‘Đừng biến mình thành mồi ngon của cướp’
Không chỉ lực lượng công an TP HCM mà các hiệp sĩ SBC đều cho rằng người dân hiện chưa biết tự bảo vệ mình, để tài sản hớ hênh, thiếu cảnh giác trước tình hình tội phạm đang gia tăng.
Trước tình hình cướp giật ngày càng gia tăng ở TP HCM, anh Nguyễn Văn Minh Tiến (hiệp sĩ đường phố Sài Gòn) cho biết, ngoài một số vụ cướp mà kẻ thực hiện phải lên kế hoạch chuẩn bị hay dàn cảnh từ trước, đa phần là do người dân chủ quan, để tài sản hớ hênh, tạo điều kiện cho chúng dễ dàng ra tay khi có cơ hội.
Theo hiệp sĩ Tiến, những kẻ cướp giật khá đa dạng về thành phần, không đơn thuần là những người có bề ngoài nghèo khổ, hom hem. “Có những tên trông rất sáng sủa, đi xe SH… nhưng vẫn là thủ phạm của những vụ cướp giật. Vì vậy, khi đi đường và mang theo những tài sản quý, người dân nên lưu ý đề phòng, đừng biến mình thành ‘mồi ngon’ của bọn cướp”, anh Tiến cho hay.
Nhiều người đi đường vẫn còn chủ quan trong việc tự bảo quản tài sản, dễ trở thành “con mồi” cho bọn cướp giật. Ảnh: H. D.
Trong những lần tuần tra trên đường anh Tiến thấy không ít người dân chủ quan khi mang túi xách ở trước đầu xe, vừa đi đường vừa lấy điện thoại ra nghe. Trong khi, những người dùng điện thoại đắt tiền thường sẽ lọt vào tầm ngắm của bọn cướp và chỉ trong tích tắc sơ hở, bọn chúng có thể “vớt” được mà chủ nhân chỉ biết ú ớ vì bất ngờ.
“Gặp những trường hợp như vậy trên đường tôi luôn nhắc nhở, nhưng họ lại cho rằng mình rảnh hơi. Đặc biệt, một số cô gái còn có lời lẽ thiếu tế nhị vì nghĩ tôi chọc ghẹo họ. Trong khi chính họ đang tạo điều kiện cho bọn cướp ra tay”, vị hiệp sĩ đường phố phân trần.
Anh Tiến cho rằng, trong trường hợp phải dừng xe nghe điện thoại ngoài đường, người dân nên tìm một vị trí đứng an toàn, có thể quan sát trước sau. Một kinh nghiệm mà hiệp sĩ Tiến chia sẻ thêm là người đi đường nên để ý quan sát những dấu hiệu bất thường xảy ra trên đường thông qua tiếng động cơ xe, biểu hiện của những người xung quanh.
“Thông thường khi bọn cướp phát hiện ra ‘con mồi’ chúng sẽ theo dõi trong một khoảng cách nhất định sau đó mới ra tay. Nếu trong 10 người cùng đi đường mà có một hoặc hai tên có biểu hiện lạng lách, ánh mắt khác thường vẻ lấm lét… thì chúng ta nên phòng trước bằng cách tránh vào chỗ an toàn, có đông người hơn để chúng khó có cơ hội ra tay”, anh Tiến nói.
Anh Nguyễn Thanh Hải – Đội trưởng đội hiệp sĩ SBC Bình Dương lưu ý thêm rằng, người dân đeo các loại trang sức có giá trị như dây chuyền, vòng vàng, lắc tay… khi ra đường cần mặc áo khoác dài hoặc khăn choàng để không gây sự chú ý của bọn cướp. Còn đối với những tài sản có giá khác như tiền bạc, giấy tờ tùy thân thì nên bỏ túi xách vào trong cốp xe. Khi dừng lại để lấy áo mưa, hay tiền đổ xăng… mọi người phải quan sát xung quanh, giữ cự ly an toàn với người bên cạnh. Nếu phát hiện có người khả nghi, thì phải tìm một vị trí khác an toàn hơn.
Video đang HOT
Khi mang theo máy tính xách tay, người dân nên đeo về phía trước ngực để đề phòng kẻ cướp giật. Ảnh: H. D.
Một trong những tài sản bọn cướp nhắm tới khi ra tay mà các hiệp sĩ SBC thường bắt gặp đó là máy tính xách tay của sinh viên hoặc nhân viên công sở. Phần lớn những trường hợp này đều do người đi đường bất cẩn mang phía trước xe. Anh Hải cho biết, cách đây không lâu, các anh em trong đội SBC Bình Dương đã phải truy đuổi cả 10km để bắt tên cướp giật túi xách đựng laptop của một nữ sinh ĐH Thủ Dầu Một.
