Dùng vi khuẩn chiết xuất kim loại hiếm từ pin cũ thải loại
Các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Scotland) đã tìm ra “đồng minh” mới trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu của họ, đó là các vi khuẩn giúp chiết xuất kim loại quý từ pin cũ và rác thải điện tử.
Công nhân phân loại rác thải điện tử tại một nhà máy ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images
Giáo sư Louise Horsfall tại Đại học Edinburgh cho biết những kim loại quý và đắt đỏ như lithium, coban, mangan… đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xe điện và nhiều thiết bị khác của công nghệ xanh.
Giáo sư Horsfall chia sẻ rằng nếu chúng ta muốn dựa vào điện để lấy năng lượng, sưởi ấm, di chuyển… thì chúng ta sẽ ngày càng dựa vào các kim loại. Thiết bị bay không người lái, máy in 3D, quang điện, turbine gió, pin nhiên liệu, và động cơ ô tô điện đều cần kim loại. Nhiều trong số các kim loại này khá hiếm.
Ngoài ra, Trung Quốc không những là quốc gia đóng vai trò nguồn cung chính của đất hiếm mà còn nắm trọn quy trình xử lý chúng. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chính trị nhiều biến đổi, nguồn cung từ Trung Quốc luôn có nguy cơ gián đoạn. Do đó, giáo sư Horsfall khẳng định cần phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng kim loại hiếm nếu có thể, nếu không, chúng sẽ cạn kiệt nhanh chóng. Có giới hạn với số lượng các kim loại quý này trên Trái Đất nên việc vứt bỏ chúng là vô cùng lãng phí. Bà Horsfall khẳng định cần công nghệ tái chế mới nếu muốn chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên.
Theo giáo sư này, chìa khóa của tái chế chính là vi sinh vật. Bà phân tích: “Một số vi khuẩn có thể tổng hợp hạt nano của kim loại. Chúng tôi cho rằng đó là quá trình giải độc của chúng. Về cơ bản, chúng bám vào các vi nguyên tử kim loại và để tránh bị nhiễm độc, các vi khuẩn biến chúng thành hạt nano”.
Giáo sư Horsfall cùng nhóm nghiên cứu đã sử dụng chủng vi khuẩn này chiết xuất mangan, lithium. Sau đó, họ dùng chủng vi khuẩn khác và chiết xuất được nickel, coban.
Trong tương lai, giáo sư Horsfall và đội nghiên cứu dự kiến sử dụng các vi khuẩn được chỉnh sửa gene để có thể tăng lượng kim loại chúng xử lý được. Ví dụ như dùng vi khuẩn để chiết xuất coban và nickel riêng biệt trong khi hiện tại họ chưa thể làm được điều đó.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là chứng minh rằng những kim loại quý sau khi được chiết xuất từ rác thải điện tử có thể sử dụng làm thành phần của pin hoặc thiết bị mới.
Video đang HOT
Châu Phi trong cuộc cạnh tranh mới
Với diện tích đất đai rộng lớn, nguồn lao động dồi dào - dân số chỉ đứng sau châu Á, cộng với các nguồn tài nguyên, khoáng sản khổng lồ, châu Phi từ lâu vẫn được nhiều nước lớn để mắt và vốn dĩ đã trở thành một "đấu trường cạnh tranh ảnh hưởng" giữa các siêu cường.
Hiện nay, lục địa đen hiện vẫn duy trì được vị thế là nguồn cung cấp các khoáng sản lớn nhất thế giới như kim cương, lithium, uranium, vàng, vanadi, mangan, bạch kim và coban.
Châu Phi cũng đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp dầu thô trên toàn cầu và nguồn mỏ dầu mới vẫn tiếp tục được phát hiện hàng năm tại đây. Là quê hương của 5 trong số 30 quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia giàu có và phát triển hàng đầu trên toàn cầu đều muốn giành được quyền kiểm soát tuyệt đối với trữ lượng "vàng đen" khổng lồ này.
Châu Phi ngày nay không còn là kẻ đứng bên lề trong các kế hoạch toàn cầu
Đặc biệt, khi công nghệ ngày càng trở thành trọng tâm trong cuộc sống và nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm và các tài nguyên khoáng sản quan trọng khác - những nguyên liệu thô thiết yếu làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế ít carbon trong tương lai - đã tăng theo cấp số nhân. Những khoáng sản quan trọng mà châu Phi sở hữu dồi dào, chính là huyết mạch của các công nghệ từ chất bán dẫn, bộ nhớ flash và cáp quang đến pin xe điện và điện thoại thông minh. Kết quả là, sự cạnh tranh để giành lấy những tài sản này đang định hình lại bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế, vượt xa quyền bá chủ truyền thống của dầu mỏ và phác thảo những đường nét cho cuộc tranh giành tài nguyên toàn cầu tiếp theo - cuộc cạnh tranh "dầu mới".
Từ nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch...
Theo các số liệu thống kê, tính đến năm 2040, châu Phi sẽ là nơi sinh sống của 2 tỷ người và cần thêm 60% năng lượng cho nền kinh tế của chính mình. Với lợi thế tràn ngập ánh sáng mặt trời và gió, các quốc gia châu Phi có tiềm năng rất lớn để vượt qua sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển thẳng sang năng lượng tái tạo.
Châu lục này có thể khai thác tiềm năng gần như vô hạn của mình và trở thành tâm điểm trong việc sản xuất mọi thứ từ tấm pin mặt trời đến pin cho xe điện. Sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp năng lượng sạch này hứa hẹn mở rộng quy mô công nghiệp và việc làm, sau đó sẽ tiếp tục đảm bảo mức độ phát triển thịnh vượng về kinh tế xã hội chưa từng có.
Cơn khát toàn cầu về các công nghệ thân thiện môi trường mang đến cơ hội vàng cho Lục địa Đen
Các quốc gia sở hữu những nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng có thể thu hút đầu tư đáng kể không chỉ vào việc khai thác các nguồn tài nguyên này mà còn vào các công nghệ tiên tiến dựa vào chúng. Thiên nhiên trù phú của châu Phi mang đến cơ hội đóng vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy đầu tư cũng như dẫn đầu sự phát triển và tăng trưởng công nghiệp trong nước và khu vực. Để tận dụng cơ hội này, các nước châu Phi cần tăng cường năng lực sản xuất, đẩy mạnh sản xuất và khuyến khích xuất khẩu bằng cách tăng cường hợp tác trong nước và xuyên biên giới cũng như liên kết chuỗi cung ứng.
Nếu có thể khai thác triệt để nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ của mình, châu Phi không những có thể cung cấp năng lượng cho lượng dân số ngày càng tăng mà còn khiến lục địa này trở thành nơi xuất khẩu nhiên liệu xanh hàng đầu thế giới.
Bắc Phi đại diện cho một trong những khu vực sản xuất dầu khí quan trọng nhất trên thế giới và cũng có tiềm năng trở thành cường quốc về năng lượng tái tạo. Vị trí địa lý khiến nơi đây trở thành điểm giao nhau giữa châu Âu, châu Phi và Trung Đông và là hành lang trung chuyển quan trọng cho các thị trường năng lượng toàn cầu. Nổi bật nhất trong mô hình này là Morocco. Với các dự án năng lượng mặt trời tập trung quy mô lớn, quốc gia này đã nêu gương sáng về cách các quốc gia khác ở châu Phi có thể sử dụng năng lượng mặt trời. Và giờ đây, quốc gia này sẵn sàng trở thành quốc gia đầu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ của mình thành nguồn năng lượng tổng hợp xanh.
Samir Rachidi, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển về Hệ thống Nhiệt và Power-to-X thuộc Viện nghiên cứu năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng mới (IRESEN), Morocco, chia sẻ: "Thay vì đào xuống đất, chúng ta sẽ có các tấm pin mặt trời và tua-bin gió vươn lên trời".
