Dùng con để giành lại chồng
Cách đây một năm, bố tôi đã bỏ mẹ con chúng tôi đến với người đàn bà khác. Mẹ tôi khủng hoảng thật sự. Bà khóc lóc, bỏ ăn bỏ uống, lúc nào cũng hy vọng rằng bố sẽ quay trở lại và luôn luôn sẵn sàng đón ông ta.
ảnh minh họa
Tôi đã vượt qua khoảng thời gian phải chứng kiến người từng là thần tượng của mình dẫm đạp lên tình cảm của mình để ra đi. Lòng tôi dần nguội lạnh, thờ ơ, đến mức tôi còn cảm thấy khó chịu, bực tức và khinh thường mẹ, khi bà đau khổ và luôn luôn tìm mọi cách tranh đấu để giành giật ông ta về “cho chị em tôi”. Sau này, tôi bảo rằng tôi không cần đến ông ta, cầu mong cho ông ta biến mất suốt đời luôn đi, thì mẹ tôi sửa lại là “cho em tôi, vì nó còn quá nhỏ”.
Với em gái tôi, bố bỏ ra đi là một cú sốc vô cùng lớn. Phủ nhận mọi gắn bó, yêu thương, nó từ chối gặp mặt ông. Mẹ tôi bắt đầu thuyết phục em đi gặp bố với hy vọng em sẽ đưa bố quay trở về với bà. Bắt đầu là những cuộc điện thoại do chính bà bấm số rồi nhét vào tay em. Mỗi một lần nó nói chuyện với bố, bà đứng một bên, nhắc nó nên nói những gì, đòi hỏi, xin xỏ những gì. Con bé bị tổn thương và đau khổ. Thậm chí nó cảm thấy nhục nhã. Nhưng bà không buông. Bà bảo bà quyết không để cho ông ta và nhân tình của ông ta được yên. Bà sẽ phá hoại mối quan hệ của họ. Và khi chẳng còn ai, ông ta sẽ quay về gia đình.
Video đang HOT
Những cuộc điện thoại, những buổi gặp gỡ, những lần kêu ca vì em không có người đón đưa đi học, vì em bệnh, vì em nhớ bố hình như không có tác dụng gì trong việc níu kéo bố tôi. Mẹ tôi quyết định gửi em sang ở hẳn với bố: “Con phải giúp mẹ giữ lấy bố. Mẹ đã không ký vào đơn ly hôn vì muốn giữ bố cho con”. Mẹ tỉ tê, thuyết phục con bé tới vài ngày dù nó ra sức từ chối. Nó đã từng sang chơi nhà bố và biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở đó. Không phải sự hành hạ, đối xử tàn nhẫn của mẹ ghẻ con chồng. Mà là sự ghẻ lạnh, những khinh rẻ, coi thường ngấm ngầm của một phụ nữ trí thức. Nó không muốn đi. Thế nhưng mẹ ép nó phải đi.
Trong khoảng thời gian 4 tháng phải sống cùng bố, con bé thỉnh thoảng trở về nhà chúng tôi, đóng cửa phòng, khóc và tự trấn an mình. Nó là một đứa trẻ kiêu hãnh, nó không chia sẻ được mọi việc với ai. Và nó không đủ sức từ chối nước mắt của mẹ. Nó bị giao một trách nhiệm quá nặng nề: phá hoại mối quan hệ của bố với người tình, đưa ông trở về với mẹ.
Cuối cùng nó không làm nổi. Nó cương quyết quay trở về nhà. Nhưng chúng tôi không còn có được con bé hồn nhiên, vô tư trước kia nữa. Ở tuổi lên 10, em gái tôi trở nên khép kín. Đối với nó cuộc sống không còn gì thú vị, nó chẳng quan tâm đến điều gì hết (hay ít ra nó hoàn toàn không chia sẻ điều gì với mọi người). Thậm chí nó trở nên hung hăng, bạo lực. Nó thường xuyên cãi cọ với mẹ, với bạn bè. Nó học hành sa sút hẳn. Nó thậm chí không thích đi ra đường, không thích hòa nhập…Thế nhưng mẹ tôi không hiểu điều đó. Bà cho rằng người phụ nữ kia hại nó và bà tiếp tục cuộc chiến đấu của mình với bố tôi, với gia đình của ông…
Giờ đây tôi chỉ có một mình trong cuộc chiến giành lại em tôi từ lằn ranh của cha và mẹ. Tôi xót xa và đau đớn khi nhìn thấy em tôi đang phát triển lệch lạc. Nó phải suy nghĩ về những vấn đề nghiêm túc của người lớn quá sớm. Nó phải làm những điều nó hoàn toàn không hiểu. Nó phải sống dưới một âm mưu, một sắp đặt quá nặng nề. Và tôi còn không biết nó còn phải chịu đựng những gì từ “phía bên kia”.
Tôi viết điều này cho cả những ông bố bà mẹ giống như bố mẹ tôi. Họ có nghĩ rằng những đứa trẻ như em tôi muốn gì, muốn sống với ai, muốn chia tay với ai hay không? Họ có biết rằng những việc làm của họ ảnh hưởng thế nào đến tâm hồn của con trẻ hay không? Nếu họ không nghĩ về điều đó hôm nay, khi họ quyết định mọi điều, ngày mai có thể sẽ muộn.
Theo PNO
Váy cưới
Ngày mẹ sinh em trời mưa rất to, mưa mùa đông lạnh và dài lê thê. Chị nhớ mãi con đường lầy lội dẫn đến bệnh viện huyện. Tan học chị ba chân bốn cẳng chạy đến đấy, vì quá háo hức được trông thấy em nên dọc đường cứ ngã bì bõm. Chị nhớ cả nhớ đôi mắt ngơ ngác của em, nhớ bàn tay yếu ớt khẽ chạm vào má chị.
