Đường phố Hà Nội trước và sau chặt hạ cây xanh
Hàng trăm cây cổ thụ, tán rộng, rợp bóng bị chặt hạ, thay thế bởi những cây mới và những dự án đô thị, khiến phố phường thời gian này thiếu vắng màu xanh.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp có chỗ không có hoặc đạt dưới 50 cây/km. Hệ thống cây xanh chưa phát huy được tầm quan trọng trong hệ sinh thái môi trường như tạo không gian xanh trong cuộc sống đô thị, giảm nhiệt độ không khí, tăng độ ẩm, chống ồn, chống bụi. Tuy nhiên, để phục vụ cho phát triển và cảnh quan đô thị, hàng nghìn cây xanh ở thủ đô phải chặt hạ chỉ trong thời gian ngắn.
Để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và người tham gia giao thông, thành phố cho phép chặt gần 400 cây xà cừ và nhiều cây xanh khác trên tuyến đường này.
Những cây này phần lớn có đường lớn, đến 0,9 m và cao hơn 20 m, khu vực dải phân cách được san lấp để mở đường phục vụ dự án. Hàng cây xanh với hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát, kéo dài vài km trên đường Nguyễn Trãi, Hà Đông.. chỉ còn trong ký ức.
Hàng xà cừ ven sông Tô Lịch trên đường Láng với gần 30 cây to cỡ hai người ôm ở dải phân cách giữa cũng bị chặt bỏ để phục vụ xây dựng nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Video đang HOT
Theo thống kê, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Số lượng cây trồng khoảng 50.000 cây trong đó xà cừ chiếm 1/10. Loài cây truyền thống này của Hà Nội được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. Tuy nhiên nhược điểm của xà cừ là cây rễ chùm bám đất rất nông, ăn nổi gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ bị đổ khi gặp mưa bão nếu rễ cây bị xâm hại do quá trình thi công của con người.
Để phục vụ tuyến metro đầu tiên ở thủ đô, hàng trăm cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ được trồng cách đây vài chục năm trên đường Tây Tựu (đường 70) cạnh khu nhà ga chính (depot) của tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội.
Theo kế hoạch, số cây phải chặt hạ để thi công tuyến đường này là hơn 300, trong đó có hơn 100 cây xà cừ. Đến nay, số cây này đã được đánh chuyển và trở thành công trường thi công tuyến đường sắt đô thị.
Đoạn đường Kim Mã, cạnh cổng công viên Thủ Lệ cũng nằm trong diện phải chặt hạ cây, giải phóng mặt bằng để phục vụ tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội. Hiện nay dù nhiều đoạn vẫn chưa được thi công nhưng hàng cây xà cừ với tán rộng che kín đường Kim Mã đã bị đốn hạ.
Mới đây nhất, hàng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh, một trong những con đường được bình chọn là đẹp nhất thủ đô, cũng bị chặt hạ để thay thế bằng cây hợp chuẩn đô thị trong đề án thay thế 6.700 cây do Sở Xây dựng khởi xướng.
Hàng hoa sữa và nhiều cây khác trên tuyến phố này đã được thay bằng cây vàng tâm. Thân cây khá lớn, nhưng toàn bộ cành lá đã được cắt bỏ. Việc thay thế cây đang tạm dừng sau khi công luận phản ứng. Chủ tịch Hà Nội đã phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phương Sơn
Theo VNE
Hà Nội dừng chặt hạ cây xanh
Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
Quyết định trên được Chủ tịch Hà Nội đưa ra tại cuộc họp với các đơn vị liên quan sáng 20/3. Theo đó, sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay. Những cây đã hạ chuyển thì phải thay cây mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị; tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định.
Việc chặt hạ cây xanh của thành phố Hà Nội gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh:Quý Đoàn.
Ông Thảo yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát, phân loại lại tiêu chí cây, xác định đúng đối tượng cây phải bổ sung, thay thế; lập kế hoạch, lộ trình thực hiện theo phương châm từng bước; đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên, liên tục cho từng tuyến phố phải thay cây; tiếp tục kêu gọi nhà tài trợ đầu tư và triển khai tổ chức thực hiện đề án.
"Chỉ hạ chuyển những cây phải giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng theo quy hoạch, thay thế những cây mục ruỗng có nguy cơ đổ gãy, cây nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của nhân dân. Với những cây cong nghiêng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cây không đúng chủng loại đô thị thì thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước. Chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được", ông Thảo nói.
Người đứng đầu thành phố cho hay, phải tạo sự đồng thuận của xã hội thông qua việc tiếp thu ý kiến, đóng góp của nhân dân, tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên ngành để tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện. Việc bảo tồn, cải tạo, bổ sung, thay thế cây xanh trên địa bàn Thủ đô là việc làm cần thiết liên quan không chỉ đến quản lý phát triển đô thị mà còn là tâm tư tình cảm của nhân dân Thủ đô.
Thành phố Hà Nội dừng việc thay thế cây xanh để rà soát lại. Ảnh: Quý Đoàn.
Chủ tịch Hà Nội cũng hoan nghênh báo chí đã phản ánh kịp thời ý kiến dư luận. Thành phố bày tỏ mong muốn luôn nhận được đóng góp xây dựng trong thời gian tới, tất cả vì mục tiêu phát triển Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp - hiện đại.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội công bố đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị và đưa ra đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây. Kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối của người dân thủ đô.
Người dân đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây, lập trang web "6.700 người vì 6.700 cây xanh" - trong vài ngày thu hút gần 35.000 "like". Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, GS Ngô Bảo Châu cũng gửi thư ngỏ đến lãnh đạo thành phố, đặt ra nhiều câu hỏi với nhà chức trách, trong đó thắc mắc "tại sao từ trước đến nay Công ty Công viên cây xanh vẫn duy tu, bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?".
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long trước đó cho rằng, không cần hỏi dân việc thay thế cây xanh vì đó là trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước.
Võ Hải
Theo VNE
Chủ tịch Hà Nội: 'Không hề có chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh' "Việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh", Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch Hà Nội phát biểu. Sáng 19/3, tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai...