Đừng làm khó người thầy
Ngày 2/2, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là căn cứ pháp lý để các đơn vị thực hiện việc tuyển dụng giáo viên.
Kể từ ngày 20/3/2021, khi thông tư có hiệu lực việc tuyển dụng giáo viên phải căn cứ vào các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định và sẽ không quy định người đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Giáo viên trường Tiểu học Phù Đổng, huyện Gia Lâm hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên các Thông tư này vẫn yêu cầu giáo viên các hạng có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Đối với Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì yêu cầu giáo viên hạng III như sau: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.
Đối với giáo viên hạng II thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II”. Giáo viên hạng I thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I”.
Như vậy giáo viên hạng nào muốn thăng hạng đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và khi chuyển lên hạng cao hơn lại phải đi học một chứng chỉ mới. Mà muốn có chứng chỉ này thì giáo viên phải đi học 10 chuyên đề gồm 240 tiết với đa số nội dung các thầy cô đều đã được học thời đại học, cao đẳng sư phạm.
Bất cứ thầy cô giáo nào khi ra trường đều thuộc lòng 10 chuyên đề, trong đó Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển GD&ĐT; Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường; Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ; Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.
Điều đáng bàn là nội dung học tập để có chứng chỉ này không khác so với những kiến thức mà giáo viên đã được đào tạo, được tập huấn hè hàng năm. Đó là chưa kể số tiền học phí từ 2 – 2,5 triệu đồng, cộng thêm 200.000 đồng tiền mua tài liệu chỉ để có được kiến thức đã nằm lòng.
Còn nhớ năm 2015, liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, 24/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Những quy định này đã bộc lộ rất nhiều bất cập, khiến cho đội ngũ giáo viên, đối tượng điều chỉnh của văn bản gặp rất nhiều khó khăn. Trên diễn đàn Quốc hội, bất hợp lý trên đã được các đại biểu kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT cũng như các bộ, ngành liên quan.
Mới đây, trước những ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe phản ánh từ cơ sở, của giáo viên trên toàn quốc để bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học thì Bộ cũng nên cân nhắc bỏ luôn quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để không làm khó những người thầy, giúp họ yên tâm làm việc.
Ma trận chiêu sinh chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên chạy đâu cho thoát
"Chứng chỉ thay thế" sẽ là chứng chỉ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp"...
Video đang HOT
Giáo viên bị vây giữa cả rừng thông báo
Học 4 năm đại học mà vẫn phải cần một tờ giấy chứng nhận gọi là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nực cười hơn, nhiều giáo viên đi dạy đã vài chục năm nhưng vẫn đang lo nơm nớp nếu không có được cái chứng nhận ấy sẽ bị tụt hạng, xuống lương.
Các trường học liên tục nhận được thông báo mở lớp chiêu sinh học chứng chỉ Chức danh nghề nghiệp từ cấp trên gửi về (Ảnh tác giả)
Lo lắng, hoang mang càng mất phương hướng khi sở, phòng, hiệu trưởng liên tục gửi các thông báo về tầm quan trọng của cái chứng chỉ ấy và thời gian chiêu sinh lớp học. Bên cạnh đó, có những trường hiệu trưởng còn đe: "Ai không đi học sẽ xuống hạng, giảm lương".
Tin nhắn của một lãnh đạo trường học cho giáo viên (Ảnh tác giả).
Thế là, nhiều thầy cô giáo đã tặc lưỡi rủ nhau nộp tiền đăng ký đi học mang theo bao nỗi ấm ức khôn nguôi.
Sự nôn nóng của các sở, phòng nhiều giáo viên mất tiền học chứng chỉ oan
Không chỉ một địa phương mà khá nhiều nơi trong cả nước, sở, phòng giáo dục rất nôn nóng, nhiệt tình trong việc thông báo chiêu sinh các lớp học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đặc biệt là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên bị vây giữa rừng thông báo (Ảnh tác giả)
Mặc dù trong các công văn không có câu chữ nào bắt buộc, có thông báo còn ghi là tự nguyện nhưng với việc giáo viên liên tục nhận được những yêu cầu chiêu sinh như thế sao không khỏi lo âu?
Ngoài những thông báo mở lớp, có những hiệu trưởng còn nói trong cuộc họp, nhắn tin về việc thăng hạng, trụ hạng, về việc không đủ chứng chỉ theo quy định sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng lương, nâng lương...
