Đường dây ‘xẻ thịt’ đất đại học
Khu đất nằm trong quy hoạch Trường đại học Nông Lâm TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM (KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) đang bị nhiều người ‘xẻ thịt’ mua bán, xây nhà không phép một cách công khai.
Một dãy nhà phố kiên cố đang xây không phép trên đất quy hoạch thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM Ảnh: Công Nguyên
Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Vì sao Thủ Đức trở thành “điểm nóng” xây dựng trái phép?, nhiều bạn đọc bức xúc phản ánh về việc mua bán đất, xây dựng trái phép trên các khu đất quy hoạch thuộc Trường đại học (ĐH) Nông Lâm TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bên trong dãy nhà phố xây trái phép trên đất quy hoạch thuộc ĐH Quốc gia Ảnh: Trác Rin
Vào cuộc điều tra, PV nhận thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác, thậm chí nơi đây hình thành những đường dây mua bán, xây dựng không phép, có dấu hiệu “bảo kê” của lực lượng chức năng địa phương.
“Thiên đường” xây không phép
Ngay từ cổng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, có một quán cà phê được xây vách tường, lợp mái tôn, cột sắt, cửa sắt kiên cố. Quán này nằm ngay mặt tiền QL1, hoàn toàn trên đất khu quy hoạch Trường ĐH Nông Lâm, do một người đàn ông tên Đ. xây dựng trái phép gần 2 năm qua.
Thường ở đây không ai cấp phép xây dựng cả. Dân muốn sửa nhà phải đi hỏi cán bộ như cảnh sát khu vực, trật tự đô thị để xin nhưng không phải ai cũng được cấp. Còn những ngôi nhà đang xây và đã xây xong thì họ có đường dây cả đấy nên mới tồn tại đượ
Ông P., người dân sống trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TP.HCM
Trước đây, quán chỉ là một chòi lá, cà phê võng, sau đó ông Đ. xây nhà tường gạch, lợp mái tôn, cột sắt, có đủ tiện nghi để kinh doanh và đưa gia đình tới sinh sống.
Video đang HOT
Các căn nhà vừa được xây tại khu đất quy hoạch thuộc Trường ĐH Nông Lâm
Tiếp đó, con đường nhựa dẫn vào khu Trường ĐH Nông Lâm rợp bóng cây, rẽ vào đường số 4 đến khu sân bóng đá, nhà thi đấu thể thao của trường này. Phía sau nhà thi đấu có nhiều nhà dân và các dãy phòng trọ cho sinh viên (SV) thuê. Chỉ tay về phía những nhà mái tôn mới có, cũ có, ông K. (một người ở lâu trong khu vực này) nói: “Trong đó là thiên đường mua bán đất quy hoạch và bảo kê luôn xây dựng trái phép. Hiện có nhiều nhà đã xây xong và rao bán, cũng có những căn đang xây”.
Quán cà phê ngay cổng trường từ khi mới có người tới dựng dù là trường phát hiện và thông báo chính quyền xử lý. Không hiểu sao, nhiều lần trường báo cáo mà sau đó căn nhà kiên cố vẫn mọc lên và biến thành quán cà phê
Một lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
Theo hướng tay chỉ của ông K., chúng tôi thấy những ngôi nhà dưới vườn tràm thuộc khu quy hoạch Trường ĐH Nông Lâm dù không có số nhà nhưng đã hình thành khu dân cư thuộc tổ 3, KP.6, P.Linh Trung. Bên cạnh những dãy nhà trọ xập xệ SV đang thuê ở có nhiều ngôi nhà đổ bê tông, ốp gạch men, cổng sắt khang trang vừa mới xây xong. Theo ông H. (một người dân ở lâu trong khu vực này), trước đây những người lao động nghèo tới mua đất rẻ, lén lút xây dựng nhà, lợp mái tôn, vách cũng bằng tôn để ở tạm. Thời gian gần đây, có nhiều người đến mua đất và xây nhà đổ bê tông, làm tường rào kiên cố để ở hoặc bán lại. “Người dân chúng tôi ở đây lâu, nhà tôn xập xệ mỗi lần sửa là đều có cảnh sát khu vực, trật tự đô thị phường xuống lập biên bản, ngăn chặn. Không hiểu tại sao thời gian gần đây, khu này có người mua bán đất dễ dàng và xây những căn nhà kiên cố đến vậy mà không bị chính quyền xử lý”, ông H. thắc mắc.
Phía sau khu dân cư này, đi lên con dốc nhỏ dưới bóng vườn tràm có những hàng rào bằng tôn dựng cao, bên trong là những căn nhà đang xây dở dang. Tại khu vực này, người lạ vào đều được giám sát bởi camera. “Họ rào tôn bên ngoài để xây nhà không phép. Họ xây dựng ngày đêm để kịp hoàn thiện và bán trước tết. Dân khu này ai cũng biết, cảnh sát khu vực cũng đến tuần tra thường xuyên, không biết sao công trình vẫn xây dựng được mà không thấy chính quyền xuống ngăn chặn”, một người dân tại đây nói.
Hai căn nhà xây trái phép trong khu quy hoạch thuộc ĐH Quốc gia
Theo quan sát của PV Thanh Niên, chỉ riêng khu vực này có cả chục căn nhà mới xây xong và đang xây dở dang.
Cả dãy nhà phố trong hàng rào tôn
Rời khu ĐH Nông Lâm, chúng tôi men theo đường mòn, qua khu vườn tràm đến khu vực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM (tổ 8, KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức). Con đường nhỏ từ “ao cá SV” dẫn vào khu dân cư đông đúc được hình thành từ lâu với những dãy nhà trọ kéo dài, những ngôi nhà mái tôn, nhà cấp 4 san sát nhau. Khu dân cư này cũng không có số nhà, địa chỉ rõ ràng, nằm trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TP.HCM, thường được người dân gọi là “ao cá SV”.
Quán cà phê xây trái phép ngay cổng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tồn tại nhiều năm qua, dù trường đã báo địa phương ngay từ đầu Ảnh: Công Nguyên
Từ “ao cá SV” đi theo con đường nhựa gặp tiệm bán thuốc tây bên trái, cạnh đó có con hẻm đất đủ hai xe máy tránh nhau. Từ ngoài đầu hẻm, nhìn vào thấy một hàng rào bằng tôn cao khoảng 5 m bao quanh một đại công trình xây dựng với 7 căn nhà phố liền kề, được thiết kế hai tầng. Hiện 7 căn nhà này đã xong phần móng, vách tường gạch, đổ bê tông sàn và đang hoàn thiện. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, công trình này được khởi công cách đây khoảng 3 tháng, mỗi ngày có rất nhiều công nhân đến xây dựng ì xèo. Bên trong công trình có gắn nhiều camera để theo dõi hoạt động xây dựng và những người ra vào khu vực; mỗi lần công nhân ra vào làm việc đều đóng kín cổng lại. Gần “đại công trình” trong hàng rào tôn, con hẻm bên cạnh có quán cà phê đi vào thấy hai căn nhà được xây dựng khá kiên cố mới đưa vào sử dụng. Hai căn nhà này có tường gạch, đổ bê tông mái hiên. Gần đó, hai căn nhà khác đang trong quá trình hoàn thiện.
Cũng trong khu “ao cá SV” còn có nhiều căn nhà đổ bê tông kiên cố cũng đang vào giai đoạn hoàn thiện. Ông P. (người dân sống tại khu “ao cá SV”) nói khu này nằm trong đất quy hoạch ĐH Quốc gia nên từ lâu người dân xác định xây và ở tạm, sẵn sàng tìm chỗ mới khi dự án được triển khai. Khi được hỏi: “Vì sao lại có nhiều người xây nhà phố, nhà lầu đổ bê tông kiên cố vậy?”, ông P. nói: “Thường ở đây không ai cấp phép xây dựng cả. Dân muốn sửa nhà phải đi hỏi cán bộ như cảnh sát khu vực, trật tự đô thị để xin nhưng không phải ai cũng được cấp. Còn những ngôi nhà đang xây và đã xây xong thì họ có đường dây cả đấy nên mới tồn tại được. Sau khi xây dựng họ được cán bộ cấp cho số nhà, đồng hồ điện, nước. Người dân nghèo như chúng tôi có ai dám ngang nhiên xây dựng trái phép và đứng trên pháp luật như những nhóm người đó”.
Phát hiện lán trại, báo chính quyền vài lần biến thành nhà kiên cố !?
Liên quan đến thực trạng trên, trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM xác nhận việc mua bán, xây dựng không phép tại khu đất quy hoạch trường này là có thật và “rất phức tạp”.
“Thực trạng này diễn ra nhiều năm, đất nằm trong quy hoạch đúng là nhà trường quản lý, nhưng về mặt xây dựng thì chính quyền quản lý. Khi bảo vệ trường phát hiện các công trình xây dựng trái phép thì chính quyền địa phương xử lý, cái này lâu nay là vấn nạn. Trường báo thì cán bộ quản lý địa bàn có xuống kiểm tra, nhưng các căn nhà mới cứ tiếp tục được xây dựng, dân vào ở và được cấp số nhà, điện nước”, vị lãnh đạo trường này cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm, quán cà phê ngay cổng trường từ khi mới có người tới dựng dù là trường phát hiện và thông báo chính quyền xử lý. Không hiểu sao, nhiều lần trường báo cáo mà sau đó căn nhà kiên cố vẫn mọc lên và biến thành quán cà phê. Riêng khu nhà phía sau nhà thi đấu của trường, lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm xác nhận đang có một số người lấn chiếm đất và xây dựng nhà trái phép.
