Dừng chân trước vực thẳm…
Người xưa có câu “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang. Đánh được người thì mặt vàng như nghệ”, là để dạy con cháu đời sau rằng: Mình sẽ rất tức tối khi chưa đánh được, chưa làm hại được người khác, nhưng khi hãm hại được người rồi thì lại sợ hãi đến mặt vàng như nghệ. Thường thì sau khi gây án, kẻ phạm tội mới hoảng sợ và hối hận về những hành vi tàn ác mà mình đã gây ra.
Tòa án Hà Nội từ ngày 21 – 27/7/2010 đã đưa vụ án đập phá Bệnh viện Cuộc Sống (xã Đại Đồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) ra xét xử hình sự với 23 bị cáo phải hầu tòa, chính là nêu một bài học: Hãy biết dừng chân khi đứng trước vực thẳm của tội ác.
Bệnh viện đa khoa tư nhân Cuộc Sống được Công ty Cổ phần phát triển y sinh học Tuyết Thái xây dựng tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội với mục đích tăng thêm địa điểm khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân ở vùng nông thôn còn nghèo và nhiều lạc hậu này. Sau khi xây dựng xong, Bệnh viện Cuộc Sống (BVCS) có đầy đủ các giấy phép của Bộ Y tế, Sở Y tế, Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND TP Hà Nội… cho phép hoạt động, BVCS đã lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị, máy móc chẩn đoán hiện đại để chuẩn bị cho ngày khai trương, thì bất ngờ ngày 1 và 2-8-2008 có một số đối tượng quá khích bị kẻ xấu kích động đã đến gây sự, đập phá tài sản của BV. Nguyên nhân là do Bệnh viện Cuộc Sống được xây dựng trên diện tích đất thổ cư có Giấy chứng nhận sở hữu của một số cổ đông là người thôn Đại Đồng, nhưng bên cạnh đó, BVCS còn xây dựng thêm đường đi, khuôn viên cây xanh, một số lán trại nhà cấp 4 ở khu đất được chính quyền địa phương giao thầu làm mô hình trang trại ở liền kề.
Những bị cáo trong phiên tòa xử vụ án đập phá Bệnh viện Cuộc Sống
Một vài người vì lý do cá nhân đã cố ý hiểu sai sự thật, khiếu nại lên chính quyền là BVCS xây dựng một số hạng mục trên đất giao thầu là trái với quy định. Trong khi chính quyền các cấp đang xem xét giải quyết khiếu nại, thì những kẻ xấu đã xúi giục một số thanh niên quá khích trong thôn đến đập phá BVCS vào các ngày 1 và 2-8-2008. Nhân viên của BVCS là anh Đào Văn Thuận lo sợ nên đã đến gặp Lê Văn Tuấn ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đặt vấn đề nhờ Tuấn bảo vệ tài sản, Tuấn nhận lời. Ngày 4-8-2008, Tuấn rủ Lê Tuấn Anh, Vương Văn Công, Nguyễn Xuân Chợ, Lê Trọng Phong, Tô Tuấn Tài, Nguyễn Thế Vy đều trú tại huyện Đông Anh và một số người khác cùng đến làm bảo vệ bệnh viện. Trưa ngày 5-8-2008, khi thấy một số người trong nhóm quá khích cùng trú tại thôn Đại Đồng đến BVCS, nhóm bảo vệ của Tuấn đã xô xát với nhóm này.
Biết người trong thôn bị đánh, Trần Văn Đồng và Trần Tuấn Anh hô hoán kích động nhiều người dân thôn Đại Mạch xông vào Bệnh viện Cuộc Sống, dùng gậy, gạch đá tấn công các đối tượng trong nhóm bảo vệ. Nhóm bảo vệ thấy vậy cũng dùng gậy, gạch, đá, tuýp sắt… đánh lại. Khi nhìn thấy có khoảng 300 người kéo tới, nhóm bảo vệ BV của Tuấn bỏ chạy. Trong khi bỏ chạy, Tô Tuấn Tài nhảy xuống hồ, bị gạch ném trúng đầu, bơi ra đến đảo giữa hồ thì bị ngất. Chu Văn Tạo bị chém vào lưng. Mặc dù Tuấn Tài đã bị thương, nhưng Trần Tuấn Anh, Tạ Đình Minh cùng các đối tượng quá khích ở Đại Đồng vẫn tiếp tục hô hào, kích động mọi người xông vào đòi đánh Tuấn Tài, không cho đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tiếp đó, có nhiều người tràn vào Bệnh viện Cuộc sống gây rối, đập phá, đốt tài sản của BV.
