Dựng tượng đài anh hùng để vinh danh… người xây tượng?
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của dân quân đã bắn rơi máy bay Mỹ. Tuy nhiên, tượng đài này không ghi danh các cụ mà lại đề tên đơn vị tài trợ, thi công, hội đồng nghệ thuật…
Tưởng nhớ công lao các “ cụ lão dân quân anh hùng”
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” được xây dựng tại trung tâm xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa từ tháng 11/2011 và khánh thành ngày 25/1/2013 với tổng kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đơn vị tài trợ chính là Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Khu tượng đài bao gồm các công trình: Tượng đài cao 17,1m, nặng 170 tấn được đặt trên khối bê tông cốt thép cọc chịu lực. Hình mẫu tượng đài “ Lão dân quân anh hùng Hoằng Trường”.
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa
Khuôn viên tượng đài rộng 12.131m2 bao gồm công viên, cây xanh và hai nhà lưu niệm. Đây là công trình để tri ân những đóng góp to lớn, sự hi sinh cao cả của 18 cụ lão dân quân xã Hoằng Trường. Chính các cụ là những người đã góp sức 2 lần liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ vào năm 1967. Chiến thắng vang dội của các cụ lão dân quân Hoằng Trường đã được cả nước biết đến và trở thành đơn vị “Lão quân” đầu tiên và duy nhất trên miền Bắc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh. Chính vì thế, vào ngày 18/10/1967 Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi Trung đội lão dân quân Hoằng Trường.
Hai tấm bia dưới chân tượng đài đề tên trang trọng nhà tài trợ, thi công, thiết kế và hội đồng nghệ thuật
Trong thư Bác Hồ viết: “Tôi rất vui mừng được tin, vào ngày 14/10 (1967) vừa qua các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Chúc các cụ khỏe mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới”.
Vinh danh… những người xây tượng?
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” được xây dựng xong và khánh thành hơn một năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến trái triều liên quan đến tượng đài này. Tượng đài được xây dựng để tưởng niệm công lao to lớn của các cụ lão dân quân sao không đề tên các cụ?
Video đang HOT
Một bức phù điêu phản ánh cuộc sống sản xuất, chiến đấu của các cụ Lão dân quân Hoằng Trường dưới chân tượng đài chính
Theo đó, cả một công trình tượng đài to lớn và hoành tráng lại không hề ghi danh 18 lão dân quân anh hùng đã dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt là tại hai tấm biển được đặt ngay dưới chân tượng đài chỉ đề tên: Nhà tài trợ, nhà thiết kế, hội đồng nghệ thuật…
Tấm bia bên trái ghi rõ tên: Nhà tài chợ chính, tác giả tượng đài, đơn vị thiết kế… Còn tấm bia bên phải ghi danh 11 người trong Hội đồng nghệ thuật.
Xung quanh dưới bức tượng đài chính có 4 bức phù điêu rộng 84m2 làm bằng chất liệu đá được chạm khắc tinh xảo cũng thể hiện công lao của các bô lão cùng các chiến sĩ pháo binh và Trung đội nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải, dân quân Nam Ngạn ( Hàm Rồng).
Các bức phù điêu này cũng mang ý nghĩa phản ánh cảnh chiến đấu dũng cảm của các cụ lão quân, hình ảnh 2 máy bay của giặc Mỹ bị bắn rơi, cảnh nhân dân vui mừng hò reo chiến thắng… nhưng cũng không có tên dẫn giải.
Tấm bia ghi danh 18 cụ lão dân quân được đặt ngay giữa nghĩa trang liệt sỹ Hoằng Trường
Bức thư khen của Bác Hồ dành cho Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường được khắc đặt tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hoằng Trường
Anh Nguyễn Văn Dũng – du khách từ Hà Nội vào Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) nghỉ mát, đến tham quan tượng đài, chia sẻ: “Tôi từng nghe đến chiến công của các cụ lão dân quân ở đây, các cụ chỉ dùng súng 12ly7 mà bắn rơi được máy bay Mỹ. Nhân dịp vào đây du lịch nên tôi đến tham quan tượng đài này. Tôi thấy hầu hết các tượng đài đều đề tên tượng đài, bia đá khắc chiến tích… nhưng ở đây lại không có. Nhiều người đến đây tham quan cũng thắc mắc về điều này”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Sau khi khánh thành, tượng đài được huyện giao cho xã Hoằng Trường trực tiếp quản lý theo quy chế của UBND huyện ban hành. Sự việc PV phản ánh đúng là thực tế, là do chưa làm, hiện đang làm. Chúng tôi đang phối hợp với trung tâm triển lãm của tỉnh để làm những nội dung kèm theo. Việc này do kinh phí, có những cái đầu tư làm trước, có những cái làm sau…”.
Lý giải về việc tượng đài không có tên, ông Cảnh cho hay: “Tượng đài có tên từ lúc khánh thành nhưng mới bị rơi chữ nên chúng tôi đã cho người gỡ xuống tuần trước. Hiện đang khắc phục. Hai tấm bia dưới chân tượng đài là không nằm trong thiết kế, cái này do hội đồng nghệ thuật họ đặt”.
