Đường đua vào Nhà Trắng ‘nổi bão’ vì phát biểu của ông Trump
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt áp lực sau khi cho rằng cần phải triển khai quân đội Mỹ xử lý các đối tượng mà ông gọi là “kẻ thù nội tại” vào ngày bầu cử Mỹ.
Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử năm 2024 ở Mỹ đang tiến vào giai đoạn cuối cùng, chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ đang khai thác những phát biểu mới nhất của ứng viên Trump để giáng đòn tấn công đối thủ đảng Cộng hòa.
Kẻ thù nội tại ?
Trả lời phỏng vấn Đài Fox News hôm 13.10, ông Trump cho hay không quá lo ngại về nguy cơ ngày bầu cử có thể tái diễn vụ tấn công Điện Capitol hôm 6.1.2021, hoặc mối đe dọa từ các thế lực nước ngoài. Thay vào đó, ông cảnh báo cần phải lưu ý hành động của “những kẻ điên cuồng cực tả”.
Ông Trump kêu gọi quân đội đối phó ‘kẻ thù trong nước’ vào ngày bầu cử
“Tôi cho rằng, nếu cần thiết, vấn đề này có thể được xử lý một cách dễ dàng bằng việc huy động lực lượng Vệ binh quốc gia, hoặc thật sự cần thiết thì viện dẫn đến quân đội”, ứng viên đảng Cộng hòa bổ sung.
Phát biểu trên của ông Trump lập tức trở thành “vũ khí” mới cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ. Tại cuộc mít tinh ở hạt Erie (bang Pennsylvania) diễn ra hôm 14.10, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cảnh báo cử tri ở bang chiến địa rằng ông Trump có ý định trả thù những người Mỹ không bỏ phiếu cho ông vào ngày bầu cử 5.11. Theo bà, ông Trump xem những người bất đồng với ý kiến của mình là “kẻ thù”, cũng như có thể tấn công các nhà báo đưa tin bất lợi cho ông, và các quan chức bầu cử từ chối thao túng kết quả theo hướng có lợi cho mình. Bà kết luận rằng đối thủ đảng Cộng hòa đang ngày càng “bất ổn và mất kiểm soát”.
Ông Donald Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 14.10. ẢNH: REUTERS
Bên cạnh đó, ông Ian Sams, người phát ngôn và cố vấn chiến dịch tranh cử của bà Harris, tranh luận rằng bất kỳ người Mỹ nào cũng nên cảnh giác trước tuyên bố trên của ứng viên đảng Cộng hòa.
“Ông Trump đang ám chỉ rằng có những người đồng hương Mỹ là “kẻ thù” còn tồi tệ hơn những thế lực nước ngoài, và ông ta nói cần phải huy động quân đội đối phó họ”, Đài CNN dẫn lời ông Sams. Chiến dịch của bà Harris cũng nhanh chóng cho phát sóng nội dung quảng cáo mới, trong đó lặp lại hình ảnh ông Trump nói câu “kẻ thù nội tại”.
Trong bài xã luận hôm 14.10, tờ The Washington Post giật tít “Ông Trump muốn trừng phạt mọi kẻ thù, chứ không chỉ dừng lại ở dân nhập cư”. Bài báo cũng phân tích theo hướng quan ngại về việc ông Trump có vẻ như tìm cách trừng phạt những người trái ý mình.
Bầu cử Mỹ: Ông Biden ra lệnh bảo vệ ông Trump như ‘tổng thống đương nhiệm’
Nhà Trắng cảnh báo Iran
Trong khi ông Trump tỏ ra không quá lo lắng về sự can thiệp của thế lực nước ngoài, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Washington cho hay Nhà Trắng đã cảnh báo chính phủ Iran hãy ngưng ngay mọi âm mưu nhằm vào ông Trump, Reuters đưa tin. Quan chức này (không nêu tên) cho hay Tổng thống Joe Biden nhận được báo cáo thường xuyên về các mối đe dọa từ Tehran. Theo chỉ đạo của ông Biden, Mỹ đã gửi thông điệp đến cấp cao nhất của chính quyền Tehran, yêu cầu phía Iran ngừng mọi âm mưu đối phó ông Trump và các cựu quan chức Mỹ.
Iran bác bỏ những cáo buộc can thiệp nội bộ nước Mỹ. Ngược lại, chính quyền Tehran lên án Mỹ từ nhiều thập niên qua luôn tìm cách can thiệp sự vụ nước này, từ âm mưu lật đổ Thủ tướng đắc cử Mohammad Mosaddegh năm 1953 đến vụ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds, tướng Qassem Soleimani năm 2020. Chính ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo vụ tấn công nhằm vào tướng Soleimani.
Quan chức Mỹ nhấn mạnh Washington xem mọi âm mưu của Iran ám sát ông Trump là hành động tuyên chiến.
Ông Trump yêu cầu chuyển vụ án chi tiền bịt miệng lên tòa án liên bang
Ngày 14.10, đoàn luật sư đại diện ông Donald Trump kiến nghị thẩm phán tòa phúc thẩm ở Manhattan (TP.New York, bang New York) chuyển vụ án chi tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm lên tòa cấp liên bang, theo Reuters. Hồi tháng 5, tòa án hình sự Manhattan ra phán quyết kết luận ông Trump phạm 34 tội danh liên quan đến cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ chi tiền bịt miệng. Sau đó, thẩm phán tòa quận Alvin Hellerstein hôm 3.9 từ chối chuyển vụ việc lên tòa liên bang.
Trong đơn kiến nghị mới, luật sư của ông Trump viện dẫn phán quyết của Tối cao Pháp viện vào ngày 1.7 cho rằng ông Trump không bị truy tố vì những hành động trên cương vị tổng thống. Theo luật Mỹ, các vụ án dân sự hoặc hình sự xử quan chức có thể được chuyển lên tòa cấp liên bang nếu liên quan đến vai trò của họ khi đương chức.
Bầu cử Mỹ: Thế cục đảo chiều ở bang Pennsylvania
Pennsylvania trở thành điểm nóng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, sau khi có dấu hiệu cho thấy ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang lật ngược thế cục tại đây.
Cựu Tổng thống Barack Obama ngày 10.10 đã có cuộc mít tinh đầu tiên vận động tranh cử cho ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris ở TP.Pittsburgh (bang Pennsylvania).
Nỗ lực của ông Obama
Trong lúc Phó tổng thống Harris ngày 10.10 vận động tranh cử tại bang chiến địa Nevada và sau đó tham gia mít tinh ở bang Arizona, ông Obama đã tìm cách tranh thủ sự ủng hộ cho bà ở Pennsylvania. Nhà cựu lãnh đạo chỉ trích ông Trump trong những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ phá thai, di trú và vụ tấn công Điện Capitol ngày 6.1.2021, theo Reuters.
Ông Biden nói có dấu hiệu bầu cử Mỹ 2024 sẽ không 'yên bình'?
Ông Obama cũng chê trách người kế nhiệm về hành động tung tin đồn thất thiệt liên quan đến nỗ lực ứng phó của chính quyền liên bang về bão Helene và bão Milton. Chẳng hạn, sau khi bão Helene hoành hành vùng đông nam nước Mỹ, ông Trump phát biểu trên mạng xã hội rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden từ chối giúp đỡ người dân ở vùng ủng hộ đảng Cộng hòa.
"Các bạn có những nhà lãnh đạo đang tìm cách giúp đỡ, và kế đến các bạn đối mặt với một người chỉ dùng những lời lẽ dối trá để ghi điểm về mặt chính trị, và điều này mang đến hậu quả", báo The Hill dẫn lời ông Obama. Nhà cựu lãnh đạo dự báo cuộc bầu cử năm nay sẽ diễn ra sự so kè quyết liệt giữa hai ứng viên tổng thống. "Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao có người cho rằng ông Trump sẽ mang đến sự thay đổi", ông Obama nói.
Cựu Tổng thống Obama tại cuộc mít tinh TP.Pittsburgh (bang Pennsylvania) ngày 10.10. ẢNH: REUTERS
Đồng thời, ông Obama cũng nỗ lực thuyết phục các nam cử tri da màu, nhóm mà ông cho rằng vẫn chưa ủng hộ phó tổng thống vì bà thuộc phái yếu, theo Reuters.
