Dừng các hoạt động vận tải hành khách tại thời điểm này là không phù hợp
Việc tạm dừng hoạt động một số loại hình vận tải hành khách ở địa bàn dịch cấp độ 4 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân vào thời điểm này không còn phù hợp.
Tối 16/2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nghệ An đã ban hành văn bản hỏa tốc để điều chỉnh quy định liên quan đến việc tổ chức vận tải hành khách ở vùng dịch cấp độ 4 (vùng đỏ).
Công văn số 422/SGTVT-VT của Sở GTVT Nghệ An (Ảnh: CTV).
Trước đó, ngày 15/2, Sở GTVT Nghệ An đã ban hành công văn về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó quy định: Dừng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn có dịch cấp độ 4, thời gian thực hiện từ 0h ngày 16/2. Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến của Bộ GTVT, Sở thấy rằng việc dừng các hoạt động vận tải hành khách ở thời điểm này là không còn phù hợp. Ngay trong đêm 16/2, Sở GTVT Nghệ An đã ra văn bản điều chỉnh.
Các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe trên địa bàn đã chấp hành tốt hướng dẫn của Sở GTVT, tuy nhiên, hoạt động vận tải đi, đến nhiều địa phương trong toàn quốc (đi, đến từ vùng dịch ở cấp độ nguy cơ thấp đến địa bàn tỉnh Nghệ An). Đặc biệt, vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định vẫn được tổ chức, do đó việc tạm dừng hoạt động của một số loại hình vận tải hành khách ở địa bàn dịch cấp 4 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và việc dần khôi phục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải.
Để đảm bảo việc bố trí đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại sau Tết của nhân dân, không để hành khách không có phương tiện trở lại làm việc, học tập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp vận tải sớm được khôi phục đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Sở GTVT Nghệ An đã có công văn về việc điều chỉnh, bổ sung.
Theo đó, các loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên hoạt động trên địa bàn dịch cấp độ 4 phải đảm bảo các yêu cầu sau: Đối với hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị quản lý khai thác bến xe thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo nội dung đã hướng dẫn và yêu cầu tại công văn số 412/SGTVT-VT ngày 15/2 của Sở GTVT Nghệ An.
Video đang HOT
Lực lượng chức năng ở Nghệ An kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải và phòng dịch trước khi cho xe xuất bến (Ảnh: Văn Thanh).
Đơn vị kinh doanh vận tải yêu cầu lái xe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải có hành trình đi qua hoặc đi trong địa bàn có dịch Covid-19 ở cấp 4 thì không được dừng đón khách nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch Covid-19.
Đối với xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ ngồi (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải có vách ngăn giữa khoang lái với hành khách, thanh toán điện tử và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT.
Các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị quản lý khai thác bến xe căn cứ quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An, triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.
Thời gian áp dụng từ ngày 17/2 đến khi có thông báo mới.
Nối lại vận tải hành khách các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Sau hơn 10 ngày hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên cả nước được phép hoạt động lại sau hơn 3 tháng tạm ngưng do dịch COVID-19, tại Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn các địa phương đều đã mở lại các tuyến giao thông liên tỉnh.
Quốc lộ 91B, đoạn qua quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN
Mới nhất, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cũng đã có văn bản về việc hoạt động trở lại các tuyến xe khách liên tỉnh, bắt đầu từ ngày 23/10.
Theo đó, 7 tuyến xe khách từ thành phố Cần Thơ đi các tỉnh đã hoạt động trở lại, kể từ 23/10. Trước đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố này đã có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành về việc kết nối lại hoạt động vận tải hành khách cố định từ thành phố Cần Thơ đi đến 29 tỉnh, thành và ngược lại.
Đến ngày 22/10, có 7 tỉnh phản hồi đồng thuận và có ý kiến cùng thống nhất hoạt động lại tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có đối lưu với thành phố Cần Thơ gồm Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Long An, Bình Định, Lâm Đồng và Quảng Ngãi.
Trong đó, ba tuyến là Cà Mau, Long An, Trà Vinh có tần suất hoạt động 100%. Bốn tuyến còn lại gồm An Giang, Bình Định, Lâm Đồng và Quảng Ngãi hoạt động 50% tần suất. Đến nay, Cần Thơ - địa phương thứ mười ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mở lại vận tải hành khách.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương mở lại các tuyến vận tải cố định. Mục đích là khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách trong tình hình mới, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo ông Lê Tiến Dũng, là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu di chuyển của người dân đi và đến thành phố Cần Thơ ngày càng lớn. Với việc các tuyến xe khách liên tỉnh được được mở lại sẽ giúp hành khách muốn đi đến các địa phương khác được dễ dàng hơn. Nhưng, có lẽ người vui nhất là chủ các nhà xe bởi sau nhiều tháng bị đóng băng vì dịch bệnh, dù quy mô nhỏ hay lớn, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đều đang gặp khó khăn về tài chính.
