Dùng 660 triệu tiền phúng viếng cha mẹ làm đường cho dân
Thực hiện ước nguyện bố mẹ trước khi mất, bà Phong (Quảng Ngãi) dùng 660 triệu đồng tiền phúng viếng làm đường bê tông cho làng mình.
Xây đường từ tiền phúng điếu của mẹ
‘Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu ông Bùi Kiệt’, ‘Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu bà Lê Thị Hồi’, là những dòng chữ trên bia ghi danh đặt trang trọng ở bốn tuyến đường tại xã Nghĩa Hiệp khiến chúng tôi tò mò.
Đây là 4 tuyến đường mà bà Bùi Thị Phong (thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) – con gái của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi, đại diện gia đình đứng ra xây dựng.
Để ghi nhớ việc làm ý nghĩa của vợ chồng cụ Bùi Kiệt, chính quyền địa phương đã đặt 4 bia đá có khắc tên 2 vợ chồng cụ.
Tuyến đường bê tông được xây dựng bằng tiền phúng điếu của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi.
Tìm đến nhà bà Phong- nhà giáo về hưu, chúng tôi thật sự bất ngờ trước căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Hỏi chuyện lấy tiền phúng điếu của cha mẹ làm thiện nguyện, bà Phong cười bảo: ‘Đó là việc nên làm thôi mà’.
‘Ai cũng thấy nhà tôi nghèo nhưng lại đứng ra xây đường bê tông cho dân. Số tiền xây 4 tuyến đường là tiền phúng viếng khi bố mẹ mất. Đó cũng là việc mà bố mẹ trước khi chết luôn nhắc nhở chúng tôi’, bà Phong tâm sự.
Bà kể, bố mẹ bà sinh được 6 người con, kinh tế không khá giả. Nhưng mỗi khi đi trên con đường lầy lội, bố mẹ lại ước trúng được tờ vé số để làm cho quê hương những con đường sạch đẹp.
Trước lúc ra đi, mẹ bà Phong nắm tay con cháu bảo rằng, số tiền bà con hàng xóm láng giềng phúng viếng, các con hãy dành vào việc làm thiện nguyện.
Năm 2012, cụ Hồi mất, tiền phúng viếng được gần 280 triệu đồng. Một số tiền tương đối lớn vào thời điểm đó, tuy nhiên tất cả con cháu trong nhà thống nhất thực hiện di nguyện của mẹ.
Video đang HOT
‘Sau khi đưa tang mẹ, 6 anh em nhà tôi họp và tất cả đồng ý dùng toàn bộ số tiền này để xây đường và làm từ thiện. Lúc ấy, mỗi người chia nhau mỗi việc, người thì lên kế hoạch xây đường, người tìm kiếm những nơi khó khăn cần sự giúp đỡ. Tất cả đồng lòng để cùng nhau thực hiện di nguyện của mẹ để lại’, bà Phong nhớ lại.
Trong khi đó, cụ Bùi Kiệt lên UBND xã Nghĩa Hiệp xin được dùng số tiền phúng viếng vợ làm đường.
Sau khi được chính quyền chấp thuận, bà Phong đại diện gia đình làm đường bê tông dài 230m, rộng 2m, đạt chuẩn đường Nông thôn mới.
Ngoài ra, gia đình bà Phong dùng một ít tiền để mua trang thiết bị nhà văn hóa thôn Đông Mỹ, đóng góp trong các quỹ ‘Người cao tuổi’, ‘Vì người nghèo’, ‘Khuyến học’,…
Bà Bùi Thị Phong tự hào khi nói về việc xây đường từ tiền phúng viếng bố mẹ.
3 tuyến đường mang tên cụ Bùi Kiệt
Đi trên tuyến đường bê tông được xây bởi tiền phúng viếng của vợ và thấy 2 tấm bảng khắc tên vợ ở đầu và cuối con đường, cụ Bùi Kiệt rất vui và tự hào.
Về nhà, cụ cũng căn dặn với các con: ‘Sau này cha có chết, các con hãy dùng số tiền phúng viếng cha để làm y hệt mẹ các con vậy’.
