Đường hoàn lương của người nghiệp ngập, cướp giật
Để có tiền đến với nàng tiên nâu, Quy đã không từ bỏ bất cứ mánh khóe gì. Cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, rạch túi ở một số tuyến đường đều có bàn tay Quy nhúng vào.
Một ngày giáp Tết Nhâm Thìn, tổ rửa xe vỉa hè của anh Nguyễn Văn Quy (48 tuổi, đường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) gồm 4-5 thành viên tất bật mỗi người một việc, từ phun nước, cọ xe, xì khô đến thu tiền… Cùng hỗ trợ còn có các áo xanh tình nguyện.
Vừa lau xe cho khách, ông chủ tiệm bảo ngày thường khách rửa không đông, anh em có thể ngồi chơi, uống nước chè và tán gẫu. Song những ngày cận Tết, khách đến nườm nượp nên phải tranh thủ kiếm tiền. Vất vả nhưng ai cũng vui vì có thêm thu nhập giúp gia đình.
Anh Quy kể, sau buổi khai trương cách đây hơn chục năm, cửa hàng chẳng có khách. “Cả tháng khách chỉ là cán bộ UBND và công an phường hay người nhà của các thành viên trong câu lạc bộ người từng đi cai nghiện. Nghĩ buồn thật đấy nhưng nhận được sự động viên của người thân và công an phường nên tôi cố gắng vượt qua mặc cảm”, anh nói.
Nguyễn Văn Quy chia sẻ những vất vả sau quá trình cai nghiện của mình. Ảnh: Thái Thịnh.
Học hết lớp 9 do kinh tế gia đình khó khăn, lương công nhân của bố mẹ không đủ nuôi 4 anh em ăn học nên Quy phải nghỉ học. 17 tuổi anh nhập ngũ và đóng quân ở tỉnh Lai Châu. Ở đây, anh được trai bản gạ gẫm hít một sản phẩm tựa thuốc lào. “Họ nói với tôi cứ hút cái này vào là có sức khỏe băng rừng vượt suối. Nghe thấy hay tôi đã gật đầu, rồi cơn nghiện ngấm vào máu lúc nào không hay”.
Cuối năm 1985, Quy xuất ngũ. Cũng kể từ đây, nam thanh niên với dáng to cao la cà khắp ngóc ngách Hà Nội để tìm bạn nghiện. Mọi đồ đạc trong gia đình anh lần lượt ra đi khi cơn thèm thuốc đến. Không công ăn việc làm, anh thường hay lui đến các sòng bạc để đánh, rồi cướp. Trong một lần thực hiện, anh bị công an bắt và phạt tù một năm về tội đánh bạc, gây rối trật tự công cộng.
Ra tù, Quy chẳng ngại làm bất cứ việc gì để có tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. “Khi chuyển sang hàng trắng, tiền tiêu lại càng tốn hơn. Nhiều đêm nằm ngủ không được đầu óc tôi cứ lởn vởn tính toán mai phải đi cướp cái gì để có tiền…”, người đàn ông 48 tuổi chia sẻ.
Video đang HOT
Hơn 10 năm chìm đắm trong nghiện ngập, năm 1993 Quy bắt đầu tự cai ở nhà. Thế nhưng cũng chỉ được một vài tháng anh lại tái nghiện. Khi đó Quy tiều tụy, da bọc lấy xương, người nổi đầy mụn nhọt. Là tên cướp, nghiện ngập có tiếng nhưng một lần thấy mẹ gạt nước mắt khóc anh đã thức tỉnh. Kế hoạch cai nghiện được đưa ra.
Mỗi lần lên cơn vật thuốc anh lại lao lên tầng 2 nhờ người khóa cửa. Bên trong anh ghì chặt mình xuống giường, cào cấu, đập phá, thậm chí lao đầu vào tường, dùng dao đâm vào tay, vào chân… để quên đi cảm giác giòi bọ đang chui trong xương tủy. Khi tỉnh dậy mò xuống nhà ăn cơm anh lại ói ra hết. Để hết thèm thuốc, anh lao vào phòng tắm dội nước lạnh cho tỉnh.
