Đừng để Việt Nam là “đất lành” cho “công nghệ phế liệu” Trung Quốc!
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong thời gian qua sẽ có nhiều tác động đến Việt Nam, đặc biệt là nguy cơ Việt Nam trở thành “đất lành” cho các máy móc, công nghệ cũ của Trung Quốc “tuồn về” ngày một lớn.
Lý giải về điều này, chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: khi nước này thực hiện cải cách, chuyển đổi từ nền kinh tế tăng trưởng “ nóng” sang tăng trưởng “bền vững”, chất lượng sẽ có nhiều máy móc và công nghệ cũ bị đập bỏ và họ sẽ chuyển sang các nước thứ 3, trong đó có Việt Nam.
Nhập “rác c ông nghệ ” đang hiển hiện trước mắt
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc là vấn đề nội bộ của họ. Tuy nhiên, do quan hệ kinh tế giữa hai nước đang có nhiều điểm tương đồng nên những tác động lan truyền đối với Việt Nam là rất đáng chú ý.
Video đang HOT
Thực tế chuyển giao công nghệ cũ của Trung Quốc sang Việt Nam không còn là nguy cơ mà là thực tế nguy hại (Ảnh minh họa)
Hạn chế tăng trưởng “nóng” của Trung Quốc sẽ có rất nhiều DN yếu kém, máy móc cũ sẽ bị loại bỏ khỏi nền kinh tế. Nguy cơ 1 cuộc tháo chạy của các loại máy móc này sang Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khi thời gian gần đây nhiều số doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam.
Theo chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành: “Chúng ta có đã có hơn hai bài học đã được đúc rút đó là bài học về ngành xi măng và ngành thép. Sắp tới tôi lo ngại chúng ta sẽ phải lặp lại bài học đắt giá cho ngành dệt may – 1 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.”
Bài học thứ nhất là thập kỷ 80 – 90 Việt Nam nhập rất nhiều lò đứng của Trung Quốc để phát triển các nhà máy xi măng. Nhiều địa phương, bộ ngành coi đó là thành công là phát triển, nhưng chúng ta đã phải trả giá đắt khi đó là những công nghệ, máy móc thải từ Trung Quốc để họ tiến đến phát triển lò quay khô tiên tiến. 1 bài học đau xót mà đến nay ngành xi măng vẫn thấm thía.
Bài học thứ hai là ngành thép, từ năm 2000, ngành thép phát triển cực nóng, nhất là luyện phôi thép khi quy hoạch ngành thép bị phá vỡ, các DN ngành thép phát triển ồ ạt, tỉnh nào cũng có 1 hoặc 2 dự án thép. Máy móc ở đâu, chính là từ Trung Quốc. Nhiều nhà máy thép cỡ nhỏ và trung bình của Trung Quốc đã và đang bị thải hồi và điểm đến lý tưởng của chúng vẫn là các nhà máy thép của các nước thứ 3: Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Asean trong đó có Việt Nam.
Và sắp tới đây, ngành dệt may đang đứng trước nguy cơ phải chịu chung số phận với hai ngành trên khi mà phần lớn các dự án đầu tư của Trung Quốc vào ngành dệt may Việt Nam là ở dệt và nhuộm, may gia công với công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ. “Trong dệt may, nguy cơ đe dọa môi trường và phát thải lớn nhất là từ dệt nhuộm vì đây là công đoạn sử dụng nhiều hóa chất, nước và công nghệ xử lý nước thải cũng rất tốn kém”.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiến hành từ năm 2007 cho thấy, nhóm các nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của Italy, Nhật Bản chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, khoảng 25%. Nhóm trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 55%, bao gồm các nhà máy thép cũ, sử dụng thiết bị Trung Quốc. Còn nhóm lạc hậu chiếm khoảng 20%, là các nhà máy cán quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị tự chế tạo, công suất khoảng từ năm nghìn đến 20 nghìn tấn/năm.
C ần c ó đối sách ngay!
Theo GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: Hiện các lĩnh vực cơ khí, thép, xây dựng có tình trạng nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và sử dụng công nghệ của họ rất nhiều, đây là rủi ro đối với Việt Nam. “Những sai lầm nhập khẩu máy móc cũ kỹ, gây ô nhiễm cần được rút kinh nghiệm… Tôi cho rằng chúng ta nên “tự trách mình” trước tiên. Không thể trông chờ vào “lòng tốt” của bất kỳ đối tác nào, vì trong điều kiện thị trường, thì các bên cũng tham gia quyết định.
Ông Thái nhấn mạnh, Trung Quốc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, tránh tăng trưởng nóng hướng tới phát triển bền vững. Tốc độ phát triển 5-10 năm nữa của nước này có thể còn thấp hơn, nhưng vẫn cao hàng đầu thế giới. Khi đó, Trung Quốc có điều kiện để đi vào nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới phát triển xanh và sáng tạo khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sau vài chục năm nữa. “Không được để Việt Nam trở thành “chốn đi về” cho những “công nghệ phế liệu” của Trung Quốc”, ông Thái nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, với biến động từ kinh tế Trung Quốc chúng ta cần có nghiên cứu và phân tích để có cách ứng phó. “Cơ cấu kinh tế tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng tạo khó cho ta (Việt Nam – PV) nếu kinh tế Trung Quốc gặp bất lợi, họ “hắt hơi” ta sẽ “sổ mũi”, thậm chí “cảm lạnh” ngay. Chính vì thế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc cần được nghiên cứu đầy đủ và đưa ra dự báo. Nếu tăng trưởng Trung Quốc chậm lại từ 5 – 10 năm, chắc chắn tiêu dùng của Trung Quốc sẽ giảm và các ngành, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam vốn dựa vào thị trường này nên phải ngồi và tính toán lại”.
“Tôi nói không phải ở ngành nông sản xuất khẩu thôi mà tất cả các ngành, trong đó đặc biệt là những ngành có nguy cơ nhập khẩu công nghệ và thiết bị cao của Trung Quốc như đã nêu. Cần phản quản chặt các ngành, địa phương trong việc đấu thầu dự án, công nghệ để chống việc chọn nhầm công nghệ theo kiểu “mông má lại” của Trung Quốc. Tôi rất quan tâm và lo ngại dự án thép Formosa của Hà Tĩnh, không biệt đãi cho họ nhiều quá”, ông Thành khẳng định.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri