Đừng chôn điện thoại theo cùng với người chết, nếu không muốn chuyện kinh dị này xảy ra
Một gia đình đã chôn điện thoại theo cùng với đồ đạc cũ của người thân đã khuất, nhưng cho tới một ngày họ bỗng phát hiện có điều gì đó không bình thường đã xảy ra.
Ảnh minh họa.
Một buổi chiều tháng 9, Hiểu Thiên (tên nhân vật đã được thay đổi), sống ở thị trấn Lâm Thành, huyện Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang đã tới đồn cảnh sát để báo cáo rằng cha anh ta đã chết cách đây vài tháng.
Và sau đó anh biết được từ Văn phòng an sinh xã hội rằng bố anh sẽ nhận được một khoản bồi hoàn y tế và chi phí cho tang lễ là 9.500 nhân dân tệ (tương đương 30 triệu đồng).
Tuy nhiên, khi ra ngân hàng kiểm tra, anh cho biết rằng trong tài khoản của người cha quá cố chỉ còn một ít tiền lẻ. Số tiền lớn kia đã hoàn toàn biến mất.
Hiểu Thiên rất bối rối và đã vội vàng đi trình báo vụ việc. Sở cảnh sát ngay lập tức điều tra thông qua dòng tiền trong thẻ ngân hàng. Rất nhanh chóng, họ nhận thấy rằng trong tháng 8, thời điểm sau khi bố của Hiểu Thiên qua đời, có nhiều lượt chuyển tiền từ tài khoản này, từ 500 cho tới 2.000 nhân dân tệ. Tổng số tiền bị chuyển đi là khoảng 9.500 nhân dân tệ.
Nghĩa trang nơi xảy ra sự việc.
Theo cảnh sát, số tiền đã được chuyển từ tài khoản của người cha trên WeChat – ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc, cho phép người dùng nhắn tin, thanh toán di động và một loạt các dịch vụ khác.
Tài khoản người nhận là một nam thanh niên 21 tuổi, có biệt danh WeChat là Li Li.
Sau ki theo dõi hoạt động của Li Li, cảnh sát đã nhận thấy anh chàng này chỉ đắm mình cả ngày trong các quán Cafe Internet và không có nguồn thu nhập cố định. Do đó, Li Li bị nghi ngờ là đã có hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Sáng ngày 19/9, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ LiLi tại nhà riêng, cũng ở thị trấn Lâm Thành.
Sau quá trình khai thác, tra hỏi thì Li Li đã thú nhận sự thật về hành vi phạm tội của mình. Thanh niên này cho biết vì thiếu tiền nên đã quyết định tìm cơ hội tại nghĩa trang của làng.
Li LI và nghĩa trang nơi hắn thực hiện hành vi phạm tội.
Từ giữa cho đến cuối tháng 8, Li Li liên tục đến nghĩa trang của một ngôi làng trong thị trấn, bật nắp những ngôi mộ lên để tìm kiếm tiền hay đồ quý được đặt kèm cùng với thi hài như một dạng đồ cúng.
Li Li cho biết mỗi đêm hắn trộm cắp ở ba hoặc bốn ngôi mộ, mỗi lần kiếm được 30 đến 80 nhân dân tệ (khoảng 100 tới 250 nghìn đồng). Số ngôi mộ đã bị tấn công lên tới con số 20.
Một lần nọ, Li Li tìm thấy một chiếc điện thoại di động trong mộ. Sau khi lấy lên và sạc lại nó, hắn phát hiện ra rằng chiếc điện thoại di động này có tài khoản WeChat kết nối với thẻ ngân hàng.
Sau khi thử một vài lần, Li Li đã mở khóa thành công mật khẩu thanh toán WeChat và thử chuyển khoản 1.000 nhân dân tệ từ thẻ ngân hàng vào tài khoản WeChat, không ngờ lại thành công.
Phát hiện này khiến hắn vô cùng phấn khích. Ngay lập tức, hắn dùng tài khoản này kết bạn với tài khoản cá nhân của mình rồi chuyển số tiền qua, sau đó đặt điện thoại trở lại ngôi mộ. Nhưng khi số tiền này bị tiêu hết, Li Li lại lén trở lại ngôi mộ, lấy điện thoại lên và tiếp tục chuyển khoản cho tới khi số tiền trong thẻ ngân hàng gần như đã bị lấy hết. Cuối cùng mới chịu trả lại điện thoại vào mộ.
Hiện tại, Li Li đã bị cảnh sát huyện Trường Hưng giam giữ hình sự vì cáo buộc trộm cắp. Vụ việc đang được tiếp tục xử lý.
Ở Trung Quốc hiện nay, do tình trạng khan hiếm đất đai cũng như quan niệm mới về vệ sinh, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn hỏa táng cho người thân đã mất rồi rải tro cốt của họ trên biển hoặc chôn dưới gốc cây.
Tuy nhiên, ở những khu vực kém phát triển, một số người vẫn tin rằng khi một người chết đi, họ cần được đặt xuống đất vì như vậy sẽ bình yên và thoát khỏi mọi rắc rối từng gặp phải trong cuộc sống.
Ngoài ra, việc bỏ thêm các món đồ từ thực phẩm cho đến đồ trang sức đi kèm trong quan tài được cho là sẽ mang lại cho người thân yêu một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng như đảm bảo rằng các thế hệ con cháu sẽ được chúc phúc. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội cho những kẻ tội phạm thực hiện hành vi trộm mộ.
Vào năm 2017, một người đàn ông ở Thượng Hải đã bị kết án 5 năm tù và bị phạt 50.000 nhân dân tệ (khoảng 160 triệu đồng) sau khi anh ta bị phát hiện đã lấy tro cốt từ quan tài người chết, sau đó tống tiền gia đình nạn nhân và yêu cầu số tiền chuộc lên tới 1,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,5 tỷ đồng).