Hôm đó nhà cả nhà mình im lặng lắm, em cũng lặng im, đến khóc em còn chẳng buồn khóc, chỉ mình chị nói cười "mẹ ơi em bé giống con nhỉ? bố ơi đặt tên em là gì?". Bố gượng cười xoa đầu chị, mắt buồn mênh mang, mắt mẹ thì đỏ hoe. Chị đến ôm cổ mẹ thỏ thẻ "mẹ ơi mẹ đẻ đau lắm à", mẹ nước mắt vòng quanh.
Từ ngày có em, đi đâu, gặp ai chị cũng khoe. Một hôm đang nhảy dây ở nhà thằng Tũn, chị lao vào đánh nhau với nó bởi nó dám nói em bị đao. Lúc đấy chị không tài nào hiểu bị đao là bị gì, càng không thấu hết nỗi xót xa khi ai đó nói em mình bị đao, nhưng chị biết đao là một cái gì đó rất ghê gớm, và em không đáng bị gọi như thế. Thằng Tũn bị chị cào xước cánh tay, mẹ nó lôi cả hai đứa sang nhà mình, chửi từ ngoài ngõ chửi vào. Bố chạy ra hỏi chuyện, chị nức nở "thằng Tũn nói em Vy nhà mình bị đao, bố ơi đao là gì hở bố". Mẹ thằng Tũn nghe nói thế thì lí nhí xin lỗi rồi xách tai nó kéo về.
Sau vụ đấy, bố mẹ nói với chị rằng em không giống những đứa trẻ khác, em sinh ra đã mang bệnh nên chị phải thương em, bảo vệ em. Cứ nghĩ đến chuyện em không bình thường như mọi người, thậm chí có thể không biết nhảy dây, không đến trường, chị thấy mất mát và hụt hẫng. Nỗi hụt hẫng ấy nhiều năm sau chị vẫn cảm nhận rõ rệt, như lúc bé tí, ta giật mình tỉnh dậy giữa đêm rồi không còn thấy mẹ mình nằm bên cạnh, gọi mãi, khóc thét mãi, chỉ có bóng đêm bao trùm.
Chuỗi ngày sau đó đối với cả nhà mình thật khó khăn. Em ngày một quấy khóc, người em yếu như sợi bún, mỗi lần có bệnh dịch xuất hiện, hầu như không bệnh nào bỏ quên em. Tuổi thơ của em gắn liền với bệnh viện, thuốc thang, với những đêm mẹ thức trắng dỗ dành, những buổi chiều đi học về chị rơm rớm nhìn em nằm thở mệt nhọc trên giường bệnh. Gần 2 tuổi em mới chập chững biết đi, lên 3 em bập bẹ nói được. Đó là cả một kỳ tích.
Em cười nhiều nhất vào những chiều chị đèo em trên xe đạp, đi thơ thẩn khắp thị trấn. Hai chị em thường ra đến đường ray tàu, hái một giỏ đầy hoa xuyến chi rồi rẽ về trung tâm thương mại, nơi có một tiệm váy cưới to đùng. Mình cứ mải mê ngắm những chiếc váy lộng lẫy đến nỗi thuộc lòng cả vị trí và màu sắc của chúng. Chị thích nhất cái váy trắng treo thứ năm từ ngoài vào, còn em, cái nào em cũng mê. Chị hứa sau này có tiền sẽ mua tặng em thật nhiều váy cưới. Em há hốc mồm nhìn chị rồi cứ cười ngây ngô. Nụ cười hồn nhiên, khờ khạo vì suốt đời không nhìn thấu nhân gian, nụ cười màu nắng nhưng có cả màu tủi thân. Chị vẫn không cắt nghĩa được sắc màu tủi thân ấy bởi chưa bao giờ em nhận ra thiệt thòi của chính mình sao em biết buồn, biết tủi thân?
Có lần ngồi chơi với thằng Út, em sẩy tay đổ nước sôi lên bàn chân nó. Mẹ chạy vào mắng em té tát, mẹ đánh em rõ đau. Chị xót quá quát lại mẹ. Rồi ba mẹ con cùng khóc, mẹ, chị, thằng Út khóc ầm nhà, càng khóc càng thấy đau. Em thì vẫn cười ngơ ngác. Ngày lên xe hoa, chị mặc váy cưới thật đẹp, em vẫn nụ cười không tắt, bàn tay nhỏ của em hết mân mê lớp vải lộng lẫy đến vỗ nhẹ lên hai má chị, em bi bô "đẹp quá, đẹp quá". Sao em không giận chị chưa từng mua váy cưới cho em, không giận mẹ sinh em ra gần 20 tuổi đầu mà vẫn nhỏ bé, yếu ớt, không tài nào mặc vừa bộ váy cưới, sao em không hỏi xem còn tuổi đời nào cho em, còn váy cô dâu nào cho em, còn tương lai nào cho em? Sao em mãi cười ngây ngô như thế? Để chị về nhà chồng còn mang hoài nỗi tủi thân.
Theo VNE
Bạn hay là hạn? Ngày mới cưới mình đã gặp trận cãi vã cũng vì khoản nợ của bạn anh làm lỡ hết cả việc lớn của mình. Anh ta hẹn lần hẹn lữa, rồi kêu hồi này làm ăn khó nên khi nào có mới trả được. Khi đó em đã đành ngậm bồ hòn làm ngọt, em không vui vì tính em đã hứa ngày...