Để duy trì hơn 200 đầu xe loại 16 và 45 chỗ, mỗi tháng, Công ty TNHH Xây dựng - Du lịch - Vận tải Vũ Linh (Nhà xe Vũ Linh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) phải tiêu tốn bình quân 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể lãi ngân hàng và tiền thuê mặt bằng. Trước thông tin tin vận tải hành khách nối lại, gánh nặng cho doanh nghiệp đã giảm bớt phần nào. Tuy nhiên, để khôi phục hoạt động như trước đây, doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về vốn.
Theo ông Lý Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế Công ty TNHH Xây dựng - Du lịch - Vận tải Vũ Linh, dù phải tạm ngưng hoạt động suốt mấy tháng qua nhưng công ty vẫn phải duy trì chi phí cho các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe, chưa kể tiền lương cho nhân viên. Trong khi đó, ngân hàng vẫn tính lãi 100% cho các khoản vay của công ty, khiến doanh nghiệp gặp áp lực không nhỏ.
"Chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho doanh nghiệp vận tải được khoanh nợ. Không riêng Công ty Vũ Linh mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng đang rất cần được hỗ trợ, khoanh nợ và cho vay mới để có thể duy trì hoạt động", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Trịnh Hoàng Huấn, chủ nhà xe Huấn Hồng chạy tuyến Cần Thơ - Hà Nội cho biết, nếu các tỉnh cứ tiếp tục đóng cửa bến xe thì nhà xe rất khó để tiếp tục tồn tại.
"Với những xe mua tiền mặt thì đỡ hơn đôi chút còn nếu chủ xe nào phải vay ngân hàng để mua rồi trả góp hàng tháng thì rất khó khăn. Tôi mong Nhà nước sớm mở lại nhiều tuyến để nhà xe xoay xở qua mùa dịch", ông Huấn bày tỏ.
Cũng theo ông Huấn, các bến xe phải đồng loạt mở lại thì người dân đi lại mới thuận tiện, hiện nay bến này mở, bến kia lại đóng thì cũng khó khăn cho hành khách có nhu cầu di chuyển.
Ghi nhận thực tế tại bến xe trung tâm thành phố Cần Thơ ngày 23/10 cho thấy, dù Sở Giao thông Vận tải đã cho phép bảy tuyến liên tỉnh hoạt động nhưng lưu lượng xe qua bến còn rất ít. Trong ngày chỉ có tuyến Cần Thơ - Trà Vinh, Bình Định - Cần Thơ hoạt động nhưng hầu như không có khách, chỉ vận chuyển hàng hóa.
Sau nhiều tháng về quê ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, khi hay tin Cần Thơ mở tuyến liên tỉnh, anh Long vui mừng đón xe để về Phú Quốc, Kiên Giang thăm gia đình. Thế nhưng khi đến bến xe Cần Thơ anh mới biết được là hiện tuyến Cần Thơ - Kiên Giang chưa được phép hoạt động.
"Khi hay tin Cần Thơ đã có xe đi lại các tỉnh tôi đã làm xét nghiệm RT-PCR. Nhưng khi đến bến xe Cần Thơ thì mới biết xe về Kiên Giang vẫn chưa hoạt động, tôi không biết phải xử lý thế nào", anh Long nói và cho biết anh là hành khách duy nhất trên chuyến xe từ Quy Nhơn vào Cần Thơ tối 22/10.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn các tỉnh còn lại sớm nối lại vận tải hành khách. Bởi vẫn còn 3 tỉnh là Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng vẫn đang xem xét. Việc này vừa đảm bảo thông thương thuận lợi, đồng thời giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.
9h sáng nay tọa đàm vấn đề "nóng": Mở cửa hàng không, "khơi thông" đường bộ Các cơ quan quản lý ngành, hãng vận chuyển, nhà khai thác sẽ trả lời những câu hỏi "nóng" về tình hình thí điểm khôi phục vận tải hành khách và những chính sách mới trong giai đoạn tiếp theo. Chính phủ đã quy định bỏ áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 trên toàn quốc, chia theo 4 cấp độ dịch...