Đường lên Trống Pá Sang
Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) mùa này đang ngập trong sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vào mùa gặt. Đó cũng là thời điểm để những người chơi ảnh, những đoàn du lịch bụi tìm đến với những cái tên như Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình… nhưng với đỉnh Trống Pá Sang không phải ai cũng biết để mà tìm tới.
Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ tại Mù Cang Chải
Nói vậy bởi con đường từ Ngã Ba Kim (thuộc xã Púng Luông) lên tới địa phận Trống Pá, một bản hẻo lánh thuộc xã Cao Phạ cũng chỉ vỏn vẹn hơn chục ki lô mét. Nhưng để lên được tới đây phải vượt qua những con dốc lởm chởm toàn đá, suối chảy tràn hết cả mặt đường, rồi lội qua những vũng bùn nuốt trọn hai bánh xe, qua những con đường đất hẹp chỉ vừa đủ một bánh xe qua. Phải mất tới gần 2 tiếng đồng hồ bạn mới chinh phục được hết con đường độc đạo dài hơn 10km, với địa thế hiểm trở, dốc cao chạm trời, không có hộ dân cư nào sinh sống ven đường và không cả sóng điện thoại này. Vào những ngày mưa gió, vách núi ở trên lúc nào cũng như trực chờ sập xuống cô lập bản Trống Pá với thế giới bên ngoài.
Video đang HOT
Nhưng, hình như càng cách biệt với bên ngoài bao nhiêu thì khung cảnh của nơi đây càng ảo diệu bấy nhiêu. Ngọn núi Trống Pá Sang cao 2.200m, đó là theo số liệu mà thiết bị GPS chúng tôi mang theo chỉ ra chứ kỳ thực địa danh này còn chưa có trên bản đồ đường bộ, đây được coi là điểm cao nhất của hai xã La Pán Tẩn và Cao Phạ. Từ đỉnh cao nhìn ra xung quanh có thể bao quát toàn bộ La Pán Tẩn, một phần Chế Cu Nha và trông sang cả Nậm Khắt và phía đèo Khau Phạ. Cảm giác đứng trên biển lúa với những lớp sóng vàng nối tiếp nhau chạy dài phía dưới thật kỳ thú và khác lạ vô cùng. Những bậc thang dát vàng bắt từ chân lên tận đỉnh những ngọn núi vốn quanh năm chìm trong mây giờ bỗng như thu nhỏ lại dưới chân người lữ khách. Phía dưới thung lũng, con suối vắt ngang qua những thửa ruộng đang tung bọt trắng xóa mang lại nguồn nước cho sự trù phú, no ấm của các bản làng.
Đến với Trống Pá Sang để cảm nhận vẻ đẹp ban sơ, ảo diệu của đất nước và để trải lòng mình với con người nơi đây. Dẫu cho cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng những cụ già, em nhỏ và người dân bạn gặp trên đường vẫn luôn nở nụ cười thân thiện chào đón khách đường xa. Rời Trống Pá Sang, trong lòng mỗi người đều mang theo một lời hứa sẽ quay lại, sẽ mang theo chút thảo thơm của người miền xuôi tới bản làng như một lời cảm ơn chân tình nhất.
Tuấn Linh
Theo ANTD
Chiều trên búng Bình Thiên
Không phải một danh thắng hay di sản, cũng chẳng phải khu du lịch sinh thái hay điểm đến hấp dẫn, búng Bình Thiên đơn giản chỉ là một ngôi làng trên hồ nước ngọt nằm ngay gần đường biên giới Campuchia, chính xác hơn thì nó nằm ở điểm giữa của ba xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, An Giang.
Nếu vô tình bạn lạc vào nơi đây, ngồi bên búng trong một chiều hoàng hôn nắng nhạt, nhìn những thánh đường cao vút in bóng mặt nước, ngắm những chiếc thuyền nghiêng dáng người con gái với chiếc khăn trùm đung đưa nhịp chèo thì hẳn buổi chiều trên búng Bình Thiên sẽ mãi là một nét thơ cho bất cứ tâm hồn nghệ sĩ nào.
Theo tiếng địa phương, búng có nghĩa là làng. Có một điều đặc biệt, ngôi làng này lại nằm trên một vùng hồ rộng như tấm gương trời mênh mông, phẳng lặng với làn nước trong xanh, nơi cộng đồng người Chăm Hồi giáo (Chăm Islam) đã cư ngụ hàng trăm năm nay. Ở đó những nét riêng, độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng và đời sống hàng ngày của họ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như thuở xưa.
Dạo trên con đường nhỏ trong búng trước giờ thánh lễ, những thiếu nữ Chăm bước nhẹ nhàng khẽ cúi đầu với chiếc khăn trùm bí ẩn, một cái ngước nhìn bất chợt, hàng lông mi cong vút với đôi mắt đen sâu thẳm trên khuôn mặt thánh thiện làm lữ khách ngẩn ngơ.
Khẽ khoát mái chèo khua nước dạo chơi trên hồ trong ánh hoàng hôn, ngắm nhìn những dáng chèo, bóng lưới quăng nhanh lấp lánh ánh vàng, búng trong chiều vàng như một thế giới hư ảo, liêu trai và huyễn hoặc, khiến người lữ khách có ghé thăm khi về rồi lòng lại cứ mãi bâng khuâng về một nơi nửa như xa xôi, nửa lại quá đỗi gần gũi này.
Diện tích mặt nước của búng Bình Thiên rộng chừng hơn 300ha về mùa khô, còn mùa nước nổi về, con số đó tăng gần gấp đôi. Từ lâu, búng Bình Thiên là nguồn sống của hàng ngàn hộ dân quanh vùng, búng mang đến cho người dân nơi đây những sản vật quen thuộc như bông điên điển, bông súng, bông sen cho tới cá linh, cá lau, cá tra... Đặc biệt hơn nữa, trong số 12 làng Chăm danh tiếng vùng thượng nguồn Cửu Long Giang thì có đến 5 làng nằm rải rác xung quanh búng Bình Thiên. Và, những xóm Chăm trù phú đặc trưng với những thánh đường cùng nhà gỗ cổ càng tô điểm thêm vẻ đẹp mơ màng, bí ẩn nơi đây.
Một điều lạ nữa là búng Bình Thiên nước trong xanh tự nhiên là vậy mà con sông Bình Di trước khi đổ về đây nước đục ngầu phù sa quanh năm. Có lẽ búng chỉ nối với sông Bình Di qua một con kênh nhỏ nhưng sự cắt nghĩa này và qua cả việc tận mắt chứng kiến của du khách thì điều này vẫn có gì đó đậm màu huyền bí, khó giải thích.
Theo ANTD
Xuôi dòng Đắk Bla Rất nhiều du khách đã từng đi dọc Tây Nguyên, từng một lần đến Kon Tum, từng thưởng thức món ăn đặc sản từ dòng Đắk Bla hiền hòa, loài cá tiến vua mang tên Anh Vũ. Nhưng chắc hẳn không có nhiều du khách biết được rằng khúc thượng nguồn của dòng Sê San hiền hòa ấy còn có một tên gọi...