Dương Chí Dũng khai được ông Phạm Quý Ngọ “mật báo”
Dương Chí Dũng khai ngày 17/5 có điện thoại cho “ông anh” ở ngành công an thì được báo tin: “Đã chấp thuận lệnh khởi tố bắt tạm giam chú, chú trốn đi một thời gian. Giờ chú tắt điện thoại đi”.
11h22′, tòa gọi hỏi Dương Chí Dũng. Dũng xác nhận đã nghe các bị cáo khai.
Dũng trình bày, buổi trưa ngày 17/5 có điện thoại cho Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ thì được biết đi công tác TPHCM đến sáng 17/5 sẽ về. Khi đó, ông Ngọ nghe máy nói đang trên đường từ Nội Bài về thành phố.
Theo Dương Chí Dũng, ông Ngọ thông báo luôn: “Chiều nay Thủ tướng có nghe báo cáo về việc của chú”. Vì vậy, chiều đó Dũng loanh quanh khu vực nhà người này. Cuối giờ chiều, ông Ngọ gọi điện báo “Thủ tướng chấp thuận lệnh khởi tố bắt tạm giam chú, chú trốn đi một thời gian. Giờ chú tắt điện thoại đi”.
“Tôi muốn nói một điều, lời tôi nói đây là sự thật khách quan vì tôi đã bị xử với mức án cao nhất là tử hình rồi thì tôi chỉ nói sự thật thôi. Tôi nghe em trai tôi nói tôi rất thương, chú ấy có vấn đề về trí nhớ rồi” – Dương Chí Dũng hơi lạc giọng.
HĐXX ngắt lời, nói sẽ để thời gian khác cho Dương Chí Dũng, do đã đến giờ nghỉ trưa.
Chiều đúng 13h30 HĐXX tiếp tục làm việc.
11h19′, tòa tiếp tục hỏi bị cáo Dương Tự Trọng. Tòa hỏi: “Bị cáo suy nghĩ gì về lời khai của anh Vinh?”. “Tôi không nghĩ gì”. “Bị cáo là một cán bộ cao cấp trong ngành công an, sinh ra trong gia đình rất truyền thống, bản thân đã lập nhiều thành tích mà phạm tội như này có ý kiến gì không?”. “Tôi không ý kiến gì”. “Bị cáo biết chị H.K.N không, quan hệ thế nào?”. “Biết, quan hệ bình thường như ở cuộc đời này”.
11h8′, chủ toạ yêu cầu nhân chứng Nguyễn Hồng Vinh trình diện.
11h04′, tòa chuyển sang hỏi Dương Tự Trọng. Trọng xác định các đồng nghiệp, anh em tham gia vụ việc có 2 mặt, vừa là tình cảm, vừa là công việc. Với Phong, khi kết hợp làm việc chống buôn lậu, có quen Phong. Từ khi Phong trốn truy nã thì không gặp. Dũng “Bắc Kạn” ở Hải Phòng cũng có quen nhưng không thân, quan hệ xã hội.
Bị cáo Dương Tự Trọng không phủ nhận nhưng cũng không thừa nhận tội
Tòa hỏi ai báo cho Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng nói, không biết việc của anh trai. Còn lời khai của các bị cáo khác tại tòa, Trọng không phản ứng, phủ nhận. Nhưng Trọng cũng không thừa nhận tội.
Tòa hỏi lại:”Chỉ có đúng – sai, nhận và không nhận?”. Trọng giải thích, gia đình có nhiều việc, thời gian đã lâu, bị cáo căng thẳng, không nhớ gì, vì vậy không phản ứng lời khai của các bị cáo khác cũng không nhận tội.
Phần xét hỏi với bị cáo Dương Tự Trọng kết thúc nhanh chóng.
10h46′, tòa hỏi sang bị cáo Vũ Tiến Sơn. Sơn khai ngoài quan hệ đồng nghiệp với Dương Tự Trọng còn có nghĩa 16 năm cùng sát cánh làm mảng hình sự tại Công an Hải Phòng.
