“Dùng dằng” đóng cửa Đại Nam: “Chiêu” cao tay của ông Huỳnh Uy Dũng?
Việc liên tục thay đổi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam được cho là chiêu cao tay của ông Huỳnh Uy Dũng nhằm PR và quảng bá thương hiệu cho khu du lịch này…
“Chiêu cao tay”
Thay vì đóng cửa liên tục từ ngày 20/11 đến hết năm 2014, Khu du lịch Đại Nam vừa ra thông báo sẽ mở cửa đón khách miễn phí các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật trong các tuần cuối năm 2014.
Như vậy với thông báo trên có thể thấy chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, Công ty CP Đại Nam đã liên tục thay đổi về kế hoạch tạm ngừng đóng cửa Khu du lịch (KDL) Đại Nam.
Trước đó, thông báo được đăng tải 4/11 cho biết, KDL Đại Nam sẽ đóng cửa từ ngày 10/11 đến hết năm 2014, tuy nhiên đến ngày 10/11 thời gian đóng cửa được lùi lại đến ngày 20/11 đến 31/12/2014. Cuối cùng, thông báo mới nhất cho biết trong thời gian đóng cửa từ 20/11 – 31/12/2014, thay vì việc ngừng hoạt động liên tục, Đại Nam vẫn mở cửa miễn phí cho khách vé thăm quan, riêng trò chơi sẽ tính phí bình thường.
Một góc Khu du lịch Đại Nam
Quyết định thay đổi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam được ông Dũng đưa ra sau khi du khách nhiều nơi ùn ùn kéo đến Khu du lịch Đại Nam. Việc lùi thời gian đóng cửa KDL Đại Nam cũng như việc mở cửa miễn phí các ngày 6,7 và chủ nhất các tuần từ 20/11 đến 31/12/2014 được Công ty CP Đại Nam lý giải nhằm giảm bớt lượng khách tập chung, đảm bảo vấn đề sức khỏe người dân và du khách.
Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó dư luận vẫn thấy sự thay đổi trong việc lùi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam cho thấy tín hiệu nhượng bộ của UBND tỉnh Bình Dương cũng như Công ty CP Đại Nam trong việc giải quyết khúc mắc, mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, việc lượng khách du lịch bất ngờ kéo đến Khu du lịch Đại Nam sau tuyên bố của ông Huỳnh Uy Dũng nói lên nhiều điều: Thứ nhất, Đại Nam vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút rất lớn khách du lịch nhiều địa phương. Thứ hai từ lượng khách du lịch tăng vọt cho thấy tầm quan trọng của Khu du lịch Đại Nam với ngành du lịch Bình Dương.
“Chiêu” làm thương hiệu?
Tuy nhiên, ngay sau thông báo đóng cửa và hình ảnh khách du lịch rầm rộ kéo đến khu du lịch Đại Nam gây ra cảnh hỗn loạn, tắc nghẽn giao thông ở khu vực này xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, câu chuyện về việc đóng cửa Đại Nam dường như chuyển sang chiều hướng khác khi có ý kiến cho rằng, không cần bất cứ lời PR nào, Đại Nam bỗng chốc được hàng triệu người dân cả nước biết đến.
Cùng với đó, cũng đã có không ít lời bàn tán phải chăng đây là chiêu PR, làm thương hiệu của ông Huỳnh Uy Dũng? Và truyền thông đang bị ông Dũng lò vôi dẫn dắt?
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng: “Rất khó để nói đây là chiêu làm thương hiệu bởi không ai lấy việc đóng cửa doanh nghiệp để làm thương hiệu”.
Phân tích kỹ hơn, ông Tùng nêu quan điểm: Khu du lịch Đại Nam là điểm du lịch nổi bật, trong đó có hàng nghìn lao động đang làm việc nếu đưa thông tin đóng cửa để làm thương hiệu sẽ dễ dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Do đó đây có thể chỉ là cách làm nhằm đối phó với chính quyền địa phương vì những khúc mắc không được giải quyết.