...đến vai trò trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn
Khi cả thế giới đang nỗ lực chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng thay thế bền vững hơn, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt, nhu cầu về một số khoáng sản và kim loại nhất định sẽ tăng vọt, điều này có thể sẽ biến châu Phi thành chiến trường cho các nước bá quyền đang cạnh tranh nhau để tìm cách giành lấy sự độc quyền đối với huyết mạch của nền kinh tế tương lai. Đến năm 2050, thế giới có thể cần gần 3 tỷ tấn kim loại như lithium, coban và vanadi, rất hữu ích trong việc lưu trữ năng lượng. Các khoáng chất như mangan và than chì, rất cần thiết cho những công nghệ mới này, được tìm thấy rất nhiều tại châu Phi, bên cạnh đồng và các vật liệu khác như indium, selen và neodymium được sử dụng trong sản xuất tua-bin gió và tấm pin mặt trời.
Cạnh tranh quyền bá chủ về dầu mỏ đang dần bị thay thế bởi những cuộc săn lùng các loại dầu mới
Những điều kiện như vậy có thể giúp châu Phi thành công trong bối cảnh thế giới đẩy nhanh tiến độ hướng tới các giải pháp năng lượng thân thiện với môi trường. Cơn khát toàn cầu về các công nghệ thân thiện với khí hậu và quyết tâm từ bỏ các nguồn năng lượng góp phần gây ra biến đổi khí hậu đang mang đến một cơ hội vàng cho Lục địa Đen.
Nói một cách đơn giản, lục địa châu Phi đang trở nên ngày càng không thể thiếu trong bối cảnh những rủi ro về chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ việc một số quốc gia như Trung Quốc và Nga độc quyền các nguồn tài nguyên này, đang gây ra mối đe dọa đáng kể về sự gián đoạn đối với thị trường bán dẫn và xe điện toàn cầu.
Trung Quốc hiện chiếm thị phần lớn trên thị trường khoáng sản quan trọng toàn cầu - khai thác 60% và chế biến khoảng 80% trong số đó, ngoài việc đầu tư hàng tỷ USD vào châu Phi để thúc đẩy chiến lược kỹ thuật số đầy tham vọng của mình. Các hoạt động của Bắc Kinh đôi khi khiến người ta phải ngạc nhiên vì lợi dụng nhu cầu tăng cao, đòn bẩy chính trị, thách thức quản trị và bóc lột lao động giá rẻ. Nga cũng không hề kém cạnh, dấu chân của nước này thể hiện rõ qua việc triển khai hàng nghìn lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner để bảo vệ tài nguyên khoáng sản cho mình.
Ngay cả Mỹ, một "đối tác" gần như xa xôi của lục địa, cũng không thể thoát khỏi sự quan tâm và chú ý ngày càng gia tăng đối với châu Phi, vì các nước này có nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ cung cấp năng lượng cho thế giới hiện đại. Việc công nhận châu Phi, đặc biệt là Bắc Phi, là đối tác chiến lược quan trọng, có thể giúp các nền kinh tế phương Tây giảm thiểu sự phụ thuộc vào một quốc gia hoặc khu vực duy nhất.
Tiềm năng của khu vực Maghreb và Bắc Phi trong công cuộc chuyển đổi xanh toàn cầu
Mặc dù không sở hữu trữ lượng lớn các khoáng sản quan trọng nói trên, các quốc gia Maghreb có vị trí thuận lợi để đóng vai trò là cửa ngõ vào châu Phi. Họ đã đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng cho cả dòng người và tài nguyên ra vào lục địa này. Trong tương lai, vị trí của họ sẽ rất quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển nhân tài, tiến bộ công nghệ và tạo điều kiện cho các thị trường giao dịch hết sức quan trọng đối với trữ lượng khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác của châu Phi.
Để khai thác tiềm năng của các nguồn lực này, Mỹ và các nước phương Tây nên khuyến khích và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác trong khu vực tư nhân với các quốc gia châu Phi có chung các giá trị dân chủ và pháp quyền.