Tối 17/5, Trọng nói việc của anh Dũng là xấu thì Sơn có nghĩ, ý thức là Dũng đã bị khởi tố. Tại phòng làm việc, Trọng không nói gì, chỉ nói là tối anh em đi Hà Nội, Sơn biết đi lo việc của Dương Chí Dũng nhưng hình thức là đi dự sinh nhật một người bạn ở Hà Nội.
Sáng 19/5, Sơn hẹn Phong và Trần Văn Dũng tại nhà bố mẹ bị cáo ở Kiến An, Hải Phòng. Trọng có nói là việc của anh Dũng phải tránh đi ở chỗ ông Ny (?) ở Mỹ một thời gian. Việc liên lạc trực tiếp với Trọng thì sẽ lộ nên cần liên lạc với Sơn.
Bị cáo Vũ Tiến Sơn
Tòa hỏi: “Tại lời khai của bị cáo có 2 lời khai về việc có 1 người báo cho Dương Chí Dũng đi lánh. Người đó là ai?”. “Người đó anh Trọng nói là một ông anh ở Bộ Công an.” – bị cáo Vũ Tiến Sơn nói.
Tại nhà, bị cáo nói chuyện với Trần Văn Dũng và Phong, vì Dương Chí Dũng có hộ chiếu đi Mỹ nên việc đó rất đơn giản thôi, không có gì phức tạp. Sơn khai đưa điện thoại có sim cho mọi người và quả quyết, không phân công gì mà mọi người đều hiểu là đưa Dương Chí Dũng đi để Dũng được an toàn.
Sơn khai cùng Trọng vào TPHCM là để làm chuyên án vụ nổ mìn tại Thái Nguyên do Tổng Cục trưởng Phan Văn Vĩnh cử vào. Nhân dịp này cũng tiện để lo việc của Dương Chí Dũng luôn.
Tại TPHCM, các bị cáo quyết định đổi xe chở Dương Chí Dũng khi vào đến Sài Gòn vì xe Prado biển Hải Phòng không tiện, dễ bị phát hiện. Sơn hẹn Nguyễn Hồng Vinh đến trung tâm thương mại Vincom ở Quận 1 để đưa 1 gói Trọng chuyển (Sơn đoán là tiền) và chìa khóa, vé gửi xe để Vinh lấy xe đi Củ Chi đổi lấy xe Prado chở Dương Chí Dũng. Đến tối 23/5, Dương Tự Trọng biết việc Dương Chí Dũng đã qua Campuchia trót lọt.
“Xin xem xét vì trong vụ việc này đều là anh em quan hệ với Dương Tự Trọng, động cơ mục đích là vì tình cảm. Như bị cáo với anh Trọng bao nhiêu năm cùng chinh chiến, sống chết bên nhau. Thực ra việc bị cáo và các anh em làm đều rõ thôi nhưng bị cáo xin xem xét là bản thân không phải có vai trò chỉ đạo vì bị cáo thậm chí còn không biết đón Dương Chí Dũng ở đâu, điểm nào. Bị cáo cũng chưa đi nước ngoài bao giờ, không biết xuất cảnh thế nào…” – Vũ Tiến Sơn trình bày thêm.
Theo Vũ Tiến Sơn, đánh giá của VKS, đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm thì không xứng đáng vì Dương Chí Dũng có phạm phải tội gì thì cũng chỉ là hành vi của một cá nhân.
10h33′, trở lại làm việc, chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn”) lên trước vành móng ngựa. Dũng thừa nhận có quen Dương Tự Trọng, “quan hệ xã hội”. Ngày 19/5, Phong gọi điện cho Dũng nói Trọng muốn gặp. Sau đó Vũ Tiến Sơn gọi lại nói về Hải Phòng ngay có việc cần nhờ, việc về người anh trai của anh Trọng. Tối đó Dũng “Bắc Kạn” từ Hà Nội về Hải Phòng.
Khi đó Trọng hỏi: “Mày dám vì anh không?”. Dũng “Bắc Kạn” gật đầu. Khi về Hải Phòng, Phong đến đón Dũng tới nhà Sơn. 3 người trao đổi nói anh Dương Chí Dũng, anh trai của anh Trọng có việc cần tránh một thời gian, muốn sang Campuchia. Dũng hỏi lại có hộ chiếu không, Sơn nói không, Dũng gợi ý đi theo đường tiểu ngạch.
