Dược phẩm Imexpharm báo lãi tăng 13% lên hơn 41 tỷ đồng trong quý 1
Trong quý 1, Dược phẩm Imexpharm đã thực hiện được 30% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2020.
Quý 1/2020, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) ghi nhận doanh thu thuần gần 304 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 127 tỷ đồng, tăng 11%.
Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không biến động nhiều so cùng kỳ. Sau cùng, Imexpharm báo lãi sau thuế hơn 41 tỷ đồng, tăng 13%.
IMP đưa ra kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu 1.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 23% và 28% so với năm 2019. Như vậy sau 3 tháng đầu năm 2020, Công ty đã thực hiện hơn 17% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.
Tại cuối tháng 3/2020, IMP có tổng tài sản hơn 1.817 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với hồi đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn đang ghi nhận gần 301 tỷ đồng, giảm 9%; giá trị hàng tồn kho gần 349 tỷ đồng, xấp xỉ hồi đầu năm.
Nợ phải trả chiếm 217 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn đến 193 tỷ đồng. Công ty có khoản vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 60 tỷ đồng, và không ghi nhận nợ vay tài chính dài hạn.
Về kế hoạch mở rộng sản xuất, nhà máy công nghệ cao Bình Dương dự kiến sẽ được xét duyệt EU và cấp chứng nhận EU-GMP vào cuối quý 3/2020. Doanh nghiệp dự kiến đi vào vận hành thương mại quý 4/2020.
Đối với nhà máy Dược liệu và trung tâm kiểm nghiệm ở Đồng Tháp được triển khai cuối năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020 nhằm thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các dòng sản phảm của IMP cho thị trường OTC, cũng như tăng cường công tác kiểm định chất lượng đầu ra cho các sản phẩm IMP.
Hiện tại, doanh nghiệp vận hành chủ yếu 5 nhà máy, trong đó Nhà máy IMP1 ở Cao Lãnh hoạt động 22 năm, đóng góp 61,5% tổng giá trị doanh thu và chiếm 81,7% tổng sản lượng.
Video đang HOT
Nhà máy IMP 3 chiếm 8,5% tổng sản lượng, giá trị đóng góp 32,4% do các sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn EU-GMP; Nhà máy IMP2 ở vĩnh Lộc chưa nhiều do mới khia thác đầu năm 2019 và các nhà máy Argimexpharm; Nhà máy thực phẩm chức năng hiện tại đóng góp chưa nhiều cho hoạt động kinh doanh.
Anh Nhi
Bầu Đức vẫn đau đầu với gánh nợ của Hoàng Anh Gia Lai
Dù đã tái cơ cấu và giảm đáng kể giá trị vay nợ trong năm qua, nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai vẫn cao hơn tài sản ngắn hạn. Công ty còn trễ hạn thanh toán một số khoản vay.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) năm qua đã cơ cấu lại nhiều khoản nợ để giảm đáng kể dư nợ trên báo cáo tài chính. Đến cuối 2019, HAGL vay ngắn hạn 3.800 tỷ đồng, vay dài hạn 10.900 tỷ đồng. Tổng nợ vay của tập đoàn giảm hơn 7.000 tỷ sau một năm.
Tuy nhiên, các khoản vay vẫn đang là cơn đau đầu với doanh nghiệp phố núi khi kiểm toán tiếp tục chỉ ra hàng loạt vấn đề về cam kết trong các hợp đồng tín dụng của HAGL với chủ nợ.
Không đảm bảo cam kết với ngân hàng
Trong danh sách vay ngân hàng ngắn hạn, khoản vay tại ngân hàng Lào - Việt của HAGL được đảm bảo bằng nhiều tài sản trong đó có toàn bộ công trình dự án trồng 835 ha chanh dây, vườn tiêu 27 ha tại Lào. Tuy nhiên, hiện HAGL không còn trồng chanh dây và tiêu tại các địa điểm như trong cam kết với ngân hàng.
Với các khoản vay bằng trái phiếu, diện tích cao su và cọ dầu thực tế của doanh nghiệp đang trồng chỉ đạt 92% và 74% so với con số trong hợp đồng trị giá 5.876 tỷ đồng với trái chủ BIDV. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico hiện còn 47,4% nhưng trong hợp đồng đặt mua trái phiếu là tối thiểu 51%.
Hợp đồng vay 300 tỷ đồng trái phiếu từ trái chủ Golden Farm quy định hệ số thanh toán hiện hành, tức tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn của HAGL phải lớn hơn 1. Nhưng hệ số thanh toán hiện hành của công ty bầu Đức cuối 2019 chỉ đạt 0,87 với 7.074 tỷ đồng tài sản ngắn hạn còn nợ ngắn hạn là 8.090 tỷ.