Ngày nọ nối ngày kia trong đau đớn vật vã, nửa năm sau Quy đã cai thành công. Không lâu sau đó anh quyết định lập gia đình với một phụ nữ ngoại tỉnh. “Trước khi cưới tôi cũng đã kể hết cho cô ấy nghe về quãng đời của mình chứ chẳng giấu diếm gì. Hiểu và cảm thông cô ấy cũng đã chấp nhận lời cầu hôn của tôi”, anh kể.
Những ngày đầu lấy nhau, Quy bảo kinh tế hai vợ chồng khá chật vật, đặc biệt năm 1998 khi cửa hàng làm đầu của vợ vừa mở, tiệm rửa xe máy cũng khai trương nên bao vốn tích cóp đều đổ dồn hết vào đây. Vợ chồng anh không có đồng nào về quê ngoại ăn Tết dù bố mẹ vợ giục khá nhiều.
Biết hoàn cảnh Quy khó khăn, phòng thương binh xã hội quận đã trích 500.000 đồng dưới hình thức hỗ trợ để vợ chồng anh ăn Tết. “Cầm tiền tôi và vợ ứa nước mắt. Lúc đó trong lòng tôi nghĩ phải chí thú làm ăn lương thiện để không phụ lòng các cấp đã quan tâm…”, anh kể.
Giờ cuộc sống khá hơn nhưng Quy bảo vẫn chịu khó kiếm thêm tiền bù đắp những thiệt thòi cho vợ con. “Tối 29 Tết tôi mới trang hoàng nhà cửa, ra chợ hoa Hàng Lược để mua đồ. Trong khi đó, vợ tôi vẫn tất bật chăm sóc đầu tóc cho khách hàng…”, ông chủ tiệm rửa xe vỉa hè nói.
Theo thiếu tá Hoàng Ngọc Quyết, Phó công an phường Nguyễn Trung Trực, Quy đã cai nghiện được từ nhiều năm nay. “Anh như ngày nay là cả một chặng đường khó khăn và vất vả. Quy không chỉ giúp một số anh em có công ăn việc làm mà còn đi tuyên truyền tác hại của ma túy, nâng đỡ cho nhiều anh em sau khi cai nghiện trở về địa phương”, thiếu tá Quyết cho biết.
Theo VNExpress
Mẹ Hải Bánh tin đứa con nghịch tử sẽ hoàn lương
Với linh cảm của một người mẹ, bà tin tưởng rằng, con bà - Hải Bánh - tay giang hồ cộm cán một thời, trợ thủ đắc lực của "đại ca" lừng lẫy Năm Cam rồi sẽ hoàn lương.
Hải Bánh - tay giang hồ cộm cán một thời, trợ thủ đắc lực của "đại ca" lừng lẫy Năm Cam giờ đang phải trả giá cho những món nợ đời hắn đã gây ra trong quá khứ. Còn bà, với tư cách là thân sinh của kẻ tội đồ Hải Bánh, cũng đang trả món nợ đời cho con bà. Thế nhưng, chưa một lần người mẹ đáng thương ấy quên đi "nghĩa vụ làm mẹ" của mình. Với linh cảm của một người mẹ, bà tin tưởng rằng, con bà rồi sẽ hoàn lương. Trò chuyện với chúng tôi, bà cứ nhắc đi nhắc lại: "Tôi sinh nó ra, nó ngoan ngoãn thì tôi được nhờ, nó hư, nó vấp ngã thì tôi phải đưa tay nâng nó đứng dậy. Tôi nghĩ bất cứ người mẹ nào cũng sẽ làm như tôi thôi".
Tin một ngày con sẽ hoàn lương
Trong ký ức của bà Bánh (mẹ của giang hồ Hải Bánh) thì hồi nhỏ con bà là một người hiền lành, mặt mũi sáng sủa, khôi ngô: "Tôi sinh được cả thảy mười đứa con nhưng thằng Hải là đứa giống tôi nhất. Là con trai nhưng nó sạch sẽ lắm, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp".