“Tôi cũng chưa từng chứng kiến việc một doanh nghiệp lớn tuyên bố đóng cửa để làm thương hiệu bao giờ bởi sự tổn hại đến thương hiệu là rất lớn”, ông Tùng nói.
Tương tự với truyền thông, chuyên gia Marketing Hoàng Tùng nhận định: “Truyền thông không bị Khu du lịch Đại Nam dẫn dắt. Nếu ta nhìn truyền thông là một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng thì truyền thông cần phải theo đuổi những sự vụ có được sự quan tâm của người tiêu dùng. Và người tiêu dùng quả thực đang quan tâm đến số phận của Khu du lịch Đại Nam”.
“Cá nhân tôi chỉ mong muốn giữa doanh nghiệp và chính quyền giải quyết ổn thỏa và hướng tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng tiếp tục có được địa điểm vui chơi để lựa chọn. Người lao động giữ được công ăn việc làm. Doanh nghiệp tiếp tục phát triển và chính quyền từ đó thu được thuế từ hoạt động doanh nghiệp. Đó là giải pháp tốt nhất”, ông Tùng kết luận.
Theo Giáo Dục
Video đang HOT
Khu du lịch Đại Nam đóng cửa: Ông Huỳnh Uy Dũng được gì, mất gì?
Trước ngày đóng cửa, Khu du lịch Đại Nam đột ngột trở thành "điểm đến" của nhiều khách du lịch. Tỉnh Bình Dương bỗng dưng vui như "trẩy hội" và lượng người đổ về Đại Nam đã làm kẹt cứng nhiều tuyến đường. Quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam của ông Dũng "lò vôi" đã trở thành một sự kiện chấn động dư luận trong thời gian qua.
Ngày 9/11, hàng vạn người dân ở khắp nơi đã đổ về Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến để tham quan và vui chơi giải trí. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Năng Lượng Mới - PetroTimes, ngay từ sớm, từng đoàn xe đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã xếp thành hàng dài để chờ lượt vào cửa. Nhiều du khách từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước... tiến về Đại Nam như trẩy hội.
Ba tuyến đường bao quanh Khu du lịch Đại Nam luôn ở trong tình trạng kẹt cứng. Đoàn người phải nhích từng bước để tiến vào cổng khu du lịch. Đại lộ Bình Dương, Đại lộ Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Chí Dân các phương tiện không thể di chuyển dễ dàng như mọi ngày. Cách cổng Đại Nam khoảng 10km, các phương tiện phải dịch chuyển từng centimét một trong tình trạng bị ùn tắc nghiêm trọng. Bên trong khu du lịch, bãi xe luôn kín chỗ.
Nhiều hộ dân nắm bắt thời cơ nhanh chóng trưng biển hiệu nhận giữ xe cho khách đi Đại Nam ở bên ngoài. Không gửi xe được trong khu du lịch, khách đi tham quan đành gửi xe quanh nhà dân để đi bộ quãng đường khoảng 3km để vào bên trong. Chị Trần Thị Thạch Thanh (ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) nói: "Nghe tin Đại Nam sắp đóng cửa 2 tháng và có thể không mở cửa nữa, tôi cùng gia đình đã lên kế hoạch đi chơi ngay từ khi đọc được thông tin trên. Cả gia đình không ngờ khu du lịch này hùng vĩ và hoành tráng như vậy".
Vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng
Trong cái nắng nóng oi bức, dòng người cuốc bộ thành hàng dài để vào cổng Khu du lịch Đại Nam. Hàng ngàn nhà dân ven đường đã lấy các thùng xốp để ướp những chai nước ngọt đặt ven đường phục vụ khách du lịch. Tuyệt nhiên, tình trạng chặt chém du khách không xảy ra ở xung quanh Đại Nam Văn Hiến.
Ông Trần Văn Tư (ở đường Nguyễn Chí Thanh, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một), sinh sống trên con đường dẫn vào Khu du lịch Đại Nam cho biết: "Chưa bao giờ tôi thấy khách du lịch lại đến Đại Nam đông như thế".
