Dược sĩ từ chối bán thuốc phá thai vì lý do đạo đức
Biết chắc sẽ mất con, Nicole Arteaga (Mỹ) mua thuốc để chấm dứt thai kỳ và bị dược sĩ thẳng thừng từ chối vì lý do đạo đức.
Tất cả những gì Nicole Arteaga muốn là sinh thêm con. Thế nhưng, ở tuần thai thứ mười, người phụ nữ 35 tuổi được chẩn đoán thai nhi trong bụng đã ngừng phát triển, tim không còn đập. Nicole chắc chắn sẽ sảy thai, một lần nữa.
Bác sĩ gợi ý Nicole chấm dứt thai kỳ bằng thuốc kê toa hoặc phẫu thuật. Không muốn động dao kéo, cô chọn phương án đầu tiên và đến hiệu thuốc Walgreens ở Peoria, Ariz. Tuy nhiên, trước sự ngỡ ngàng của Nicole, dược sĩ tại cửa hiệu đã thẳng thừng từ chối bán thuốc với lý do “niềm tin không cho phép”.
Nicole Arteaga không mua được thuốc phá thai vì “niềm tin” của dược sĩ. Ảnh: USA Today.
“Tôi không hề muốn uống thuốc. Tôi không muốn chấm dứt thai kỳ theo cách đó nhưng tôi không còn cách khác”, Nicole bức xúc. Chia sẻ với USA Today, người phụ nữ cho biết cô tới hiệu thuốc Walgreens tối 21/6 với con trai lớn bảy tuổi và cố gắng giải thích với dược sĩ tình trạng của mình. “Tôi nói rằng mình cần thuốc vì thai nhi trong bụng đã ngừng phát triển nhưng anh ta (dược sĩ) vẫn kiên quyết từ chối vì lý do đạo đức, chỉ đứng đó im lặng và nhìn tôi”, Nicole kể.
“Không tin nổi. Anh ta làm sao hiểu nổi cảm giác khát khao mang thai đủ 9 tháng 10 ngày mà không thể”, bà mẹ 35 tuổi tiếp tục. “Tôi không kiểm soát tình hình hay cơ thể mình. Tôi tìm kiếm sự giúp đỡ mà bị quay lưng. Tôi hoàn toàn lạc lối”. Nicole quả quyết dược sĩ không giải thích gì thêm, cũng không trao đổi với hai đồng nghiệp trong quầy mà bảo cô quay lại sau hoặc tới hiệu thuốc khác.
Vừa bối rối vừa đau buồn, Nicole trở về nhà. Cô nhờ chồng tới hiệu thuốc giải thích một lần nữa với dược sĩ song vẫn không thành công. Ngày 23/6, Nicole phát hiện đơn thuốc của cô được chuyển sang cơ sở khác của Walgreens. Người phụ nữ tới địa chỉ mới này và nhờ đó lấy được thuốc phá thai.
Video đang HOT
Việc Nicole bị từ chối bán thuốc phá thai lan truyền trên mạng xã hội. Đại diện Walgreens giải thích rằng dược sĩ có thể từ chối kê đơn nếu không đồng ý về mặt đạo đức nhưng phải chuyển đơn thuốc cho đồng nghiệp hoặc quản lý để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của bệnh nhân. Bên cạnh đó, công ty này cũng cử người tới gia đình Arteaga xin lỗi.
Đáp lại, Nicole cho biết dược sĩ từ chối bán thuốc cho cô mà không hề bàn luận với hai đồng nghiệp. Cô cũng chưa nhận được lời xin lỗi nào.
Trên thực tế, ở Mỹ, luật về cách thức hoạt động của hiệu thuốc thay đổi tùy từng bang. Trung tâm Luật pháp Phụ nữ Quốc gia Mỹ nhận định dược sĩ ở Walgreens không hề sai phạm vì bang Arizona cho phép hiệu thuốc và dược sĩ từ chối cung cấp thuốc vì lý do tôn giáo, đạo đức.
Minh Nguyên
Theo vnexpress.net
Cục trưởng cảnh báo tình trạng giả bác sĩ, dược sĩ tư vấn thực phẩm chức năng
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng tình trạng tư vấn viên giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) là rất nguy hiểm. Bản thân ông khi gọi điện đến cũng được tư vấn, khẳng định dùng là khỏi.
Ngày 25/6, chia sẻ với báo chí liên quan đến những sai phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng của công ty Đông Nam Dược, ông Phong cho biết vừa ra quyết định thu hồi 13 giấy xác nhận sản phẩm của công ty này có địa chỉ tại tầng 23 toà nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thanh kiểm tra đột xuất với các địa chỉ khác của các công ty tương tự.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải
Cục An toàn thực phẩm cũng ra quyết định thu hồi 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm của Công ty Đông Nam Dược.
Trước đó, những lùm xùm của công ty này được báo chí phản ánh về tình trạng người dân gọi đến tư vấn được giới thiệu dùng các sản phẩm nâng cao sức khỏe nhưng lại có tác dụng khỏi bệnh.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đích thân nhấc máy gọi tư vấn, với căn bệnh liên quan đến đốt sống và được tư vấn viên khẳng định dùng sản phẩm là khỏi bệnh.
Ông Phong khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.
"Trong khi đó, TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người", ông Phong nói.
Với những trường hợp này, cơ quan chức năng đang xác minh, thu thập chứng cứ và sẽ xử lý.
Ông Phong cho biết thêm, nhiều công ty kinh doanh TPCN luôn muốn quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng. "Tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng kiên quyết không mua sản phẩm quảng cáo như vậy".
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thông báo một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai giống thuốc chữa bệnh... mà đã kinh doanh. Như trường hợp của 3 công ty có lượng kinh doanh rất lớn qua mạng Cục An toàn thực phẩm đang xác minh. Sớm nhất Cục sẽ làm việc với công ty có sản phẩm chưa công bố chất lượng đã bán trong siêu thị.
Hay một số công ty đã thay đổi địa điểm mà không thông báo lại với cơ quan quản lý chúng tôi cũng sẽ thu hồi.
"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhưng phải tăng cường thanh kiểm tra theo chỉ thị 17 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành (ngày 19/6/2018) về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền".
Với chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc, đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người.
Bộ Y tế được yêu cầu tăng cường thanh tra với các hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng với mặt hàng dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Sự thật đằng sau những lời nói dối với bố Trước kỳ thi tốt nghiệp, Luân và một số bạn trong lớp tổ chức đi dã ngoại, anh viết một mẩu giấy đưa cho tôi: "Mình muốn đi ngắm vịnh Hạ Long, Hương tham gia cùng bọn mình nhé". Nói thật nếu mẩu giấy đó là do người khác viết và gửi cho tôi thì chắc chắn tôi sẽ có đủ các lý...