Đường dây đa cấp Liên kết Việt bị đánh sập như thế nào?
Tiếp tục làm rõ những sai phạm cũng như thủ đoạn lừa đảo của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Cty Liên kết Việt), việc đánh sập đường dây đa cấp quy mô này là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng công an với quyết tâm vạch trần thủ đoạn lừa đảo trắng trợn của các đối tượng trong Cty Liên kết Việt.
Khi hoạt động kinh doanh đa cấp đã vươn vòi bạch tuộc đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến hàng trăm gia đình điêu đứng, thậm chí tan nát nhà cửa vì đa cấp thì cũng là lúc các trinh sát thuộc Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an vào cuộc.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sàng lọc từ các hoạt động kinh doanh đa cấp, các trinh sát dày dặn kinh nghiệm đã nhận ra những dấu hiệu bất thường của Cty Liên kết Việt.
Các trinh sát thu thập thông tin hoạt động của công ty Liên Kết Việt
Thượng tá Dương Văn Hiệp, Phó trưởng phòng Phòng ngừa và đấu tranh án Kinh tế và tham nhũng (P7) – Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an cho biết: “Từ tháng 8/2015, Phó Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện chỉ đạo công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp. Ngay sau đó, chúng tôi đã tổ chức nắm tình hình và các biện pháp nghiệp vụ, thấy nổi lên Liên Kết Việt do Lê Xuân Giang cầm đầu. Ngay khi vào làm việc, chúng tôi đã gặp phải sự chống đối của các đối tượng, bằng cách cung cấp thông tin nhỏ giọt, né tránh.”
Những buổi hội thảo quy mô lớn và Lê Xuân Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt thường xuyên xuất hiện trong bộ quân phục mang hàm Đại tá Quân đội để tạo “uy thế”. Đây chính là những chiêu trò để Giang cùng đồng bọn lừa đảo, mời gọi người dân tham gia.
Thượng tá Dương Văn Hiệp, cho biết: “Khi thu thập tài liệu thì vấn đề đặt ra là xác định tội danh, nếu nói về chuyện làm bằng giả thì đấy là tội làm giấy tờ giả, thì chưa đúng vào bản chất của việc lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo. Chúng tôi phải tập trung vào hành vi chính là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi thu thập đủ chứng cứ chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho lãnh đạo cục để khởi tố vụ án.”
Video đang HOT
Các mặt hàng của công ty Liên Kết Việt
Từ những thông tin và chứng cứ sắc bén của các trinh sát, Phòng điều tra án tham nhũng, Cục Cảnh sát Kinh tế đã tiến hành đề xuất khởi tố 7 bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt.
Ngay sau khi bắt giữ 7 đối tượng, cơ quan CSĐT đã làm rõ, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm Lê Xuân Giang và đồng bọn đã thu được số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 bị hại tại 27 tỉnh thành trên cả nước.
Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng (P12), Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an cho biết: “Quy mô vụ án này liên quan đến 27 tỉnh thành. Ngay sau khi khởi tố, chúng tôi đã làm thủ tục ủy thác điều tra cho 27 tỉnh thành có liên quan để tiếp tục điều tra.”
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an cho biết, nhiều người dân khi biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không dám đứng ra tố cáo và cung cấp thông tin cho cơ quan công an do vẫn lo sợ uy thế của Lê Xuân Giang và đồng bọn. Đây chính là một trong những khó khăn mà lực lượng chức năng gặp phải trong quá trình điều tra, phá án.
Hiện nay, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho cơ quan CSĐT – Công an các địa phương mà Công ty Liên kết Việt đặt chi nhánh, đại lý. Do vậy, đề nghị các bị hại nộp tiền vào chi nhánh, đại lý của địa phương nào thì đến trình báo tại cơ quan CSĐT địa phương đó để việc điều tra được tiến hành thuận lợi, đúng quy trình.
Theo Truyền hình Công an Nhân dân
Bộ Công Thương lần đầu lên tiếng về vụ Liên Kết Việt "lừa" 6 vạn người
Liên quan tới "Tập đoàn lừa đảo" Liên Kết Việt, Bộ Công Thương mới phát đi thông tin trả lời báo chí của người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Đây cũng được xem là lần đầu tiên lãnh đạo của Bộ lên tiếng về vụ việc này.
Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Lê Xuân Giang trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt). Mới đây, C46, Bộ Công an đã chính thức công bố kết quả điều tra ban đầu về các sai phạm, thủ đoạn lừa đảo của tổ chức này.
Chiều 28/2, Bộ Công Thương mới phát đi thông tin trả lời báo chí của ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Đây cũng được xem là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ này lên tiếng về lùm xùm liên quan đến Liên Kết Việt.
Về quá trình đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt, ông Mừng cho biết, công ty Liên Kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/2014. Từ ngày 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh) theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Liên Kết Việt ngày 22/12/2014.
"Nghị định số 42 đã nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động so với trước đây để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kèm. Tuy nhiên, Nghị định không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký hoạt động, đồng thời cũng quy định rất rõ ràng, minh bạch các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện đều được đăng ký hoạt động", ông Bạch Văn Mừng lý giải.
Theo ông Mừng, sau khi Công ty Liên Kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của công ty vào ngày 15/7/2015. Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty Liên Kết Việt. Căn cứ kết quả điều tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành Quyết định xử phạt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong đó, công ty này bị phạt vì vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh/thành phố, nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo, nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia, nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Cơ quan quản lý cũng xử phạt hành vi không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm;
Liên Kết Việt cũng không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.
Đại diện Bộ Công Thương nói, Cục Quản lý cạnh tranh đã chủ động thực hiện hậu kiểm Công ty Liên Kết Việt 7 tháng sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho công ty này và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của công ty, với số tiền phạt rất lớn.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm tại Công ty Liên kết Việt, ông Mừng cho biết, đầu tháng 11/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với C46 - Bộ Công an và Công an Quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên Kết Việt tại trụ sở Công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty tại trụ sở Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã bàn giao hồ sơ kiểm tra Công ty Liên Kết Việt cho C46. Trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra vụ việc Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp cung cấp các tài liệu và phối hợp xác minh thêm thông tin liên quan đến Công ty Liên Kết Việt.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt. Tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt.
Phương Dung
Theo Dantri
Hàng nghìn người tại các tỉnh miền núi sập bẫy Liên kết Việt Không chỉ "càn quét" tại các thành phố lớn, "vòi bạch tuộc" của Liên kết Việt còn vươn ra nhiều tỉnh thành, trong đó có một số tỉnh miền núi với hàng ngàn người sập bẫy. Sau khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã ủy thác cho cơ quan điều...