Dừng chân khám phá 6 hồ nước tại Tri Tôn, An Giang
Hồ Soài So, hồ Soài Chék hay hồ Ô Thum… ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là những điểm dừng chân lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá thiên nhiên.
Hồ Soài So tọa lạc tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Đây là hồ nước nhân tạo dưới chân núi Cô Tô (hay Phụng Hoàng Sơn). Mặt nước hồ tĩnh lặng quanh năm, lý tưởng cho các hoạt động như câu cá, cắm trại qua đêm… Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
Cách hồ Soài So không xa, hồ Soài Chék cũng thuộc xã Núi Tô. Hồ nằm cạnh con đường nhỏ dẫn thẳng vào dãy Phụng Hoàng Sơn sừng sững, bao quanh là cánh đồng lúa xanh mướt tạo nên khung cảnh bình yên. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
Hồ Tà Pạ hình thành từ quá trình khai thác đá, sở hữu màu nước xanh ngọc. Tọa lạc trên đồi Tà Pạ, hồ chỉ cách trung tâm Tri Tôn chưa đầy 3 km. Với khung cảnh ấn tượng, nhiều du khách ví hồ là “Tuyệt tình cốc” của miền Tây. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
Hồ Ô Thum nằm tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn với làn nước yên ả quanh năm. Hồ nằm gần khu du lịch đồi Tức Dụp, nơi du khách có thể vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức món gà đốt Ô Thum nổi tiếng. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
Nằm ở xã Lương Phi, cách thị trấn Tri Tôn khoảng 12km, hồ Ô Tà Sóc trải dài dưới chân Núi Dài (Ngọa Long Sơn), là điểm thư giãn cuối tuần yêu thích của người dân địa phương. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
Video đang HOT
Cũng nằm trong huyện Tri Tôn, hồ Núi Dài 2 (hay còn gọi là hồ Lê Trì) là hồ chứa nước ngọt mới xây tại xã Lê Trì, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con vùng núi. Hồ nằm giữa vườn cây ăn trái, mang đến bầu không khí mát lành, dễ chịu. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng
2 ngày vi vu An Giang "ăn sập" Tri Tôn chỉ với 2 triệu đồng
Từ TPHCM, chúng tôi có chuyến du lịch 2 ngày đến Tri Tôn, An Giang để khám phá cảnh đẹp, ẩm thực phong phú...
Cảnh đẹp tại Tri Tôn, An Giang. Ảnh: NVCC.
"Con đường tơ lụa" ở Tri Tôn
Từ TPHCM, chúng tôi lựa chọn xe khách để tới Tri Tôn với mức giá 200.000 đồng/khách, mất 6 tiếng để di chuyển.
Tảng đá đầu voi ở núi Cô Tô. Ảnh: DiPy.
Một lợi thế của bản đồ du lịch ở Tri Tôn là các địa danh để check-in khá gần nhau, chỉ cách từ vài trăm mét đến vài km. Chuyến khám phá trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian.
Lựa chọn một homestay ngay trung tâm huyện Tri Tôn với mức giá 600.000 đồng/2 ngày, chúng tôi thuê thêm xe máy với 150.000 đồng/ngày để di chuyển.
Địa điểm đầu tiên cho lịch trình ngày thứ 1 chúng tôi lựa chọn là "con đường tơ lụa".
Sở dĩ gọi địa điểm này như vậy vì nơi đây được thiên nhiên ưu ái với nhiều cánh đồng xanh bát ngát xen kẽ các hàng cây thốt nốt - loại cây đặc trưng ở An Giang.
Sau đó, chúng tôi đi theo một chặng dài các địa điểm gần nhau gồm: Tảng đá đầu voi ở núi Cô Tô, hồ Soài So, cổng trời... Đây đều là các địa điểm check-in miễn phí, mang đậm nét đặc trưng của vùng đất Tri Tôn.
