Đường sắt Việt Nam: Độc quyền nên trì trệ?
Gần 10 năm trước, Quốc hội quyết định tách ngành đường sắt: Hạ tầng riêng với vận tải để có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ vẫn là một khối bùng nhùng, tạo điều kiện cho tiêu cực len lỏi.
Hơn 120 năm, ngành đường sắt Việt Nam không có nhiều đổi thay: Cao điểm mua vé tàu như thờibao cấp, đắt đỏ; hạ tầng lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường… Gần 10 năm trước, Quốc hội quyết định tách ngành đường sắt: Hạ tầng riêng với vận tải để có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ vẫn là một khối bùng nhùng, tạo điều kiện cho tiêu cực len lỏi.
Việc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam nắm các khâu (hạ tầng và vận tải) được cho là một mình một chiếu, dễ dẫn đến tiêu cực. Khi xảy ra sự cố, không cá nhân tập thể nào chịu trách nhiệm …
Phải “tách” mới ngăn được tiêu cực
Tiến sỹ giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, ông rất ngạc nhiên khi biết Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) mới đây công bố đạt lợi nhuận 170 tỷ đồng trong năm 2013. Ông Thủy cho rằng, một năm ngân sách cấp cho ngành đường sắt 2.000 tỷ để duy tu bảo dưỡng đường, chưa kể xây dựng các công trình lớn. Trong khi đó, năm 2013, ngành này chỉ nộp về cho ngân sách 1.000 tỷ. “Tính tổng thể, phải gọi là lỗ nặng chứ không thể lãi” – tiến sỹ Thủy nói.
Ngành đường sắt “ôm” cả hạ tầng và vận tải để làm gì?. Ảnh: Hồng Vĩnh
Phân tích thêm về công tác quản lý duy tu bảo dưỡng hạ tầng ở Tổng Cty ĐSVN, một chuyên gia về đầu tư xây dựng cho rằng: Việc nhà nước cấp một khoản kinh phí cho Tổng Cty ĐSVN rồi đơn vị này phân bổ cho các công ty con duy tu bảo dưỡng đường dễ nảy sinh tiêu cực.
“Nếu tiền được rót thẳng, không qua đấu thầu thì làm sao xác định được đơn giá chính xác để thay một tà vẹt hay đắp thêm một khối đá. Lúc đó sẽ phát sinh ra việc trích phần trăm hoa hồng giữa các lãnh đạo…” – vị này nói.
Vì thế, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, bước tiếp theo của Bộ GTVT sau khi tách khối hạ tầng khỏi đường sắt (nhưng Tổng Cty ĐSVN còn chần chừ) là sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu chọn đơn vị tham gia bảo dưỡng khai thác hạ tầng như đang làm với đường bộ.
Ở khối vận tải cũng bộc lộ những dấu hiệu tiêu cực từ sự độc quyền trong mô hình quản lý. Cuối năm 2013, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có tới 24 doanh nghiệp tham gia thuê toa xe của Tổng Cty ĐSVN, riêng tuyến Hà Nội – Lào Cai, số toa xe cho thuê là 67/76 toa.
Video đang HOT
Các toa xe xã hội hóa này có giá vé cao (doanh nghiệp tự đặt ra giá dịch vụ ngoài vé tàu) nên tạo ra bức xúc trong dư luận ở những thời gian cao điểm đi lại. Tuy nhiên, việc thuê toa xe không theo tiêu chí rõ ràng. Thậm chí có doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh vận tải đường sắt cũng thuê toa xe.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cho tư nhân thuê toa xe như vậy là cách lấy tài sản của nhà nước (toa xe) làm giàu cho một số cá nhân. Các cá nhân này có thể là công ty sân sau của lãnh đạo tổng công ty này. Điều này không những làm thất thu ngân sách mà tạo bức xúc trong xã hội.
“Một mớ hỗn loạn”
Lý do được các thế hệ lãnh đạo của tổng công ty này (thậm chí cả lãnh đạo đương chức) muốn trì hoãn việc tách các khối này là khó có sự chỉ đạo thống nhất khi xảy ra sự cố đường sắt, dễ gây rối loạn trong điều hành.
