Dung dị chén chè chuối ngày đông của má
Như thành thói quen, cứ những lúc rảnh rỗi và đặc biệt trong những ngày mưa dầm thế nào má tôi cũng nấu món chè chuối. Chè chuối, cái tên nghe dung dị nhưng thân thương và gắn liền với đời sống người dân xứ Quảng quê tôi.
Nguyên liệu nấu món chè chuối của má tôi khá giản đơn, chỉ vài trái chuối, mấy củ khoai, đường cát và không thể thiếu một ít bột báng, đậu xanh đã tách vỏ. Nhưng muốn cho món chè chuối thơm ngon, người nấu cần tỉ mỉ, có sự tinh tế qua từng công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến.
Nồi chè chuối thơm lừng với sự hòa quyện của các cây trái quê tôi
Khi dạy tôi cách nấu, má vẫn thường căn dặn: Nhất thiết phải chọn những quả chuối sứ hoặc được loại chuối xiêm lại càng ngon. Trái chín vừa, bụ bẫm, màu vàng nhạt, cắn một miếng lộ ra ruột vàng sậm, thơm nức. Chuối bóc bỏ vỏ, cắt lát vừa ăn. Riêng đậu xanh chọn loại hạt nhỏ, ruột vàng, tách bỏ vỏ rồi đem ngâm vài giờ trong nước lọc. Sau đó vo sạch, để ráo, hấp cách thủy đến khi đậu mềm tan mịn là được.
Video đang HOT
Món chè chuối của má thật thơm ngon và quyến rũ
Tương tự, khoai lang cũng vậy, má đem cắt thành những miếng vuông, đem hấp trước, sao cho vừa chín tới. Bột báng được vo rửa nhiều lần với nước sạch nhằm loại bỏ các tạp chất bám bên ngoài và luộc qua nước sôi.
Bí quyết nấu món chè chuối của má là phải hòa tan đường với nước lọc trước, sau đó mới bắt lên bếp đun sôi. Cho đậu xanh giã nhỏ vào đun tiếp đến khi sôi trở lại rồi hớt bọt. Tiếp tục thêm khoai, bột báng, chuối vào chè, đun nhỏ lửa đến khi chè gần sánh rồi từ từ khuấy đều. Cứ thế, má cẩn thận trong từng khâu chế biến. Má bảo: Nếu người nấu không khéo, sơ ý khuấy già tay một chút, chè sẽ mất đi hương dịu dàng và vị thanh ngọt của chuối. Khi thành phẩm, nồi chè phải đặc quánh, sền sệt ngả sang màu vàng lấm tấm những hạt bột báng màu trắng, cộng thêm những lát chuối, khoai lang trông đẹp mắt…
Mấy hôm nay về thăm nhà, tôi lại được ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp để cùng má nấu món chè chuối. Nhìn món chè chuối của má nhỏ nhắn, xinh xinh, mới biết không phải tự nhiên mà chè chuối lại trở thành nỗi nhớ của người xa quê mỗi dịp đông về.
Theo Dân Việt
Thưởng thức bánh cống Cao Lãnh
Tầm 5 giờ chiều, trên vỉa hè tuyến đường Tôn Đức Thắng, thành phố Cao Lãnh đầy ắp các hàng quán.
Dừng chân một nơi tập trung đông người, tôi cảm nhận được mùi thơm lừng bốc ra, đó chính là món bánh cống Cao Lãnh, một thức quà đặc trưng vào buổi chiều ở nơi này.
Tôi đến Cao Lãnh (Đồng Tháp) vào một ngày nắng ngả màu vàng nhạt, từng dòng người nhộn nhịp hoà vào lòng đường như thường lệ. Dừng lại một nơi tụ tập rất đông người, tôi lấy làm bỡ ngỡ khi thấy một người phụ nữ nước da sạm nắng, trán đẫm mồ hôi đang tất bật bên quán bánh cống của mình. Từng chiếc bàn gỗ được sắp xếp ngay ngắn, khách ngồi chật kín không có lối đi, mọi người đang thưởng thức món bánh cống Cao Lãnh thơm lừng. Một số người đi xe máy bỗng nhiên tấp vào rồi gọi mua bánh cống, thì ra giá bánh cống ở đây khá "mềm", chỉ 4.000 đồng/1 cái.
Vừa ngồi xống ghế, một lúc sau tôi được người chủ quán mang bánh cống ra mời dùng và không quên chúc thực khách ăn ngon miệng. Loại bánh này tôi đã dùng nhiều lần rồi nhưng cái bánh ở Cao Lãnh có màu vàng óng, thơm lừng thật đặc biệt. Người chủ quán tên Thảo cho chúng tôi biết, món bánh cống Cao Lãnh đặc biệt thơm ngon được làm tỉ mỉ và qua nhiều công đoạn nên có hương vị và màu sắc đặc trưng.
Bánh cống Cao Lãnh có màu sắc vàng óng, hương vị thơm lừng. (Ảnh: Hoàng Lê)
Theo chia sẻ của các "thổ địa" vùng này, bánh cống có nguồn gốc từ Sóc Trăng nhưng khi đến thành phố Cao Lãnh, bánh cống càng trở nên thơm ngon làm vấn vương biết bao thực khách khi đến nơi này. Giải thích về tên gọi bánh cống, chị Thảo cho biết, do dụng cụ đổ bánh giống cái cống tròn tròn nên gọi tên là bánh cống.
Để món bánh cống Cao Lãnh thơm ngon đặc trưng cũng phải có "bí kíp" và kinh nghiệm chế biến lâu năm, trong đó khâu canh lửa là quan trọng nhất. Vì nếu để quá lửa bánh sẽ sậm màu, còn nếu lửa chưa tới thì màu vàng sẽ nhạt, ăn lại không giòn. Bánh cống chính gốc Cao Lãnh là sự kết hợp hài hoà giữa nhân bánh và vỏ bánh bên ngoài. Vỏ bánh được làm bằng bột gạo trộn với bột mì, nhân bánh đan xen đậu xanh, tôm, trứng, khoai môn... Nguyên liệu sau khi chuẩn bị xong thì cho vào khuôn, để trong chảo dầu đun sôi.
Chiếc bánh cống ra lò có màu vàng ươm và toả hương thơm ngào ngạt. Món bánh này được ăn kèm với rau sống chấm nước mắm chua ngọt, tất cả hoà quyện làm người dùng thích thú phải hết lời xuýt xoa, khen ngợi.
Phải chăng, món bánh cống Cao Lãnh từ lâu đã trở thành thức quà đặc biệt, luôn toả ngát mùi hương để làm thực khách phải vấn vương, lưu luyến.
Theo Dân Việt
Ngày se lạnh thưởng thức cá đuối nướng lá nghệ Vài lần bạn gọi điện kêu: Trời ngoài này đã chuyển lạnh, ước gì lại về Quảng Nam, làm đĩa cá đuối nướng lá nghệ cay xè cho đỡ nhớ! Con cá đuối đã trở nên quen thuộc và thường được người dân Quảng Nam chế biến thành nhiều món ngon. Khách phương xa ghé thăm vùng đất Quảng này trong tiết trời...