“Trong trường hợp mang máy tính, người dân nên bỏ vào một ba lô chắc chắn và đeo vào người hoặc về phía trước ngực để dễ quan sát và chủ động ứng phó khi có tình huống bất trắc xảy ra”, hiệp sĩ Hải nói.
Không chỉ ra tay cướp nữ trang, máy tính, túi xách, mà theo các hiệp sĩ đường phố, bọn cướp hiện nay khá táo tợn, chúng có thể ngang nhiên chặn người đi đường cướp xe đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong khi đó, tâm lý người dân hay chọn đường tắt để đi cho nhanh, trong khi những tuyến đường này lại thường vắng người.
Kinh nghiệm mà anh Hải chia sẻ khi phải đi trên đường quốc lộ là nên bám theo những người khác thành nhóm, hoặc xe ôtô lưu thông cùng hướng để bọn cướp khó ra tay hơn, hoặc nếu gặp sự cố sẽ có người xung quanh hỗ trợ. Đối với phụ nữ, trong mọi trường hợp không nên chạy xe một mình ngoài đường vào đêm khuya, nhất là trên những khúc đường vắng.
“Nếu không may gặp cướp và bị thương tích, người dân nên bình tĩnh, truy hô tìm người giúp sức chứ không nên một mình kháng cự, bởi chúng có thể ra tay không thương tiếc để chạy thoát. Điều cuối cùng và quan trọng nhất là phải trình báo với cơ quan công an địa phương, cung cấp thông tin để họ điều tra, xử lý”, anh Hải cho biết.
Theo VNE
Người Sài Gòn tập 'sống chung' với cướp
Không đeo vàng bạc hay sử dụng xe đời mới, ra đường chỉ dám đi taxi... là một trong số cách người dân Sài Gòn áp dụng để tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật đang hoành hành.
Sáng đầu tuần, sau khi đưa con đi học, chị Hồng (40 tuổi) dừng chiếc Spacy tại cây xăng trên đường Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10, TP HCM). Vừa mở cốp xe lấy ví để trả tiền đổ xăng, chị bị một thanh niên mặc sơ mi trắng, quần jeans xanh, chạy xe Novo (vừa đổ xăng xong) giật phăng rồi rồ ga chạy mất.
Sự việc xảy ra quá nhanh, người phụ nữ chỉ ú ớ mà không kịp truy hô. Nhiều người đưa ánh mắt ái ngại nhìn nạn nhân và cho biết khu vực cây xăng này thường xuyên xảy ra chuyện "ăn bay" của đám cướp giật.
Đeo túi trên vai là "mồi ngon" cho bọn cướp. Ảnh: N.V
Mang tâm trạng chán chường về một quán cà phê trong con hẻm gần nhà kể lại cho bạn bè nghe, chị Hồng bảo trước đó thấy nam thanh niên vừa đổ xăng vừa nhìn mình nhưng trông bộ dạng anh ta quá lịch sự khiến chị không cảnh giác. "Khi ví bị giật khỏi tay, tôi mới biết đã gặp phải tên cướp chuyên nghiệp", người phụ nữ nói và than tiếc hơn 5 triệu đồng, 200 USD và toàn bộ giấy tờ tùy thân bị lấy mất...
Khi câu chuyện còn đang dang dở, chị Hồng và nhóm bạn giật bắn người bởi tiếng động cơ xe gầm rú từ trong hẻm phóng ra đường lớn, phía sau là tiếng hô "cướp! cướp..." của một phụ nữ. Được hỏi thăm, người đàn bà mặc đồ bộ, tay xách giỏ đi chợ lắp bắp cho biết vừa bị 2 thanh niên giật mất sợi dây chuyền. "Tên ngồi sau còn nhăn nhở quay lại cười chọc tức tôi", nạn nhân bức xúc.
Ông Hải (45 tuổi, tài xế xe ôm trước hẻm 372 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết, chuyện cướp giật xảy ra tại đoạn đường này "thường như cơm bữa", nhiều hôm một buổi sáng xảy ra đến vài vụ. "Vài lần, tôi và các anh xe ôm khác đuổi theo hoặc quăng ghế ra đường ngăn cản nhưng không bắt được chúng. Nhiều sáng đi làm sớm, tôi bắt gặp ở cuối hẻm các túi xách nằm lẫn với giấy tờ mà chúng vứt lại sau khi lấy hết tiền", ông kể.
Cũng từng là nạn nhân, chị Thu (32 tuổi, nhân viên một tập đoàn viễn thông) cho biết, đám cướp giật giờ không chỉ là những tên lóc chóc, ăn mặc lôi thôi mà đôi khi trông rất lịch sự, đi xe đắt tiền. Một lần, chị đi mua đồng hồ cho con trai trên đường Cách Mạng Tháng 8, đang loay hoay chọn kiểu thì một thanh niên vẻ sang trọng bước vào. Anh ta vờ ngắm nghía các mẫu mã... rồi lao đến giật chiếc ví chị cầm trên tay. Phát hiện sớm, chị kịp giằng co, hắn ta tuột tay nên bước nhanh ra ngoài.
"Nhưng hắn không bỏ đi mà rình ở đường, giằng chiếc ví của tôi một lần nữa. Tôi la lên, kéo con trai chạy sâu vào trong tiệm và truy hô thì hắn mới lên chiếc Vespa LX của đồng bọn chờ sẵn, ung dung bỏ đi. Bây giờ, chúng ta hớ hênh một chút là trở thành con mồi của cướp", chị Thu nói.
Chị Hải Yến (35 tuổi, ngụ Tân Bình) lại cho rằng trong các vụ án cướp giật cũng có một phần "lỗi" của nạn nhân. "Ai bảo đi xe mà đeo túi xách hờ hững trên vai thì có khác nào 'mời ông xơi'?", chị nói và cho biết mình không phải dạng người cẩn thận nhưng với tài sản cá nhân thì làm hết sức có thể để tự bảo vệ.
Chị Yến cho rằng dùng túi xách hàng hiệu mà chị em cứ đeo khi đi xe máy ngoài đường thì không ổn, phải để trong cốp xe. Nhiều bạn bè của chị đã chọn cách đi taxi "cho chắc ăn" bởi họ nghĩ bọn cướp chủ yếu nhằm vào người đi xe máy.
Cất túi xách trong cốp xe là một cách các phụ nữ phòng chống cướp giật. Ảnh: N.V
Trao đổi với VnExpress, ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế HĐND TP HCM cho biết, thời gian qua tình hình an ninh trật tự tại thành phố thực sự phức tạp, xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn. Người thân, bạn bè của ông cũng từng là nạn nhân của bọn cướp.
Theo ông, nhiều người còn quá chủ quan, mất cảnh giác như đi đường vắng lúc khuya, đeo nữ trang hớ hênh để rồi biến mình thành "con mồi" cho bọn cướp. "Trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự không phải của riêng ngành công an mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Công dân phải tăng cường cảnh giác, tự bảo vệ mình", ông Danh nói.
Sẽ phong hàm vượt cấp cho công an bắt cướp
Cũng theo ông Danh, Ban Pháp chế HĐND TP HCM từng lưu ý, đề nghị công an tăng cường kiểm soát triệt để, thường xuyên tuần tra, kiểm soát và chỉ đạo cho các công an phường, xã phối hợp với dân phòng tuần tra vào ban đêm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải giám sát, theo dõi những người tái hòa nhập cộng đồng, hưởng án treo, hay đang mang tiền án, tiền sự... hết hạn được trả về.
Về việc nhiều người dân cho rằng cần thành lập lực lượng phản ứng nhanh 141 như ở Hà Nội, theo ông Danh thực tế TP HCM cũng đã có lực lượng tương tự. Đó là những đội đặc nhiệm trinh sát hình sự theo dõi, nắm bắt tình hình trật tự xã hội. Lực lượng này mặc thường phục, đi tuần tra nên khó biết và đa phần những vụ cướp giật trên đường phố bị phát hiện là nhờ đội này. "Trong vụ cướp táo tợn ở cầu Phú Mỹ, đội trinh sát đặc nhiệm cũng đã theo dõi và nắm được địa bàn hoạt động của các nghi phạm, tuy nhiên do đang theo dõi từ xa nên không thể ứng cứu nạn nhân kịp thời khi bọn cướp ra tay", ông Danh nói.
Theo ông, ngày mai 30/11 thường trực HĐND TP HCM sẽ họp thông qua chương trình làm việc trong kỳ họp HĐND, "Rất có thể trong kỳ họp HĐND đầu tháng 12 sắp tới, vấn đề trộm cướp hoành hành cũng sẽ được các đại biểu thảo luận tại nghị trường", ông Danh cho biết.
Theo tinmoi
Kinh tế khó khăn, nạn cướp giật càng phức tạp Vấn đề ngăn ngừa, phòng chống tội phạm cướp giật đường phố sẽ được đưa ra thảo luận kỹ tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM (khóa VIII) diễn ra từ ngày 4 đến 7/12 tới. Ông Trương Lâm Danh (Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM) khẳng định, chiều 27/11. Sẽ chất vấn cơ quan chức năng Ông Trương Lâm Danh nói:...