Thái Bá
Theo Dantri
Anh ngã xuống khi tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy
Cưới vợ được 5 ngày, anh quay lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Một năm sau được về phép thì tiếng còi báo động vang lên, một tốp máy bay Mỹ tấn công vào thị xã Vinh lúc bây giờ và anh đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát.
Anh Phan Đăng Cát lúc bấy giờ lao ra trận địa, chiến đấu cùng với anh em đại đội. Những giây phút giằng co với địch, anh bị thương ba lần và cuối cùng anh ngã xuống khi trên tay vẫn còn nắm một lá cờ đỏ sao vàng. Anh là một tấm gương tiêu biểu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tấm g ương anh dũng quả cảm
Ngược lại thời gian lịch sử, từ thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam Việt Nam, để đánh lừa dư luận quốc tế, quân đội Mỹ đã dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" nhằm bịa đặt, vu khống Hải quân Việt Nam tấn công tàu Hải quân Mỹ.
11h ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn xuất hiện trên truyền hình Mỹ, ra lệnh cho các lực lượng không quân tấn công miền Bắc Việt Nam trả đũa cho tàu Hải quân Mỹ bị tấn công tại Vịnh Bắc Bộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những sự kiện đã trở thành mốc son chói lọi, thể hiện tinh thần "Quyết đánh - Quyết thắng" của dân tộc ta, đó là Chiến thắng trận đầu 5/8/1964.
Tìm hiểu lịch sử Trung đoàn 280 và đồng đội cùng tham gia trận đánh ngày 5/8/1964 chúng tôi được biết liệt sĩ Phan Đăng Cát (sinh ngày 8/4/1941) tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - là người có công lớn trong chiến thắng trận đầu. Cùng với đó là những câu chuyện cảm động rơi nước mắt về tinh thần quả cảm quên mình vì nước, vì dân của người chiến sĩ trẻ tuổi.
Những ngày đầu tháng 8 lịch sử này, chúng tôi được người em thứ 2 Phan Thái Dương xúc động kể lại câu chuyện.
Phan Đăng Cát là con trai cả trong một gia đình nông dân có 7 chị em. Nhập ngũ 1961, sau một thời gian được làm khẩu đội trưởng khẩu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 138 pháo trung cao.
Năm 1963, anh lấy vợ người cùng xã ở tuổi 23. 5 ngày sau đám cưới anh phải trở lại đơn vị. Đơn vị đóng cách nhà 20km, một năm trời anh không về thăm nhà, thăm vợ mới cưới. Những lá thư tay viết vội trong đơn vị để kịp báo cáo tình hình, hỏi thăm sức khỏe và không quên dặn dò người em thứ hai: "Em cố gắng học thật giỏi. Anh tin em sẽ trở thành nhà Toán học của nước nhà".
Lúc bấy giờ có nhiều dấu hiệu dự báo không quân Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc. Đơn vị Phan Đăng Cát có nhiệm vụ bảo vệ thị xã Vinh lúc bấy giờ và phải thường xuyên trực chiến nên từ đó Phan Đăng Cát không có điều kiện về thăm gia đình, thăm vợ.
Đến ngày 5/8/1964, Phan Đăng Cát được đơn vị cho về nghỉ phép. Trưa hôm đó, sau khi ăn xong bữa cơm cùng anh em đơn vị, nhận giấy nghỉ phép và tiêu chuẩn quà phép, gói ghém ba lô, đang chuẩn bị rời đơn vị về quê thì tiếng còi báo động vang lên.
Một tốp máy bay địch tấn công vào thị xã Vinh với các mục tiêu: Kho xăng Hưng Hòa, cảng Bến Thủy và các trận địa pháo phòng không. Phan Đăng Cát đã trút bỏ ba lô, lao ra trận địa, chiến đấu cùng anh em Đại đội đánh trả quyết liệt giặc Mỹ. Sau hơn 30 phút chiến đấu, hai chiến A.4D phải đền tội. Trận đánh hôm đó quân và dân ta đã bắn rơi hai chiếc máy bay của quân đội Mỹ.
Trước khả năng máy bay địch sẽ mở đợt oanh kích mới, Phan Đăng Cát đã tình nguyện trả giấy phép không về quê nhà, chia quà phép cho anh em liên hoan rồi ra trực tiếp chỉ huy khẩu đội đánh địch. (Tờ giấy phép đang được trưng bày ở Bảo tàng quân chủng Phòng không không quân Việt Nam).
Em trai thứ hai của Phan Đăng Cắt, ông Phan Đăng Dương, học tập tấm gương anh dũng Phan Đăng Cát tham gia ba sẵn sàng, trở thành một y sĩ phục vụ cho dân làng.