Bà Bánh - mẹ của giang hồ một thời Hải Bánh.
Kể từ lúc Hải đi tù, đều đặn mỗi năm hai lần bà đưa bé Vân (con gái Hải Bánh) vào thăm bố. Hành trình từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi đến Trại giam Xuân Lộc đã quen với bà đến nỗi bà có thể tả chi tiết cảnh vật và những địa danh quanh đó. Quán nước chè ngay trước cửa nhà bà, dù cố gắng nhặt nhạnh cũng chỉ được vài chục nghìn đủ để hai bà cháu sống qua ngày. Vì thế mà để đủ tiền trang trải cho chi phí ngày càng đắt đỏ và để tích cóp tiền vào thăm con trai mỗi năm hai lần, bà Bánh đã phải dành ra mấy mét vuông mặt đường để cho người ta thuê làm cửa hàng, kiếm mỗi tháng vài ba triệu.
Dù sinh ra tới mười người con nhưng bà Bánh vẫn không muốn dựa dẫm, nhờ vả đứa nào. Một tay bà nuôi dạy cháu Vân, rồi cũng một tay bà đưa nó đi thăm bố mỗi năm. Biết công lao của mẹ vô cùng lớn nên bất cứ lần nào bà vào gặp Hải Bánh trong trại giam, con trai bà cũng khóc và bảo rằng: "Con bất hiếu nên mẹ phải vất vả nhiều". Thế nên "nó chẳng bao giờ đòi hỏi việc chu cấp hằng tháng. Hai mẹ con nói chuyện bao giờ nó cũng tỏ ra vui vẻ và bảo trong này đủ cả, mẹ không phải lo lắng nhiều đâu. Tôi biết nó thiếu nhiều nhưng vì thương mẹ nên đã không dám đòi hỏi. Tôi mừng vì tính nó ngày càng đằm hơn".
Đã từng dọc ngang tung hoành, giết người không ghê tay, vậy mà cũng có những phút giây Hải Bánh thấy chùn lòng khi phải chứng kiến những cái chết vì bệnh tật của những người bạn tù khác. Nhiều lần, trước mẹ Hải Bánh không giấu được cảm giác hoang mang lo lắng "Ở đây nhiều người chết lắm mẹ ạ! Con thấy sợ lắm". Mỗi lần như thế bà Bánh lại phải động viên con phải cố gắng cải tạo thật tốt, sinh hoạt điều độ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả.
Là con thứ sáu trong gia đình có tới mười anh chị em nên tuổi thơ Hải Bánh khá cơ cực. Cả gia đình mười mấy người sống chen chúc trong một căn gác rộng chưa đầy 30m2 ở phố Hàng Cót. Hồi đó vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên bà Bánh đã phải đi buôn lậu vải bị bắt. Bà bị kết án ba năm tù và giam tại Trại giam Xuân Nguyên - Hải Phòng. Sau này khi được mãn hạn tù trở về nhà, nhìn mười đứa con thơ nằm ngủ lăn lóc dưới sàn nhà, bà đã không sao cầm được nước mắt. Chồng bà làm nghề gò hàn xích lô nên từ bé Hải đã phải phụ giúp bố những việc như gò, hàn, uốn khung. So với những anh em còn lại thì Hải là người khéo tay nhất, luôn làm bố hài lòng.