Tại đây mọi người thống nhất gọi Trần Văn Dũng là “Cạn”, Đồng Xuân Phong là “Gió”, Dương Chí Dũng là “Đồng”. Tại đây, Dũng Cạn nhận được điện thoại có sẵn sim, nhận vé máy bay đi từ Hải Phòng vào TPHCM. Phong thì bay vào từ Hà Nội, hẹn nhau tại nhà Cạn ở Quận 5.
Video đang HOT
Khi đón được Dương Chí Dũng ở cầu vượt Củ Chi, Cạn, Gió đưa Đồng sang Campuchia, cùng vào casino, Cạn nhờ một người quen đưa hộ chiếu của Dương Chí Dũng đi đóng mộc. Mọi việc xong xuôi, khi Đồng đi Mỹ, Cạn cũng lấy vé máy bay trở lại TPHCM. Được ít hôm thì nhận được điện thoại Sơn báo Dương Chí Dũng không được nhập cảnh Mỹ, Trần Văn Dũng trở lại Campuchia thu xếp chỗ ăn ở cho Dương Chí Dũng.
Khi cầm gói tiền Dương Tự Trọng gửi tiếp tế cho anh trai, Dũng “Cạn” mang sang cho Dũng (Trọng khai gói tiền 30.000USD, sau này Dương Chí Dũng khai chỉ nhận được 20.000USD). Khi đó, con Dũng “Cạn” bị tai nạn, bị cáo chưa muốn đi ngay, Trọng nói cứ đi lo cho anh trai mình, con Dũng ở nhà Trọng sẽ lo.
Dũng “Cạn” thanh minh, ban đầu chưa biết Dương Chí Dũng trốn truy nã mà cũng chỉ nghĩ gặp nạn, cần phải tránh đi một thời gian. Bị cáo biết hành vi của mình là phạm pháp.
10h25′, tòa tạm dừng 5 phút, chủ tọa yêu cầu các bị cáo ngồi nghỉ tại chỗ.
10h11′, Đồng Xuân Phong tiến đến trước vành móng ngựa, khai bản thân trước là cán bộ Hải quan Hải Phòng, sau đó vi phạm (nên bị khởi tố, điều tra về tội buôn lậu, thời điểm đó đang trốn truy nã- PV). Trong nhóm bị cáo, Phong quen biết mọi người, trừ Nguyễn Trọng Ánh.
Phong có nhận được điện thoại của Sơn hỏi có quen ai để đưa Dương Chí Dũng là anh trai của Dương Tự Trọng đi nước ngoài được không. Phong nói có Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn”). Sau đó cả nhóm hẹn nhau tại nhà Sơn (19/5/2012) để bàn việc.
Bị cáo Đồng Xuân Phong
Tại đây, gặp nhau trong 5-10 phút, cả nhóm có trao đổi đưa Dương Chí Dũng như nào. Dũng “Bắc Kạn” vạch đường đưa Dũng sang Campuchia rồi đi nước ngoài. Bị cáo cũng biết là không đi được đường chính ngạch. Khi đó, Phong cũng không biết Dương Chí Dũng có việc gì, chỉ biết phải đi đường tiểu ngạch, sau này sẽ nói. Buổi đó mỗi người được đưa một điện thoại có sẵn rồi về. Dũng “Cạn” (chính là Dũng “Bắc Kạn” – PV) hẹn ngày vào Nam, Dũng đi từ Hà Nội, Phong đi từ Hải Phòng, gặp nhau ở Quận 5 (TPHCM).
Sau khi đón được Dương Chí Dũng ở Củ Chi, cả nhóm đến cửa khẩu Mộc Bài. Đến đó xe dừng, có 1 xe máy đến đón Dương Chí Dũng đi ngay còn Phong, Dũng sang Campuchia qua cửa khẩu. Xuất cảnh xong sang đến đất bạn, Phong và Dũng “Cạn” đã thấy Dương Chí Dũng đứng đó chờ. Phong và Dũng “Cạn” đưa Dương Chí Dũng đi Phnômpênh. Tại đây, 3 người book vé đi Singapore. Tại Singapore, Dương Chí Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ còn Phong nhập cảnh vào Singapore chơi 2-3 ngày rồi trở về Việt Nam.