Theo Trí Thức Trẻ
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không hề biết đau?
Tiêm thuốc, nhổ răng hay chẳng may bị gãy tay, bị bỏng.. có vô vàn trường hợp sẽ khiến chúng ta ước rằng: "Mình không có cảm giác đau". Nhưng liệu rồi một khi đã đạt được ước muốn, cuộc sống có thực sự nở hoa hay rồi cuộc đời lại lâm vào bế tắc?
Chườm đá, uống thuốc, gây tê, gây mê... là những giải pháp mà con người đã và đang áp dụng để làm dịu bớt hoặc làm biến mất cảm giác đau. Hiệu quả của những phương pháp này là điều không thể phủ nhận, khi giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, thậm chí trong một vài trường hợp (ví dụ như phẫu thuật) nó còn liên quan đến tính mạng của con người.
Việc không còn cảm thấy đau nhìn từ góc độ này thực sự đem đến nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, khi khả năng "miễn nhiễm" với cơn đau không còn bị giới hạn bởi thời gian tính bằng phút, bằng giờ, mà mang tính chất bẩm sinh và kéo dài đến suốt cuộc đời thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác!
Thế giới thực sự tồn tại những người "không biết đau"
Trên thế giới thực sự tồn tại những người không hề biết đau, những trường hợp này được biết đến với hội chứng hiếm CIP - Congenital insensitivity to pain (Tạm dịch: Mất cảm giác đau bẩm sinh). Trường hợp đầu tiên mắc CIP được ghi nhận vào năm 1932, khi nạn nhân của một vụ tai nạn liên quan đến rìu lại không hề la hét hay rơi nước mắt. Nếu đang ao ước mình cũng có khả năng tương tự thì xin chớ quên rằng: Không biết đau không có nghĩa là cơ thể không thể bị thương tổn như người bình thường!
Đau đớn có hoàn toàn tiêu cực như chúng ta vẫn nghĩ?
Trước hết, chúng ta cần biết rằng "đau" không hẳn chỉ là một cảm giác tiêu cực, mà trên thực tế nó lại rất quan trọng đến khả năng sinh tồn của con người. Đau chính là một tín hiệu cảnh báo cơ thể đang bị tổn thương, từ đó giúp con người ngay lập tức có thể phản ứng lại để bảo vệ mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không hề biết đau?
Hãy thử đặt bản thân vào trường hợp của một người mắc CIP, bạn sẽ cho thấy sự khác biệt ngay sau khi chào đời, bởi ít khóc hơn hẳn những đứa trẻ sơ sinh khác. Tuy nhiên, vấn đề sẽ thực sự xuất hiện khi đứa trẻ biết bò, biết đi! Cụ thể, vào giai đoạn đầu đời này, con người sẽ bắt đầu làm quen với cơ thể mình, cũng như tự hình thành các phản xạ có điều kiện. Mấu chốt nằm ở chỗ "đau" chính là một nhân tố tối quan trọng tham gia vào toàn bộ quá trình tự hoàn thiện bản thân vừa đề cập ở trên: Đau khi bị vấp ngã sẽ giúp đứa trẻ biết điều chỉnh cách di chuyển của mình; đau khi chạm vào vật nóng, vật sắc nhọn giúp trẻ biết lửa, dao, gai... là những thứ nguy hiểm cần tránh xa...
Do đó, khi không hề biết đau, tất cả những mối nguy hiểm trong cuộc sống sẽ chỉ được học thông qua sự chỉ dạy của người lớn, và có lẽ bạn cũng phải dành nhiều thời gian của thời thơ ấu ở trong bệnh viện, mà thậm chí không hề biết vì sao mình lại ở đây.
Nói một chút về mặt tích cực của CIP, khi không biết đau, việc phải nhổ răng hay tiêm thuốc sẽ không nhằm nhò gì với bạn. Thêm vào đó, những công việc luôn phải đối mặt với vết thương như: quân đội, lính cứu hỏa, vận động viên, võ sĩ thực sự sẽ là "đất diễn" của những người CIP
Đổi lại những lợi ích vừa nêu, càng trưởng thành các mối đe dọa đến sự sống của bạn sẽ càng tăng. Hãy thử tưởng tưởng, bạn vô tình đặt tay vào mặt bếp còn nóng và cho dù một phần cơ thể đang bị thiêu sống, bản thân vẫn không hề nhận ra. Một trường hợp dễ xảy ra hơn là bạn bị một vết rách lớn ở da, máu liên tục chảy ra không thể cầm được trong khi bạn vẫn không hay biết gì.
Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất lại thường đến từ những vấn đề phát sinh từ bên trong cơ thể, bởi khi mà những cơn đau bụng, đau đầu, tức ngực... dấu hiệu cảnh báo vấn đề xuất hiện ở cơ quan nội tạng đã không còn, bạn nghiễm nhiên không thể biết để chữa trị và bệnh tình sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bản thân. Cái chết thậm chí còn đến nhanh hơn rất nhiều nếu đó là một cơn đau ruột thừa!
Minh Nhật
Theo dantri.com.vn
Bạn hôn người yêu theo kiểu nào, đáp án sẽ tiết lộ phần tính cách thú vị nhất của bạn Các kiểu hôn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nói lên nhiều điều về cá tính của chính bạn. Bạn thích hôn người yêu như thế nào? - Bạn hãy xem luận giải cá tính cho từng kiểu nụ hôn. LUẬN GIẢI 1/ Hôn nhắm mắt Bạn hay mơ mộng cả đêm lẫn ban ngày. Bạn thấy cuộc sống thật đáng yêu, dù...