Tiếp theo, trong 3 khoản vay dài hạn với tổng dư nợ 1.561 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Gia Lai, tập đoàn chưa trả khoản vay đến hạn theo lịch thanh toán với tổng số tiền 832 tỷ.
Với khoản vay dài hạn 566 tỷ đồng từ BIDV chi nhánh Bình Định, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế của công ty chỉ còn 46% và 76% so với cam kết trong hợp đồng tín dụng.
HAGL chưa thực hiện đúng điều kiện trong hợp đồng vay vốn như diện tích trồng cao su, dầu cọ. Ảnh: HNG.
Diện tích trồng cọ dầu không đáp ứng con số cam kết tối thiểu cũng là vi phạm bị kiểm toán nhắc nhở HAGL trong hợp đồng vay dài hạn tại HDBank, ngân hàng Lào - Việt, Sacombank.
Với các khoản vay dài hạn tại ngân hàng Lào - Việt, HAGL cũng chưa đảm bảo đủ số lượng bò nhập và giá trị đàn bò như trong hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, tập đoàn của bầu Đức chưa thanh toán các khoản vay đến hạn phải trả theo lịch với tổng số tiền 45 tỷ đồng.
Cuối cùng, HAGL còn bị kiểm toán lưu ý chưa mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo theo cam kết hợp đồng vay vốn tại Sacombank.
Để ngỏ khả năng thu hồi gần 5.700 tỷ đồng
Ngoài vấn đề chưa thực hiện đúng cam kết trong các hợp đồng tín dụng, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với về việc đánh giá khả năng thu hồi của HAGL đối với các khoản phải thu tồn động từ các bên liên quan với tổng số tiền 5.669 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HAGL đã hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm cuối 2018 và không ghi nhận khoản dự phòng thuế trong năm 2019 theo quy định hiện tại của Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được Chính phủ ban hành năm 2017.
Thay vào đó, tập đoàn của bầu Đức đang áp dụng các nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20 dù dự thảo chưa được cơ quan có thẩm quyền chính thức phê duyệt.
Theo đơn vị kiểm toán, nếu thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Nghị định 20 cho năm tài chính 2019, chỉ tiêu lỗ trước thuế của HAGL sẽ tăng thêm 335 tỷ và lỗ ròng tăng thêm 483 tỷ đồng.
Đồ họa: Việt Đức.
Ban lãnh đạo nói gì?
Trước những ý kiến của kiểm toán trong báo cáo tài chính, ban điều hành HAGL cho biết lý do hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp các năm trước và không trích dự phòng thuế cho năm 2019 liên quan Nghị định 20 vì thực tế doanh nghiệp lỗ nặng trong các năm 2017-2019.
"Công ty không phải là đối tượng của chống chuyển giá và đang bị lỗ nặng nên việc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp do bị loại chi phí lãi vay phát sinh vượt 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và khấu hao trong năm là không hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và tin tưởng Chính phủ sẽ xem xét thấu đáo vấn đề", lãnh đạo HAGL giải trình.
Với ý kiến về việc kiểm toán không xác định khả năng thu hồi khoản phải thu tồn đọng từ các bên liên quan với số tiền 5.669 tỷ đồng, công ty bầu Đức cho hay theo xét đoán của mình, dù giá trị các vườn cây chưa được định giá cao do cây đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, nhưng tiềm năng tạo ra dòng tiền để trả nợ cho tập đoàn rất lớn.
Vì vậy, doanh nghiệp tin tưởng tài tài sản của các công ty liên quan đang tồn đọng khoản phải thu đủ khả năng tạo ra giá trị và dòng tiền đảm bảo khả năng thu hồi. Các số liệu định giá mang tính thời điểm để tham khảo hơn là giá trị giao dịch.
Cuối cùng, với tình trạng nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn và một số khoản vay ngắn hạn đã trễ hạn thanh toán, HAGL khẳng định đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất.
HAGL chia sẻ doanh thu từ bán trái cây tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu 2020. Ngoài mở rộng diện tích trồng chuối là loại trái cây em lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn với sản lượng cao, giá bán ổn định, công ty cũng có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như mít, xoài, bơ, sầu riêng đến tuổi thu hoạch dự kiến đem lại nguồn thu lớn trong năm nay.
Việt Đức
Kế hoạch kinh doanh 2020, hai mảng màu đối lập trong ngành dược Được kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu dược phẩm và các sản phẩm y tế gia tăng đột biến, vậy nhưng, không phải doanh nghiệp dược nào cũng tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2020. Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa công bố kế hoạch sản xuất...