Tòa làm rõ, bị cáo phải ý thức đó là việc bất bình thường, bất hợp pháp mới vậy.
Ít ngày sau, Phong lại nhận được điện thoại của Sơn nói Dương Chí Dũng đã bị trả về từ Mỹ, Trọng nhờ Phong sang Campuchia xem Dương Chí Dũng có khỏe không. Bị cáo sang, gặp Dũng chốc lát, lần thứ 2 sang gặp có đưa Dương Chí Dũng 4000USD để chi dùng, lần thứ 3 không đưa gì.
9h50′, tòa hỏi bị cáo Nguyễn Trọng Ánh. Ánh tuôn ngay câu đầu tiên: “Lâu nay rất ngưỡng mộ Trọng vì cách sống với anh em, gia đình rất tận tình, đàng hoàng”. Ánh không hề có mâu thuẫn gì với Trọng.
Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh tại tòa
Vì vậy, chiều 17/5, khi Trọng gọi lên phòng, mượn điện thoại, Ánh không hề nghĩ gì, đưa điện thoại cho Trọng như mọi lần rồi đi pha nước tắm cho Trọng rồi về phòng. Sau đó, buổi tối, Ánh cùng Trọng đi Hà Nội, khi đó biết là đi đón Dương Chí Dũng.
Tòa nhận xét, lời khai của Ánh cho thấy bị cáo rất tinh quái, rất “ranh” và từ đó thấy nhiều chi tiết không đúng sự thật. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Ánh khai lại toàn bộ tiến trình, từ việc Trọng mượn điện thoại chiều 17/5 đến ngày 20/5, Trọng nói Ánh lấy xe của anh Đặng Thái Hòa ở An Lão để “đi làm” ở Hà Nội. Nhưng lúc lấy xe, Thắng lái thì lại là đi Quảng Ninh, sau đó lại đi Sài Gòn. Biết Trọng, Sơn cũng đang đi công tác ở miền Nam nên “cứ thế đi luôn”.
Tòa yêu cầu Hoàng Văn Thắng đứng lên để đối chất. Thắng khai Trọng có dặn đón xe đi Quảng Ninh cùng Ánh nhưng cũng không biết Ánh có biết việc đưa Dương Chí Dũng TPHCM không. Thắng chỉ nghĩ là Ánh có biết vì Trọng đã dặn đi cùng Thắng.
Ánh “cãi”, mới vào cơ quan làm mấy tháng, Trọng không thể đủ tin tưởng để giao việc đưa anh trai mình đi trốn như vậy. Lời khai của Thắng chỉ là phỏng đoán. Còn Ánh, Trọng giao việc gì là làm như thế, “vô điều kiện”.
Ánh khẳng định trên đường vào Sài Gòn không nghe, nhận điện thoại gì nhưng chủ tọa phiên tòa trích đọc bút lục do Ánh viết tại CQĐT, Ánh viết là Sơn gọi điện hỏi có khỏe không, Ánh nói “mỏi lắm, không bằng đi máy bay anh ạ”. Ánh thừa nhận bản cung đó do bị cáo viết nhưng nghe điện thoại là do Thắng chuyển máy chứ không phải Sơn gọi trực tiếp cho Ánh.
Về cá nhân, bị cáo xin trình bày là hoàn toàn khách quan vì là lính mới vừa về đơn vị công tác thì có được Phó GĐ nói rõ việc anh trai vi phạm pháp luật, đưa đi trốn không. Bị cáo đề nghị tòa xét cho hoàn cảnh của bị cáo như thế và khẳng định không hề có vụ lợi, tư lợi cá nhân trong việc đưa Dương Chí Dũng đi. Quan hệ với Trọng khi đó là cấp trên với cấp dưới. Còn sau khi biết việc vi phạm, vì nể nang Trọng, bị cáo cũng không khai việc này ra. Trước đó, Trọng cũng có dặn Ánh là không nói sự việc, nhất là việc đón tại Quảng Ninh cho ai biết.
