Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân 2016
Dài 720 m, mang chủ đề TP HCM – Hòa bình, Thịnh vượng và Phát triển, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân sẽ được khai mạc vào tối 5/2/2016 (27 tháng Chạp).
Chỉ một lần tạm dời đến đường Hàm Nghi, năm nay đường hoa chính thức quay trở lại đại lộ Nguyễn Huệ (nay là Phố đi bộ Nguyễn Huệ) với tên gọi Đường hoa Tết Bính Thân 2016 TP HCM – Hòa bình, Thịnh vượng và Phát triển.
Đường hoa 2016 dài 720 m, từ đường Lê Thánh Tôn tới Tôn Đức Thắng. Trong đó, đoạn từ giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ được chia làm ba phân đoạn chính: đoàn kết – hòa bình, năng động – sáng tạo và hội nhập – thịnh vượng.
Trong suốt 12 năm (2004-2015), đại cảnh cổng Đường hoa với hình ảnh linh vật luôn nằm ở vị trí trung tâm thì gia đình khỉ của Đường hoa Nguyễn Huệ 2016 sẽ được bố trí ở hai bên, chính giữa là đại cảnh Hoa Kết Đoàn nhiều màu sắc. Xuyên suốt trên Đường hoa là các đại tiểu cảnh thể hiện sự đoàn kết, chung sức được bố trí theo cụm, bổ sung cho nhau tạo nên quang cảnh đa sắc. Bao gồm tiểu cảnh Lăng Kính Hoa, Bánh Xe Hoa, Hoa Tụ Hội với hình ảnh cách điệu từ trống đồng…
Nhằm tạo độ cao, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của người dân và du khách, Saigontourist – Đơn vị được UBND TP HCM giao tổ chức đường hoa – dùng khung kim loại có kết cấu chịu lực trong phần lớn đại tiểu cảnh Đường hoa. Hình ảnh hồ sen, ruộng lúa vốn dùng gạch, xi măng, bạt nhựa chống thấm… sẽ được thay bằng hình ảnh khu vườn với ghế gỗ, hàng rào gỗ, chậu hoa treo mang hơi thở cuộc sống thành thị ở tiểu cảnh Vườn Xuân.
Video đang HOT
Đơn vị tổ chức cũng bố trí những chiếc ghế (vốn là một phần của tiểu cảnh) tại khu vực Nhịp Sóng Hoa để du khách có thể nghỉ chân trong hành trình khám phá Đường hoa, vừa có thể lưu lại những hình ảnh đẹp khi chính mình trở thành tâm điểm của tiểu cảnh.
Đơn vị tổ chức vẫn sử dụng vật liệu thiên nhiên như mây – tre – nứa, sản phẩm tái chế như chai lọ để tạo nên những tiểu cảnh thể hiện sự thân thiện với môi trường. Trong đó, tiểu cảnh Tích Lũy Mầm Xanh, Lá Về Cội với hình chiếc lá lớn từ tre, nứa vừa tạo bóng cho khu trưng bày lan Đà Lạt vừa tạo nét mộc mạc cho đường Nguyễn Huệ – nét đối lập với mặt đường lát đá và những cao ốc sừng sững xung quanh.
Du khách có dịp hồi tưởng chặng đường Bác Hồ đã đi qua trong hành trình tìm đường cứu nước và chiêm ngưỡng hình ảnh thể hiện những thành tựu thành phố đã đạt được tại khu trưng bày trên Đường hoa; bên cạnh đó các loại cây, hoa, củ, quả của Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM cũng có dịp tái ngộ du khách. Toàn bộ khu trưng bày được xây dựng bằng tre và nứa với không gian mở vừa thân thiện mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Đường hoa kết thúc với đại cảnh Xuân Thịnh Vượng nhằm chuyển tải mong muốn mọi người được sống trong thiên nhiên trong lành. Đại cảnh là hình ảnh một quả cầu xanh bên trên những gợn sóng hoa trùng trùng điệp điệp như lời nhắn gửi ước mơ, mong muốn chỉ có thể thành sự thật nếu được mọi người ủng hộ và hợp sức tạo nên.
Tiến độ thực hiện Đường hoa Tết Bính Thân:
- Thời gian thi công: 11 ngày, từ 7h00 ngày 26/1/2016 (17 tháng Chạp Âm lịch) đến 18h ngày 5/2/2016 (27 tháng Chạp Âm lịch).
- Thời gian phục vụ: 8 ngày (tăng thêm 1 ngày so với Đường hoa những năm trước) từ 19h ngày 5/2/2016 (27 tháng Chạp Âm lịch) đến 22h ngày 12/2/2016 (Mùng 5 Tết).
- Thời gian thu dọn từ 22h ngày 12/2/2016 (Mùng 5 Tết) đến 10h ngày 13/2/2016 (Mùng 6 Tết).
Hữu Công
Theo VNE
Đường hoa Tết TP HCM dời về phố đi bộ Nguyễn Huệ
Sau một năm dời qua đường Hàm Nghi, Tết Bính Thân 2016 đường hoa TP HCM sẽ được tổ chức lại ở quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ với quy mô lớn hơn, dài ngày hơn.
Theo quyết định của lãnh đạo UBND TP HCM tại cuộc họp ngày 10/11, đường hoa Tết Bính Thân 2016 sẽ được tổ chức trở lại trên suốt phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ Quảng trường Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND TP đến đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng.
Đường hoa Tết Ất Mùi 2015 của TP HCM tổ chức ở đường Hàm Nghi. Ảnh: H.C
Với chủ đề "TP HCM - hòa bình, hội nhập và phát triển", đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa sớm hơn một ngày so với trước, từ ngày 27 tháng Chạp cho đến ngày mùng 5 Tết, tức kéo dài 8 ngày (trước đây là 7 ngày) để đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước.
Cũng nằm trong chuỗi sự kiện tết Bính Thân 2016, đường sách sẽ được tổ chức ở khu vực Ngô Đức Kế, Đồng Khởi và Mạc Thị Bưởi. Trong đó, hai cổng ở đường Ngô Đức Kế và Mạc Thị Bưởi sẽ nối với đường hoa.
Ngoài ra, sẽ có hơn 10 tuyến đường được trang trí ánh sáng đèn (từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán).
Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức lần đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004. Đến nay, sự kiện này bước sang tuổi thứ 12 (từ Tết Tân Mão 2011 có thêm đường sách), đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là hoạt động không thể thiếu đối với người dân TP HCM mỗi dịp xuân về.
Mỗi năm, đường hoa mang một chủ đề khác nhau, thu hút hàng triệu người dân và du khách tham quan, chụp ảnh trong những ngày Tết. Tết Ất Mùi 2015, do đường Nguyễn Huệ đang xây dựng phố đi bộ và ga ngầm metro nên đường hoa được dời về đại lộ Hàm Nghi.
Trung Sơn
Theo VNE
Đường Nguyễn Huệ hiện đại nhất nước Tổng đầu tư dự án khoảng 430 tỉ đồng; mặt đường và vỉa hè lát bằng đá granite dày 10 cm, chèn vữa khe hở tạo độ vĩnh cửu. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, dự kiến ngày 10-4, một số hạng mục của công trình nâng cấp và cải tạo đường Nguyễn Huệ sẽ được đưa vào vận hành...