Với xã hội Hải Bánh là một gã giang hồ đáng ghê sợ. Thế nhưng trong mắt của bà Bánh, Hải lại là một đứa con biết nghĩ thương yêu và lo lắng cho bố mẹ: "Nó vẫn thường bảo với tôi là nó rất ân hận vì không thể chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già. Không những thế mà còn khiến bố mẹ phải lo lắng, đau khổ. Ông nhà tôi nghiêm khắc lắm, nó trượt dài trong tội lỗi ông ấy rất đau. Giận con thì giận nhiều lắm nhưng đứt ruột đẻ ra bỏ làm sao được. Lần đầu tiên nó đánh người bị bắt và thụ án ở Hải Dương. Ba mươi Tết ông nhà tôi đạp xe xuống Hải Dương thăm nó, trên đường đi chẳng may bị ngã, chân tay xây xát hết cả. Nhìn thấy bố như thế nó oà lên khóc và cứ day dứt mãi về chuyện đó. Cách đây vài năm ông nhà tôi mất, lo xong xuôi cho ông ấy xong tôi mới báo cho nó. Nó khóc nhiều và dặn: "Khi nào mẹ vào thăm con thì mang cho con album ảnh chụp đám tang của bố. Con chỉ mong được một lần về thắp nén nhang tạ tội với bố thôi". Nói đến đây bà Bánh bật khóc.
Dù rằng trước khi bị bắt và bị kết án chung thân trong vụ Năm Cam thì Hải Bánh đã là một tay giang hồ cộm cán. Chiến tích đầy mình và vào tù ra tội cũng nhiều. Hơn ai hết bà Bánh biết được sự trượt ngã của con mình. Nhưng có lẽ khi ấy tình yêu, sự khuyên răn của người mẹ đã không thể níu kéo những bước chân lầm lạc của Hải Bánh. Thế nên không biết bao lần bà rơi vào cảm giác tuyệt vọng vì đứa con "rạch giời rơi xuống" gây không biết bao nhiêu tội ác. Và dù thương con, yêu con đến mấy bà cũng vẫn đủ tỉnh táo để dự cảm về một tương lai xấu của con mình. Biết thế, chuẩn bị tâm lý là thế vậy mà khi nghe toà tuyên án Hải chịu hình phạt chung thân bà vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng váng và đau đớn. Bà thương con một phần thì xót đứa cháu gái mười phần, nó chỉ là một đứa trẻ mà sao cay đắng cứ dồn dập đổ xuống cuộc đời nó.
Tuy Hải Bánh đi tù và nổi tiếng khắp cả nước với những chiến tích bất hảo nhưng bà Bánh chưa bao giờ vì thế mà bị bà con cùng phố xa lánh, kỳ thị. Mọi người vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi và động viên bà. Giờ đây, nỗi niềm lớn nhất của người đàn bà đã trải qua biết bao thăng trầm, cực khổ là sợ không thể sống chờ đến ngày con mãn hạn tù. Là một người mẹ, bà mong và tin lắm rằng thằng Hải con bà rồi sẽ hoàn lương. Bởi có lần khi vào thăm con, Hải Bánh đã từng thổ lộ ước vọng hoàn lương ấy với bà, rằng "đến khi mãn hạn tù nó sẽ trở về và mở một quán cà phê nho nhỏ, sống thanh thản những năm tháng sau của cuộc đời".
Người đàn bà tần tảo một đời, nuôi mười đứa con khôn lớn bằng người. Tiếc thay hai trong số mười người con bà sinh ra đã không nghe theo những lời dạy dỗ của bố mẹ mà trượt dài trong tội lỗi. Không chỉ có Hải Bánh mà đứa con trai kế dưới Hải Bánh là Long cũng từng là sát thủ nổi tiếng ở Hà Nội với biệt danh Long "tròn". Nỗi đau khi có hai người con cùng vướng vào vòng tù tội khó có thể diễn tả thành lời.
Tình yêu cha trong con gái Hải Bánh không bao giờ vơi cạn
Buồn rầu khi nhắc về Hải Bánh nhưng khi chúng tôi hỏi bà Bánh về Vân thì giọng bà trở nên khí thế và phấn chấn hẳn lên: "Con bé Vân nó ngoan lắm. Tính tình hiền hậu lại rất biết thương bà. Bố mẹ nó bỏ nhau từ khi nó mới mười ba tháng tuổi, kể từ đó tôi nuôi nó. Hai bà cháu nương tựa vào nhau".