Thấy nhiều người đến khu du lịch để thưởng ngoạn, ông Tư cùng các thành viên trong gia đình quây sân làm bãi đậu xe trông giúp du khách vào cổng vui chơi an toàn. Gần cổng chính khu du lịch trên Đại lộ Bình Dương, trường trung cấp, trung học cơ sở và trụ sở công ty cũng được tận dụng để làm bãi gửi xe cho khách tham quan. Đến chiều cùng ngày, lượng khách thập phương vẫn đổ dồn về Đại Nam mặc cho cái nóng oi bức.
Trước tình hình dòng người vẫn không dừng đổ về Đại Nam, lực lượng chức năng của TP Thủ Dầu Một đã phải huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia giữ gìn trật tự xung quanh khu vực này. Ông Lâm Phi Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một xác nhận với các phóng viên: "Tỉnh Bình Dương đã huy động gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông... đồng loạt xuống đường để hướng dẫn giao thông cho các phương tiện. Thanh tra giao thông cũng yêu cầu người dân bớt đổ về các tuyến đường vào Khu du lịch Đại Nam mới tránh được tình trạng kẹt xe kéo dài".
Đến cuối buổi chiều cùng ngày, tình trạng kẹt xe và lượng khách muốn được vào Đại Nam vẫn chưa hề giảm dù quy định đóng cửa cuối ngày của khu du lịch này là 17h30.
Biển trong Khu du lịch Đại Nam
Trước thông tin khu du lịch sẽ đóng cửa, tâm trạng của nhân viên Công ty Đại Nam cũng ngổn ngang. Mọi người vẫn cần mẫn làm việc và đặt hết niềm tin vào quyết định của HĐQT công ty. Anh Nguyễn Xuân Thế (SN 1955, ở phường Hiệp Thành), nhân viên Đội Bảo vệ đền thờ Đại Nam tâm sự: "Tôi làm việc ở đây đã được 4 năm rồi, công việc bảo vệ trật tự quanh đền như đã gắn bó với bản thân tôi trong suốt thời gian vừa qua". Hằng ngày, anh Thế bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm và đến quá trưa thì giao ca.
Trước khi vào làm cho Khu du lịch Đại Nam, bảo vệ này phải làm việc quần quật cho một xưởng gỗ nhưng thu nhập không đáng kể. Thời điểm đó, anh Thế phải nuôi con đang học năm cuối của một trường đại học. Nhờ được nhận vào làm việc cho Đại Nam, gia đình anh đã vượt qua được quãng thời gian túng quẫn nhất.
Anh Thế tin tưởng: "Một phần Khu du lịch Đại Nam đóng cửa nhưng đền vẫn cứ mở. Đây là nơi thờ tự và cánh cửa luôn mở toang đón khách đến viếng đền như tấm lòng của ông chủ dành cho nhân viên làm việc tại đền".
Buổi chiều cuối tuần, Khu du lịch Đại Nam đón lượng khách "khủng" nhất từ trước đến nay nên không tránh được cảnh cha mẹ thất lạc con cái. Từ loa phóng thanh, tiếng nhân viên Ban Quản lý Khu du lịch phát lên: "Tìm trẻ lạc! Cháu trai tên Tuân, 3 tuổi, ngụ ở Đồng Nai lạc mất người thân tại khu đền thờ Khu du lịch Đại Nam. Ai phát hiện cháu bé mặc áo ca-rô xanh, đội mũ đỏ xin vui lòng báo tin về cho ban quản lý hoặc nhân viên của khu du lịch...". Chưa đầy 15 giây sau, thông tin được tiếp tục báo đến cho tất cả các máy bộ đàm của bảo vệ Đại Nam về cách nhận dạng cụ thể hơn với cháu bé. Đội bảo vệ đền thờ gồm 54 người được huy động để quan sát từng cháu trai nghi vấn đi lạc người thân. Chỉ trong 5 phút, máy bộ đàm của anh Thế phát ra tín hiệu: "Đã tìm thấy bé trai tại khu vực gần cổng của đền...".
Anh Trần Văn Thành, bảo vệ vòng ngoài của Khu du lịch ủng hộ chủ trương của Công ty Đại Nam: "Khu du lịch đóng cửa thì sẽ có những cánh cửa và cơ hội khác lại mở ra cho nhân viên nơi đây. Tôi tin quyết định của ông Dũng là đúng đắn và anh em chúng tôi ở đây một lòng hướng về ông Dũng". Đều đặn mỗi ngày, anh Thành chạy vòng quanh khu du lịch và cùng anh em chốt chặn ở bên ngoài. Tình hình diễn biến trật tự ở bên trong và bên ngoài đều được thông báo để các đội bảo vệ phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo một cách an toàn nhất cho du khách đến tham quan.
Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi chưa bao giờ thôi khát khao cống hiến
Từ NewZealand, ông Huỳnh Uy Dũng đã cho phóng viên Báo Năng lượng Mới một cuộc trao đổi ngắn xung quanh vấn đề Khu du lịch Đại Nam đóng cửa.
PV: Theo ghi nhận của phóng viên Báo Năng Lượng Mới - PetroTimes, lượng khách đổ về Đại Nam đã tăng đột biến, ông suy nghĩ gì về tình cảm người dân dành cho Khu du lịch Đại Nam và cho cá nhân ông?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc vì đó là tình cảm của người dân dành cho Đại Nam mà tôi đã dồn hết tâm huyết và công sức để xây dựng. Tôi thật sự xúc động! Công trình này, khu du lịch này tôi làm cũng vì mục đích cống hiến cho xã hội, cho mọi người đến để tham quan và quên đi những mệt nhọc phiền toái trong cuộc sống.
Xin cảm ơn hàng chục vạn khách quý đã đến chia sẻ, đồng cảm cùng vợ chồng tôi và đây cũng là cơ hội để đền đáp những du khách trước đây chưa có điều kiện đến Đại Nam tham quan.
PV: Lượng khách lên đến hàng vạn người đổ về Đại Nam như trong những ngày qua, liệu khu du lịch có thể đáp ứng được không, thưa ông?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Mở cửa từ năm 2008, Đại Nam đã chào đón và phục vụ hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan. Nếu những ngày đầu mới mở cửa còn bỡ ngỡ bao nhiêu thì nay đội ngũ nhân viên của Đại Nam đã chuyên nghiệp hóa hơn hẳn. Hằng năm, công ty thường xuyên cho các nhân viên sinh hoạt, trao dồi nghiệp vụ để có thể phục vụ du khách đến Đại Nam một cách chuyên nghiệp nhất.
Những ngày qua, lượng khách đến khu du lịch tăng đột biến nên nhân viên của Đại Nam rất vất vả. Nhưng đây cũng là niềm vui, niềm tự hào của tất cả các nhân viên đang công tác tại Đại Nam khi được chào đón khách tham quan. Nếu có điều gì thiếu sót, từ NewZealand, tôi xin gửi đến quý khách lời xin lỗi và tri ân với tất cả du khách tham quan Đại Nam.
Khách nườm nượp đổ về Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến trước ngày đóng cửa
PV: Cảm xúc của ông trước thời khắc Đại Nam Văn Hiến, một công trình quy mô bậc nhất Đông Nam Á đang ở giai đoạn đếm từng ngày để đóng cửa?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi mất hơn 10 năm để ấp ủ, nung nấu ý chí, phác họa và gây dựng một công trình tham quan mang tầm khu vực Đông Nam Á. Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến gắn bó với tôi và bà xã qua biết bao nhiêu buồn vui, chúng tôi hãnh diện trước một công trình mang tầm cỡ quốc tế và để lại cho đời sau. Quyết định đóng cửa Đại Nam như bóp nát chính trái tim tôi nhưng không còn cách nào khác. Tôi đã cố gắng nhịn nhục, cố chịu đựng và cam chịu tất cả để vượt qua nhưng không thể.