Dương Tự Trọng bình thản trước vành móng ngựa
9h32′, bị cáo Vũ Tiến Sơn được yêu cầu tiến lên trước vành móng ngựa. Sơn cho biết, việc Trọng nhờ Thắng, Ánh đưa Dương Chí Dũng vào TPHCM là do Trọng giao việc trực tiếp cho 2 bị cáo này, Sơn cũng không biết việc sử dụng sim rác. Gần đến TPHCM, Trọng có điện trực tiếp một lần cho Thắng nhưng không được nên yêu cầu Sơn gọi thử thì Sơn lại liên lạc được số máy này.
Theo Sơn, cáo trạng nêu về hành vi phạm tội của bị cáo là tương đối khách quan nhưng đánh giá là bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án thì không phải, chủ mưu là do Dương Tự Trọng làm. Lời khai này được Thắng xác minh là Trọng trực tiếp nhờ mình và Ánh đưa Dương Chí Dũng vào nam.
Chiều 17/5, Thắng điện thoại nói Tuấn ở đâu để đến đón đi Hà Nội, khi đó không hề biết là đi việc gì vì anh em quen thân nhau lâu, biết là có việc thì sẽ nhờ và sau đó sẽ nói chứ không bao giờ hỏi lại. Cho đến khi đến Phố Nối, Trọng mới trao đổi là đến đón Dương Chí Dũng ở nhà chị H.K.N. Tuấn biết nhà H.K.N vì đây là người thân quen của mấy anh em.
Việc đi đêm hôm, Tuấn cho rằng cũng là chuyện bình thường, Tuấn không bao giờ hỏi, không thích thóc mách việc riêng tư. Thời điểm đó, Tuấn không có một thông tin gì về việc của Dương Chí Dũng, ngay cả việc Dũng chuyển công tác từ Vinalines về làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, chỉ làm mọi việc vì Trọng.
Tuấn nói, nếu tòa cho rằng hành động của Tuấn là có tội thì Tuấn nhận tội. Tuấn không nghe thông tin về vụ việc tại Vinalines của Dương Chí Dũng sau đó. Rất lâu sau khi cùng Trọng đi Hà Nội đón Dũng, Tuấn mới nghe một đoạn ngắn tin truy nã Dương Chí Dũng trên tivi, khi đang xem bóng đá.
Trong khi Dương Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa với tư cách bị cáo thì Dương Chí Dũng với tư cách là nhân chứng liên quan ngồi phía sau em trai
9h29′, Nguyễn Trọng Ánh được gọi hỏi. Ánh nói được đưa cho 1 điện thoại, trong đó có sẵn sim nên không biết số là gì, chỉ nhận điện thoại. Trên đường đi từ Quảng Ninh vào TPHCM, bị cáo hầu như nghỉ, có điện thoại thì cũng chỉ bấm nhận máy xong đưa cho Thắng nghe chứ không trực tiếp nghe máy bao giờ. Có nội dung nào nghe được thì cũng do điện thoại loa lớn nên nghe được lè nhè bên ngoài.
Đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng luận tội các bị cáo
9h, tòa kết thúc việc đọc cáo trạng. Tòa bắt đầu nội dung xét hỏi. Bị cáo đầu tiên được hỏi là Phạm Minh Tuấn, Trần Văn Dũng… Các bị cáo đều thừa nhận nội dung truy tố của VKS là đúng. Riêng Dương Tự Trọng, ban đầu nói không có ý kiến gì về cáo trạng truy tố, sau khi tòa yêu cầu trả lời cáo trạng đúng hay sai, bị cáo suy nghĩ giây lát rồi đáp “sai”.
Tòa quyết định xét hỏi Hoàng Văn Thắng đầu tiên. Bị cáo cho biết, bản thân hiểu là bị bắt, bị truy tố vì dùng xe chở Dương Chí Dũng từ Quảng Ninh vào TPHCM; Có quen Trọng, Sơn… trừ Trần Văn Dũng; Có biết Dương Chí Dũng thông qua Dương Tự Trọng, biết từ lâu vì ở Hải Phòng đã nghe tên, nghe tiếng.
Bị cáo Hoàng Văn Thắng khai trước tòa.