Trong thời gian đó, có 4 đồng chí Công an huyện Đông Anh đến trụ sở Bệnh viện Cuộc sống làm việc về một vụ án khác. Phạm Văn Tài, một thanh niên thôn Đại Đồng mới 20 tuổi, cầm gậy tre xông vào phòng hô tất cả ra ngoài và đập vỡ chiếc máy điện thoại để trên bàn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn rút thẻ Cảnh sát giới thiệu là công an đang làm nhiệm vụ, nhưng Phạm Văn Bình vẫn nói: “Công an cũng đánh” rồi xông vào phòng. Trần Văn Huy cầm dao phay vừa hô vừa chạy lại phía cửa sổ phòng thò dao vào đâm trúng đồng chí Đinh Văn Mạnh. Trong khi đó thì các tên Lưu Văn Nguyên, Hà Quang Trung đập phá đồ đạc trong phòng. Nguyễn Văn Hoạt nhặt gạch ném vào phòng rồi đẩy đổ 3 xe máy của các đồng chí công an, đốt xe. Một số đối tượng lấy đi chiếc xe máy của đồng chí Mạnh để tại khu vực này. Tiếp đó, một số đối tượng vào bệnh viện đập phá các phòng làm việc, phòng điều trị, đốt 2 xe ô tô, 7 xe máy đang để rải rác trong khu vực. Đánh người và tàn phá BV, vứt nhiều thứ trang thiết bị hiện đại của BV xuống hồ nước xong, nhiều đối tượng vào bệnh viện ngang nhiên chiếm đoạt nhiều tài sản, trang thiết bị của bệnh viện, như: máy điều hòa, một số hộp thiết bị, linh kiện máy móc khám và điều trị hiện đại của bệnh viện, giường inox, quạt điện, bàn inox, đệm, ghế xoay…
Video đang HOT
Hậu quả đau xót của vụ án là: 7 người bị thương, toàn bộ tài sản của bệnh viện Cuộc sống bị hủy hoại gây thiệt hại trị giá hơn 13 tỷ đồng, đồng thời thiệt hại nhiều tỷ đồng khác vì 2 xe ô tô, 10 xe máy bị đốt cháy, 1 xe máy bị chiếm đoạt.
Sau khi vụ án nghiêm trọng này xảy ra, Công an huyện Đông Anh đã tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố 23 đối tượng về các tội: Cướp tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản, Gây rối trật tự công cộng, Chống người thi hành công vụ, Cố ý gây thương tích, Hủy hoại tài sản. 23 bị cáo đã bị đưa ra xét xử với 6 tội danh trên và vụ án đang được dư luận quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng cũng như hậu quả để lại nặng nề cho cả Bệnh viện và người dân địa phương. Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã luận tội và đề nghị với Hội đồng xét xử mức án phạt tù cho 23 bị cáo này từ 18 tháng đến 6 năm. Ngày 27-7-2010 TAND Hà Nội sau khi đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tội (như bị cáo khai thành khẩn; đại diện BVCS đã đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo do hành xử quá khích và thiếu hiểu biết pháp luật), đã tuyên mức án xử phạt cho các bị cáo mức án từ 12 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 32 tháng tù giam.
Nhưng đặc biệt, HĐXX đã nhấn mạnh: Tại phiên Tòa, có bị cáo đã khai ra một số kẻ đã xúi giục, kích động người dân đập phá Bệnh viện Cuộc sống, nhưng chưa được các cơ quan pháp luật xử lý. Vì vậy TAND TP Hà Nội kiến nghị đến Cơ quan Điều tra yêu cầu điều tra bổ sung, tránh để lọt kẻ phạm tội.
Ngay sau khi Tòa tuyên án, đại diện của BVCS cho biết: Các cổ đông của BV quá bức xúc với việc các bị cáo đập phá, đốt cháy, cướp bóc tài sản, hủy hoại gần như hoàn toàn BVCS gây thiệt hại trên 13 tỷ đồng khiến cho BV lẽ ra có thể hoạt động rất tốt trong 2 năm qua, nhưng đã trở thành đống đổ nát hoang tàn, là do có những kẻ chủ mưu, xúi giục những người dân thiếu hiểu biết pháp luật, nhất là một số thanh niên trẻ tuổi, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trên, nhưng những kẻ đó chưa bị đưa ra trước vành móng ngựa. Vì vậy phía BVCS sẽ kháng cáo Bản án này để yêu cầu TAND Tối cao trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội điều tra bổ sung làm rõ tội lỗi của những kẻ cầm đầu, xúi giục người khác phạm tội, để đưa ra xử lý theo pháp luật.
