Đừng vì Covid-19 mà ngại đưa con đi chích ngừa
Lo lắng về việc lây nhiễm, ngại đến bệnh viện trong mùa dịch Covid-19, nhiều phụ huynh cũng lơ luôn việc cho con đi chích ngừa các vắc xin quan trọng dù đã đến lịch.
Trẻ đi chích ngừa tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Ảnh: Phương Vũ
Chị Ngô Thiên Thanh (ngụ Q.5, TP.HCM) cho biết bé nhà chị được 4 tháng, giữa tháng 2 này là đến ngày chích mũi thứ ba vắc xin “5 trong 1″ (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do Hib). Tuy nhiên, do đang mùa dịch Covid-19 nên chị chưa cho con đi chích ngừa dù đã quá ngày tiêm chủng theo lịch.
Trẻ phải được chích ngừa đúng lịch
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết sợ lây nhiễm bệnh Covid-19 nên ngại cho con đi chích ngừa, đi khám bệnh là lo lắng chung của rất nhiều phụ huynh có con nhỏ. Bên cạnh đó, hiện nay, cũng có nhiều phụ huynh lo lắng thái quá, thấy con sốt, ho là nghĩ ngay đến bệnh Covid-19.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt, Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), ghi nhận tại bệnh viện này, số lượng trẻ đến chích ngừa thời gian qua giảm hơn so với khi chưa có dịch, tỷ lệ giảm dao động từ 15 – 20% so với ngày thường.
Theo bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt, khi đưa con đi chích ngừa trong mùa dịch Covid-19, phụ huynh cần lưu ý các điểm sau: Phụ huynh và trẻ cần đo thân nhiệt trước tại nhà và trước khi vào khu khám sàng lọc. Vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi đến khu vực khám cũng như trong quá trình chăm sóc bé. Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các sổ tiêm chủng của trẻ để việc thăm khám và tiêm chủng nhanh chóng, thuận lợi. Bên cạnh đó, phụ huynh và trẻ có thể đeo khẩu trang 3 lớp khi đến các cơ sở tiêm chủng có đông người. Sử dụng khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
“Với trẻ nhỏ chưa đeo được khẩu trang thì ẵm bé quay về phía ngực mẹ. Hẹn giờ thực hiện và có thể chọn buổi chiều thường vắng hơn”, bác sĩ Khanh hướng dẫn.
Bác sĩ Nguyệt khuyến cáo việc trì hoãn tiêm chủng sẽ không đảm bảo cho trẻ nhỏ được bảo vệ đầy đủ trước các bệnh nguy hiểm.
“Trẻ nhỏ cần phải được cho đi chích ngừa đầy đủ, đúng lịch. Việc hoãn, chích ngừa trễ hoặc không chích ngừa cho trẻ theo đúng lịch sẽ dẫn đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm như ho gà, sởi, thủy đậu… quay trở lại”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Video đang HOT
Tiến sĩ – bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt cho biết: Hiện tại, Bộ Y tế và các cơ sở y tế trong cả nước đã chuẩn bị rất tốt cho việc phòng ngừa bệnh Covid-19. Mọi hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế diễn ra bình thường với sự siết chặt tầm soát và sàng lọc các trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh. Những trường hợp nghi ngờ đều được cách ly nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Ngoài ra, thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm mới Covid-19 từ môi trường bệnh viện. Điều đó chứng tỏ các quy trình được thực hiện rất hiệu quả”, bác sĩ Nguyệt khẳng định.
Công tác tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vẫn được tiến hành như thường lệ và tuân thủ đúng các quy định khác về dự phòng Covid-19. Khu vực tiêm chủng của bệnh viện được thiết kế thông thoáng, phân bố các khu vực riêng biệt và rõ ràng, mật độ tập trung không đông nên đảm bảo an toàn, phòng bệnh cho trẻ đến tiêm chủng.
“Phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm đưa con đi tiêm chủng để bảo vệ và dự phòng các bệnh nguy hiểm cho bé, đặc biệt là các mũi tiêm phòng ngừa các bệnh bắt buộc trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Các bệnh này có tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với Covid-19″, bác sĩ Nguyệt nhấn mạnh.
Không phải cứ sốt, ho là mắc bệnh Covid-19
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Khanh, việc phụ huynh thấy con sốt, ho lại nghĩ ngay đến Covid-19 là không nên. “Không nên hoang mang. Không có nguồn lây thì không bị bệnh Covid-19 được. Trẻ và gia đình không đi từ Trung Quốc về, không tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh thì không nên suy nghĩ lo lắng. Trước kia, trẻ bị sốt, ho đi khám bệnh thế nào thì bây giờ đi khám bệnh như thế. Những bé đến kỳ hẹn tái khám thì cũng phải đi khám, không nên nghe những thông tin đồn thổi mà không dám đến bệnh viện, không dám đi khám bệnh cho trẻ”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Trong các bệnh viện hiện nay đều có thông báo hướng dẫn và lối đi riêng cho người có yếu tố nghi ngờ, nguy cơ bị Covid-19. Mặt khác, các bệnh viện cũng khuyến khích phụ huynh nâng cao kiến thức về phòng ngừa Covid-19 theo các khuyến cáo của Bộ Y tế, đừng quá lo lắng về dịch bệnh, lưu ý cho bé tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe.
Theo thanhnien.vn
Khi nào cần tiêm vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ?
BS.Nguyễn Thị Hà Trang, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Bên cạnh các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván,...
Vắc xin phế cầu khuẩn cũng là sản phẩm khiến cha mẹ quan tâm. Bởi đây là mũi vắc xin bất kỳ trẻ nhỏ nào cũng cần được tiêm phòng đầy đủ, nhằm ngăn chặn hoặc phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên.
Vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn Synflorix có nguồn gốc xuất xứ từ Bỉ, được kiểm duyệt chất lượng nghiêm ngặt. Hiện nay, tại Việt Nam, vắc xin phế cầu khuẩn đang được đưa vào sử dụng trong nhiều cơ sở y tế.
Vì sao cần tiêm vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ?
Một số bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu rất khó phát hiện điển hình như viêm màng não với triệu chứng ban đầu của bệnh ở trẻ nhỏ dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn gây ra các căn bệnh nguy hiểm khác như: Viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết,...
Phế cầu khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ và gây ra bệnh bất cứ thời điểm nào. Nhất là những trẻ nhỏ có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch yếu càng nhanh bị bệnh và tiến triển nặng hơn. Nếu trẻ không được tiêm phòng đầy đủ hoặc không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó bắt buộc cần tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn khi trẻ đủ tuổi.
Khi nào cần tiêm Vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ?
Theo BS. Nguyễn Thị Hà Trang, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ thường áp dụng ở trẻ đủ từ 6 tuần đến 5 tuổi. Trẻ sẽ được tiêm ở vùng cơ delta cánh tay hoặc mặt trước bên của đùi tùy vào từng độ tuổi. Dưới đây là những thời điểm cụ thể, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh:
Đối với trẻ đủ 6 tuần đến 6 tháng tuổi: Trẻ trong độ tuổi này thường được khuyến cáo áp dụng 1 trong 2 liệu trình tiêm vắc xin: 3 liều cơ bản hoặc 2 liều cơ bản.
Liệu trình tiêm với 3 liều cơ bản: Liều tiêm đầu tiên được thực hiện khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Liều thứ 2 cách liều đầu khoảng 1 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ 2 khoảng 1 tháng. Trẻ sẽ được tiêm thêm liều nhắc lại sau 6 tháng tiếp theo.
Liệu trình tiêm với 2 liều cơ bản: Liều tiêm đầu sử dụng vắc xin Synflorix theo khuyến cáo của cơ sở tiêm chủng. Liều tiêm đầu tiên được áp dụng khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất khoảng 2 tháng.
Liều nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng.
Lưu ý: Ngoài liều tiêm khi trẻ đủ 2 tháng, cha mẹ có thể thực hiện tiêm sớm hơn khi trẻ đủ 6 tháng. Mỗi liều tiêm chỉ nên sử dụng 0,5ml vắc xin.
Đối với trẻ sinh non ở trong khoảng tuần thứ 27 của thai kỳ
Trẻ sinh non cần áp dụng liệu trình tiêm vắc xin theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thay vì áp dụng hai liệu trình kể trên, trẻ cần được tiêm đủ 4 liều, mỗi liều tiêm 0,5ml.
Ba liều tiêm đầu tiên được áp dụng ngay từ khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Các liều thứ 2 và thứ 3 cách liều đầu tiên 1 tháng. Liều tiêm nhắc lại lần thứ 4 được áp dụng sau 6 tháng tiếp theo.
Đối với trẻ nhỏ từ 7 - 11 tháng nhưng chưa từng tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn: Thường áp dụng liệu trình tiêm với 2 liều cơ bản. Liều đầu tiên tiêm khi trẻ trong độ tuổi 7 - 11 tháng, liều thứ 2 cách liều đầu 1 tháng. Liều thứ 3 sẽ tiêm khi trẻ lớn hơn 1 tuổi hoặc cách các liều thứ 2 khoảng 2 tháng.
Đối với trẻ đủ 12 đến 23 tháng tuổi: Độ tuổi này cần tiêm 2 liều và mỗi liều 0,5ml cách nhau tối thiểu 2 tháng.
Trẻ đủ 24 tháng đến 5 tuổi: Đây là độ tuổi cần tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng phế cầu khuẩn. Mỗi liều tiêm 0,5ml và cách nhau tối thiểu 2 tháng.
Một vài điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin phế cầu khuẩn
Vắc xin phế cầu khuẩn cần được tiêm đúng độ tuổi với liều tiêm theo quy định của bộ y tế. Mặc dù vắc xin có tác dụng ngăn ngừa phế cầu khuẩn hiệu quả cho trẻ tuy nhiên cũng có trường hợp cần cân nhắc khi tiêm. Bao gồm: Trẻ sinh non dưới 28 tuần, trẻ bị nhiễm bệnh (HIV, suy lách,...), suy giảm miễn dịch, giảm bạch cầu và rối loạn đông máu; Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ sau khi tiêm vắc xin
Với những trẻ mắc một trong những trường hợp kể trên, cha mẹ cần chia sẻ với bác sĩ trước khi tiêm. Nhằm lựa chọn giải pháp an toàn, đảm bảo sức khỏe của con trẻ tốt nhất.
Sau khi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn, một vài trẻ sẽ kèm theo phản ứng phụ. Có trẻ bị đau nhức ở vùng tiêm, sốt nhẹ, biếng ăn, khóc kèm theo tác dụng phụ hiếm gặp (nôn, tiêu chảy, phát ban, dị ứng,...).
Để giảm cảm giác đau nhức và hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm vắc xin, cha mẹ cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cần cho trẻ ở nơi tiêm phòng khoảng 1 tiếng sau tiêm để theo dõi trước khi cho về nhà. Trong trường hợp trẻ xuất hiện các dấu hiệu ngoài mong muốn, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Châu Anh
Theo GDTĐ
Hà Nội không để thiếu thuốc chữa bệnh trong dịp nghỉ Tết Sở Y tế Hà Nội phân công cán bộ chuyên trách về dược trực 24/24 giờ trong các dịp Tết Nguyên đán 2020 để theo dõi, đảm bảo cung ứng thuốc cho đơn vị. Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trong ngành, phòng y tế, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thiết bị...