Chiều 17/5, nhận được điện thoại số lạ gọi, nghe giọng Thắng xác định là Trọng nói lên phòng làm việc có việc Trọng nhờ. Trong phòng khi đó chỉ có Trọng, Trọng nói: “Anh Dũng có lệnh bắt, tạm giữ, nhờ chú lấy xe chở anh Dũng đi” và dặn Thắng xuống cửa cơ quan đón xe, xuống đó thì thấy có xe hiệu Porsche màu trắng. Trước khi đi Trọng còn dặn đón Phạm Minh Tuấn.
Đến Phố Nối (Hưng Yên), Trọng nói dừng đón người. Khi đó Sơn có đưa một túi nilon sau này mới biết là điện thoại để chuyển cho Dương Chí Dũng. Lúc đó bị cáo Tuấn đứng mé trong sát vỉa hè, nói chuyện với Trọng.
Đến Hà Nội, xe đỗ gần một con sông (bị cáo đoán là sông Tô Lịch) để Tuấn vào nhà bạn gái Trọng đón Dũng. Xe dừng chờ khoảng 30 phút. Sau đó, Thắng cùng Dũng “Bắc Kạn” đưa Dương Chí Dũng đi Quảng Ninh, gửi ở nhà bố chị HKN rồi quay về Hải Phòng ngay trong đêm.
Sáng 21/5, Trọng nhờ đưa Dũng vào miền Nam, đi cùng Nguyễn Trọng Ánh, còn xe cộ, phương tiện đã có người lo hết rồi. Trọng cũng dặn để điện thoại ở nhà, vì thế bị cáo đi mua sim rác để dùng, mua luôn cho cả Ánh. Ở điểm hẹn chỗ Kiến An, có xe chờ sẵn, Thắng và Ánh đi Quảng Ninh đón Dương Chí Dũng ở nhà ông Cường, đi theo đường 1A vào Sài Gòn.
Đến 23/5, bị cáo đi xe đến địa phận TPHCM. Khi đó nhận được điện thoại của Đồng Xuân Phong (Thắng nhận ra giọng) nói đến Củ Chi để đổi xe. Trên hành trình từ Quảng Ninh vào Sài Gòn có đôi lần Vũ Tiến Sơn gọi điện.
Đến cầu vượt Củ Chi, Phong hướng dẫn vào một ngõ nhỏ để đổi từ xe 7 chỗ (Prado) sang 1 xe 4 chỗ, sau này Thắng mới biết người lái xe Mercesdes đến đổi là Nguyễn Hồng Vinh.
Được hướng dẫn lái xe đến một địa điểm (cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh – PV), Dũng “Bắc Kạn”, Đồng Xuân Phong, Dương Chí Dũng xuống xe. Thắng và Ánh quay lại khách sạn ở TPHCM (khách sạn Gia Huy). Sáng hôm sau, Vũ Tiến Sơn gọi 2 anh em lên phòng chỗ Sơn, Trọng nghỉ để cùng đi ăn sáng rồi lái xe Prado quay lại Hải Phòng.
Các bị cáo được áp giải đến tòa lúc 7h30 sáng nay
8h30, Hội đồng xét xử bắt đầu phần xét hỏi. Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đọc bản cáo trạng luận tội các bị cáo.
Đúng 8h, chủ tọa đọc thẩm tra căn cước các bị cáo và nhân chứng.
Gần 8h, hai anh em họ Dương và đồng phạm được dẫn vào phòng xét xử. Quan sát qua màn hình ti vi, Dương Tự Trọng ngồi ngay sát vành móng ngựa với khuôn mặt rất bình thản. Dương Chí Dũng với tư cách là nhân chứng liên quan trong vụ án ngồi phía sau Dương Tự Trọng.
Trước đó, lúc 7h30 sáng nay, đoàn xe chở bị can Dương Tự Trọng và Dương Chí Dũng cùng những đồng phạm đã đến trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Bên ngoài tòa án, lực lượng công an thặt chặt an ninh.
Sau khi biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho cấp dưới Vũ Tiến Sơn (Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội – PC45 Công an Hải Phòng) tổ chức chỉ đạo việc đưa cựu Chủ tịch Vinalines đào tẩu.