Tại phiên Tòa, hàng trăm người dân là thân nhân của các bị cáo đã đến chật cứng cả phòng xử án lớn của TAHN. Họ đến để được gặp chồng, gặp con… là bị cáo trong vụ án đã bị cơ quan pháp luật bắt tạm giam 2 năm qua. Có không ít người trong số họ đến để mong gặp những người bị hại để van xin sự thứ tha, van xin sự cảm thông, mong bị hại có lời xin với Tòa giảm án cho chồng, cho con họ, bởi vì chồng, con họ không phải chủ mưu của vụ án, chỉ là những thanh niên bị kích động mà gây ra tội lỗi.
Tất nhiên, chẳng ai muốn phải vào tù. Và nếu phải vào tù thì ai cũng muốn án phạt nhẹ, ai cũng mong muốn được sớm trở về với người thân, nhất là những người là cha, là mẹ, là trụ cột gia đình. Còn các bậc cha mẹ, chẳng may có con còn trẻ tuổi mà vướng vào vòng lao lý (như nhiều thanh niên thôn Đại Đồng là bị cáo trong vụ án này đã phạm tội khi mới 19-20 tuổi), thì đứt từng khúc ruột, ai chẳng muốn con được ân hưởng án phạt nhẹ để sớm được trở về gây dựng cuộc sống tương lai. Thế nhưng tiếc thay, nỗi ân hận thường muộn màng. Giá như, khi đứng trước cái ác, đứng trước nguy cơ bản thân mình có thể phạm tội, có thể gây ra nỗi đau đớn cho người khác, hay làm mất mát, thiệt hại tài sản của người khác, mà những kẻ tội phạm biết dừng lại, biết tự vấn lương tâm mình, thì xã hội đã tránh được bao nỗi đau, gia đình bị cáo cũng tránh được bao nỗi biệt ly.
Tránh sự ồn ào của gia đình các bị cáo, những người bị hại là những cổ đông góp vốn xây dựng nên BVCS ngồi lặng lẽ ở một góc của phiên Tòa. Họ buộc phải chứng kiến cái giá phải trả của những kẻ ngang nhiên vi phạm pháp luật, nhưng trong lòng cũng đau thắt ruột. Những kẻ phạm tội và thân nhân của các bị cáo van xin họ thứ tha, và họ đã nói lời xin Tòa ân giảm hình phạt cho các bị cáo, nhưng gánh nặng về toàn bộ tài sản hàng mấy chục tỷ đồng đóng góp xây dựng nên BVCS giờ đã bị những kẻ phạm tội này hủy hoại tàn khốc. Tài sản bị các bị cáo đập nát, bị cướp đi, được cơ quan pháp luật định giá hơn 13 tỷ đồng, còn nhiều tỷ đồng nữa là các máy móc thiết bị hiện đại bị các bị cáo ném xuống hồ, tuy vớt lên nhưng cũng biến thành đồ phế thải. Tất cả số tiền trên đều là mồ hồi nước mắt bao nhiêu năm chắt chiu, nhiều người phải cầm cố nhà cửa để vay vốn ngân hàng để góp vào xây dựng BVCS. Vậy mà, tất cả đã bị các bị cáo hồ đồ hủy hoại hết. Tài sản hàng chục tỷ đồng đó của doanh nghiệp cũng là tài sản của nhân dân, của đất nước, đã không được bảo vệ. Liên lụy đến sự mất mát thiệt hại tài sản của các cổ đông của BVCS là bao nhiêu người thân, là vợ, chồng, con cái của họ. Mất mát tài sản lớn như vậy, biết bao giờ mới có thể lấy lại, gây dựng lại?
Giá như, đứng trước cái ác, con người – nhất là những người còn trẻ tuổi, biết dừng lại?
Theo CSTC
23 kẻ đập phá bệnh viện hầu tòa
23 bị cáo trong số hàng trăm đối tượng đã tham gia vụ ẩu đả, tấn công bệnh viện Cuộc Sống và chống lại lực lượng chức năng.