Giáo viên thiếu thông tin về việc thăng hạng, giữ hạng, về những chủ trương của Bộ Giáo dục, cộng với luôn bị vây hãm bởi những thông báo nhiệt tình đi học chứng chỉ như vậy từ cơ quan chuyên môn, từ cấp trên của mình, hỏi sao không thấy hoang mang để ùn ùn kéo nhau đi đăng ký học.
Để rồi khi có tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 về việc thay đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để khỏi làm khổ giáo viên, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi chỉ còn biết thở dài tiếc nuối.
Đề nghị của Bộ Giáo dục gửi Bộ Nội vụ có nội dung mà nhiều thầy cô giáo đang rất hy vọng:
"Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).
"Chứng chỉ thay thế" sẽ là chứng chỉ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp' ông Đặng Văn Bình Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời phóng viên Giáo dục Việt Nam.[1]
Nhiều giáo viên lỡ nộp tiền đi học chứng chỉ khó đòi lại
Cô giáo N. giáo viên thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Phan Thiết cho biết: "Nhận được công văn thông báo của phòng giáo dục về việc mở lớp học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tụi em khá lo nên đăng ký đi học.
Tin nhắn của một giáo viên khi trót nộp tiền học chứng chỉ xin rút lại nhưng không được (Ảnh tác giả)
Sau khi đọc một số bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và biết được Bộ Giáo dục vẫn đang đề nghị được thay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nên tụi em không muốn đi học nữa và chờ đợi xem sao?
Thế nhưng tiền nộp vào thì dễ còn xin rút lại quá khó. Người ta nói hồ sơ đã chuyển ra Đà Nẵng hết rồi. Cho tụi em số điện thoại liên lạc nhưng gọi hoài chỉ nghe tiếng ồ í e".
Nói rồi cô N. cho biết khá nhiều giáo viên trong tình cảnh của mình. Một số giáo viên khác lại hồ hởi vì thấy may chưa đăng ký kẻo lại mất tiền oan.
Học kiểu gì mà chỉ 1 buổi là có ngay chứng chỉ?
Chúng tôi nhận được lời mời chào học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trực tuyến của cán bộ chiêu sinh ở một trường đại học tận ngoài Hải Phòng.
Người này cho biết: "Giáo viên chỉ cần gửi hồ sơ, kinh phí là được cấp mã để học".
Khi nghe chúng tôi nói không có thời gian tham dự lớp học thì người này cho biết: "Trong lịch học ghi là 4-5 buổi nhưng chỉ cần có mặt một buổi là gửi bài thu hoạch (bên em sẽ in và nộp dùm cho các thầy cô) là có ngay chứng chỉ.
Một đồng nghiệp của chúng tôi đã tham dự lớp học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho biết: "Học cái gì đâu, giáo viên đến lớp học thưa thớt, giảng viên giới thiệu nội dung sẽ học và cho địa chỉ để giáo viên học trên online.
Phần học ở lớp, giảng viên đọc chép một số nội dung, hết buổi ra về cho câu hỏi để làm bài thu hoạch. Do có google hỗ trợ nên ai cũng hoàn thành bài viết của mình dù thế cũng chẳng ai quan tâm rằng trả lời như thế là đúng hay sai. Hết khóa học, ai cũng nhận được chứng chỉ theo quy định".
Rõ ràng, một thực trạng đang diễn ra việc bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hiện không có chất lượng. Điều được là làm giàu cho một số trường đại học đang liên kết với các cơ sở giáo dục và điều mất lại lớn hơn rất nhiều.
Giáo viên không chỉ mất tiền đi học (từ 2.5 triệu đến 3.5 triệu đồng) mà điều mất lớn hơn chính là trực tiếp tiếp tay cho sự gian dối (điều mà giáo viên phải cương quyết nói không).
Trong lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang chủ trương thay thế hình thức học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo để trách việc mất tiền oan thì các địa phương cũng nên dừng việc liên tục ra thông báo chiêu sinh lớp học để tránh cho nhà giáo khỏi hoang mang, lo lắng.
Khao khát lúc này của nhiều thầy cô giáo chính là Bộ Nội vụ chấp nhận đề nghị của Bộ Giáo dục, chuyển đổi việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mất học phí thành học miễn phí bằng cách cho giáo viên tự học, tự nghiên cứu và viết bài thu hoạch như hình thức học bồi dưỡng thường xuyên hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-de-xuat-thay-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bang-chung-chi-gi-post211251.gd
Giáo viên dễ mất tiền oan vì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã giải tỏa cơn khát cho giáo viên, thế nhưng vẫn còn đó chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV...