Dừng hoạt động ‘Ngôi nhà Hạnh Phúc’
Chiều 3.7, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết UBND thành phố đã có chỉ đạo dừng hoạt động “ Ngôi nhà Hạnh Phúc” ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Trẻ em tại Ngôi nhà Hạnh Phúc – Ảnh: H.Vy
Ông Giang cho biết thêm, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với UBND huyện Bình Chánh lên phương án cụ thể để tiếp nhận các thành viên đang ở “Ngôi nhà Hạnh Phúc” vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố hoặc bàn giao về với gia đình.
“Quan điểm của thành phố là chăm lo điều kiện sống tốt nhất cho tất cả các em nhỏ khi vào Trung tâm bảo trợ xã hội”, ông Giang khẳng định.
Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh, cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc (B7/16AD4, tổ 129, ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), do vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng (45 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Q.3) và bà Ngô Thị Kim Vân (49 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Q.11) làm chủ cùng tạm trú tại địa chỉ trên.
Về cơ sở vật chất, ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Ngô Thị Kim Vân mua lại mảnh đất trên của một cá nhân với hình thức mua bán giấy tay để xây nhà ở. Còn đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án Đô thị Hạnh phúc.
Hiện trạng điểm giữ trẻ gồm: căn nhà cấp bốn, gác lửng, mái tôn, vách tường, trần nhà đóng la phông, diện tích 110 m2 và cộng thêm phần đất trống lợp mái tôn kế bên nhà với diện tích 100 m2 do ông Hoàng, bà Vân thuê của của một người dân với giá 1 triệu đồng/tháng, thời gian thuê từ năm 2011 đến nay.
Về hoạt động tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ: tháng 2.2006, ông Hoàng và bà Vân bắt đầu mở điểm giữ trẻ, nhưng lúc đầu chỉ nuôi giữ với số lượng trẻ ít (khoảng 5 trẻ). Từ năm 2010 số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra tổng số người là 32 người, độ tuổi lớn nhất là 23 tuổi và nhỏ nhất là 7 tuổi, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 24 trẻ (14 nam, 10 nữ), gồm trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Khi vợ chồng ông Hoàng tiếp nhận trẻ chỉ có giấy khai sinh của trẻ, không có các giấy tờ liên quan khác. Hiện ông Hoàng vẫn còn giữ được liên lạc với gia đình các trẻ.
Video đang HOT
Cũng theo báo cáo, ngày 12.11.2013, UBND xã Bình Hưng kiểm tra địa điểm trên. Do thấy điểm giữ trẻ của ông Hoàng chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, UBND xã Bình Hưng đề nghị ông Hoàng ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép tại địa điểm trên và phải giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày. Ông Hoàng chấp thuận với đề nghị của UBND xã Bình Hưng, đồng thời đề nghị gia hạn thời gian giao trả các trẻ đến ngày 31.5.2015, vì hiện tại các trẻ đang đi học và gia đình các trẻ đều ở xa.
Ngày 3.6.2015, UBND xã Bình Hưng kiểm tra tình hình giao trả trẻ về gia định theo như nội dung ông Hoàng thống nhất nhưng ông Hoàng vẫn chưa thực hiện. UBND xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng, bà Vân thực hiện giao trả trẻ, thời hạn thực hiện trước ngày 15.6.2015.
Theo đánh giá của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ sở trên không đáp ứng điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 68 và Nghị định 81 của Chính phủ.
Với mong muốn duy trì “Ngôi nhà Hạnh Phúc”, vợ chồng ông Hoàng đã làm đơn cứu xét nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.
Tân Phú
Theo Thanhnien
Hạnh phúc chênh vênh của nhà Hạnh Phúc
Nhà Hạnh Phúc từng đầy ắp tiếng cười nay chỉ còn lại sự lo lắng và bồn chồn. Gia đình chị Vân và các em không biết hạnh phúc của họ còn kéo dài được bao lâu.
Những đứa trẻ tại nhà Hạnh Phúc - Ảnh: H.Vy
Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Ngô Thị Kim Vân, nằm kề khu đô thị Hạnh Phúc, đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã trở thành nơi trú ngụ của hơn 30 đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Và từ lâu, nhà Hạnh Phúc là điểm tựa thương yêu của những số phận trẻ em thiếu may mắn. Vì thế, không ai trong đại gia đình này muốn rời xa.