Những nỗ lực nhìn xa trông rộng của các công ty đa quốc gia phương Tây trong những năm 1970 và 1980 đã mang lại những bài học quý giá cho bối cảnh ngày nay. Bằng cách thành lập các trung tâm sản xuất và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các nước ASEAN, họ đã khởi động sự tăng trưởng của các nền kinh tế này. Thúc đẩy cách tiếp cận tương tự bằng cách khuyến khích các công ty đa quốc gia đầu tư vào châu Phi có thể mang lại lợi ích gấp đôi trong việc phát triển nền kinh tế địa phương, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc phương Đông. Ví dụ, Google, Microsoft và IBM đã bắt đầu xâm nhập bằng cách mở các phòng thí nghiệm R&D ở nhiều nước châu Phi. Bản chất của phương trình chiến lược này là thông điệp rõ ràng rằng các khoáng sản quan trọng không chỉ phát triển thành "một loại dầu mới" mà còn trở thành những điểm xoay địa chính trị quan trọng. Địa chính trị truyền thống dựa trên dầu mỏ đang nhanh chóng nhường chỗ cho sự cạnh tranh địa chiến lược đối với các nguồn tài nguyên quý giá này.
Như vậy, sự chú ý của quốc tế về tiềm năng của châu Phi không chỉ phản ánh đà phát triển đầy hứa hẹn của khu vực này mà còn là một phát súng chỉ ra động lực kinh tế và chính trị ngày càng tăng đang định hình thế giới. Các lực lượng lớn trong khu vực và toàn cầu đang củng cố dấu chân của họ ở châu Phi, đưa ra yêu sách ở các khu vực chiến lược, tăng cường quyền lực mềm và dốc toàn lực để cạnh tranh ảnh hưởng và các dự án.
Các quốc gia Maghreb không tránh khỏi những động lực toàn cầu này và, theo nhiều cách, đang ở trong tâm thế sẵn sàng hành động. Với mục tiêu đóng vai trò là cửa ngõ của lục địa, họ sẽ liên tục thấy mình chiếm vị trí trung tâm trong cuộc tranh giành toàn cầu ngày càng leo thang để kiểm soát sự thịnh vượng trong tương lai của châu Phi.
Các cường quốc nước ngoài, từ Trung Quốc, Nga và các quốc gia vùng Vịnh, ngày càng coi Morocco và các nước láng giềng Sahara là sân chơi chiến lược giữa phương Tây và châu Phi, khiến các quốc gia này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các trò chơi địa chính trị và kinh tế này. Giống như Morocco và các quốc gia khác muốn trở thành cửa ngõ của châu Phi, bản thân khu vực Bắc Phi rộng lớn hơn cũng có thể trở thành một địa điểm có tính cạnh tranh cao, đặc biệt nếu các quốc gia này nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho châu Phi trỗi dậy trên trường thế giới. Trở thành người dẫn đường cho tiềm năng của châu Phi không chỉ được coi là một cơ hội mà còn là một trách nhiệm lớn lao.
Châu Phi không còn đứng bên lề các kế hoạch toàn cầu mà đã là trung tâm của sự chú ý. Thân phận cũ là "lục địa bị lãng quên" của họ hiện không còn nữa. Thay vào đó, châu lục này đang được "săn lùng" với cường độ cao đến mức sự chú ý mới này có nguy cơ vượt xa khả năng tiếp nhận và tận dụng một cách hiệu quả vị thế mới của lục địa này. Đây là nơi có thể khai thác lợi thế địa lý chiến lược của Maghreb bằng cách tận dụng tiểu vùng này làm điểm thâm nhập, thị trường trung gian và kênh đầu tư và chuyển giao công nghệ, mở ra những cơ hội chưa được khám phá.
Trung Quốc công bố kế hoạch để đạt được các mục tiêu carbon thấp Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã công bố một hướng dẫn đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đánh dấu lần đầu tiên nước này triển khai các mục tiêu xanh và carbon thấp một cách có hệ thống. Công nhân điện kiểm...