Trọng, Sơn phân công Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về môi trường – PC 49 Công an Hải phòng), Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Hải quan TP.Hải Phòng), Phạm Minh Tuấn (GĐ Xí nghiệp Bạch Đẳng, là bạn thân của Trọng) cùng 2 tay “anh chị” đất Cảng là Đồng Xuân Phong (người đang trốn truy nã về tội buôn lậu), Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn”) và một số người khác sử dụng xe ô tô chở Dương Chí Dũng từ Hà Nội tối ngày 17/5/2012 về Quảng Ninh và ngày 21/5/2012 tiếp tục đưa từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Các đối tượng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia vào khoảng 19h tối 23/5/2012.
2 anh em Dũng – Trọng “hội ngộ” tại tòa hôm nay.
Quá trình đưa Dương Chí Dũng đào tẩu, Trọng là người chủ mưu, cầm đầu, Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, liên tục thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón… Việc cung cấp tiền, lo thủ tục… được giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau một cách rất kín kẽ, bài bản.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND Hà Nội thể hiện, các bị cáo Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn bị VKSND tối cao truy tố về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ Luật hình sự. Các bị cáo Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn bị truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, các bị cáo này vẫn có thể bị tòa xét xử theo khoản 3 Điều 275 giống như Trọng, Sơn.
Những người tham gia tố tụng, ngoài 7 bị cáo còn có 5 luật sư. Luật sư Nguyễn Đình Hưng và Vũ Thị Kim Ngọc bào chữa cho cựu Phó GĐ Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng. Luật sư Trần Thiện Thuật và Nguyễn Thái Hòa bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn. Luật sư Đặng Việt Hùng bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn.
4 bị cáo còn lại gồm Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh không mời luật sư. Các bị cáo này cũng không thuộc diện cần tòa chỉ định luật sư bào chữa.
Ngoài ra, tòa cũng triệu tập nhiều người làm chứng. Nhân chứng đầu tiên chính là Dương Chí Dũng – “tâm điểm” của vụ án, người được các bị cáo tổ chức cho trốn đi nước ngoài. Bạn gái cựu Đại tá Dương Tự Trọng và bố đẻ chị này (người cho Dương Chí Dũng “tạm trú” ở nhà mình tại Hà Nội, Quảng Ninh trong thời gian chờ cựu Phó GĐ Công an Hải Phòng tính đường đi nước bước) cũng được tòa triệu tập.
Một số “mắt xích” khác tham gia hành trình của Dương Chí Dũng cũng được triệu đến tòa với vai trò người làm chứng.
Công tác an ninh được thắt chặt
Trường hợp Nguyễn Hồng Vinh (em rể của Dương Tự Trọng), người được Trọng trao đổi về việc Dương Chí Dũng có liên quan đến pháp luật và nhờ lái xe ô tô 4 chỗ Mercedes từ trung tâm TPHCM lên địa phận huyện Củ Chi đổi xe và chuyển tiền cho Đồng Xuân Phong để Phong đưa cho Dũng, VKS cho rằng hành vi của Vinh cũng phạm vào tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” với vai trò là người giúp sức. Nhưng xét thái độ khai báo thành khẩn của Vinh, căn cứ tính chất, mức độ phạm tội, động cơ phạm tội là vì tình cảm gia đình nên được cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an miễn trách nhiệm hình sự.
Phòng xử án trước giờ làm việc
Các anh Đặng Thái Hòa, Nguyễn Thái Hưng là những người cho mượn và mượn hộ xe ô tô nhưng không biết mục đích sử dụng xe của những người đi mượn là để chở Dương Chí Dũng đi trốn nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý về hình sự.
Những người này cũng được triệu tập đến phiên xử ngày hôm nay…
Dân trí sẽ liên tục cập nhật diễn biến phiên xử trong 2 ngày 7, 8/1/2014.
Bài: P.Thảo
Ảnh: Quang Phong
Theo Dantri
Voi nhà 35 tuổi chết chưa rõ nguyên nhân ngày đầu năm
Một voi cái được xác định khoảng 35 tuổi, cân nặng khoảng 1,2 tấn; cao 2,7 mét, dài khoảng 3 mét chết chưa rõ nguyên nhân vừa mới được phát hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng Trung tâm Du lịch Bản Đôn - trả lời PV.
