Đường đi bộ lát gỗ lim siêu sang ven sông Hương chưa xong đã nứt
Mới đang hoàn thiện nhưng bề mặt các tấm gỗ lim lát tại đường đi bộ ven sông Hương (TP Huế) đã xuất hiện nhiều vết nứt.
Được khởi công từ đầu tháng 2/2018, công trình “Đường đi bộ lát gỗ lim” nằm trong dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA).
Mặt đường đi bộ ven sông Hương được thiết kế lát gỗ lim nhập khẩu
Con đường bên bờ Nam sông Hương độc đáo này kéo dài từ công viên Lý Tự Trọng (phía trên cầu Phú Xuân) đến đầu cầu Trường Tiền với tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng.
Ngoài các hạng mục bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng, hệ thống cầu đi bộ lát gỗ lim với kinh phí hơn 5 tỷ đồng là điểm nhấn của dự án.
Vết nứt xuất hiện trên các tấm gỗ lát
Trên thực tế, mặc dù đang trong giai đoạn thi công nhưng hiện nay, hàng loạt tấm gỗ lim được đưa vào lát đã xuất hiện nhiều vết nứt, trong đó có những vết nứt chân chim và một số tấm xuất hiện các vết lớn, tạo thành khe hở chạy dọc theo thớ gỗ.
Hàng chục tấm gỗ lim vừa được đơn vị thi công lát xuống sàn đã bị nứt nẻ, có dấu hiệu cong vênh. Để “che đậy” những vết nứt này, đơn vị thi công phải dùng một số chất phụ gia trám vào các tấm gỗ.
Hiện tượng hàng loạt tấm gỗ lim bị nứt không chỉ xuất hiện trên bề mặt sàn mà còn dễ dàng phát hiện tại các tấm gỗ “nằm phơi nắng” rải rác khắp công trình.
Gỗ lim bền vững?
Video đang HOT
Trước đó, dư luận tại TT-Huế cũng như một số nhà chuyên môn cho rằng, với điều kiện khí hậu tại TT-Huế nói riêng và một số tỉnh miền Trung nói chung, việc sử dụng gỗ để làm các công trình ngoài trời là không phù hợp, dễ bị hư hỏng.
Vết nứt trên tuyến đường đã lát gỗ
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với thời tiết thất thường như ở TT-Huế, đơn vị thực hiện dự án có thể dùng đá giả gỗ để lát sàn trong hạng mục tuyến đường đi bộ ven sông Hương.
Vật liệu này vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ, độ bền nhất định cũng như giảm đáng kể chi phí so với sử dụng gỗ lim nhập khẩu.
Thế nhưng, BQL dự án lại nêu quan điểm, lim là một trong 4 loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Gỗ lim rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Những tấm ván chưa lát cũng đã nứt
“Hệ thống gỗ lim được dùng để thực hiện dự án là gỗ nhập khẩu từ Nam Phi, có độ bền cao, màu sắc hài hòa, thân thiện với cảnh quan, môi trường”, BQL dự án từng nêu quan điểm về quyết định sử dụng gỗ lim để lát sàn thay vì các vật liệu khác.
Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế kiêm Trưởng BQL dự án cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ dự án kiểm tra thưc tế hiện trạng và cung cấp thông tin cho báo chí khi có kết quả.
Theo tiêu chuẩn quốc gia 7960:2008 về Ván sàn gỗ – Yêu cầu kỹ thuật do Viện Vật liệu xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, ván sàn gỗ không cho phép xuất hiện vết rạn nứt chân chim ở mặt trên và nứt hở thành vết ở các mặt.
Theo Quang Thành (Vietnamnet)
Đang xây dựng đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương
Trong những ngày này, tại TP Huế đang triển khai xây dựng tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương với bề mặt lát bằng gỗ lim.
Đầu năm 2018, dự án "Mạng lưới kế nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế" được chính thức khởi công. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) với tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng.
Tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương đang được triển khai. Đơn vị thi công xây lắp là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế
Quy mô dự án thí điểm gồm cầu đi bộ kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát gỗ lim, hệ thống thoát nước sàn gỗ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng... Đặc biệt hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông. Riêng mặt trên đường đi bộ lát bằng gỗ lim dày 5cm, với tổng diện tích 2.438m2có tổng chí phí trên 5,7 tỷ đồng.
Dư luận cho rằng gỗ lim dù tốt nhưng khi phơi giữa nắng mưa sẽ nhanh hư hỏng, việc thay thế, sửa chữa về sau làm nảy sinh thêm những tốn kém. Ngoài ra Huế hay xảy ra lũ lụt khiến gỗ lim nhanh mục, hỏng.
Theo Ban Quản lý dự án KOICA, dự án đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án thiết kế dự án. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu (sử dụng gỗ lim để lát sàn) có kết quả đồng ý 29/32 phiếu, tỷ lệ 90,62%.
Phối cảnh đường đi bộ ven sông Hương lát gỗ lim
Ban quản lý đã đề xuất các phương án sử dụng vật liệu khác như đá granit, gỗ tổng hợp trong nước và nhập khẩu để có sự phân tích, so sánh cụ thể. Trên có sở đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất chọn gỗ lim với một số lý do: đây là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết mộc (đinh, lim, sến, táu); ưu điểm nổi bật là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Ban Quản lý dự án KOICA, cho biết: phía tư vấn khẳng định gỗ lim là loại lâu nay thường dùng trong kiến trúc, xây dựng công trình thủy lợi, cầu cống, đóng tàu thuyền, làm ván sàn, tà vẹt. Việc dùng gỗ lim sẽ tạo nên màu sắc hài hòa cho công trình, thân thiện môi trường, cảnh quan, duy trì được cảm giác thoải mái trong sử dụng và tạo nét mỹ quan về lâu dài. Gỗ lim dùng lát đường đi bộ ven sông Hương là vật liệu nhập khẩu về từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của chính phủ Việt Nam.
Những hình ảnh thi công đường đi bộ ven sông Hương được PV ghi nhận ngày 5/3:
Các cọc đang được nhồi xuống mặt nước
Một phần tuyến đường đi bộ đang được thành hình
Tuyến đường sẽ đi qua dưới cầu Phú Xuân
Khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa năm 2018.
Tuyến đường đi bộ có chiều dài 400 mét, rộng 4 mét chạy song song với bờ nam sông Hương, dự kiến sẽ là một điểm nhấn đẹp và là điểm đến cho người dân và du khách khi thăm TP Huế.
Đại Dương
Theo Dantri
JICA Nhật Bản hỗ trợ một loạt dự án dài hơi, giúp Hội An xanh, sạch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ở Việt Nam đã mang đến cho người dân xứ Quảng nhiều dự án hướng đến một môi trường xanh, sạch, đặc biệt là tại đô thị cổ Hội An. Trong khuôn khổ Những ngày Nhật Bản ở Quảng Nam diễn ra từ ngày 16-19.8 tại TP Hội An đã diễn ra buổi Tọa...