Đừng ốm ở Sri Lanka
Sri Lanka đang thiếu các mặt hàng cơ bản như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Khủng hoảng y tế trầm trọng tới mức các bác sĩ đang kêu gọi người dân “đừng ốm hay gặp tai nạn”.
Đừng đổ bệnh hoặc gặp tai nạn – Đó là lời khuyên mà các bác sĩ ở Sri Lanka dành cho người dân. Quốc gia Nam Á này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe rơi vào tình trạng thiếu thuốc và nhiều nguồn cung quan trọng khác.
Sri Lanka thiếu tiền để trả cho các mặt hàng nhập khẩu cơ bản như nhiên liệu và thực phẩm, trong khi thuốc men cũng đang dần cạn kiệt. Một số bác sĩ đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi quyên góp vật tư hoặc tiền để mua mặt hàng y tế. Họ cũng kêu gọi những người Sri Lanka ở nước ngoài giúp đỡ.
Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng đẩy đất nước này vào suy thoái kinh tế và chính trị sẽ sớm kết thúc, theo AP. Tình hình này có nguy cơ khiến Sri Lanka rơi vào tình trạng khẩn cấp về y tế, tại thời điểm đất nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Thiếu cả bông gạc lẫn vật dụng khâu vết thương
Cô gái 15 tuổi Hasini Wasana có thể không nhận được loại thuốc cần thiết để bảo vệ quả thận cấy ghép. Wasana được chẩn đoán mắc bệnh thận khi mới chập chững biết đi. Cô được cấy ghép cách đây 9 tháng và cần dùng thuốc ức chế miễn dịch mỗi ngày trong suốt phần đời còn lại để cơ thể không đào thải nội tạng.
Gia đình Wasana đang phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, vì bệnh viện của cô không thể cung cấp miễn phí viên Tacrolimus mà cô cần từ vài tuần trước. Cô uống hơn 8 viên mỗi ngày, chi phí lên đến hơn 200 USD/tháng, chỉ cho đúng loại thuốc này.
“Bệnh viện thông báo họ không biết khi nào sẽ có lại loại thuốc này”, chị gái của Wasana nói. Gia đình họ đã bán nhà và cha của Wasana có công việc ở Trung Đông để hỗ trợ chữa bệnh cho con gái. Nhưng thu nhập của ông cũng chỉ gọi là vừa đủ.
Mohammed Feroze – bệnh nhân mắc bệnh thận – mặc áo sơ mi khi chờ mua thuốc ở Colombo hôm 3/6. Ảnh: AP.
Không chỉ bệnh viện của Wasana, các bệnh viện điều trị ung thư khác cũng phải vật lộn để duy trì nguồn dự trữ các loại thuốc thiết yếu để đảm bảo việc chữa trị không bị gián đoạn.
“Đừng ốm, đừng để bị thương, đừng làm bất cứ điều gì khiến bạn phải đến bệnh viện điều trị”, Samath Dharmaratne – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Sri Lanka – nói. “Đây là cách tôi giải thích cho mức độ nghiêm trọng của tình hình này”.
Tiến sĩ Charles Nugawela – người đứng đầu bệnh viện thận ở thủ đô Colombo của Sri Lanka – cho biết bệnh viện của ông tiếp tục hoạt động được nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Nhưng số thuốc cũng chỉ đủ cho bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn cần lọc máu.
Ông Nugawela lo lắng bệnh viện này có thể phải tạm dừng tất cả hoạt động, trừ những ca phẫu thuật khẩn cấp vì thiếu vật liệu để khâu vết thương.
Tiến sĩ Nadarajah Jeyakumaran – người đứng đầu Trường Cao đẳng Ung thư Sri Lanka – đã đưa ra danh sách các loại thuốc “rất cần thiết mà tất cả bệnh viện phải có để điều trị ung thư mà không bị gián đoạn”. Tuy nhiên, ông nói chính phủ đang gặp khó khăn trong việc cung cấp.
Nhưng sự thiếu hụt không chỉ nằm ở thuốc. Ông Jeyakumaran cho biết bệnh nhân đang hóa trị dễ bị nhiễm trùng và không thể ăn uống bình thường, trong khi các bệnh viện không có đủ thực phẩm bổ sung.
Các bệnh viện thiếu thuốc điều trị bệnh dại, bệnh động kinh và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phòng thí nghiệm không có đủ thuốc thử cần thiết cho xét nghiệm máu. Những mặt hàng thiếu hụt như vật liệu khâu, vật liệu truyền máu, thậm chí cả bông gòn và băng gạc.
“Nếu bạn phải xử lý xác động vật, hãy cẩn thận. Nếu bạn bị cắn, cần phẫu thuật và bị bệnh dại, chúng tôi không có đầy đủ thuốc kháng huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại”, tiến sĩ Surantha Perera – Phó chủ tịch Hiệp hội Y tế Sri Lanka – cho biết.
Hiệp hội Y tế Sri Lanka đang nỗ lực giúp đỡ các bệnh nhân bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các cá nhân sống ở nước ngoài, theo ông Perera.
