Đường sắt tốc độ cao đi qua những địa phương nào ở Hà Tĩnh?
Bộ GTVT làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để xin ý kiến về hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Sáng 31/7, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã có buổi làm việc ở UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh để xin ý kiến về hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Trao đổi với đoàn làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được Liên danh tư vấn Việt Nam – Nhật Bản (VJC) lập báo cáo đầu tư dự án với tên gọi là đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh từ năm 2010. Báo cáo đầu tư dự án cũng đã được trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư nhưng chưa được chấp thuận.
Đến năm 2013, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ( JICA) đã hỗ trợ kỹ thuật để lập dự án đường sắt tốc độ cao cho các đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang.
Trước những nhu cầu cấp thiết về việc đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi hướng tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2019.
Tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2017, Bộ GTVT đã lựa chọn tư vấn trong nước mà cụ thể là Liên danh Tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài nghiên cứu, làm cơ sở để Bộ GTVT làm việc với các bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để hoàn thiện báo cáo dự án trước khi trình lên Chính phủ.
Video đang HOT
Theo nghiên cứu của VJC năm 2010, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh dài 102km, có điểm đầu tiếp giáp với địa phận tỉnh Nghệ An. Tuyến vượt sông Lam sang TX. Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà, đi vào trung tâm TP. Hà Tĩnh, về phía tây QL1 và tiếp cận ga Hà Tĩnh. Tuyến chạy cơ bản song song với QL1, cách khoảng 0,5 – 1km về phía Tây, qua huyện Cẩm Xuyên. Đến đầu TX. Kỳ Anh tuyến vượt qua QL1 và đi vào khu kinh tế Vũng Áng sau đó vượt đèo Ngang sang địa phận tỉnh Quảng Bình. Ga Hà Tĩnh đặt cách Trung tâm TP. Hà Tĩnh khoảng 1,1km về phía Tây thuộc địa phận phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh. Ga Vũng Áng đặt tại khu vực phía Tây Bắc của khu kinh tế Vũng Áng thuộc địa phận xã Kỳ Hưng, TX. Kỳ Anh.
Đại diện Liên danh Tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS trình bày lại những điều chỉnh mới nhất hướng tuyến, nhà ga đoạn qua Hà Tĩnh
Từ báo cáo dự án của VJC, JICA Nhật Bản trước đây và căn cứ theo quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ GTVT, Liên danh Tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS đã có nhiều lần làm việc với UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương tỉnh Hà Tĩnh để có những điều chỉnh hướng tuyến, nhà ga cho phù hợp nhất.
Tiếp thu những ý kiến của đại diện UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương tỉnh Hà Tĩnh trong các cuộc làm việc trước đây, liên danh tư vấn đã có những điều chỉnh về hướng tuyến, nhà ga của dự án. Tại buổi làm việc hôm nay (31/7), đại diện Liên danh Tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS đã trình bày những điều chỉnh mới nhất về hướng tuyến ở các đoạn qua TX. Hồng Lĩnh, TP. Hà Tĩnh, TX. Kỳ Anh… và 2 nhà ga Hà Tĩnh và ga Vũng Áng.
Sau khi lắng nghe những điều chỉnh mới nhất mà liên danh tư vấn đã trình bày, đại diện UBND tỉnh; các sở, ngành và địa phương Hà Tĩnh – nơi có dự án đi qua cơ bản nhất trí với những điều chỉnh mới. Các đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn dự án sớm được thông qua và đưa vào đầu tư để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như tạo điều kiện để địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc nghiên cứu hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
“Bộ tiếp thu những ý kiến của UBND tỉnh; các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh. Việc điều chỉnh hướng tuyến, nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh sẽ được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở những đề xuất của các đại biểu và quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Sỹ Hòa
Theo baogiaothong
Thứ trưởng Bộ GTVT: Giữ nguyên BOT Cai Lậy, giảm phí là 'ưu việt'
Thủ tướng giao Bộ Giao thông chọn một trong hai phương án "giữ nguyên trạm, giảm phí" hoặc "đặt thêm trạm ở tuyến tránh".
Tại cuộc họp báo chiều 3.4, trả lời câu hỏi của VnExpress về việc Chính phủ đã chốt xử lý trạm BOT Cai Lậy theo phương án nào, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án khác nhau, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, lượng hoá giá trị, thời gian thu phí bao lâu...
Tài xế tranh cãi với nhân viên BOT Cai Lậy về giá vé qua trạm thu phí. Ảnh: Nguyễn Thành.
"Ngày 23.4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp về nội dung này, đánh giá cao các phương án Bộ Giao thông đã trình, giao Bộ phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quyết định thời điểm tổ chức thu giá", ông Đông cho hay.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông lựa chọn một trong hai phương án Bộ đã trình. Thứ nhất, giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu cao, đồng thời tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm (giảm khoảng 30%, phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận khoảng 10 km.
"Đây được đánh giá là phương án ít tác động nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy, ít tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trưởng", Thứ trưởng Giao thông nhận định.
Phương án hai, đặt thêm một trạm nữa trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm; khi hoàn vốn phần tiền đã đầu tư cho trạm trên quốc lộ 1 thì dỡ trạm, hoàn vốn của tuyến tránh thì kết thúc toàn bộ dự án.
Theo ông Đông, phương án này sẽ giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng, nhưng lại phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới. Đồng thời, phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi qua quốc lộ 1 do mức giá ở đây thấp hơn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy.
"So sánh thì thấy phương án một ưu việt hơn. Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang để tính toán chi tiết các vấn đề đặt ra", Thứ trưởng Giao thông cho hay.
Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1, khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Trạm hoạt động từ ngày 1.8.2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí và yêu cầu di dời về tuyến tránh nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm. Bộ Giao thông nhiều lần khẳng định vị trí trạm thu phí là hợp lý, được các ngành, địa phương đồng thuận. Cuối năm 2017, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông trình phương án xử lý.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress)
Sau vụ xe cứu hỏa bị đâm trên cao tốc: Bộ GTVT sẽ sửa đổi luật? Tại buổi họp giao ban báo chí quý I mới đây, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ đang lấy ý kiến dự thảo luật có quy định quyền ưu tiên của xe cứu hộ trên đường cao tốc. Giải đáp những ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sau vụ tai nạn giữa xe khách...