Đúng như dự đoán, 16h30' cùng ngày, máy bay địch đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy lần thứ hai. Đợt này, địch sử dụng 8 chiếc A.4D đánh "trả đũa" các trận địa pháo cao xạ của ta. Qua trận đánh đầu tiên, chúng phát hiện ra trận địa pháo trung cao của Đại đội 138 nằm ngay phía trước đội hình chiến đấu ở phía bờ Nam sông Lam, khả năng bắn máy bay thấp hạn chế, không có súng máy phòng không bảo vệ, các lực lượng phòng không khác ở bờ Bắc lại bố trí xa, khả năng chi viện hạn chế nên lần này chúng tập trung áp chế trận địa. Thủ đoạn của chúng là bay thấp, phóng rốc két và bắn đạn 20 ly vào trận địa, sau đó cất cao ngoặt nhanh ra biển để tránh đạn cao xạ. Trận địa Đại đội 138 bị trúng gần 100 quả rốc két, anh em pháo thủ thương vong khá nhiều. Tuy vậy, các anh vẫn kiên trì bám trận địa, bình tĩnh đánh trả.
Phan Đăng Cát trong vai trò là khẩu đội trưởng, với lá cờ chỉ huy trên tay, mắt dõi theo từng chiếc máy bay địch để hạ quyết tâm chính xác bắn đúng thời cơ. Hai lần bị thương do mảnh rốc két, lần thứ nhất một mảnh găm vào cánh tay, lần thứ hai găm vào đùi anh tự băng bó vết thương.
Mặc dù đứng không vững nhưng Phan Đăng Cát vẫn tựa lưng vào công sự nén đau động viên chỉ huy đồng đội bình tĩnh tiếp tục chiến đấu. Lần bị thương thứ ba, quả rốc két nổ cạnh công sự, một mảnh găm vào bụng, nhưng anh vẫn dõng dạc hô lớn: "Tiếp tục chiến đấu để bảo vệ quê hương Bác, quyết đánh đến cùng".
Do vỡ vết thương quá nặng, máu ra nhiều nên Phan Đăng Cát đã tựa vào thành hào anh dũng hy sinh ngay trên trận địa của quê hương Bác Hồ khi trên tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy.
Lá cờ Phan Đăng Cát cầm chỉ huy trong trận đánh ngày 5/8/1964 hiện đang được lưu giữ trang trọng trong Bảo tàng lịch sử quân đội nhan dân Việt Nam như một chứng tích oai hùng, kiên cường của bộ đội cụ Hồ.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Anh mãi mãi ra đi trong chiến công đầu ngày 5/8/1964. Khẩu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 138 và một số đại đội của Trung đoàn 280 trong trận chiến đấu đó đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ góp phần cùng chiến thắng chung của quân dân miền Bắc hạ 8 chiếc trong ngày đầu tiên đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công bằng không quân vào miền Bắc nước ta.
Trong trận đánh đó, 5 người hy sinh, Liệt sĩ Phan Đăng Cát được Bác Hồ truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất, bốn liệt sĩ còn lại được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhì. Năm 1967, Phan Đăng Cát là tấm gương hy sinh dũng cảm được nêu gương trong quân đội để các chiến sĩ học tập và biết ơn.
Ngày 25/7/2014, kỷ niệm 50 năm chiến thắng trận mở đầu, 6 đồng đội ở Thanh Hóa vượt đường xa vào thăm viếng mộ liệt sĩ Phan Đăng Cát rơm rớm nước mắt kể lại kỷ niệm trong quân đội: "Ngày ấy, chúng tôi mới vào lính, những bữa cơm đầu trong quân đội nhìn nhau ăn, ngại ngùng chẳng dám gắp thịt, chỉ gắp rau hay ăn cơm không. Anh Cát nhiều tuổi hơn, biết được nên trong mỗi giờ ăn luôn gắp đều thức ăn cho mỗi đồng chí. Chúng tôi luôn xem anh Cát như người anh trai trưởng, tin tưởng và thương anh Cát". Câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, các đồng đội lặng đi khi dâng hương lên bàn thờ đồng đội, người anh trưởng của mình.
Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Phan Đăng Cát luôn là bài học giáo dục truyền thống quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong lòng người dân Việt Nam, Phan Đăng Cát vẫn còn sống mãi, tên anh luôn được nhắc đến trong các trang viết về lịch sử Quân chủng PK-KQ, trong các dịp kỷ niệm chiến thắng trận đầu 5/8/1964 hàng năm. Anh là tấm gương sáng chói lọi của người chiến sĩ PK-KQ Việt Nam dũng cảm, kiên cường trước bom đạn đánh phá của không quân Mỹ, góp phần làm nên biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Tâm Nhi - Nguyễn Duy
Theo dantri
Trận đánh nửa thế kỷ trước trong ký ức người lính Hải quân "Đó là một trong những giai đoạn khó quên của cuộc đời lính chúng tôi. Cùng với quân dân cả nước, lính Hải quân tự hào đã góp một phần trong chiến thắng đầu tiên ấy", người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng xúc động nhớ lại trận đánh lịch sử của 50 năm về trước. Tự hào là thế hệ đầu của Hải...