Đại Nam Văn Hiến như một người con tinh thần của tôi và tôi hy sinh tất cả để có được một Đại Nam với hình hài như ngày hôm nay. Sự chịu đựng của một con người cũng chỉ trong giới hạn nhất định, tôi không thể chịu nổi và đã vượt quá giới hạn của mình. Những gì tôi đã làm được, có được, tôi mang đi chia sẻ cho cuộc đời, cho mọi người cùng thụ hưởng. Đại Nam Văn Hiến hình thành để cho mọi người tham quan, là điểm đến cho mỗi gia đình vào những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần quây quần, mang đến tiếng cười và niềm hạnh phúc bên nhau.
Đến thời điểm này, Chương trình Trái Tim Hằng Hữu cũng đã giúp được hàng chục em nhỏ tìm lại cơ hội sống và trong tương lai sẽ lên đến hàng ngàn em. Nhưng những điều này như đang là cái tội mà tôi phải "rước" vào để chịu nhiều khó khăn, để bị ngược đãi. Tôi chấp nhận tất cả, công hay tội rồi sẽ được người đời phán xét. Bản thân tôi ôm những tâm tư vào lòng và rời Bình Dương để đến Sài Gòn sinh sống. Mọi việc vẫn đang tiếp diễn như ngọn lửa cháy âm ỉ và tôi như đang muốn buông tay.
PV: Điều gì khiến ông ra quyết định "đóng cửa" một cách bất ngờ như vậy?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Từ lúc đặt viên gạch để khởi công xây dựng Đại Nam, tôi luôn nghĩ sẽ chỉ mở cửa khi công trình đã hoàn tất. Nhưng bà xã tôi đã nói một câu làm tôi cứ nhớ mãi: "Anh hãy mở cửa để đón khách như mở cửa lòng cho thanh thản". Câu nói của bà xã khiến tôi đi đến quyết định "mở cửa" cho người dân vào tham quan và vẫn đang tiếp tục xây dựng nhiều hạng mục mới.
Hàng chục vạn lượt khách tham quan đổ về Khu du lịch Đại Nam trong những ngày qua
Đến ngày hôm nay, tôi đã "mở rộng cửa" để tất cả mọi người được vào nhưng bà xã Phương Hằng cùng đi du lịch với tôi tại NewZealand lại rất đau lòng và cô ấy đã nhiều đêm khóc thầm. Tôi mở rộng cửa rồi lại chờ ngày Đại Nam đóng cửa và tạm dừng đón khách. Điều tôi đau đớn nhất là nhân viên đang làm việc tại Đại Nam như "sống trong sợ hãi" vì lúc thì bị Cục Thuế mời, khi thì bị Công an Kinh tế của Bình Dương mời "thẩm vấn" như người mắc tội mặc dù trước đó đã có kết quả Thanh tra.
Nếu bản thân tôi có tội thì giờ này tôi cũng không còn cơ hội để tự quyết định "đóng cửa" hay "mở cửa" cho du khách đến chơi.
PV: Qua việc ông quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, nhiều người đã cười đắc thắng vì ông Dũng "lò vôi" là người mất nhiều nhất. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Bản thân tôi là một người đàn ông, tôi không bao giờ thừa nước mắt trước một sự bất công dành cho mình. Những giọt nước mắt ấy đã biết "chảy ngược vào trong" trước Huỳnh Uy Dũng này. Ở thời điểm này, trong tất cả mọi động thái của mình, tôi chỉ nghĩ đến những quyết định mang tính cống hiến cho người, cho đời những gì tôi đã có được.
Cái "mất" của vợ chồng tôi chẳng qua chỉ là tinh thần, là một ít niềm tin, một ít ý chí nhưng khát khao được cống hiến thì vẫn luôn còn tồn tại mãi mãi. Cái "được" là một phương tiện, là điều kiện, là thương hiệu và là uy tín trên 30 năm trên thương trường bị đánh gục bởi sự chi phối từ "cái lệ" của Bình Dương đang đứng trên luật pháp. Tôi xin dám cam đoan, một Huỳnh Uy Dũng như tôi hay 1.001 kiếp người chết đi sống lại cũng phải đầu hàng và bỏ chạy trước cách hành xử của chính quyền tỉnh Bình Dương.