Không đồng tình việc một bệnh viện tư nhân xây dựng trên đất bất hợp pháp tại xã, hàng trăm đối tượng đã lao vào bệnh viện đang chuẩn bị khai trương này, phá hỏng toàn bộ trang thiết bị y tế, đốt cháy 2 xe ôtô, 10 xe máy, trong đó có 3 xe máy của công an, tấn công lực lượng cảnh sát. Tổng thiệt hại theo giám định khoảng 13 tỷ đồng.
Ngày 21/7, TAND TP Hà Nội đã đưa 23 bị cáo liên quan đến việc đập phá bệnh viện Đa khoa tư nhân Cuộc Sống (tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) ra xét xử về tội gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản...
Theo cáo trạng, cuối năm 2007, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh y học Tuyết Thái (do bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm giám đốc) đã tự ý tiến hành xây dựng không phép Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cuộc Sống trong khu đất được giao thầu để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại ở Đầm Sen (thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Thấy bệnh viện xây dựng trái mục đích sử dụng đất, người dân thôn Đại Đồng đã khiếu nại lên UBND xã Đại Mạch và chính quyền. Trong khi các cấp chính quyền đang giải quyết thì ngày 1 và 2/8/2008, có khoảng 100 người dân kéo đến khu vực bệnh viện Đa khoa tư nhân Cuộc Sống gây rối, đập phá chiếm đoạt một số tài sản của bệnh viện.
Thấy vậy, Đào Văn Thuận (25 tuổi, nhân viên của bệnh viện) đến gặp Lê Văn Tuấn (tức Tuấn "Cụt", 36 tuổi, trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đặt vấn đề nhờ Tuấn bảo vệ tài sản, Tuấn nhận lời và rủ thêm hơn 10 đối tượng khác.
Sáng 5/8/2008, Lê Văn Tuấn và đồng bọn chuẩn bị hung khí và mang vào bệnh viện để phòng thủ. Đến 11h cùng ngày, khi thấy Trần Văn Tuân và Hà Ngọc Hiếu (đều trú tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch) đi vào trong khu vực bệnh viện, nhóm bảo vệ của Lê Văn Tuấn đã đuổi đánh làm Tuân bị ngất còn Hiếu bị thương bỏ chạy.
Khi biết người bị thôn mình bị đánh ngất, Trần Văn Đồng và Lê Tuấn Anh hô hoán kích động một số đối tượng ở thôn Đại Đồng xông vào bệnh viện dùng gậy gạch đá tấn công các đối tượng trong nhóm bảo vệ và bị nhóm bảo vệ đánh trả lại. Khoảng 10 phút sau, khi khoảng 300 người dân thôn Đại Đồng kéo đến, nhóm bảo vệ của Lê Văn Tuấn bỏ chạy về phía cổng phụ của bệnh viện, còn 300 người dân thì tràn vào bệnh viện gây rối, đập phá và đốt tài sản.
Trong quá trình tràn vào la ó đập phá bệnh viện, đã có 7 người bị thương, trong đó có 2 cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Toàn bộ tài sản của bệnh viện như máy móc, thiết bị y tế hiện đại, điều hòa... bị phá hỏng hoàn toàn. 2 xe ô tô (gồm 1 xe lacceti và 1 xe Foreverrest) đỗ trong khuôn viên bệnh viện cũng bị đập phá; 10 xe máy bị đốt cháy, 1 xe máy bị chiếm đoạt.
Theo cơ quan giám định, tổng giá trị thiệt hại do hủy hoại tài sản, cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản của các bị can và các đối tượng gây ra lên tới hơn 13 tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho tới nay, do vụ án có đông đối tượng tham gia và xảy ra ở nhiều vị trí trong bệnh viện Cuộc Sống, CQĐT chưa làm rõ hết được các đối tượng tham gia gây rối, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản và các đối tượng gây ra thương tích cho 2 cảnh sát và hai đối tượng nên CQĐT đã tách rút tài liệu về hành vi hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, công nhiên chiếm đoạt tài sản, Gây rối trật tự công cộng và cướp tài sản, để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 21 đến 23/7.
Theo VTC
Lời sám hối của những kẻ phạm tội sát nhân "Xin tòa cho con được sống, giết người rồi con mới thấy hối lỗi. Chỉ vì một phút nông nổi muốn trả thù mà con đã bắn chết người vô tội", sát thủ Nguyễn Danh Kiều rơm rớm nước mắt nói sau cùng trước khi tòa tuyên án. "Thương cha bị anh Lợi giết nên khi biết tin anh Lợi ra tù, bị...