‘Đừng tưởng vô tư lột đồ trên phim là khán giả thích, tôi thấy phản cảm lắm!’
Không chỉ các màn lột đồ trong show truyền hình thực tế gây nhức mắt mà những cảnh nóng trên phim được làm quá lố và phản cảm cũng khiến tôi khó chịu cực kỳ.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Cảnh sex, khỏa thân hay lột đồ trên phim xưa nay không còn mới vì đó là một phần không thể thiếu trong điện ảnh. Tuy nhiên, đôi khi các nhà làm phim quá lạm dụng yếu tố cảnh nóng khiến người xem thất vọng vì không cần thiết, thậm chí phản cảm.
Diễn viên Ewan Mitchell khỏa thân hoàn hoàn trong một cảnh quay của tập 3 phim “ House of the dragon”. Ảnh: EW
Mới đây, tôi thực sự sốc khi xem cảnh nhân vật Aemond Targaryen của diễn viên Ewan Mitchell khỏa thân trong một cảnh quay tập 3 phim House of the dragon. Cảnh phim đúng là có thể chấp nhận được khi nó được đặt trong bối cảnh nhà thổ. Song cảnh này hoàn toàn có thể lấy ngang người phía trên để người xem khỏi phải ngượng ngùng chứng kiến hình ảnh trần trụi.
Điều đáng nói là nam diễn viên Ewan Mitchell sau đó tiết lộ anh khỏa thân 100% trong cảnh quay và không dùng đồ bảo hộ hay nhờ đến bất cứ sự can thiệp kỹ thuật nào để không lộ bộ phận nhạy cảm trước ống kính. Ewan Mitchell cho rằng đó là sự hy sinh vì nghệ thuật và muốn gây sốc cho khán giả nhưng điều đó theo tôi là không cần thiết.
Tương tự với series phim The Idol từng gây chú ý với sự góp mặt của Jennie nhóm BlackPink phát sóng mùa hè năm ngoái. Bộ phim khiến người xem phát ớn khi nhồi nhét vô vàn cảnh nóng và những pha lột đồ khiên cưỡng. Ngay khi tập 2 lên sóng, The Idol đã bị khán giả quay lưng khi giảm 130.000 người xem so với tập mở màn chỉ vì có cảnh sex “tồi tệ nhất lịch sử” như lời nhận xét của tờ GQ (Anh).
The Idol đã không bùng nổ rating như dự đoán mà còn bị nhận xét là phim khiêu dâm trá hình do có quá nhiều cảnh nóng gây nhức mắt tạo hiệu ứng ngược. Kết quả HBO quyết định không làm tiếp phần 2 series phim gây tranh cãi này.
Khán giả đã hết thời bị dắt mũi bởi những cảnh khoe thân rẻ tiền coi thường người xem rồi. Nếu là tôi, tôi cũng tẩy chay những bộ phim khiêu dâm trá hình như vậy bởi chẳng mang lại giá trị gì ngoài sự bức xúc, ghê sợ.
“The Idol” phải dừng sản xuất phần 2. Ảnh: HBO
Trước đó, bộ phim Sex/Life (Tình dục/cuộc sống) phát trên Netflix dù thu hút truyền thông bởi những cảnh giường chiếu nhưng bị chỉ trích dữ dội. Phim không chỉ bị giới phê bình ghẻ lạnh mà còn khiến khán giả ngao ngán.
Cũng như ‘thảm họa’ màn ảnh 365 Days (365 ngày), trước đó Sex/Life (Tình dục/cuộc sống) không khác gì phim khiêu dâm. Tôi mới xem ít phút đã phải chuyển kênh vì quá nhiều pha lột đồ phản cảm mà chẳng có nội dung gì. Ghê nhất là trong cảnh hai người đàn ông tắm chung, một trong hai người để lộ phần nhạy cảm song lại không mấy có giá trị và khiến người xem khó chịu.
Không chỉ phim ngoại mà các phim Việt gần đây cũng có phần lạm dụng cảnh nóng. Tôi để ý thấy ngoài Người vợ cuối cùng còn ăn khách (dù vẫn có cảnh nóng thừa thãi), nhiều phim chiếu rạp câu khách bằng cảnh giường chiếu nhưng đều thất bại thảm hại về doanh thu. Các phim này có kịch bản khiên cưỡng, diễn xuất nhạt nhòa, đến cảnh nóng cũng không “cứu nổi” bởi quá phản cảm và thừa thãi.
Trailer phim “Trà”
Đơn cử là bộ phim Trà công chiếu dịp Tết vừa qua, nhưng nhanh chóng rời rạp và đạt doanh thu đáng quên (1,6 tỷ đồng) dù được PR bằng cảnh nóng của nam chính khiến người xem “nhấp nhổm” ngay từ xem trailer. Quý cô thừa kế 2 cũng được quảng cáo bằng phân cảnh “bạo liệt” của nữ chính nhưng kết quả vẫn lỗ nặng sau 20 ngày chiếu, chỉ thu về 6,4 tỷ đồng vì nội dung quá tệ.
