Đường ‘Nhuệ’ bảo kê dịch vụ hoả táng dưới mác làm từ thiện
Mỗi ca đưa người đi hoả táng từ Thái Bình qua Nam Định phải cống nạp cho Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) 500.000 đồng với lý do “tiền từ thiện”.
Nguyễn Xuân Đường đang bị khởi tố, tạm giam trong vụ án Cố ý gây thương tích do Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) là chủ mưu. Nhiều hoạt động mang tính chất “ xã hội đen” khác của anh ta đang được nhà chức trách làm sáng tỏ. Một trong số đó là dấu hiệu bảo kê dịch vụ hoả táng. Những ngày giữa tháng 4, Công an tỉnh Thái Bình đã làm việc với nhiều cơ sở dịch vụ về vấn đề này.
Ở huyện Vũ Thư, ông Bùi Xuân Cao (56 tuổi) làm dịch vụ hoả táng từ năm 2014 khi ở Nam Định có Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Bình. Cho hay “nói lại những điều đã trình bày với cơ quan điều tra”, ông kể năm đầu tiên, ông ký hợp đồng làm việc trực tiếp với Công ty Hoàng Long, chủ sở hữu Đài hoá thân Thanh Bình. Sau thoả thuận với gia đình có người qua đời, ông vận chuyển qua Nam Định hoả thiêu mà không phải thông qua đơn vị nào. Nhưng thời gian sau, Công ty Hoàng Long uỷ quyền cho đơn vị khác làm đại lý cấp một, phụ trách độc quyền khu vực Thái Bình với nhiệm vụ báo ca cần hoả táng về Đài hoá thân.
Năm 2017, đơn vị được uỷ quyền này bỗng “biến mất” khỏi Thái Bình sau nhiều lần bị đám thanh niên nghi là đàn em của Đường “Nhuệ” quấy rối việc làm ăn. Đầu năm 2018, Đường “Nhuệ” làm việc với ông và hơn 20 doanh nghiệp làm dịch vụ hoả táng trên địa bàn đề nghị không được làm việc trực tiếp với Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Bình. Đồng thời, Hiệp hội tang lễ Thái Bình được thành lập do Công ty Đường Dương của vợ chồng Đường “Nhuệ” khởi xướng, làm đầu mối độc quyền trung chuyển ca hoả táng từ Thái Bình qua Nam Định. Đường “Nhuệ” phân chia địa bàn làm ăn, mỗi cơ sở chỉ được hoạt động ở khu vực nhất định.
Mỗi ca đều phải báo cho đám đàn em của Đường về thời gian, địa điểm để chúng chuyển thông tin qua Đài hoá thân. “Hàng tháng, chúng tôi phải nộp cho nhóm Đường “Nhuệ” 500.000 đồng một ca, dựa vào số liệu trước đó”.
“Số tiền này Đường nói trích một phần làm quỹ hoạt động, còn lại sẽ dùng để làm từ thiện. Nhiều doanh nghiệp tỏ ý không hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận. Hơn nữa, chúng tôi chưa bao giờ được biết đã dùng số tiền này vào việc gì, từ thiện ra sao”, ông Cao nói và ước tính mỗi tháng Thái Bình có khoảng 300-350 ca hoả táng.
Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Bình. Ảnh: Phạm Dự
Chủ một cơ sở làm dịch vụ mai táng khác ở Thái Bình cho biết đã ký hợp đồng với Đài hoá thân Thanh Bình từ năm 2016, mỗi khi có ca đều phải báo với nhóm đàn em của Đường “Nhuệ”. Cuối tháng, dựa vào số liệu này để doanh nghiệp nộp cho Đường 500.000 đồng/ca. Khi họp Hiệp hội tang lễ Thái Bình, Đường yêu cầu doanh nghiệp ký văn bản viết tay với nội dung 500.000 đồng là số tiền nhờ Đường làm từ thiện.
Tất cả việc đưa người đi hoả táng phải làm theo sự chỉ dẫn của Đường “Nhuệ”. “Có trường hợp tự ý đưa người sang đài hoá thân Thanh Bình mà không “báo ca” liền bị chặn đường đe đoạ, đập xe. Người nào lén lút đưa một vài ca đi mà không báo cũng đều bị phát hiện và bắt nộp tiền”, người này nói và cho hay những điều trên cũng đã được ông trình bày với cơ quan công an.
Vợ chồng Dương Đường lúc chưa bị bắt. Ảnh: Facebook nhân vật.
Video đang HOT
Xung quanh việc bảo kê của Đường “Nhuệ”, ông Trần Đình Giao (Chủ tịch Công ty Hoàng Long) cho biết, đầu năm 2017, hoạt động của Đài hoá thân liên tục bị Đường cho đàn em quậy phá, đánh nhân viên. Việc này khiến chi nhánh tiếp nhận ở Thái Bình phải đóng cửa. Đường “Nhuệ” gặp ông đề nghị ký hợp đồng giao kèo để anh ta làm đầu mối tập hợp các ca hoả táng ở Thái Bình sau đó chuyển sang để ăn phần trăm. Ông Giao không đồng ý.
Đường “Nhuệ” quay sang ép các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng ở Hải Phòng khiến giá dịch vụ tăng lên. “Nếu người dân đưa sang Nam Định hỏa táng chỉ mất khoảng 18 km, còn đưa qua Hải Phòng tới hơn 100 km. Từ đó mà chi phí di chuyển, dịch vụ tăng lên nhiều và số tiền đó người dân phải chịu”, ông Giao nói.
Theo ông Giao, hiện cả vùng Thái Bình, Nam Định, Hà Nam chỉ có đài hoả thiêu duy nhất của ông. Thái Bình có hơn 30 cơ sở làm dịch vụ mai táng và mỗi tháng có khoảng 300 đến 350 ca chuyển sang Đài hoá thân Thanh Bình.
“Tưởng rằng mỗi ca 500.000 đồng nộp cho Đường là ít nhưng mỗi tháng anh ta thu số tiền không nhỏ trên công sức của mọi người”, ông Giao nói và cho hay mỗi ca hoả táng có giá 4,3 triệu đồng, kể cả người dân trực tiếp mang qua hay phải thông qua các cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên người dân ở Thái Bình đa số đều thông qua cơ sở để thuê quan tài, xe và các dịch vụ liên quan khác. Vì thế, tiền hoả táng do thoả thuận của hai bên.
Vụ án Đường “Nhuệ” khởi nguồn từ ngày 7/4 khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng Đường và năm đàn em để điều tra vụ án Cố ý gây thương tích với cáo buộc hành hung tài xế xe khách.
Từ việc điều tra sai phạm của vợ chồng Đường “Nhuệ”, hôm 16/4, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt bốn cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, Công an thành phố Thái Bình phục hồi điều tra vụ án Đường đánh người gây thương tích xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, sau 5 năm đình chỉ điều tra.
Trước diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra dấu hiệu “hoạt động xã hội đen” của nhóm Đường “Nhuệ”.
Phạm Dự
Cha đại gia Nguyễn Xuân Đường ở Thái Bình trải lòng về đứa con hư
Con tôi có tội đến đâu phải chịu sự trừng phạt của pháp luật đến đó. Mong pháp luật tạo điều kiện cho một cháu về chăm lo cho lũ trẻ.
Nguyện vọng của tôi chỉ có vậy, còn các cháu có tội thì các cháu phải chịu mọi phán xét của tòa, ông N. (cha của Nguyễn Xuân Đường) nói.
Ông Nguyễn Xuân N., bố đẻ của Nguyễn Xuân Đường có những phút trải lòng với PV sau khi vợ chồng con trai bị khởi tố, tạm giam.
Trong ngôi nhà riêng ở TP.Thái Bình giờ chỉ còn 2 ông bà già và 2 đứa trẻ, bố của Đường "Nhuệ" năm nay đã ngoài 80 chia sẻ với phóng viên Báo Giao thông mong muốn lớn nhất của mình.
Ông Nguyễn Xuân N. tâm sự: "Vợ chồng tôi đều đã già cả, đau yếu liên miên. Giờ 2 vợ chồng nó cùng vào đó, có mấy đứa trẻ còn quá nhỏ, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ hơn 3 tuổi, việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu rất khó khăn. Không biết xoay xở ra sao".
"Con tôi có tội đến đâu phải chịu sự trừng phạt của pháp luật đến đó. Mong pháp luật tạo điều kiện cho một cháu về chăm lo cho lũ trẻ. Nguyện vọng của tôi chỉ có vậy, còn các cháu có tội thì các cháu phải chịu mọi phán xét của tòa", ông N. nói.
Trước khi bị khởi tố, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", SN 1971, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) không chỉ nổi danh trong hoạt động buôn bán, đấu giá bất động sản, còn được nhắc đến như một đại ca khét tiếng, chuyên cho vay nặng lãi, sẵn sàng ra tay với bất cứ ai nhưng không bị cơ quan pháp luật xử lý. Đường "Nhuệ" từng đánh đập con nợ, hủy hoại tài sản; thậm chí còn thu phế cả những trường hợp người chết đi hỏa táng...
Trước đó, cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt tạm giam hai tháng về tội "cố ý gây thương tích" đối với bà Nguyễn Thị Dương, nữ "đại gia" bất động sản nổi tiếng tại tỉnh Thái Bình. Sau một ngày bị truy nã toàn quốc, Nguyễn Xuân Đường, chồng nữ đại gia, cũng bị bắt tại Hà Nam.
Không chỉ tại Thái Bình, mà ở những tỉnh lân cận, vợ chồng bà Dương được biết là những doanh nhân giàu có, đại gia bất động sản, thường xuyên tham dự các cuộc đấu giá đất, đấu thầu tài sản trên địa bàn, kinh doanh tài chính, tín dụng.
Nguyễn Thị Dương nổi tiếng về "thành tích" vung tiền khủng, chơi sang. Vợ chồng họ sẵn sàng tổ chức những cuộc chơi "ầm ĩ". Năm 2015, mừng sinh nhật tuổi 35 của vợ, người chồng đã không tiếc tay chi tiền tỉ để tổ chức sinh nhật cho vợ. Bên cạnh đó còn mời hàng loạt các ngôi sao có tên tuổi trong làng giải trí Việt đến tham dự, biểu diễn để vợ vui.
Không chỉ có vậy, tiếng tăm của cặp vợ chồng này còn nổi như cồn trên mạng xã hội. Họ thường xuyên chia sẻ những hình ảnh vui chơi xa hoa. Ngoài ra còn những hình ảnh chụp cùng các ngôi sao giải trí có tên tuổi.
Chưa dừng lại, trên trang facebook cá nhân cặp vợ chồng Dương Đường còn chia sẻ hình ảnh gặp gỡ, giao lưu với một số lãnh đạo. Mỗi bài viết của họ đăng lên đều nhận được sự khen ngợi hết lời từ anh em bạn bè, dân làm ăn...
Như tin đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích và bắt khẩn cấp bà Nguyễn Thị Dương (SN 1980 trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, TP.Thái Bình), Giám đốc công ty Bất động sản Đường Dương.
Ngoài bà Dương, có 2 người khác cũng bị khởi tố và bắt giữ.
Vụ việc khiến bà Dương bị khởi tố xuất phát từ việc gửi hàng hoá từ Thái Bình đi Hà Nội. Cụ thể, vợ chồng bà Dương gửi hàng qua 1 nhà xe, khi lên tới Hà Nội, việc giao nhận hàng giữa nhà xe với người nhận không thuận lợi.
Chiều 30/3, phụ xe đến gặp vợ chồng bà Dương nói chuyện thì bị bà Dương cho người nhốt và đánh. Hậu quả, nạn nhân bị vỡ xương hàm, dập mũi.
Người bị đánh đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan công an. Công an tỉnh Thái Bình lập tức cho điều tra xác minh.
Ngay sau đó, lực lượng công an đã bao vây, khám xét trụ sở công ty Bất động sản Đường Dương, cũng là chỗ ở, nơi làm việc của bà Dương.
Chiều 10/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cũng đã ra Quyết định truy nã Nguyễn Xuân Đường (Đường 'Nhuệ', SN 1971, chồng bị can Nguyễn Thị Dương) do bỏ trốn khỏi địa phương.
Nguyễn Xuân Đường cũng bị khởi tố để điều tra về tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Bị can này bỏ trốn ngày 10/4/2020. Tối ngày 10/4, chỉ sau ít thời gian truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Xuân Đường (hay còn gọi là Đường Nhuệ, quê Thái Bình), Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giữ được đối tượng này khi đang lẩn trốn ở Hà Nam.
Ngày 9/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích".
Trước đó, ngày 7/4, vợ của Đường là Nguyễn Thị Dương (SN 1980, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) và 2 thuộc hạ là Nguyễn Đức Mạnh (SN 1992 trú tại tổ 6, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình); Phạm Ngọc Quý (SN2003, trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Cố ý gây thương tích".
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng; mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất xã hội đen của nhóm Đường "Nhuệ".
Ngày 16/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt 4 cán bộ thuộc sở Tư pháp, TN&MT Thái Bình và phục hồi điều tra vụ án Đường "Nhuệ" cố ý gây thương tích cho người khác ngay tại trụ sở công an năm 2014, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Nhóm Đường Nhuệ đánh người: 3 điều vô lý khi tạm đình chỉ điều tra Theo một vị đại tá, nguyên lãnh đạo Công an quận ở Hà Nội, vụ Đường Nhuệ và đồng bọn bị tố cáo đánh người gây thương tích ngay tại trụ sở Công an phường ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cách đây hơn 5 năm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Bình, sau khi khởi tố...