Dừng sử dụng các tòa nhà lân cận biệt thự vừa sập
Xác định thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo trước hết thuộc về UBND Hà Nội và chủ sở hữu tòa nhà, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị dừng sử dụng các hạng mục công trình lân cận; rà soát toàn bộ các biệt thự cũ, nhà cổ trên địa bàn…
Hiện trường sự cố sập biệt thự khiến 2 người tử vong (ảnh: Công Định).
Ngày 23/9, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ký công văn gửi tới UBND các tỉnh thành, nhắc lại sự việc, 12h45 ngày 22/9/2015, tòa biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội bị sập làm 2 người chết, 6 người bị thương. Đây là sự cố công trình xây dựng nghiêm trọng (sự cố cấp II), gây thiệt hại về người và tài sản.
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiểu các thiệt hại, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng khai thác công trình tại 107 Trần Hưng Đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra.
Hà Nội cần tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo cụ thể về sự việc lên Bộ Xây dựng và Chính phủ theo quy định.
Bộ trưởng Xây dựng đề nghị Hà Nội quyết định tạm dừng khai thác sử dụng đối với các hạng mục công trình lân cận, căn cứ trên việc xác định phạm vi sự cố.
Video đang HOT
Công văn của Bộ Xây dựng cũng nhắc việc xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường vụ sập tòa nhà. Việc giải phóng hiện trường phải đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Trước khi thực hiện việc này, các bên liên quan được lưu ý chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn.
Về việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, Bộ Xây dựng yêu cầu thông báo kết quả giám định cho chủ đầu tư cùng các yêu cầu phải thực hiện đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc các bên có liên quan để khắc phục sự cố.
Chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng trong tòa nhà có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của UBND Hà Nội và lập hồ sơ sự cố theo quy định. Sau khi khắc phục sự cố, UBND Hà Nội sẽ quyết định việc đưa các hạng mục công trình lân cận vào khai thác, sử dụng trở lại, nếu có.
Đối với các tỉnh thành khác, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình này và có biện pháp xử lý cụ thể.
Công văn gửi đến các địa phương nhấn mạnh việc rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ) để có cách thức giải quyết, tránh để xảy ra sự cố tương tự.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị chủ sở hữu công trình, đặc biệt là các công trình đã hết thời hạn sử dụng, tăng cường chủ động kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng; có biện pháp khắc phục kịp thời để bảo đảm an toàn cho công trình.
P.Thảo
Theo Dantri
Sập biệt thự cổ: Đường sắt đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho biết, trước khi sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, đơn vị này đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp của ngôi nhà.
Bộ Tài chính từng yêu cầu di dời
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công nhân, Tổng công ty Đường sắt đã ký hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại nhà 107 Trần Hưng Đạo. Ngày 20.9.2013, Bộ Tài chính có văn bản số 12859/BTC-QLCS thống nhất để Tổng công ty giữ lại tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Tổng công ty Đường sắt di dời, chấm dứt việc cho thuê tại cơ sở nhà đất để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
Hiện trường vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo - Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt lại cho rằng do thời gian sử dụng đã lâu, công trình (ngôi số 1) bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm, do đó năm 2008, 2009, Tổng công ty đã có nhiều văn bản báo cáo UBND, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên 107 và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cơ quan này cũng cho biết, đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính (văn bản số 2999/ĐS-VP ngày 27.11.2013, số 2130/ĐS-VP ngày 30.7.2015, số 2217/ĐS-VP ngày 5.8.2015), đến nay đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
"Tổng công ty muốn di dời các hộ dân hợp pháp ra chỗ khác và đầu tư xây dựng 31 Láng Hạ làm khu tái định cư, dành cho đường sắt đầu tư trụ sở làm việc tại khu đất 107 Trần Hưng Đạo. Hà Nội đồng ý cho ngành đường sắt đầu tư xây dựng chỗ 31 Láng Hạ, nhưng tại số 107 Trần Hưng Đạo thì thủ tục pháp lý tòa nhà còn vướng mắc vì là bảo tồn cổ nên Hà Nội chưa chấp thuận và Sở Xây dựng cũng không phản hồi dù đã có nhiều văn bản gửi đi", ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt khẳng định.
Nhà đã 3 lần sửa chữa
Theo ông Hoạch, tòa nhà đã 3 lần sửa chữa, lần gần nhất năm 2010 tu bổ chống dột và dùng vật liệu nhẹ ngăn phòng hội trường chứ không thể cải tạo thay đổi kết cấu. Mái tôn thì được sửa từ năm 1996 khi nhà dột.
"Ngành đường sắt thấy căn nhà 107 không thể sử dụng lâu dài nhưng cũng chưa từng thuê đơn vị nào kiểm định về đảm bảo an toàn nhà. Trong quá trình sử dụng không phát hiện nguy cơ mất an toàn hay nguy cơ khẩn cấp về đổ sập. Chỉ trước 5 phút tòa nhà sập, cán bộ công nhân viên mới thấy rung, nghiêng và hô hào mọi người tháo chạy. Thời gian nhà sập xuống là quá nhanh," ông Hoạch thông tin thêm.
Đề cập đến trách nhiệm của đường sắt trong việc sử dụng ngôi nhà này, ông Hoạch khẳng định, Tổng công ty Đường sắt đã báo cáo với thành phố sự xuống cấp của ngôi nhà. Đường sắt chưa có quyền sở hữu ngôi nhà đó bởi hiện không có giấy tờ gì về ngôi nhà. Sở hữu tòa biệt thự cổ này thuộc Hà Nội, còn đường sắt được sử dụng.
Mai Hà
Theo Thanhnien
Khám nghiệm hiện trường sập nhà cổ ở Hà Nội Sáng nay 23.9, cơ quan chức năng tiếp tục khám nghiệm hiện trường khu vực vụ sập nhà cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cũng trong sáng nay, một số hộ gia đình sinh sống ở các nhà tập thể trong khu nhà 107 Trần Hưng Đạo tiếp tục thu dọn hành lý, chuyển về nơi tái...