù, họ đến từ các viện tâm thần, họ đến từ các nhà thương điên và họ là những kẻ khủng bố… Nước Mỹ đang bị tàn phá bởi tội phạm di cư của ông Biden. Đó là một hình thức vi phạm xấu xa mới đối với đất nước chúng ta”.
“Đây giống như một cuộc chiến”, ông Trump tuyên bố. Tất nhiên, đó là một cuộc chiến chính trị, trong năm bầu cử quan trọng của nước Mỹ.
Nga cảnh báo các nước Bắc Âu không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ
Theo Bộ Ngoại giao Nga, những địa điểm như vậy sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp trong một cuộc xung đột trực tiếp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS/TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các cơ sở ở Bắc Âu chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moskva và NATO, theo kênh RT (Nga).
Bình luận trên của bà Zakharova được đưa ra khi Tổng thống mới đắc cử của Phần Lan Alexander Stubb gần đây cho rằng tư cách thành viên NATO mang lại cho nước này một "khả năng răn đe hạt nhân thực sự" dưới dạng tên lửa của Mỹ.
"Bạn không cần phải là một nhà hoạch định quân sự mới hiểu rằng những cơ sở như vậy sẽ là nguồn đe dọa trực tiếp và tất nhiên chắc chắn sẽ được đưa vào danh sách các mục tiêu hợp pháp được xác định theo kịch bản xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO", bà Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo ở Sochi ngày 6/3, khi nói về tuyên bố của ông Stubb.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm: "Chúng tôi hiểu rằng đây chính xác là điều mà Mỹ và các vệ tinh của nước này đang thúc đẩy" và lưu ý rằng trái với mong đợi của một số quan chức cấp cao, việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ làm xấu đi an ninh của các nước sở tại, thay vì củng cố an ninh.
Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, đã trở thành thành viên mới của NATO vào tháng 4 năm ngoái. Tổng thống Stubb, người mới nhậm chức vào tháng này, cho biết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ sẵn sàng cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ được vận chuyển qua - nhưng không được lưu trữ trên - lãnh thổ Phần Lan, gọi những vũ khí hủy diệt hàng loạt này là "sự đảm bảo cho hòa bình".
Ông Stubb đã nhắc lại lập trường này ngay sau khi nhậm chức. Nhưng luật pháp hiện hành của quốc gia Bắc Âu này cấm lưu trữ và vận chuyển vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, vào tháng 12 vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã ký một thỏa thuận quân sự với Washington, cho phép Mỹ tiếp cận không hạn chế tới 15 cơ sở trên lãnh thổ của mình để lưu trữ thiết bị quân sự và đạn dược.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ Nga. Bà Zakharova đã chỉ ra vào thời điểm đó rằng thỏa thuận quốc phòng về cơ bản mang lại cho Washington quyền kiểm soát toàn bộ Bắc Âu. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết chính quyền Phần Lan hiện tại phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc chuyển từ quan hệ láng giềng sang đối đầu.
Cũng trong ngày 6/3, Điện Kremlin đã nêu các điều kiện mà Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh các nguyên tắc trong chính sách hạt nhân của Moskva.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov nói: "Mọi thứ liên quan đến vũ khí hạt nhân đều được quy định trong học thuyết hạt nhân của chúng tôi. Nếu có điều gì đó đe dọa sự tồn vong của Nga, thì vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng", lưu ý thêm rằng ngoài điều này, việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể.
Theo ông Peskov, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các nước vùng Baltic đã tăng cường luận điệu chống Nga và Belarus. Tình hình ở biên giới phía Tây và phía Nam của Belarus vẫn căng thẳng và sự hiện diện quân sự của lực lượng NATO trong khu vực không ngừng gia tăng. Trong những điều kiện này, Belarus và Nga đã triển khai một đơn vị quân sự chung cấp khu vực và Moskva bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.
Tỷ phú Elon Musk tuyên bố không tài trợ cho cả hai ứng viên Trump-Biden Sau những tin đồn có thể dồn lực tài chính cho ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, mới đây, Giám đốc điều hành Tesla, tỷ phú Elon Musk khẳng định sẽ không quyên tiền cho cả ứng viên tranh cử đảng Cộng hòa Trump lẫn ứng viên đảng Dân chủ là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Tỷ phú Elon...