Đừng bao giờ cho người khác mượn hồ sơ BHXH
Người lao động chẳng những mất toàn bộ quyền lợi mà còn bị cơ quan bảo hiểm xử phạt hành chính khi cho mượn hoặc mượn hồ sơ BHXH để phục vụ mục đích nào đó.
Việc mượn giấy tờ của người khác để xin việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp BHXH
Đóng BHXH mà không được hưởng, vì đâu?
Chị Nguyễn Thị M. (Bình Dương) đã gửi thắc mắc lên cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương sau khi không thể hoàn thiện được thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và được thông báo đã lĩnh khoản này từ cách đây 2 năm. Theo trình bày của chị M., chị tham gia BHXH 6 năm. Trong thời gian 6 năm đó, em gái chị M. có mượn hồ sơ của chị để đi làm và có tham gia BHXH 2 năm. Sau đó, em gái chị M. nghỉ làm và có mượn CMND của chị đi nhận BHTN, BHXH. “Vậy, em phải làm hồ sơ thế nào để được lĩnh đủ thời gian tham gia BHTN và BHXH”, chị M. đã gửi thắc mắc này đến cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương.
Được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất xảy ra ở Bình Dương. Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2018 đến nay, BHXH tỉnh đã phát hiện hơn 103 hồ sơ BHXH trùng tên, do người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ của người khác để đi làm. Điều này khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc giải quyết các chế độ liên quan; còn NLĐ thì mất quyền lợi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do NLĐ đã mượn hồ sơ của người thân để vào làm việc tại các doanh nghiệp (DN); sau đó những người cho mượn hồ sơ lại tiếp tục sử dụng chính hồ sơ cho mượn để đi làm việc ở DN khác. Do đó, khi các DN kê khai và tham gia đóng BHXH, hệ thống quản lý dữ liệu của cơ quan BHXH xác định bị trùng hồ sơ nên không thể giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Theo bà Lý, việc mượn giấy tờ của người khác để xin việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi BHXH. BHXH tỉnh Bình Dương đã từng gặp nhiều trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thai sản, do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ và không liên lạc được với người cho mượn tên. Hay trường hợp người cho mượn tên là người có đầy đủ giấy tờ pháp lý để nhận trợ cấp, nhưng thực tế người mượn tên lại là người tham gia đóng BHXH, BHYT. “NLĐ đang mượn tên hoặc đang dùng hồ sơ mang tên người khác đi làm việc nên thông báo cho người sử dụng lao động và cơ quan BHXH biết để được hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ, nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân”, bà Lý khuyến cáo.
Video đang HOT
Sẽ xử phạt nếu còn phát hiện vi phạm
Trước sự việc trên, mới đây, đại diện các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh và Sở LĐ, TB&XH Bình Dương đã vào cuộc xác minh nhằm giải quyết thấu đáo quyền lợi cho người lao động. Theo đó, BHXH tỉnh có trách nhiệm cung cấp danh sách, hồ sơ có liên quan của trên 100 trường hợp NLĐ phát hiện trùng sổ cho Sở LĐ, TB&XH Bình Dương; đồng thời, phối hợp với Sở LĐ, TB&XH để đối chiếu hồ sơ và thống nhất cách giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Việc NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH (kể cả chủ sử dụng lao động) đã vi phạm Khoản 1, Điều 137, Luật BHXH. Theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định ở Khoản 1, Điều 27 “Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH”: Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền BHXH đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng gửi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các đơn vị, DN về việc giải quyết các trường hợp mượn hồ sơ của người khác đi làm việc và tham gia BHXH, BHYT. Cụ thể, đối với các trường hợp đã phát hiện trước đây và trường hợp chưa phát hiện được hoặc NLĐ chưa khai báo thì từ nay đến hết ngày 30/9/2018 sẽ được thông báo và mời trực tiếp đến Sở LĐ, TB&XH Bình Dương để được hướng dẫn giải quyết từng trường hợp cụ thể. Theo bà Lý, theo đúng quy định thì hành vi trên phải xử phạt hành chính. Nhưng đến nay, cơ quan BHXH cũng như các cơ quan chức năng có liên quan ở Bình Dương vẫn chưa xử lý trường hợp nào.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật và hủy toàn bộ thời gian tham gia, không được giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN và thu hồi các chế độ đã hưởng đối với những trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác đi làm việc và tham gia BHXH, BHYT từ sau 30/9/2018 trở đi.
Hiện nay, BHXH tỉnh Bình Dương cũng đã hoàn thiện việc cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH và đồng bộ hóa dữ liệu với BHXH Việt Nam. Do vậy, người tham gia có thể tra cứu thông tin trên website của BHXH Việt Nam để nắm rõ quy định pháp luật, nhằm tránh vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.
Văn Vũ
Theo baogiaothong
Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho địa phương
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo đó, Chính phủ quyết nghị ban hành nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Cụ thể, về nguyên tắc, UBND các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương và trình HĐND cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, trong đó phân tích, đánh giá tính khả thi và giải pháp thực hiện chỉ tiêu cho giai đoạn 2019 - 2020.
Vận động người dân tham gia BHXH tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Mai
Hằng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gửi Bộ LĐTBXH để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019 - 2020 và đề xuất Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho giai đoạn từ năm 2021 trở đi đối với từng địa phương cho phù hợp.
Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gồm: Số người tham gia BHXH; tỷ lệ tham gia BHXH; tốc độ phát triển số người tham gia BHXH, bao gồm các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.
Các địa phương phải đảm bảo chỉ tiêu: Đối với BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tổng số lao động tham gia chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất 95% vào cuối năm 2020; đối với BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau so với năm trước ít nhất bằng 30 - 50% so với năm trước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; doanh nghiệp chậm đóng BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Tập trung đôn đốc, yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó lưu ý đối với một số nhóm đối tượng người lao động đang làm việc trong các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Danviet
Thiệt đơn, thiệt kép do mất "phao cứu sinh" Nếu bị thất nghiệp, người lao động đã có "phao cứu sinh" là khoản tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp và quyền lợi được hưởng như: Hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lao động đang bị mất quyền lợi do thiếu hiểu biết nên quên làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc do họ...