Diễn biến gần đây gây ức chế cho ông Huỳnh Uy Dũng kể từ sau khi có Kết luận số 1549/KL-TTCP ngày 4/7/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc kết luận nội dung tố cáo:
- Ngày 8/9/2014: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2173/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 2089/QĐ-UBND cho phép thay đổi thời hạn sử dụng 61,49ha đất ở đối với Công ty Đại Nam.
- Ngày 9/9/2014: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ban hành Giấy mời số 670/GM-STNMT yêu cầu Công ty Đại Nam nộp hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 61,49ha đất ở.
- Ngày 16/9/2014: Công an tỉnh (PC46) có Giấy mời số 19 về việc mời cán bộ, nhân viên của Công ty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam liên quan đến khu đất 61,49ha đất ở.
- Ngày 16/9/2014: Công an tỉnh (PC46) có Giấy mời số 20 về việc mời cán bộ, nhân viên của Công ty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam liên quan đến khu đất 61,49ha đất ở.
- Ngày 26/9/2014: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Công văn 3319/UBND-KTN về việc yêu cầu Công ty Đại Nam nghiêm túc chấp hành thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-UBND về việc thay đổi thời hạn sử dụng 61,49ha đất ở đối với Công ty Đại Nam.
- Ngày 26/9/2014: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ban hành Giấy mời (lần 2) số 715/GM-STNMT yêu cầu Công ty Đại Nam nộp hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 61,49ha đất ở.
- Ngày 6/10/2014: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Công văn 3431/UBND-KTN về việc thoái thu đối với tiền sử dụng đất thu thừa của khu ở thuộc Công ty Đại Nam.
- Ngày 7/10/2014: Công an tỉnh (PC46) có Giấy mời số 50 về việc mời cán bộ, nhân viên của Công ty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam liên quan đến khu đất 61,49ha đất ở.
- Ngày 14/10/2014: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ban hành Giấy mời (lần 3) số 769/GM-STNMT yêu cầu Công ty Đại Nam nộp hồ sơ và giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất 61,49ha đất ở.
- Ngày 22/10/2014: Cục Thuế tỉnh bàn giao Quyết định số 6434/QĐ-CT về việc thanh tra thuế từ năm 2009 đến nay. Ngày tiến hành thanh tra là 22/10/2014.
- Ngày 22/10/2014: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Công văn 3649/UBND-KTN về việc xác định UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, công an tỉnh làm việc với Công ty Đại Nam. Yêu cầu Công ty Đại Nam thực hiện Quyết định 2173/QĐ-UBND về việc thay đổi thời hạn sử dụng 61,49ha đất ở đối với Công ty Đại Nam.
- Ngày 28/10/2014: Cục Thuế tỉnh ban hành Giấy mời số 11947/GM-CT yêu cầu Công ty Đại Nam xác định lại nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với đất khu ở.
Như vậy từ ngày 8/9/2014 đến 28/10/2014, trong vòng 51 ngày có 12 văn bản ban hành, trung bình cứ khoảng 4 ngày là UBND tỉnh và các sở ngành có 1 văn bản gửi Công ty Đại Nam liên quan tới thu hồi quyền sử dụng 61,49ha đất ở của Công ty Đại Nam.
Theo Năng Lượng Mới
Nếu chính quyền sai, tại sao ông Dũng "lò vôi" không kiện ra tòa? "Nếu đúng là UBND tỉnh sai thì tại sao ông Dũng không kiện ra tòa. Việc kiện ra tòa là cách hành xử văn minh nhất. Đây không phải là câu chuyện của một ông giám đốc với ông chủ tịch tỉnh mà là câu chuyện quản lý tầm quốc gia". Luật sư Trần Quốc Thuận - nếu chính quyền sai tại sao...