Trên đường về, chúng tôi ghé hồ Tà Pạ, chùa Tà Pạ và một số quán cà phê dành cho giới trẻ trên đồi cao.
Hồ Tà Pạ nổi tiếng với làn nước xanh biếc quanh năm được rất nhiều du khách đến chụp ảnh. Chùa Tà Pạ có đường cầu thang bộ nối dài từ chân núi lên đỉnh núi với hàng trăm bậc thang thu hút rất nhiều khách đến hành hương, tham quan.
Nhà chim bồ câu - góc check-in ở rừng tràm Trà Sư. Ảnh: DiPy.
Quang cảnh rừng tràm. Ảnh: DiPy.
Thời điểm này không phải mùa nước nổi nên cảnh sắc kém so với kì vọng của du khách. Ảnh: DiPy.
Đài quan sát ở rừng tràm Trà Sư. Ảnh: DiPy.
Đến Tri Tôn nên qua Tịnh Biên thăm rừng tràm
Ngày thứ 2, chúng tôi ghé chợ Tri Tôn - khu chợ nổi tiếng với nhiều món ẩm thực ngon và rẻ.
Cả đoàn thăm chùa Hàng Còng - ngôi chùa nổi tiếng với hàng cây trăm tuổi rợp bóng mát. Chùa nổi tiếng với kiến trúc Khơ-me độc lạ và có tông màu chủ đạo là hồng nhạt bắt mắt.
Tiếp đó là khu du lịch rừng tràm Trà Sư, nơi trải nghiệm không gian sông nước. Rừng tràm Trà Sư ở Tịnh Biên, An Giang, cách Tri Tôn gần 30 km. Vì đường thoáng, nên chúng tôi chỉ mất khoảng 30 phút để đến nơi.
Giá vé vào cổng, tham quan trọn gói là 220.000 đồng/người. Đầu tiên, cả đoàn trải nghiệm chèo thuyền, nghe chuyện kể về lịch sử rừng tràm, các địa điểm đẹp đáng chú ý.
Sau đó, để khám phá được nhiều địa điểm trong rừng tràm nhiều hơn, chúng tôi đi thuyền máy. Trong khu rừng tràm còn có một số địa điểm check-in đáng chú ý như cầu tình yêu, cầu tre ngàn bước, đài quan sát rừng tràm.
Một điểm đáng tiếc là mùa hè không phải mùa nước nổi, nên cảnh sắc rừng tràm không đẹp như kỳ vọng.
Ẩm thực đặc trưng
Về ẩm thực, Tri Tôn, An Giang có không ít món ăn thú vị, hấp dẫn và lạ miệng. Trong đó phải kể đến mì bò viên, bún cá lóc, gỏi Campuchia, lẩu bò, bánh canh ăn kèm bánh cam.
Ngoài ra, về Tri Tôn nếu không thưởng thức gà đốt ô thum, cơm tấm và ếch nướng - 3 món ẩm thực đặc trưng thì chưa phải về vùng đất này. Đặc biệt, bánh bò thốt nốt là món ăn nổi tiếng làm nên đặc trưng của vùng đất này.
Bánh canh (phải), bánh cam. Ảnh: DiPy.
Cơm tấm Long Xuyên. Ảnh: DiPy.
Giá cả ở đây khá rẻ, mỗi món chỉ có giá vài nghìn đồng đến hơn 100.000 đồng.
Tổng kết chuyến đi này, chúng tôi chi khoảng 2 triệu đồng mỗi người cho hành trình khám phá và tận hưởng vùng đất Tri Tôn..
An Giang: Khám phá Ngọa Long Sơn Thất Sơn (hay Bảy Núi) là tên gọi vùng đất bán sơn địa thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cận biên giới Tây Nam thuộc tỉnh An Giang. Thực ra vùng đất này có trên 40 ngọn núi lớn nhỏ, rải rác, nhưng người ta chỉ lấy bảy ngọn núi tiêu biểu để gọi tên chung. Các ngọn núi ấy là:...