“Nhà trường phát hiện và biết việc này nhưng cũng không thể làm, chỉ báo lên chính quyền P.Linh Trung”, vị lãnh đạo này nói.
Trong khi đó, một cán bộ của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng xác nhận khu dân cư phía sau “ao cá SV” nằm trong quy hoạch của trường này, nhưng nhà trường chưa được giao đất nên công tác quản lý việc mua bán đất, xây dựng thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
“Việc xây dựng tại khu dân cư “ao cá SV” diễn biến phức tạp nhiều năm qua, không biết chính quyền quản lý bằng cách gì mà những ngôi nhà kiên cố đua nhau mọc lên từng ngày. Nếu quản lý kiểu này, mai mốt giải tỏa lấy mặt bằng xây dựng thì rất khó khăn”, vị cán bộ của ĐH Quốc gia TP.HCM nói. ( còn tiếp)
Xây nhà không phép “chung chi” 800.000 – 1,2 triệu đồng/m2 ?
Từ những ghi nhận mua bán, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch thuộc Trường ĐH Nông Lâm và ĐH Quốc gia TP.HCM, PV Thanh Niên vào vai người đi mua đất, xây nhà để tiếp cận những mắt xích trong đường dây xây dựng, mua bán nhà không phép.
Theo ông Kh., một người môi giới đất tại khu vực Suối Nhum (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), khu vực P.Linh Trung diện tích đất nông nghiệp, đất nằm trong quy hoạch còn nhiều nên việc xây dựng không phép đều phải có “đường dây”. “Đường dây này gồm nhiều người nhưng đầu mối đều thông qua “cò”. Nếu xây nhà không phép thì liên lạc với “cò” để hỏi giá cả. Tại khu vực P.Linh Trung giá “chung chi” xây dựng không phép dao động từ 800.000 – 1,2 triệu đồng/m2. Sau khi gặp “cò” thì về xây vô tư, cứ dựa trên diện tích nhà mà chung chi qua “cò”. Trong trường hợp trật tự đô thị, phường xuống lập biên bản thì cứ để họ lập nhưng mình vẫn xây dựng và vào ở bình thường”, ông Kh. nói và giải thích thêm: “Phường xuống lập biên bản là để đối phó, nhưng họ vẫn cho mình xây và cho tồn tại. Cái biên bản đó là để mai mốt có báo chí, hay lãnh đạo quận yêu cầu báo cáo thì phường có cái đưa ra”.
Theo thanhnien.vn
Điện lực TP.HCM muốn cắt điện những khách hàng xây dựng trái phép, không phép
Không được Bộ Công Thương cho phép cắt điện các công trình vi phạm trật tự xây dựng, Tổng công ty Điện lực TP.HCM tiếp tục "hỏi xin" Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tập đoàn chấp thuận cho Tổng công ty được quyền không bán điện cho khách hàng khi có yêu cầu từ chính quyền liên quan đến xây dựng không phép, sai phép.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng đề xuất tập đoàn xem xét, đưa ra quy định về việc đơn vị điện lực ngừng cung cấp dịch vụ điện trong trường hợp khách hàng vi phạm trật tự xây dựng.
Một dự án với 13.000 căn hộ bị xử phạt vì xây trái phép tại TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Danh)
Theo tổng công ty, việc làm trên nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM có giải pháp không cung cấp điện cho các công trình vi phạm.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4608 quy định đơn vị điện lực không thực hiện cắt điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước khi khách hàng vi phạm trật tự xây dựng. Quy định về trình tự, thủ tục cấp điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành không đề cập đến việc không cấp điện nếu khách hàng vi phạm trật tự xây dựng.
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, điều này dẫn đến các hạn chế trong công tác phối hợp giữa ngành điện và cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.
Nguồn: Zing News
Công khai 196 dự án phân lô bán nền tại Bà Rịa - Vũng Tàu Thực hiện nội dung văn bản số 2385 -CV/BTGTU ngày 25/7/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc cung cấp thông tin theo chỉ đạo của Bí Thư tỉnh ủy, đồng thời căn cứ nội dung báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố và văn phòng đăng kí đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp danh...