Đường sạt sâu, nhà lung lay chờ sập sau mưa lũ lịch sử
Nước lũ rút dần để lộ ra những đoạn đường sạt lở, ngập trong bùn đất, hàng trăm ngôi nhà nằm trên miệng tử thần, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Ngày 29/7, Quảng Ninh chưa dứt mưa. Nước từ trên núi chảy thành thác nhỏ cuốn theo đất đá phủ kín vườn tược nhà dân tại Cửa Ông, TP Cẩm Phả. Trước đó, từ 25 đến 28/7, mưa lũ với lưu lượng nhiều nơi đến 600 mm, thậm chí 800 mm khiến địa phương bị thiệt hại nặng nề: 18 người chết do lũ cuốn, 6 ngư dân mất tích, nhiều ngôi nhà đổ sập.
Quốc lộ 18A, tuyến huyết mạch nối Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương và Quảng Ninh, đoạn qua Cẩm Phả ngập sâu ở nhiều chỗ, nhiều đoạn bị đất đá từ trên đồi núi tràn xuống che lấp. Chiều 28/7, máy xúc được huy động để giải tỏa những khối đất đá, cho xe cộ lưu thông.
Để tránh dốc Đèo Bụt trên quốc lộ 18A bị hư hỏng, các phương tiện đi vào đường vành đai phía Bắc chạy qua huyện Hoành Bồ nối Hạ Long với Cẩm Phả. Tuy nhiên, núi sạt đã gây ách tắc giao thông cục bộ.
Địa hình bán sơn địa, một bên dốc đứng, một bên là biển, mưa lớn kéo đất trượt xuống, để lại trên đường đi những tảng đá lớn, có thể rơi xuống người và phương tiện bên dưới bất cứ lúc nào.
Đường vành đai phía Bắc chạy qua huyện Hoành Bồ, đoạn đối diện nghĩa trang An Lạc Viên, bị sạt hơn 10 m, đúng tại vực sâu gần 20 m.
Video đang HOT
Một ngôi nhà bị xóa sổ vì núi sạt tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long.
Công trình dân sinh của gia đình bà Oanh, tổ 8, khu 5, phường Hà Tu, TP Hạ Long cũng bị phá hủy. Một hộ bên cạnh có nguy cơ đổ sập.
Chiếc xe đạp trẻ em cùng nhiều vật dụng gia đình nằm bên sườn núi.
Sạt núi cũng chính là nguyên nhân khiến 3 ngôi nhà cấp bốn của đại gia đình bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi) nằm giữa ngọn đồi khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long bị đánh sập hoàn toàn. 8 người trong gia đình đã chết, người còn lại bị chấn thương sọ não.
Hệ thống cống thoát nước đầu đường rẽ vào khu 4, phường Cao Thắng bị sức nước phá vỡ bung, làm lộ ra nhiều đường cáp. Mấy hôm nay, điện, nước dân sinh của thành phố bị gián đoạn.
Đường ống của nhà máy nước Diễn Vọng, cung cấp nước cho TP Hạ Long và Cẩm Phả bị vỡ do đất đá sạt chưa được khắc phục, khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn. Nhiều người dân phường Hà Tu bị nước dâng cao lưng nhà mang chăn màn, quần áo đến tiệm giặt. Nhưng mất nước kèm mất điện khiến cơ sở này cũng bó tay.
Bên trong chợ Cầu Ngầm, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, gian hàng của 150 tiểu thương bị phá hủy. Quảng Ninh đang gồng sức khắc phục hậu quả đợt mưa lũ được đánh giá là lớn nhất trong 40 năm qua. Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh đã phát động phong trào ủng hộ đồng bào bị thiệt hại.
Giang Chinh – Minh Cương
Theo VNE
Mưa to Quảng Ninh: 10 người thiệt mạng, thành phố trong biển nước
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều nay trên địa bàn tòan tỉnh đã có 10 người thiệt mạng do các cơn mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ngập sâu trong nước kể từ tối 26.7.
Trưa nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn ngập lụt nghiêm trọng, có nơi đường lẫn với hồ ao rất nguy hiểm - Ảnh Linh Linh
Tại TP. Hạ Long, các lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được 5 nạn nhân chết trong vụ đất đá làm sập ba ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thược, ở phường Cao Thắng, trong khi các nạn nhân còn lại vẫn đang được tìm kiếm.
Chiều cùng ngày, cũng tại phường Cao Thắng lại có thêm một người chết cũng do sạt lở đất đá. Nạn nhân là ông Đặng Văn Giới (74 tuổi).
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, từ sáng tới chiều tối nay, bệnh viện này đã cấp cứu 9 nạn nhân đều bị thương do sạt lở đất đá gây ra. Một số nạn nhân đã phải mổ cấp cứu, hiện các nạn nhân đã dần ổn định.
Trên địa bàn thành phố Hạ Long nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt rất sâu như các phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy
Tại TP. Cẩm Phả, các phường Quang Hanh, Mông Dương và Cửa Ông vẫn bị chia cắt, ngập lụt.
Đường ống cấp nước sạch cho TP. Cẩm Phả và TP Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng đã bị mưa lũ làm đứt gẫy, việc khắc phục sẽ còn chậm trễ kéo dài do mưa lũ vẫn phức tạp.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, chiều nay lượng mưa đã giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều tuyến đường bị ngập lụt dẫn đến giao thông bị chia cắt như: ngã ba đường mới (phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long), Đèo Bụt (TP. Cẩm Phả), đường bao biển (Bãi Cháy), khu chân cầu Bãi Cháy... có đoạn nước vẫn ngập sâu hàng mét.
Nhiều tuyến đường lầy lội do đất bùn tràn từ trên núi xuống khiến giao thông rất khó khăn. Nhiều hộ dân bị nhà bị sạt lở phải đi ở nhờ. Một số hộ dân tại khu Lán Bè, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long, do đất đá phía sau nhà sạt lở tràn cả vào nhà nên phải dựng lều bạt ra vỉa hè trú tạm.
Chiều 28.7, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ đã đi kiểm tra tình hình mưa lụt, động viên, thăm hỏi người dân tổ 69, khu 9, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) đây là nơi có 300 hộ dân bị ngập lụt.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, tại huyện Vân Đồn có 2 thôn tại đảo Bản Sen bị cô lập, sập đổ 2 nhà cấp 4 của dân tại Xã Ngọc Vừng. Toàn tỉnh có khoảng 100 ha lúa non mới cấy đã bị ngập úng, hư hỏng 880 lồng bè nuôi trồng thủy sản, ước thiệt hại 88 tỷ đồng. Tại huyện đảo Cô Tô, có 6 tuyến đường, 2 tuyến kè bờ biển bị sạt...
Ước tính tổng thiệt hại từ ngày 26 đến nay khoảng trên 1.000 tỉ đồng.
Linh Linh
Theo Thanhnien
Quảng Ninh lại mưa lớn, thêm 2 người chết, 6 người bị vùi lấp Đại tá Nguyễn Duy Tấn, Trưởng công an TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sáng nay 28.7, cho biết trận mưa lớn vào đêm qua khiến đất đá từ trên đồi tràn xuống vùi lấp 3 căn nhà của một hộ dân tại tổ 4, phường Cao Thắng, TP. Hạ Long, làm 2 người chết, 6 người bị vùi lấp. Nhà trọ tại...