Bà Bánh nhớ lại, khi Hải Bánh bị bắt, bé Vân đến trường người ta chứ chỉ chỉ trỏ trỏ. Một đứa bé mười hai tuổi bỗng trở thành tâm điểm của mọi người một cách bất đắc dĩ khiến Vân buồn lắm. Về nhà Vân trở nên lầm lì, ít nói. Nếu như nhiều đứa khác chắc có lẽ Vân đã nghỉ học vì cảm thấy bị áp lực từ nhiều phía. Không chỉ nhiều phụ huynh của các bạn cùng lớp, thậm chí là cùng trường đã ngăn cấm con của họ chơi với Vân chỉ bởi vì "Nó là con của Hải Bánh. Bố nào con ấy, cứ tránh cho nó lành".
Suốt một thời gian dài Vân cứ lầm lũi đến trường rồi lại lầm lũi về nhà như một cái bóng. Nhìn đứa cháu gái như con sâu thu mình trong vỏ kén khiến bà Bánh rất đau lòng. Dù rằng, Vân là con gái, và khi ấy Vân còn là một đứa trẻ nhưng chưa từng bao giờ kể từ khi bố bị bắt Vân khóc trước mặt bà và những người thân. Đến bây giờ bà Bánh vẫn không thể hiểu nổi "vì sao con bé lại cứng rắn đến thế".
Trước đó, khi Hải Bánh chưa bị bắt, tuy thiếu vắng tình yêu thương của mẹ nhưng Vân được bố và cả nhà chiều như một công chúa nhỏ. "Thằng Hải nó yêu con gái nó lắm. Trong mắt nó con gái là xinh nhất. Mỗi dịp sinh nhật, Hải vẫn thường rủ con bé Vân đi mua bánh ga tô và chọn cho con bé những món quà mà nó thích. Rồi Hải tự tay chuẩn bị mọi thứ để làm tiệc sinh nhật cho con. Sau này, khi bố nó bị bắt, dù gia đình tôi động viên và nhiều lần thuyết phục làm sinh nhật cho con bé nhưng nó nhất quyết không đồng ý. Nó bảo không có bố thì sinh nhật còn ý nghĩa gì. Dù bình thường thằng Hải đi suốt, không có nhiều thời gian ở bên con gái nhưng chả hiểu sao hai bố con nó quấn quýt với nhau lắm. Trong lòng con bé Vân, bố nó luôn là số một".
Thời gian Hải Bánh mới bị bắt, báo chí liên tục viết về gã giang hồ này. Bà Bánh và cả gia đình luôn giấu rất kỹ những bài báo như thế với hy vọng bé Vân không bao giờ đọc được để Vân không phải suy nghĩ nhiều về bố. Nhưng ngược lại, tất cả những bài báo viết về bố Vân đều đọc hết. Có lần Vân nói với bà nội rằng: "Bà đừng lo con nghĩ khác về bố. Dù bố có là ai thì với con bố vẫn là bậc sinh thành. Tình yêu của con dành cho bố không có gì lay chuyển được đâu".
Gần mười năm đã trôi qua kể từ ngày bố bị bắt, Vân từ một đứa trẻ giờ đã trưởng thành, đã có gia đình của riêng mình. Cũng chỉ vài tháng nữa thôi Vân sẽ cảm nhận đủ đầy về tình mẫu tử với đứa con mà mình đang mang trong bụng. Và có lẽ khi ấy Vân sẽ hiểu hơn bao giờ hết cái cảm giác của một người bố yêu con mà không thể ở bên chăm sóc, che chở cho con được.
Theo ANTD
Hành trình vươn tới chân tu của "Đại ca ánh sáng" thành phố hoa Đà Lạt, Kỳ 1: Gia nhập giang hồ để "rửa hận" Bất cứ ai về thăm ngôi chùa Định Quang ở thôn Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều nhận được sự đón tiếp ân cần, đượm tình thương và lòng mến khách của vị sư trụ trì Chơn Hữu với tên thật Huỳnh Thiện Hữu. Sư Chơn Hữu trải lòng với chúng tôi về quá...