Thời gian qua đi, sức khỏe cụ giảm sút nhanh chóng. Năm 2015 cụ Kiệt mất trong sự thương tiếc của người dân.
Đám tang ấm áp tình làng nghĩa xóm và rất nhiều người từ xa đến viếng. Số tiền phúng lên đến 380 triệu đồng.
Sau khi đám tang cụ Kiệt qua đi, bà Phong lại đại diện cho 6 anh em đứng ra thực hiện lời dặn của cha, dùng 380 triệu đồng tiền phúng viếng làm 3 tuyến đường bê tông hóa với tổng chiều dài 670m.
Đang ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nhưng bà Phong vẫn dùng tiền phúng viếng xây đường theo tâm nguyện của bố mẹ.
‘Việc xây đường cũng nhỏ thôi nhưng tự hào lắm. Bố mẹ đã mất nhiều năm, người dân trong xã vẫn cứ truyền tai câu chuyện gia đình tôi dùng tiền phúng viếng xây đường’, bà Phong tâm sự.
Trả lời câu hỏi: ‘Gia đình không khá giả, sao bà không dùng số tiền đó để xây lại căn nhà mới?’, bà Phong bảo: ‘Nhà mình không khá giả gì, nhưng tiền tài thì bao nhiêu cho đủ. Làm cho bà con hàng xóm có cái đường để đi là gia đình tôi vui rồi’.
Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, gia đình cụ Bùi Kiệt và Lê Thị Hồi là gia đình có truyền thống cách mạng.
‘Nhà chị Phong cũng không khá giả gì, nhưng việc gia đình chị lấy tiền phúng viếng của cha mẹ ra xây đường giúp dân đi lại rất đáng quý và trân trọng. Đây là hành động rất đẹp, là tấm gương sáng để tất cả mọi người noi theo’, ông An nói.
Với việc làm ý nghĩa của gia đình cụ Bùi Kiệt, UBND xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa đã trao tặng nhiều giấy khen về việc góp phần xây dựng Nông thôn mới.
Năm 2018, bà Bùi Thị Phong đại diện cho gia đình còn được tỉnh cử đi dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc tại Hà Nội và được tuyên dương là Nữ anh hùng và Nữ điển hình tiêu biểu.
Lê Bằng
Theo vietnamnet.vn
Nhờ em trai đứng tên đất, sau 3 năm người phụ nữ mất trắng tài sản
Những tưởng nhờ em ruột đứng tên là an toàn nhưng tôi đâu có ngờ sau 3 năm, khi em trai tôi mất đi thì miếng đất của vợ chồng tôi cũng mất theo.
Vợ chồng tôi đều ở miền Trung, do điều kiện quê nghèo vất vả nên mới đi làm ăn xa tận Sài Gòn để kiếm tiền nuôi con. Năm 2015, tôi tích cóp được ít tiền và và quyết định xuống miền Tây mua một miếng đất trị giá 700 triệu để dành sau này về già sẽ xây nhà và sinh sống tại đây.
Tuy nhiên, do thủ tục giấy tờ phức tạp nên tôi quyết định nhờ em ruột của mình có hộ khẩu thường trú tại Sài Gòn đứng tên giùm trên sổ đỏ. Do tin tưởng em nên tôi gửi luôn sổ cho em giữ hộ để yên tâm làm ăn. Đến năm 2017, vợ chồng tôi tích cóp được khoảng 100 triệu và quyết định xây một căn nhà cấp 4 tạm bợ ngay trên mảnh đất đó và cho thuê kiếm lời, mỗi tháng 3 triệu đồng.
Tôi cứ nghĩ vợ chồng còn làm ăn tha hương nên tạm thời cứ để em trai đứng tên, vài năm nữa sang tên lại cho vợ chồng tôi cũng không muộn. Mọi chuyện cứ thế trôi đi cho đến một ngày, em tôi đột ngột qua đời sau một cơn tai biến. Lúc này vợ chồng tôi mới hoảng hốt vì miếng đất vẫn còn đứng tên em trai tôi, và mọi thủ tục xin cấp GPXD, điện, nước giấy tờ liên quan đến căn nhà xây tạm đều do em trai tôi đứng tên. Ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôi cũng để em trai giữ hộ.