Mong xin được giấy phép
Chúng tôi gặp chị Vân ở gian nhà trước, nơi hơn chục đứa trẻ đang chơi đùa vui vẻ với nhau. Vừa nhìn chúng chị vừa kể: "Vì không có giấy phép hoạt động nên UBND không cho chúng tôi nuôi trẻ nữa. Biên bản thứ ba của UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh ghi rõ là phải trả chúng lại cho người thân, nếu chúng nó không còn ai thì Phòng Lao động sẽ hướng dẫn thủ tục đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội. Hơn nữa, tôi phải thực hiện vào ngày 15.6 vừa qua".
Theo chị Vân, khó khăn lắm chị mới có thể liên lạc được với gia đình của từng em. Người ở xa tận Tiền Giang, Vĩnh Long cũng có mặt như biên bản yêu cầu. Nhưng rồi không thấy cơ quan chức năng nào xuống nên họ đành phải quay về. Nhờ như vậy nên các em vẫn có thể tiếp tục ở lại cùng vợ chồng chị.
Anh Hoàng bên đứa con nuôi của mình - Ảnh: H.Vy
Nói một lúc, chị Vân lại ngậm ngùi: "Đêm trước hôm trao trả, tôi nấu cho tụi nó bữa cơm chia tay. Mấy đứa nó biết nên buồn lắm, cứ ngồi khóc suốt. Bây giờ tôi cũng không biết làm sao. Mấy ngày nay tôi cứ chạy lên chạy xuống các cấp cơ quan, chỉ mong xin được giấy phép để tiếp tục nhà tình thương Hạnh Phúc, để tụi nhỏ không phải sống khó khăn như trước kia nữa."
Chị Vân giãi bày rằng, căn nhà hiện tại chỉ khoảng 110 m2 cộng thêm khoảng sân vui chơi của mấy em do một nhà hảo tâm đóng góp nữa cũng không thể nào đạt điều kiện một cơ sở bảo trợ theo quy định. Nếu có thể, chị chỉ xin các cấp lãnh đạo cho chị thêm thời gian. Với tấm lòng nhiệt thành của vợ chồng chị và sự hảo tâm của cộng đồng, chị hy vọng sẽ giữ lại được các em.
"Ước được ở nhà Hạnh Phúc hoài luôn"
Theo chia sẻ của chị Vân, gia đình chị ngày xưa sống ở quận 11, sau chuyển về đây sinh sống. Thời gian đầu, do nhà rộng mà ít người quá nên thấy đứa trẻ nào lang thang, cơ nhỡ sống quanh đó thì chị kêu qua cho ăn, cho ở. Rồi cứ thế, từ 5,6 em lúc ban đầu, số lượng thành viên trong nhà tăng dần đến con số 32 như hiện nay.
Trẻ em ở đây không chỉ được học chữ mà còn được học đàn, học kèn - Ảnh: H.Vy
Nhớ lại những ngày như thế, chị Vân nghẹn ngào: "Tôi nuôi nấng tụi nhỏ như con ruột của mình. Mấy năm nay lúc nào tôi cũng cố gắng dạy dỗ các em cho bằng bạn, bằng bè. Khi biết mình phải trả mấy đứa nhỏ về gia đình cảm giác như ai xé ruột xé gan mình vậy đó. Giờ đứa nào cũng thích học hành lại lễ phép thì sao đành lòng bỏ cho được."
Chị cả của gia đình, em Đặng Thị Ngọc Nhung tâm sự: "Em đến sống cùng mẹ Vân từ lâu lắm rồi, lúc mẹ mới nhận nuôi trẻ. Tám năm sống cùng gia đình, em được học, được vui chơi, yêu thương như bao đứa trẻ khác. Em mơ ước được ở đây hoài luôn, em không muốn xa cha mẹ, anh em."
Các em còn được thỏa thích vui chơi cùng đại gia đình của mình - Ảnh: H.Vy
Khác với Nhung, em Ti Mo The chỉ mới được chị Vân cưu mang khoảng ba tháng nay. Trong ngày tưởng chừng chia tay đó, em cũng không thể cầm được nước mắt: "Ba mẹ thương tụi em lắm. Chắc không nơi nào quan tâm em như ở nhà Hạnh Phúc của mẹ Vân đâu."
Khi chia tay, chị Vân cười rồi nói với chúng tôi rằng chị đã hứa là không bao giờ bỏ rơi chúng nó. Và chị hy vọng mình sẽ không phải thất hứa với đàn con của mình.
H.Vy
Theo Thanhnien
EVN HCMC trao 73 căn nhà tình thương cho xã đảo Thạnh An - Ngày 6-2, Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đã nghiệm thu và trao tặng 73 căn nhà tình thương cho người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần giờ. Trong 73 căn nhà được bàn giao đợt này có 30 căn xây mới và 43 căn sửa chữa. Mỗi căn xây mới được EVN HCMC hỗ trợ 50 triệu đồng,...