Đường Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp: Tại sao không?
Việc lấy chính con đường Điện Biên Phủ hiện nay, ghép thêm chữ Võ Nguyên Giáp vào là giải pháp nên cân nhắc bởi Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp là một tổ hợp rất quen thuộc, gắn kết… Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc
- Thưa ông, hiện Hà Nội vẫn chưa chính thức công bố phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp, trong khi có khá nhiều ý kiến khác nhau. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện có rất nhiều phương án mà tôi được nghe và tôi thấy mỗi phương án có cái hay của nó. Có người muốn lấy cái quy mô hoặc vị trí quan trọng của con đường ấy. Những người này nhắc đến các con đường đang xây dựng, con đường huyết mạch từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài.
Nhưng cũng có người đưa ra ý kiến tôi cho là cũng hay nhưng phải có nhận thức đầy đủ, tránh mặc cảm cho rằng không thể hiện đầy đủ sự tương xứng. Đó là việc lấy chính con đường Điện Biên Phủ hiện nay, ghép thêm chữ Võ Nguyên Giáp vào. Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp là một tổ hợp đã rất quen thuộc, nó vừa gắn kết một con người – một sự kiện, thực ra là 2 sự kiện nếu kể cả Điện Biên Phủ trên không. Con đường đó cũng ở vị trí rất đẹp, đi vào Quảng trường Ba Đình lịch sử, rất gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng rất gần với ngôi nhà mà Đại tướng đã sống trong nửa thế kỷ qua. Nó lại gắn kết với rất nhiều anh hùng cứu nước như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, hay những anh hùng cách mạng như Lê Hồng Phong, Trần Phú. Đó là một giải pháp tốt và theo tôi nên cân nhắc.
Ngoài ra, việc chọn con đường để đặt tên Đại tướng cũng còn tùy thuộc vào quỹ đường phố của Thành phố.
- Ý kiến của ông như thế nào về việc chọn đường Nhật Tân – Nội Bài để đặt theo tên Đại tướng?
Đấy cũng là một cách đặt vấn đề theo quy mô và vị trí con đường.
- Nhưng đến 2015 con đường đó mới hoàn thành, như vậy có quá lâu không, thưa ông?
Đôi khi ta đặt tên trước cũng được, và con đường sẽ hoàn thành từng bước. Nhiều con đường hiện nay đã đặt tên nhưng đường phố cũng đang trong quá trình chỉnh trang, nhưng chắc chắn phải năm trên quy hoạch được khẳng định. Đây cũng là một con đường đẹp. Đó là 2 phương án với 2 cách tiếp cận khác nhau.
- Với đường Bắc Thăng Long – Nội Bài thì sao? Có người đề xuất con đường này đặt tên theo nhà thơ Tố Hữu. Ông có cho là hợp lý không?
Video đang HOT
Tôi chưa biết thông tin này. Nhưng hiện nay Hà Nội có một bức xúc mà các cụ lão thành đã phản ảnh với chúng tôi, đó là con đường Cách mạng tháng Tám. TP. Hồ Chí Minh có rồi, Huế có rồi. Trong khi đó, Hà Nội là cái gốc, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra ở đây nhưng lại chưa có. Các cụ rất bức xúc chuyện đó. Cũng đã có ý tưởng do các cụ kiến nghị, đó là lấy con đường đi ra sân bay để đặt tên. Nhưng hiện đã có những thay đổi, có thể điều chỉnh lại.
Việc lấy chính con đường Điện Biên Phủ hiện nay, ghép thêm chữ Võ Nguyên Giáp vào là giải pháp nên cân nhắc bởi Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp là một tổ hợp rất quen thuộc, gắn kết…
- Theo ông thì có nên xây dựng một bảo tàng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Về bảo tàng thì trước mắt liên quan đến luật, vì vậy chúng ta nên làm từ thấp đến cao, ví dụ như một không gian lưu niệm nhân vật, rồi từng bước phụ thuộc vào nội dung bên trong, kể cả năng lực của ngành bảo tồn để mà tính tiếp. Không nhất thiết ngay từ đầu đã phải làm cái lớn, mà cứ làm cái nhỏ. Quan trọng nhất là dành không gian cho việc tôn vinh, không chỉ cá nhân Đại tướng mà là tôn vinh Đại tướng cùng với tất cả những đồng đội của mình. Địa điểm đó không chỉ là nơi ở thuần túy mà trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nó gần như là nơi đi lại của rất nhiều nhà lãnh đạo, nhiều sự kiện.
- Trong đợt đưa tang Đại tướng đã nổi lên một hiện tượng đáng chú ý, đó là những hoạt động và tình cảm đáng trân trọng của đội ngũ thanh niên. Nhiều người đã hy vọng sự kiện này sẽ làm thay đổi phần nào suy nghĩ và hành động của lớp thanh niên hiện nay. Như liệu đây có thể chỉ là hiện tượng nhất thời?
Điều đó đáp ứng một băn khoăn của chúng ta về việc đánh giá thanh niên. Nếu chúng ta tạo ra môi trường thích hợp thì thanh niên sẽ có cơ hội bộc lộ phẩm chất tiềm ẩn của các bạn ấy. Sự kiện đám tang của Đại tướng là một ví dụ. Chúng ta có thể thấy các bạn trẻ đọc hồi ức của Đặng Thùy Trâm, thể hiện rất rõ cái mà ta tưởng không có ở trong thanh niên bây giờ. Trách nhiệm của xã hội, của các cơ quan đoàn thể có liên quan là tạo ra môi trường khích lệ thanh niên phát huy những mặt tích cực, những phẩm chất tiềm ẩn đó trong mỗi con người.
- Vậy ông có ý tưởng gì về việc tạo ra những môi trường như ông nói trong giai đoạn này?
Sau đám tang Đại tướng là một cơ hội tập hợp các em. Ý thức thiện nguyện, tinh thần thiện nguyện nếu được tổ chức tập hợp và phát huy là rất tốt. Có một điều có thể phát triển thành hành vi mang tính truyền thống được, đó là trên Cao Bằng có một rừng cây được gọi là rừng cây Đại tướng gắn với một sự kiện lịch sử. Chính lòng trân trọng đối với Đại tướng là động lực làm cho người dân bảo tồn được khu rừng cây nguyên vẹn như vậy. Chúng ta cũng biết chuyện Đại tướng khi về thăm quê hương Quảng Bình của mình đã rất khâm phục một người phụ nữ địa phương miệt mài trong rất nhiều chục năm chỉ với mỗi một việc là trồng cây chắn cát cho quê hương Quảng Bình. Đại tướng đã nói: tôi chỉ mong ước được làm những công việc như thế. Vậy thì tại sao chúng ta không phát động một phong trào trồng cây Đại tướng.
Tất nhiên chúng ta đã có phong trào trồng cây Bác Hồ rồi, nhưng phong trào trồng cây Bác Hồ phát động vào thời kỳ mà mục tiêu chính là lấy gỗ làm nhà cho dân của những năm mới khôi phục kinh tế sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Còn bây giờ thì vấn đề môi trường đặt lên hàng đầu. Chúng ta có thể gắn cái đó, vừa là kế tục phong trào trồng cây Bác Hồ nhưng nâng lên ở một thời kỳ mới, một mục tiêu mới. Tôi nghĩ thanh niên có thể biến thành phong trào trồng cây từ gợi ý rừng cây Đại tướng và mong ước của Đại tướng đối với việc phủ xanh quê hương của mình.
- Theo ông, điều cần thiết để ghi lại công ơn của Đại tướng ngay trong thời điểm hiện nay nên là gì? Đặt tên đường, bảo tàng hay tượng đài…?
Có rất nhiều cái có thể làm được, nhưng lòng dân là quan trọng nhất. Có là anh hùng dân tộc, có là hiển thánh hay không là ở dân chứ không phải là nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước tạo ra môi trường, tạo ra những cơ chế để các tầng lớp xã hội có thể thể hiện tấm lòng của mình bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cần phải có thời gian, cũng không nên quá nóng vội.
- Thế còn việc sửa chữa trong sách lịch sử thì sao, thưa ông?
Điều đó đã thành chủ trương rồi, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là nên có điều chỉnh trong sách giáo khoa. Sắp tới, khi chúng ta sửa đổi sách giáo khoa thì đó là một yếu tố sẽ được đề cập tới.
- Tại khu vực Đại tướng đang yên nghỉ, theo ông có nên quy hoạch thành một khu du lịch tâm linh?
Nơi an táng của Đại tướng nằm trong một không gian hiện nay là của gia đình Đại tướng. Nhưng chắc gia đình sẽ cùng với xã hội chia sẻ. Đó là một di sản chung và sẽ có những hình thức để chúng ta bảo tồn và phát huy tốt.