Trong khi đó, ông Dhamaratne cho biết nếu tình hình không cải thiện, các bác sĩ có thể buộc phải chọn bệnh nhân nào để điều trị.
Người dân chờ nhận thuốc tại bệnh viện nhi nhà nước ở thủ đô Colombo hôm 6/6. Ảnh: AP.
Tình hình giờ còn tệ hơn cả đại dịch Covid-19
Đây có thể coi là bước thụt lùi, sau nhiều thập niên Sri Lanka nỗ lực cải tiến hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm đạt tới gần mức của các quốc gia phát triển.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của Sri Lanka, chỉ dưới 7/1.000 ca sinh, trong khi Mỹ là 5/1.000 còn Nhật là 1,6/1.000. Tỷ lệ tử vong của thai phụ ở Sri Lanka là gần 30/100.000 người, khá tương đồng ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 19, còn Nhật Bản là 5.
Tuổi thọ trung bình của người dân Sri Lanka đã tăng lên gần 75 tuổi vào năm 2016, từ dưới 72 tuổi vào năm 2000.
Quốc gia này cũng cố gắng loại bỏ bệnh sốt rét, bại liệt, bệnh phong, bệnh phù chân voi và hầu hết bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác.
Quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác đã cam kết tài trợ và hỗ trợ nhân đạo.
Ông Wickremesinghe cho hay khoản viện trợ của các nước, từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các cơ quan khác sẽ đảm bảo nguồn cung cấp y tế cho đến cuối năm sau.
Tuy nhiên, tại các khu bệnh viện và phòng mổ, tình hình có vẻ kém xa so với những gì ông Wickremesinghe tuyên bố. Điều này có nguy cơ làm xói mòn lòng tin của công chúng với hệ thống y tế, ông Dhamaratne nói.
“So với Covid-19, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe hiện tại còn tệ hơn rất nhiều”, ông nói.
Người biểu tình tràn vào văn phòng quyền tổng thống Sri Lanka. Đám đông biểu tình ở Sri Lanka đã đến chiếm văn phòng quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe, bất chấp sự ngăn cản bằng vòi rồng và hơi cay của cảnh sát.
Sri Lanka định ngừng in tiền khi lạm phát tăng vọt lên gần 60%
Trong tình hình đã hết USD để mua nhiên liệu và đang in đồng rupee để trả lương, Sri Lanka định ngừng in đồng nội tệ để ngăn chặn lạm phát đang tăng nhanh nhất châu Á.
Người dân xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại Colombo, Sri Lanka ngày 17/6. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Bloomberg ngày 5/7, trước khi rà soát chính sách tiền tệ vào ngày 7/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã nói với quốc hội rằng tỷ lệ lạm phát ước tính sẽ tăng lên 60%. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất phức tạp vì quốc gia đã phá sản.
Ông cho biết vào cuối tháng 8, Sri Lanka sẽ trình lên IMF kế hoạch tái cơ cấu nợ.
Sri Lanka không có tiền để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, phân bón, thuốc men và nhiên liệu thiết yếu do thiếu đồng USD nghiêm trọng.
Giá tiêu dùng tăng 54,6% trong tháng 6 so với một năm trước đó, trong đó chi phí giao thông vận tải tăng 128% so với tháng trước và chi phí thực phẩm tăng 80% trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng cây trồng và dầu thô.
Phát biểu sau chuyến thăm gần đây của phái đoàn IMF, Thủ tướng Wickremesinghe cho biết chính phủ hy vọng sẽ được phê duyệt chương trình tài trợ 4 năm, khi ông vạch ra lộ trình đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Tuần trước, IMF cho biết các cuộc đàm phán với Sri Lanka là mang tính xây dựng, làm dấy lên hy vọng rằng Sri Lanka sẽ sớm thông qua sơ bộ một gói hỗ trợ tài chính đang rất cần thiết.
Trong khi đó, số liệu chính thức cho thấy kinh tế Sri Lanka trong quý I năm nay giảm 1,6% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng chưa từng thấy tại nước này bắt đầu tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại.
Theo Cơ quan Thống kê và Tổng điều tra Sri Lanka, kinh tế sụt giảm trong 3 tháng đầu năm do tác động xấu của tình trạng lạm phát và giá đồng nội tệ giảm. Lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hồi năm 2021, nhưng được bãi bỏ sau đó, cũng gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp. Sản lượng gạo của Sri Lanka trong quý I năm nay giảm 33%. Cơ quan này cũng cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu hiện nay cũng gây tác động nghiêm trọng đến ngành vận tải và công nghiệp.
Sri Lanka đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập cách đây 74 năm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi nước này rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng.
Nguy cơ Bangladesh rơi vào khủng hoảng như Sri Lanka Giống như Sri Lanka, Bangladesh cũng đã vay nợ nước ngoài khổng lồ để bắt tay vào thực hiện cái mà các nhà phê bình gọi là các dự án "voi trắng". Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka nên được coi là tín hiệu báo động với Bangladesh. Giá các mặt hàng thiết yếu tăng vọt...