Khi em trai mất, đợi tang lễ xong xuôi chồng tôi mới đem chuyện hỏi em dâu. Lúc này, vợ chồng tôi như bị rơi vào thế nắm dao đằng lưỡi, em dâu bắt đầu thay đổi thái độ hoàn toàn. Thay vì giúp chúng tôi tìm sổ đỏ thì em dâu vờ bận việc rồi lảng đi chuyện khác.
Một tháng sau, vợ chồng tôi tá hỏa khi cô em dâu quý hóa đột nhiên yêu cầu người thuê nhà chuyển tiền hàng tháng vào tài khoản của mình thay vì của vợ chồng tôi. Khi tôi tìm đến nhà để hỏi ngọn ngành thì em dâu tôi tỏ rõ thái độ bất hợp tác. Em dâu ngang nhiên lật lọng rằng: "Đất của chồng tôi đứng tên thì tôi có quyền lấy tiền thuê nhà".
Nhờ em ruột đứng tên đất, sau 3 năm vợ chồng tôi đau đớn vì bị em dâu cướp trắng. Ảnh minh họa
Biết rõ mảnh đất là của vợ chồng tôi nhờ em trai tôi đứng tên, ngay cả khi làm nhà em dâu tôi cũng thường xuyên lui tới căn nhà và nắm rõ mọi chuyện nhưng khi chồng mất, em dâu tôi một mực cho rằng vợ chồng tôi không hề nhờ em trai tôi đứng tên. Cô em dâu tráo trở quay qua mạt sát vợ chồng tôi là lợi dụng cơ hội em trai mất để âm mưu chiếm đoạt tài sản nên mới bịa ra chuyện như vậy. Và rằng tài sản đã đứng tên chồng mình thì mẹ con cô ta có quyền hưởng chứ không liên quan gì đến vợ chồng tôi.
Tôi lúc này mới ngớ người nhận ra sai lầm của mình là đã nhờ em trai đứng tên nhưng không hề có một loại giấy tờ nào chứng minh. Lúc đó vì tin tưởng nên tôi cũng không bảo em trai phải ký tên hay lưu lại chứng cứ nào. Lúc đi đóng tiền mua đất cũng là em trai tôi làm giúp.
Miếng đất sau 3 năm giờ đã lên giá hơn 1 tỷ, lòng tham nổi lên nên em dâu tôi quyết từ nhà nội và không trả lại dù với bất kể điều kiện gì. Bởi không có chứng cứ, giấy tờ lại rành rành nên dù có kiện tụng, vợ chồng tôi cũng không thể đòi lại được tài sản.
Mười mấy năm tha hương tích cóp nhưng cuối cùng chỉ vì bất cẩn khi nhờ em trai đứng tên mà vợ chồng tôi đành ngậm ngùi mất trắng bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Đúng là không có nỗi đau nào lớn hơn...
Tôi kể câu chuyện trên để cảnh tỉnh mọi người rằng tuyệt đối không nên nhờ anh em, bạn bè, họ hàng hay bất kể ai đứng tên giúp trên tài sản của mình. Khi nhờ người khác đứng tên, chúng ta sẽ không thể biết sau đó sẽ xảy ra những chuyện gì. Nếu xảy ra mâu thuẫn thì khó đòi lại hoặc không may người đó qua đời, theo Luật Thừa kế thì tài sản sẽ được chia lại cho vợ, chồng, bố mẹ, con cái của họ...
Khánh Hòa (ghi theo câu chuyện của Hồng Anh TP.HCM)
Theo vietnamnet.vn
Tập đoàn Viettel: Tài trợ 7 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học và trạm y tế ở huyện miền núi Thanh Hóa Sáng nay (9/11), Tập đoàn Viettel Chi nhánh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) tổ chức khởi công xây dựng trường Tiểu học xã Điền Lư và Trạm y tế xã Ban Công, huyện Bá Thước. Các công trình này sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập và khám chữa bệnh cho người dân tại hai xã...