Đừng để mắc bệnh vì giày dép!
Khi chọn giày dép, với phụ nữ, tính thẩm mỹ luôn là lý do để quyết định nên mua hay không.
Tuy nhiên, chuyên gia về xương khớp khuyên rằng, vì sức khỏe của đôi chân, chị em hãy chọn cho mình những đôi giày, dép có tác dụng đúng nghĩa: bảo vệ chân.
TS.BS Thái Thị Hồng Anh, nguyên Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM, cho biết theo kết quả một nghiên cứu của Hội chỉnh hình bàn chân Hoa Kỳ thì giày dép gây ảnh hưởng rất nhiều đến bàn chân.
Tại phòng khám chuyên khoa Nội cơ xương khớp BV Nguyễn Tri Phương TPHCM thường xuyên có những bệnh nhân đến khám vì đau, tê gót chân, các bất thường như ngón chân có chai, u, quặp, biến dạng, hoại tử móng… Các bác sĩ phát hiện giày dép đã góp phần không nhỏ trong việc gây bệnh hay làm nặng hơn tình trạng hiện có.
Những điều chưa biết về bàn chân
Khi cơ thể di chuyển, bàn chân phải gánh trọng lượng lớn gấp 3 lần so với bình thường và gấp nhiều lần khi ta chạy, nhảy tùy theo nền đất mềm, phẳng hoặc rắn, gồ ghề… Vì vậy, bàn chân là nơi phải chịu nhiều sang chấn và rất dễ bị tổn thương.
Do đó, việc tập luyện và sử dụng giày dép phải phù hợp với mục đích sử dụng (chẳng hạn: giày chơi thể thao khác nhau cho từng môn, giày đi bộ, giày công sở, giày khiêu vũ…) giúp hạn chế chấn thương bàn chân.
Với người bình thưởng, bàn chân sẽ thay đổi kích thước tùy theo độ tuổi. Từ lúc trưởng thành đến lúc già đi, bàn chân có khuynh hướng thay đổi cả chiều dài lẫn chiều ngang. Vì vậy, chuyên gia xương khớp khuyến cáo mọi người không nên mua giày dép theo một kích cỡ duy nhất mà nên đo kích thước bàn chân lại sau mỗi 5 năm.
Video đang HOT
Kích thước bàn chân buổi tối thường lớn hơn từ 5-8% so với bàn chân buổi sáng. Do thay đổi về nội tiết tố, về trọng lượng…phụ nữ mang thai thường có bàn chân lớn hơn so với lúc chưa mang thai. Một số bệnh lý cũng có thể làm thay đổi hình dạng và kích cỡ bàn chân như: tiểu đường, thoái hóa khớp…
Khi cơ thể di chuyển, bàn chân phải gánh trọng lượng lớn gấp 3 lần so với bình thường.
Hậu quả của việc mang giày, dép không thích hợp
Giày chặt, gót cao và mũi nhọn dễ làm ngón chân cái bị vẹo, biến dạng gấp vẹo ngoài và phì đại, đôi khí sưng đỏ khớp bàn đốt ngón chân, dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh gout.
Thường xuyên mang dép lê cũng có thể không tốt cho chân vì đế dép quá mềm, không đủ sức bảo vệ lòng bàn chân: ngoài ra, các ngón có khuynh hướng bấu vào đế dép khi di chuyển dễ làm ngón chân biến dạng.
Giày dép không phù hợp (quá chật, quá mềm, quá cứng, quá cao, quá bẹt gót…) cũng là yếu tố gây ra một số bệnh lý như: gai xương gót, viêm cân mạc bàn chân. Tác động xấu đến xương chân và lưng.
Thường xuyên mang giày cao gót có thể làm bong gân cổ chân khi bất thình lình bị trẹo gót. Nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến độ vững của cổ chân, do thế phải phẫu thuật để phục hồi các dây chằng bị tổn thương.
Bác sĩ khuyên nên thay đổi giày dép phù hợp với bàn chân và mục đích sử dụng. Có thể dùng thêm miếng lót trong giày, dép để nâng đỡ và bảo vệ bàn chân. BS Hồng Anh cũng đưa ra cảnh báo: những đôi dép massage có gai mặt đế trong không tốt nếu mang ở tư thế đứng hay đi liên tục quá 30 phút, đặc biệt đối với bệnh nhân có vấn đề về mạch máu như bệnh nhân đái tháo đường, phù, giãn mạch máu chân…
Khi bị đau nhức bàn chân, nên để bàn chân được nghỉ ngơi, có thể uống thuốc giảm đau thông thường và nên đến bác sĩ khi không thuyên giảm. Với bệnh nhân bị tiểu đường, không nên ngâm chân vào nước nóng hay xoa bóp dầu nóng vì cảm giác bàn chân ở người tiểu đường thường giảm nên không nhận thức kịp tổn thường xảy ra ở bàn chân.
Thân nhân và bản thân người bệnh tiểu đường cần được hướng dẫn để tự khám bàn chân hàng ngày nhằm tránh những tai biến nặng nề cho bàn chân.
Bác sĩ khuyên nên thay đổi giày dép phù hợp với bàn chân và mục đích sử dụng. Có thể dùng thêm miếng lót trong giày, dép để nâng đỡ và bảo vệ bàn chân.
Chọn giày phù hợp với từng loại chân
Để chọn được một đôi giày đúng nghĩa bảo vệ bàn chân, cần nhớ các quy tắc sau:
1. Nên mua giày vào buổi tối vì đây là thời điểm kích cỡ chân to nhất trong ngày.
2. Chọn giày, dép có chất liệu càng gần với nguồn gốc từ thiên nhiên càng tốt.
3. Do hai bàn chân thường không bằng nhau nên khi mua giày nên chọn kích cỡ theo bàn chân to nhất. Nên mang thử cả đôi. Nếu đôi giày, dép nào mang vào làm chân đau ngay từ khi mới thử mang lần đầu tiên thì nên loại ra. Chọn giày, dép có độ chênh lệch giữa đế và mũi giày không quá 7 cm.
4. Chiều dài bàn chân phải đo từ đầu ngón chân dài nhất đến điểm cuối cùng của gót chân.
5. Bề ngang của bàn chân phải đo tại bề ngang rộng nhất của bàn chân.
6. Kích cỡ giày đúng: mũi giày cách ngón dài nhất khoảng 1 – 1,5cm, bề ngang tương đương bề ngang bàn chân.
7. Không nên mang một đôi giày quá 24h liên tục. Trước khi cất vào hộp phải để nơi khô ráo thoáng khí khoảng 1 ngày. Thay vớ thường xuyên mỗi ngày hay mỗi khi bị ẩm ướt. Đối với giày thể thao, dùng thêm gói chống ẩm hay phấn chống ẩm khi bảo quản.
8. Chọn loại giày có đế chắc chắn, mũi giày mềm dẻo. Một đôi giày đạt yêu cầu về độ mềm dẻo là khi ta bẻ gập đôi giày lại rồi trả nó về vị trí ban đầu vẫn không gây biến dạng.
Theo_Alobacsi