Ông Trump lợi thế ở bang Pennsylvania
Với việc "tung" lá bài nặng ký tên Obama vào giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử, đảng Dân chủ hy vọng nhà cựu lãnh đạo có thể giúp ứng viên Harris giành được lợi thế tại các bang chiến địa, đặc biệt là Pennsylvania. Đây là sự hỗ trợ vô cùng cần thiết trong bối cảnh các thị trường đặt cược đang thể hiện những số liệu cho thấy phần thắng có vẻ như đang nghiêng về ứng viên của đảng Cộng hòa.
Kể từ cuộc tranh luận ngày 1.10 giữa hai ứng viên tranh cử phó tổng thống là thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance của đảng Cộng hòa và Thống đốc Minnesota Tim Walz của đảng Dân chủ, các thị trường đặt cược đang ngả về phía ông Trump, theo trang đặt cược Polymarket. Báo USA Today nhận định sự trỗi dậy của làn sóng đặt cược mới đang làm tăng khả năng chiến thắng của ông Trump ở Pennsylvania.
Bầu cử Mỹ: Người giàu nhất thế giới ủng hộ ứng cử viên nào?
Trong các tuần gần đây, những người cá cược trên Polymarket đặt cược bà Harris dẫn đầu với khoảng cách hẹp ở Pennsylvania, tiểu bang có 19 phiếu đại cử tri. Trong trường hợp thắng được toàn bộ các tiểu bang thân thiện với đảng Dân chủ, bà Harris với Pennsylvania sẽ vượt qua con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tuyên bố chiến thắng chung cuộc.
Thế nhưng, số liệu cá cược đã đổi chiều sau khi chiến dịch tranh cử của ông Trump ngày 5.10 quay lại nơi từng xảy ra vụ ám sát hụt ở thị trấn Butler (bang Pennsylvania) ngày 13.7. Còn chưa đầy 4 tuần đến ngày bầu cử 5.11, cơ hội ông Trump giành Nhà Trắng năm nay đang tốt hơn nhiều so với 2 lần tranh cử trước đó, lần lượt vào năm 2016 và 2020.
Tính đến tối 9.10 (giờ VN), Polymarket dự báo tỷ lệ thắng của ông Trump là 53,1%, con số cao nhất kể từ tháng 8. Hay nói cách khác, cơ hội chiến thắng của ông Trump đang tăng lên nhờ vào cơ hội thắng Pennsylvania. Trên Polymarket, ông Trump dẫn trước bà Harris 6,5% vào ngày 9.10. Còn trang Betfair Exchange, nền tảng cá cược trực tuyến lớn nhất ở Anh, cùng ngày thể hiện chỉ số cách biệt là 3% nghiêng về phía ông Trump. Cách đó 4 năm, ngày 9.10.2020, tỷ lệ đặt cược ứng viên đảng Dân chủ Biden thắng là 65%, và ông Biden đã trở thành tổng thống năm đó.
Florida, Georgia không kéo dài thời hạn đăng ký cử tri
Bất chấp ảnh hưởng từ siêu bão Helene và Milton, 2 thẩm phán liên bang đã từ chối gia hạn thời gian đăng ký cử tri ở hai bang Florida và Georgia cho ngày bầu cử 5.11. Reuters hôm qua đưa tin thẩm phán Eleanor Ross ở TP.Atlanta (bang Georgia) bác đề nghị kéo dài thời gian đăng ký đến ngày 14.10. "Chúng tôi chưa nghe ai phản hồi không thể đăng ký đi bầu vì bão", thẩm phán Ross cho biết. Một ngày trước đó, thẩm phán Robert Hinkle ở TP.Tallahassee (Florida) ra phán quyết tương tự trước đề xuất gia hạn thời gian đăng ký cử tri thêm 10 ngày so với hạn chót 7.10.
Cựu quan chức Nhà Trắng đầu tiên ngồi tù Ông Peter Navarro, cựu trợ lý Nhà Trắng thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bắt đầu quá trình thụ án tại tại nhà tù liên bang ở bang Miami (Mỹ). Theo CNN, ông Navarro đã "đi vào lịch sử" khi trở thành cựu quan chức Nhà Trắng đầu tiên bị bỏ tù vì coi thường quốc hội. Ông Navarro bị kết...