Nguồn tin được ông Nguyễn Đức - Trưởng Trung tâm Du lịch Bản Đôn (đóng trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) - cho PV Dân trí biết vào ngày hôm nay, 15/2. Đây là con voi thuộc tài sản Trung tâm Du lịch Bản Đôn - Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk.
Theo đó, voi chết có tên là H'plo, được phát hiện chết vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Tỵ sau khi nài voi vào rừng đưa voi đi trực du lịch. Vị trí phát hiện voi chết được xác định cách trạm kiểm lâm số 3 - VQG Yok Đôn khoảng 1 km.
Ông Nguyễn Đức cho biết, mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành các thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi voi chết theo quy định, tuy nhiên, về nguyên nhân voi chết đến nay vẫn chưa thể xác định bởi cơ thể voi sau khi chết vẫn bình thường, không hề có dấu hiệu tác động từ ngoại lực.
Tuy nhiên khi chúng tôi đặt giả thiết là có hay không việc voi chết có thể là do lao động quá sức mà cụ thể là làm du lịch, ông Nguyễn Đức cho rằng: "Voi chết không đến nỗi là kiệt sức, không có biểu hiện về bệnh tật bởi vì tất cả voi ở Trung tâm đều có lịch làm việc cụ thể theo ca, đảm bảo đúng quy định. Một ngày Trung tâm có 4 voi trực làm du lịch, đến tuần sau thì số voi này sẽ được nghỉ bồi dưỡng".
Ông Y Niêt B.Yă (58 tuổi, tên thường gọi là Ama Nô) - nài voi có 5 năm chăm sóc voi cái H'plo khá buồn khi voi chết bất thường.
Cũng theo ông Đức, voi cái H'plo trước khi chết không có dấu hiệu gì bất thường, ngày mùng 1 tết voi H'plo còn rất khỏe, linh động, khôn ngoan. Vào trước Tết Nguyên đán khoảng một tuần, Trung tâm Du lịch Bản Đôn đã tăng cường chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe dinh dưỡng bữa ăn cho voi để phục vụ Tết. Chú voi cái H'plo cũng được ông Nguyễn Đức nhận định là chú voi cái có sức sinh sản rất cao so với những chú voi khác.
Ông Y Niêt B.Yă (58 tuổi, tên thường gọi là Ama Nô) - nài voi có 5 năm chăm sóc voi cái H'plo - cũng cho biết, tình trạng sức khỏe voi cái H'plo trước khi chết là bình thường, sức khỏe tốt. Sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, ông vào rừng để dắt voi đi trực thì phát hiện voi nằm bất động giữa rừng.
"Mình quý voi như người thân trong nhà, bây giờ voi chết cảm thấy buồn lắm! Sáng mùng 2 Tết khi tôi vào rừng dắt voi thì voi H'plo đã nằm yên không nghe động tĩnh gì, tôi cố gắng thức dậy thì mới biết voi đã chết cứng từ lâu...". Được biết, hiện thi thể voi chết đã được cơ quan chức năng tiêu hủy theo quy định.
Voi nhà Đắk Lắk ngày càng hao hụt.
Liên quan đến việc voi chết tại tỉnh Đắk Lắk, trước đó vào giữa tháng 12 năm ngoái, lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn phát hiện một voi con hoang dã khoảng 1 đến 2 tháng tuổi bị chết tại lô 3, khoảnh 8, tiểu khu 290, thuộc trạm kiểm lâm số 7 - VQG Yok Đôn. Voi con chết được xác định là voi đực, có chiểu cao khoảng 90 cm, dài 1,2 mét, cân nặng khoảng gần 100 kg.
Theo dantri
Hơn 5 vạn du khách "đội mưa" về dự lễ khai hội chùa Hương Sáng nay, 15/2 (mồng 6 tháng Giêng), khu di tích danh thắng Hương Sơn đã đón trên 5 vạn du khách về dự thời khắc khai hội. Trong thời tiết mưa rét, hàng vạn du khách đã phải nhích từng bước chân trong "biển người" để vào chùa Thiên Trù, động Hương Tích bái Phật. Mặc dù đúng 9h sáng nay 15/2, lễ...