Cầu Long Biên do Tổng Cty ĐSVN bảo trì với kinh phí 7 tỷ đồng/năm. Ảnh: Sỹ Lực
Về điểm này, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Sau khi tách thành khối vận tải, điều hành chạy tàu và hạ tầng, Tổng Cty Đường sắt hiện nay chỉ giữ vai trò là doanh nghiệp quản lý khai thác hạ tầng. Khi một đoàn tàu hoạt động, doanh nghiệp sở hữu đoàn tàu sẽ ký hợp đồng với đơn vị có hạ tầng và điều độ. Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra chậm trễ trong chạy tàu hay sự cố, chỉ cần căn cứ theo hợp đồng để quy trách nhiệm.
“Các bên ký kết hợp đồng với nhau. Bên nào sai, người đó chịu trách nhiệm; không phân xử được thì đưa ra tòa. Bây giờ, dù tổng công ty này có quyết liệt làm, cũng như múa tay trong bị không ai giám sát được. Khi xảy ra sự cố, trách nhiệm như một mớ hỗn loạn, không thể quy được cho ai” – ông Hùng nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tách bạch giữa hạ tầng và kinh doanh là xu thế của nhiều ngành và được triển khai từ lâu trên thế giới. Trong nước, hàng không, đường bộ, đường thuỷ hay hàng hải đều vận hành như vậy nên đường sắt cũng cần nhanh chóng thực hiện. “Trên tàu, khách ngồi cả hành lang, trước cửa nhà vệ sinh đến nỗi muốn đi vệ sinh cũng không được. Lỗi là của ngành đường sắt, nhưng họ vừa đá bóng, vừa thổi còi làm sao tự xử lý được” – TS Doanh nói.
Trong bài phát biểu mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cũng như hàng không, việc tách hạ tầng và vận tải sẽ làm đường sắt tốt hơn. Cùng với cổ phần hóa, sự tham gia của tư nhân, đây là con đường ngắn nhất để chấm dứt việc nấu canh bằng nước lã, dịch vụ kém chất lượng. “Cứ thử tách ra xem có rối loạn không? Rối loạn hay không là do ta tự nghĩ” – ông Thăng nói.
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Đường sắt trì trệ vì lãnh đạo khoái... chơi golf
Trước thông tin ngành Đường sắt đang trì trệ, nhưng số lãnh đạo chơi golf nhiều hơn các lĩnh vực khác, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa chỉ đạo làm rõ...
Hạ tầng, dịch vụ ngành Đường sắt xuống cấp; ngay cả việc xây dựng cầu vượt bộ hành trong ga cũng để lãnh đạo Bộ GTVT "cầm tay chỉ việc". Ảnh: Sỹ Lực
Công nhân không việc, cán bộ thích chơi golf
Trong một cuộc họp công khai mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng gay gắt đề cập đến việc nhiều lãnh đạo trong Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tham gia chơi golf. "Có người báo cáo rằng, số cán bộ của Tổng Cty ĐSVN chơi golf nhiều hơn cả ngành hàng không" - ông Thăng nói.
"Tiếng tăm" về mức độ chơi golf ở tổng công ty này lan rộng đến mức, không ít cán bộ trong Bộ GTVT cho rằng, ngoài cấp tổng công ty, lãnh đạo các công ty con, cấp xí nghiệp cũng tham gia chơi môn thể thao vừa mất thời gian, lại tốn tiền bạc. "Nếu tổ chức giải golf riêng của Tổng Cty ĐSVN ít nhất phải tốn 3 ngày" - một vị lãnh đạo cấp cục thuộc Bộ GTVT hé lộ.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Thăng cho rằng: "Đánh golf là quyền của mọi người. Tuy nhiên nếu trách nhiệm được giao không hoàn thành thì cần phải xem xét lại. Bản thân môn golf không có gì xấu, nhưng cán bộ quá sa đà thì không được. Công nhân thu nhập thấp, không có việc; còn bao nhiêu việc phải làm mà lãnh đạo đi chơi golf làm sao chấp nhận được".
Ngành đường sắt là một trong những tâm điểm chỉ trích và cấp bách đòi hỏi đổi mới của Bộ GTVT hiện nay (đến mức lãnh đạo đơn vị này tuyên bố, năm 2014 nếu không đổi mới được sẽ từ chức).
Thậm chí, người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, tổng công ty đang tự coi mình như "bộ đường sắt" như "con voi" nên rất khó xoay xở. Vì thế, mới đây Bộ trưởng Thăng giao những việc rất cụ thể cho ngành này gồm: Tập trung khắc phục phương thức bán vé lỗi thời; giá vé tàu đắt hơn máy bay giá rẻ; cách thức phục vụ trên tàu luộm thuộm, gối chăn chưa sạch; đồ ăn trên tàu đắt, chưa ngon; nhà ga hôi hám; tàu xả thẳng phân ra đường ray; trước mắt đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa...