- Xin cảm ơn ông.
Tuệ Khanh – (bài, ảnh)
Theo_VnMedia
Từ câu nói của bác Quốc, nghĩ về trách nhiệm của Quốc hội
Thưa Quốc hội, ngay tại nhiệm kỳ này đã đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội nào ngăn chặn hoặc phát hiện được một vụ tham nhũng? Có lẽ câu trả lời là chưa? Trong khi đó, tệ nạn tham nhũng nhan nhản khắp nơi, không địa phương nào, bộ ngành nào là không xảy ra.
"Chính phủ chỉ là người được giao chi tiêu theo luật và chịu sự giám sát của Quốc hội. Cho nên hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về Quốc hội - chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác".
Đó có lẽ không phải chỉ là suy nghĩ của một mình ĐB Dương Trung Quốc khi ông thẳng thắn nói ra điều này mà có thể cũng là suy nghĩ của nhiều đại biểu khác. Đó có lẽ cũng không phải chỉ là ý kiến của cá nhân mình mà cũng là suy nghĩ của không ít cử tri khác.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nói thẳng, không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng có trách nhiệm trước tình trạng đầu tư công đã bị lạm dụng, gây lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, trở thành công cụ cho tư duy nhiệm kỳ bất chính kéo dài lâu như vậy.
Tại kỳ họp lần này, trên VOV. VN bài "Trách nhiệm của Quốc hội trong việc đưa ra các quyết sách" cho biết "Dù là thảo luận ở tổ, ở hội trường hay các cuộc phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, cụm từ được các đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhất là trách nhiệm. Trách nhiệm của Quốc hội trong việc đưa ra các quyết sách lớn...".
Trước hết, phải khẳng định rằng nhiều năm gần đây, Quốc hội đã có những bước chuyển biến rất to lớn. Đặc biệt, tinh thần dân chủ đang được phát huy khá mạnh mẽ.
Nếu như Quốc hội những năm trước đây mang nặng tính hình thức, chủ yếu là đồng ý thì giờ đây trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí nhiều khi khá gay gắt.
Tuy nhiên, nếu nói Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm của mình trước cử tri thì có lẽ chưa chính xác. Đặc biệt là trong lĩnh vực giám sát, một trong ba chức năng quan trọng nhất được qui định trong Luật tổ chức Quốc hội 2001.
Có thể nói, để xảy ra tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, trầm trọng như hiện nay không thể không có trách nhiệm của Quốc hội với chức năng giám sát của mình.
Thưa Quốc hội, ngay tại nhiệm kỳ này đã đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội nào ngăn chặn hoặc phát hiện được một vụ tham nhũng? Có lẽ câu trả lời là chưa?
Trong khi đó, tệ nạn tham nhũng nhan nhản khắp nơi, không địa phương nào, bộ ngành nào là không xảy ra.
Về quản lý kinh tế, với vai trò giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước, chẳng lẽ Quốc hội lại "vô can" như lời của đại biểu Dương Trung Quốc đối với các vụ như Vinaline, Vinashin?
Nếu Quốc hội làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, có lẽ giờ đây đất nước không phải mỗi ngày mất đi 1 triệu USD chỉ để trả lãi cho một cái Vinashin.
Nếu như Quốc hội làm tôt hơn nữa chức năng giám sát thì chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều những vụ tàn phá môi trường, hủy hoại môi sinh như mà tiêu biểu như vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa đang có nguy cơ rơi vào quên lãng.
Sẽ không có những trụ sở tỉnh mà theo lời của Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước là "nguy nga như cung điện".
Sẽ không còn những vụ oan khuất như vụ số nhà 194 Phố Huế mà báo Dân trí đã nhiều lần lên tiếng và gần đây nhất là vụ oan khuất 10 năm tù đày của công dân lương thiện Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người đang gây rúng động dư luận.
Vâng, Quốc hội không thể "vô can" như lời đại biểu Dương Trung Quốc từng tự nhận trách nhiệm. Xin Quốc hội hãy làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trước cử tri, trước non sông đất nước!
Theo Dân trí
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Điều gì gây nên oan ức? Bên lề Quốc hội sáng 5/11, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi về vụ án oan giết người khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm qua. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Những ngày gần đây, vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn đang khiến dư luận rúng động. Ông cảm nhận như...