Bộ phim ra rạp gần đây, 4S: Trước giờ yêu từng hoãn chiếu 1 tuần vì phải chỉnh sửa một số nội dung trước khi chính thức được cấp phép.Phim ngập cảnh nóng, có lời thoại táo bạo về sex song kết cục vẫn rời rạp khi chưa đạt 4 tỷ đồng vì không có người xem.
Cảnh trong phim “4S: Trước giờ yêu”. Ảnh: ĐPCC
Đã qua rồi cái thời phim nào có cảnh lột đồ là bán được vé, tôi và không ít người cần nhiều hơn thế ở các bộ phim chiếu rạp hay truyền hình. Chỉ những tác phẩm thật sự chất lượng, được đầu tư nghiêm túc và mang tới cảm xúc cho người xem mới đủ sức thuyết phục khán giả.
Tôi lấy ví dụ phim Mai của Trấn Thành cũng có kha khá cảnh nóng nhưng không khiến người xem đỏ mặt vì nó cần thiết trong đường dây câu chuyện, khắc họa tính cách và mối quan hệ của cặp nhân vật chính, bối cảnh dẫn họ đến với nhau. Làm sao để cảnh nóng đừng trở nên phản cảm và không lấn át nội dung hay diễn xuất, có như vậy một tác phẩm mới thuyết phục được người xem và trụ vững ngoài rạp, mang về doanh thu như ý cho nhà sản xuất.
Loạt phim Việt lỗ nặng, rời rạp với vài tỉ đồng
Bên cạnh những phim điện ảnh thắng lớn với doanh thu khủng như 'Mai', 'Lật mặt 7', rạp Việt cũng ghi nhận loạt phim thất bại, thậm chí có phim rời rạp trong tình trạng thua lỗ nặng hàng chục tỉ đồng.
Top 3 phim Việt có doanh thu cao nhất trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, Mai và Lật mặt 7 đã mang về 1.000 tỉ đồng. Chụp màn hình
Trong 6 tháng đầu năm, rạp phim Việt chứng kiến thành công ngoạn mục của Mai, Lật mặt 7: Một điều ước và Gặp lại chị bầu với tổng doanh thu hơn 1.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh 3 phim ăn khách kể trên, hàng loạt phim Việt khác ra rạp trong 6 tháng đầu năm gặp thất bại thê thảm.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, có 4 phim Việt ra mắt gồm Mai, Gặp lại chị bầu, Trà và Sáng đèn. Tuy nhiên, chỉ có hai phim được xem là thành công. Trong đó, Mai của Trấn Thành đạt được doanh thu "khủng" 520 tỉ đồng, trở thành dự án điện ảnh ăn khách nhất trong lịch sử phim Việt. Tiếp đó, Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung dù có doanh thu khiêm tốn hơn Mai, nhưng cũng vượt qua cột mốc 100 tỉ đồng.
Cùng ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán 2024 nhưng Trà và Sáng đèn "ngã ngựa" với doanh thu bết bát, nhanh chóng rút khỏi rạp. Chụp màn hình
Trái ngược, hai dự án Trà và Sáng đèn "lép vế" hoàn toàn so với các tác phẩm ra mắt cùng thời điểm. Theo thống kê của Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tác phẩm điện ảnh Trà có sự góp mặt của Việt Hương - Trương Minh Quốc Thái chỉ thu về hơn 1,6 tỉ đồng. Còn với Sáng đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, dù dời lịch chiếu và sau đó trở lại với khán giả vào tháng 3 nhưng doanh thu của phim cũng chỉ được 3,4 tỉ đồng.
Tiếp đó, Quý cô thừa kế 2 với sự trở lại của Trang Nhung - Huy Khánh, ra mắt vào dịp 8.3 cũng lỗ nặng, rời rạp sau khoảng 20 ngày công chiếu. Đạo diễn Hoàng Duy cho biết dự án này cần chạm mốc 40 tỉ đồng thì mới hòa vốn nhưng doanh thu của phim chỉ đạt được 6,4 tỉ đồng. Bộ phim B4S: Trước giờ yêu có sự góp mặt của Jun Vũ, Tôn Kinh Lâm cũng thuộc nhóm phim có doanh thu thấp khi chỉ mang về 3,8 tỉ đồng.
Cái giá của hạnh phúc dù đứng top 4 phim Việt có doanh thu cao nhất trong nửa đầu 2024 nhưng vẫn thua lỗ hàng chục tỉ đồng, đồng cảnh ngộ với Quý cô thừa kế. Chụp màn hình
Dù được kỳ vọng nhưng dự án điện ảnh Cái giá của Hạnh phúc do Xuân Lan đầu tư, có sự góp mặt của Thái Hòa cũng gặp tình trạng thua lỗ. Trước đó, nhà sản xuất từng hé lộ kinh phí thực hiện phim khoảng 37 tỉ đồng. Để hòa vốn sau khi trừ tỷ lệ ăn chia với nhà rạp, phim phải thu về ít nhất 70 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án chỉ đạt doanh thu 26,3 tỉ đồng (theo số liệu của Box Office), khiến Xuân Lan đối mặt với mức thua lỗ tương đối lớn.