"Về luật, không thể cấm chơi golf, nhưng lương tâm người cán bộ không nên. Công nhân không có việc làm, thu nhập thấp sao lãnh đạo lại chơi golf một cách thản nhiên, phổ biến như vậy? Muốn xây dựng một quy trình làm việc hiện đại nhất, khoa học nhất phải xuất phát từ trái tim, từ lương tâm trách nhiệm" - Bộ trưởng Thăng nói. Ông Thăng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc chơi golf tại tổng công ty này.
Golf là "ma Túy xanh"
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Tổng GĐ Tổng Cty ĐSVN (vừa về hưu), một người chơi golf lâu năm và hiện vẫn tham gia môn thể thao này cho biết: Hiện, toàn tổng công ty có khoảng 20 người biết chơi golf; trong 7 lãnh đạo tổng công ty có 3 người tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, mức độ tốn kém tiền bạc và thời gian của golf phụ thuộc vào cách chơi."Có những bộ gậy hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng một bộ đánh được của Trung Quốc chỉ 5-6 triệu đồng.
Quần áo, giày đánh golf vài trăm nghìn cũng có. Giá chơi golf có thể 100 - 150 USD/trận, nhưng có những sân ở xa, không được bảo dưỡng thường xuyên cũng chỉ 20 USD/trận. Nếu biết cách lựa chọn, golf còn rẻ hơn tennis. Thời gian chơi một trận hết khoảng 1 buổi, đem lại sức khỏe, không phải tốn tiền chữa bệnh, có thêm tinh thần để làm việc" - ông Bằng nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ Bộ trưởng Thăng. Ông Trần Thế Hùng, Tổng GĐ Cty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường Sắt (RATRACO, thuộc Tổng Cty ĐSVN) cho biết, cũng từng tham gia tập và chơi golf.
"Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với chủ trương của bộ trưởng. Trong điều kiện ngành còn khó khăn, nhiều việc nên tôi không còn chơi golf nữa để tập trung vào công việc". Còn ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty ĐSVN cho biết, chưa từng cầm đến gậy golf, chưa biết sân golf hình thù ra sao.
"Hiện nay, mỗi ngày, tôi làm việc từ 6h sáng đến 7-8h tối nên không có thời gian nghĩ đến golf. Tôi đã có xe riêng từ hàng chục năm nay, tự lái nên chưa từng dùng xe công cho việc riêng của gia đình, dù là nửa mét" - ông Thành khẳng định.
Về việc "quản" cán bộ cấp dưới chơi golf, ông Thành nói: "Tôi có nghe nói, golf như một thứ "ma túy xanh", nhưng theo quy định pháp luật hiện nay, không thể cấm được cán bộ, công chức chơi golf. Tôi khuyến khích mọi người, trong khi ngành còn nhiều việc phải làm phải tập trung ý chí, sức lực vào công việc, thậm chí là ngoài giờ cần nghiên cứu thêm" -ông Thành nói.
Vị Chủ tịch Hội đồng thành viên này quả quyết: "Nếu bất cứ ai phát hiện cán bộ của tổng công ty sử dụng xe công đi chơi golf, chỉ cần báo biển số xe sẽ xử lý ngay. Nếu phát hiện bất cứ lãnh đạo nào của ngành chơi golf trong giờ hành chính, dù là bất cứ ai, tôi cũng sẽ xử lý nghiêm khắc".
Tổng doanh thu của Tổng Cty ĐSVN năm 2013 đạt 11.322,9 tỷ đồng, lợi nhuận 170 tỷ đồng. Hiện, tổng công ty có 40.000 nhân viên, với mức thu nhập khá thấp. Có chuyên gia kinh tế từng đánh giá: "ĐSVN đang trong tình trạng lạc hậu so với thế giới; năng lực vận chuyển hạn chế, tính cạnh tranh thấp; nguy cơ mất an toàn trong khai thác cao; tổ chức quản lý còn bất cập mà nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng lạc hậu".
Theo Xahoi
Lời xin lỗi thiết thực nhất là truy cứu được trách nhiệm vụ đứt cầu treo "Vụ đứt cầu treo Chu Va 6, sai phạm rất nghiêm trọng, gây mất niềm tin với cơ quan quản lý nhà nước. Xác định rõ nguyên nhân để truy cứu trách nhiệm các cá nhân là lời xin lỗi thiết thực nhất đối với người dân" - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định...