Dừng may đồng phục ‘giá một tạ thóc’
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chỉ đạo dừng may đồng phục “giá 1 tạ thóc” ở Trường tiểu học Văn Bình vì không phù hợp với kinh tế người dân, đồng thời việc đăng ký theo nhu cầu sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo trong trường học.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc may đồng phục ở Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín), Sở đã yêu cầu phòng Giáo dục báo cáo vụ việc. Quan điểm của Sở là không làm những việc bất bình thường.
Ông Thống cho hay, theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT, đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường và thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá.
Bộ đồng phục giá 1 tạ thóc của trường tiểu học Văn Bình.
Đồng phục bao gồm quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép – bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác. Bên cạnh đó phải đảm bảo phải tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.
“Nếu như đồng phục mà cho đăng ký, ai thích may áo, may quần đều được thì không còn gọi là đồng phục nữa. Điều này cũng làm tăng thêm sự phân biệt giàu nghèo, trái với quy định đảm bảo tính bình đẳng và tiết kiệm của Bộ”, ông Thống nói.
Phó giám đốc Sở khẳng định, cho học sinh mặc đồng phục là cần thiết vì sẽ giúp giáo dục truyền thống cho các em, khi ra đường với phù hiệu trên tay thì không nói tục, chửi bậy, đánh nhau. Tuy nhiên, trường Tiểu học Văn Bình quyết định may đồng phục mới mà chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh toàn trường là sai, chưa tính giá thành của sản phẩm không phù hợp với một địa phương thuần nông, còn nghèo như huyện Thường Tín.
“Ngành giáo dục đang chăm lo 3 đủ cho học sinh, đó là đủ ăn, đủ mặc, đủ sách. Ở thành phố, phụ huynh đa số là công chức thì có thể lo cho con mặc đẹp, còn ở nông thôn, cuộc sống người dân còn khó khăn thì không nên để xảy ra những chuyện không đáng có”, ông Thống nói và cho hay, Sở đã chỉ đạo Phòng giáo dục dừng ngay việc may đồng phục giá cao
Video đang HOT
Trước đó, nhiều người dân ba thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội) bức xúc khi hội phụ huynh gồm 3 người, đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh. Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng. Nhiều người đã đến trường gặp hiệu trưởng để hỏi rõ nhưng không gặp. Vụ việc được thông báo cho Phòng Giáo dục huyện Thường Tín và cuộc họp phụ huynh đột xuất được triệu tập.
Theo Hoàng Thùy
Phụ huynh nông thôn bức xúc vì đồng phục 'giá 1 tạ thóc'
Cho rằng nhà trường tự quyết định may đồng phục với giá cao, không hợp với túi tiền người nông dân, phụ huynh lên trường đòi gặp ban giám hiệu và báo tin cho Phòng giáo dục. Cuộc họp đột xuất phụ huynh toàn trường được triệu tập.
Mười ngày nay, câu chuyện củanhiều người dân ba thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội) đều xoay quanh bộ đồng phục của học sinh trường tiểu học Văn Bình khi hội phụ huynh gồm 3 người, đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh. Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng.
Phụ huynh của một học sinh lớp 4 khi nghe những phụ huynh khác nói về giá, vội đến gặp cô giáo chủ nhiệm xin không mua thì được thông tin, số đo đã được gửi xuống nhà may.
"Cô chủ nhiệm bảo đã thông báo đồng phục và giá tiền cho học sinh để về nói với bố mẹ. Nhưng hỏi con thì chúng bảo cô không nói gì về giá cả, chỉ biết là đi đo đồng phục", chị cho hay.
Trường tiểu học Văn Bình. Ảnh: Hoàng Thùy.
Một phụ huynh khác cho biết, cách đây nửa tháng chị có nghe nói về việc may đồng phục. Tưởng là vẫn may như đã thỏa thuận vào cuối năm học trước nên chị không để ý. Tuy nhiên, đến khi con kể là quần áo đẹp, mặc thử trông như chú rể, chị mới giật mình. Vội vàng đạp xe lên nhà cô chủ nhiệm để hỏi thì được biết đồng phục học sinh năm nay đổi mới, giá cũng cao hơn. Cô giáo bảo chị cố may cho con vì thằng bé rất thích.
"Tôi nhất quyết không đồng ý thì cô giáo bảo học sinh thích là được rồi. Tôi nói nếu đưa trẻ con ra chợ hỏi thích gì thì cái gì nó cũng thích", chị cho biết thêm, đồng phục năm trước vẫn còn dùng tốt vì mới mặc có vài lần, giờ lại may thêm bộ vest vừa đắt đỏ, vừa không phù hợp vì nó không đủ giữ ấm cho mùa đông.
Một phụ huynh có hai con đang học tại trường tâm sự, xã có khoảng 60-70% là nông dân, chỉ biết trông vào mấy sào ruộng nên lo tiền học đầu năm cho con đã khó, thêm khoản đồng phục giá cao thế này thì không biết xoay xở đường nào. Cuối năm học trước, phụ huynh lớp 3 còn không đồng ý may đồng phục mới vì đồ đã may vẫn dùng tốt, có những em mới mặc vài lần.
"Ngay cả may như cũ với giá 350.000 đồng chúng tôi còn không đồng ý. Cháu nào cần thì phụ huynh đăng ký thêm áo cộc tay thôi. Giờ bộ đồng phục mới giá gần 700.000 đồng, tính ra là hơn 1 tạ thóc. Nhà trường có nghĩ đến phụ huynh khi đưa ra quyết định này không?", vị phụ huynh bức xúc.
Chị cho hay, ban đại diện hội phụ huynh gồm 3 người cũng không thể đại diện cho hơn 700 phụ huynh của toàn trường được. Hàng chục phụ huynh sau đó đã kéo đến trường để hỏi hiệu trưởng nhưng được thông báo "hiệu trưởng đi vắng".
"Có người than vãn là 200.000 đồng tiền học thêm còn chưa nộp được, lấy đâu tiền mua quần áo thì được cô chủ nhiệm dọa nếu không có đồng phục thì hôm khai giảng phải đứng ra ngoài hàng", một phụ huynh cho hay.
Bộ đồng phục này có giá hơn một tạ thóc.
Sau khi đến gặp giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhưng chưa có được câu trả lời thích đáng, nhiều người dân đã thông báo vụ việc cho phòng Giáo dục huyện Thường Tín. Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng Giáo dục cho biết đã chỉ đạo cho trường Tiểu học Văn Bình phải họp toàn thể phụ huynh để thống nhất lại vụ việc. "May đồng phục là việc của hội phụ huynh, nhà trường không được can thiệp", ông Dũng nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Đào Thị Thục, hiệu trưởng nhà trường cho biết, các giáo viên chủ nhiệm đã xin ý kiến phụ huynh về việc sẽ may đồng phục vào năm học mới trong buổi họp bế giảng hằng năm vào ngày 26/5, và "18 lớp đều nhất trí". Bà Thục còn cho biết, trước khi may, trường đã họp với ban đại diện phụ huynh về cách may, sản phẩm như thế nào.
Thực tế, có hai nhóm phụ huynh đến trường tìm gặp bà và đã được giải đáp, những tốp phụ huynh khác có đến trường nhưng không gặp thì bà "không rõ".
"Ban giám hiệu chỉ có quyền tư vấn cho ban đại diện phụ huynh về hình dáng, logo, hình mẫu, kiểu cách, còn may như thế nào là quyết định của Ban đại diện phụ huynh", bà Thục cho hay.
Vị hiệu trưởng cũng khẳng định, việc may đồng phục là không ép buộc, phụ huynh muốn lấy một sản phẩm hay lấy hết đều được. Tuy nhiên, có thể "do khâu truyền đạt từ giáo viên đến học sinh, học sinh đến bố mẹ có chỗ nào đó chưa ổn nên mới gây nên sự hiểu lầm cho phụ huynh", bà Thục phân bua.
Chị Nguyễn Thị Lưu, trưởng hội phụ huynh nhà trường cho biết, ban đại diện đã quyết định thay đổi đồng phục vì từ trước đến giờ hội chưa bao giờ phải hỏi ý kiến toàn thể phụ huynh về việc này. Ban đại diện cũng đã tính đến trường hợp một số gia đình khó khăn, có thể cho nộp tiền thành 2-3 lần.
"Chúng tôi đã mời nhà may về để xem chất liệu vải và mẫu mã, qua xem xét chúng tôi thấy hợp lý và quyết định làm hợp đồng. Trong thời gian làm hợp đồng chúng tôi cũng để thời gian 1 tuần cho các cháu về thưa chuyện với bố mẹ xem có nhất trí may hay không", chị Lưu cho hay.
Chị cũng cho biết, sản phẩm này không phải sử dụng một năm mà trong hai năm. Áo sơ mi bên trong làm phù hiệu của nhà trường, còn áo vest không làm phù hiệu để cho các cháu tiện đi chơi.
"Để tránh việc phụ huynh hiểu lầm và thống nhất lại, buổi họp phụ huynh toàn trường đã được tổ chức vào ngày 17/8. Phụ huynh nào đồng ý may, may sản phẩm nào đều đăng ký rõ ràng. Có người đăng ký cả bộ, có người đăng ký áo sơ mi, thậm chí chỉ đăng ký một cái nơ chúng tôi cũng chấp nhận. Nhà may sẽ căn cứ vào bản đăng ký đó để trả sản phẩm cho các em", vị đại diện hội phụ huynh cho hay.
Theo Hoàng Thùy
Căn chòi lá của cha con 'người rừng' bị đốt Cho rằng bị nhiều người làm phiền, chịu điều tiếng khi lấy người thân ra kinh doanh, ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) đã vào rừng sâu đốt hai căn chòi lá trên cây của hai cha con "người rừng". Ông Hồ Minh Lâm (thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi) thừa nhận đã tự...