Nếu nhắc đến một trong những phim Việt lỗ nặng nhất lịch sử, phải kể đến dự án Đóa hoa mong manh. Nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết phim được quay hoàn toàn tại Mỹ. Dù không tiết lộ chi phí sản xuất, tuy nhiên với nội dung câu chuyện và bối cảnh, nhiều người dự đoán "đứa con tinh thần" của Mai Thu Huyền tốn khoảng vài chục tỉ đồng. Tuy nhiên, khi rời rạp, phim chỉ thu về hơn 430 triệu đồng.
Đóa hoa mong manh nằm trong top những phim Việt lỗ nặng nhất khi con số doanh thu vô cùng bết bát. Chụp màn hình
Gần đây, bộ phim Án mạng lầu 4 có Trương Thế Vinh và Lương Bích Hữu đóng chính, rời rạp chỉ sau hơn nửa tháng công chiếu với doanh thu không như kỳ vọng. Theo số liệu của Box Office Vietnam, bộ phim này chỉ thu về khoảng 2 tỉ đồng. Một dự án điện ảnh khác cũng "ngã ngựa" ngoài phòng vé là Móng vuốt do Lê Thanh Sơn đạo diễn. Sau ba tuần khởi chiếu, bộ phim rời rạp với doanh thu 3,8 tỉ đồng. Trước đó khi chia sẻ về kỳ vọng của mình, đạo diễn Lê Thanh Sơn hướng đến con số 300 tỉ đồng cho "đứa con tinh thần" có Tuấn Trần, Thảo Tâm đóng chính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khánh Dương, đại diện Box Office Vietnam cho rằng thất bại của loạt phim Việt gần đây đến từ nhiều lý do. Theo quan sát của ông Dương, những phim có doanh thu thấp gần đây đều chưa thật sự đẩy mạnh truyền thông để khán giả tiếp cận. "Theo đơn vị chúng tôi quan sát thì các nhà làm phim hầu như không quá đầu tư cho truyền thông, quảng bá phim. Thậm chí khi khán giả đến rạp mới biết đang có phim Việt nào chiếu. Một lý do nữa tồn tại nhiều năm qua là rất ít nhà làm phim ở Việt Nam có được sự nhanh nhạy trong việc hiểu khán giả muốn gì. Tôi thấy rằng người Việt đều sẵn sàng ủng hộ phim Việt, nhưng người làm phim nên biết khán giả muốn gì để đưa đến "món ăn tinh thần" vượt ngoài mong đợi của họ. Đó là cái mà Trấn Thành hay Lý Hải đã làm được", ông Dương nêu quan điểm.
Án mạng lầu 4 và Móng vuốt đều thất bại thê thảm ở phòng vé Việt. Chụp màn hình
Đại diện Box Office Vietnam nhận định, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả nước ngoài, diễn viên ngôi sao hay đạo diễn trăm tỉ không phải là đáp án chắc chắn cho việc bộ phim có thể thắng hay không. Ông Dương nêu trường hợp về bộ phim Quỷ cẩu của nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, dù không có diễn viên ngôi sao, chủ đề phim ban đầu cũng nhận về những nghi ngại của khán giả. "Tuy nhiên, nhờ những đánh giá tích cực về nội dung phim đã có hiệu ứng truyền miệng tốt, giúp kéo khán giả ra rạp. Nhờ vậy mà phim mang về doanh thu khá cao với 108 tỉ đồng. Vậy nên diễn viên ngôi sao không còn là công thức làm phim thành công. Quan trọng là bộ phim đầu tư chỉn chu, có nội dung hay thì sẽ được khán giả ủng hộ thôi", ông Dương nói thêm.
Trong khi đó, NSƯT Hồ Ngọc Xum chia sẻ dù muốn dù không nhưng làm phim là phải có doanh thu. Ông nêu quan điểm: "Ngày xưa làm phim lời hơn bây giờ. Vì ngày trước mọi người tập trung vào phim thôi chứ chưa có nhiều loại hình giải trí khác. Bây giờ có nhiều loại hình nên nếu khán giả tập trung vào bộ phim nào thì nên chúc mừng".
Cách nào cứu phim Việt doanh thu bết bát, thua lỗ hàng chục tỷ? Các phim Việt bị khán giả trong nước từ chối, ngoài rạp thì vô cùng ít cơ hội lật lại tình thế nhưng vẫn có lối ra cho thảm họa doanh thu trong nước dù các khe cửa đều hẹp. LTS: Thành công của Trấn Thành, Lý Hải với những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ là điều hiếm hoi bởi đa...