Đùi gà Mỹ bán phá giá hơn 30% tại Việt Nam
Sau khi khảo sát giá bán thịt gà tại Mỹ, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ khẳng định: Giá đùi gà Mỹ bán tại Việt Nam đã bị phá giá tới 30%! Hiệp hội đang chuẩn bị hồ sơ để chính thức tiến hành vụ kiện này.
Giá bán tại Việt Nam chỉ bằng 29% so với Mỹ
Hôm qua (28/9), trao đổi với NTNN, ông Âu Thanh Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, ông vừa hoàn tất chuyến đi công tác tại Mỹ theo phân công của Hiệp hội (từ ngày 19/8 đến 2/9) để tìm hiểu thị trường chăn nuôi gà ở Mỹ và chi phí, thủ tục để theo đuổi vụ kiện gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam.
Giá bán thịt đùi gà Mỹ tại siêu thị Walmart ở Atlanta – thủ phủ tiểu bang Georgia của Mỹ đang cao gấp 3,5 lần giá về tới Việt Nam. Ảnh: Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cung cấp
Theo khảo sát của đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá đùi gà bán tại hệ thống siêu thị lớn nhất ở Mỹ là Walmart ở Mỹ là 2,79 USD/kg, tương đương 63.000 đồng/kg; cánh gà 3,3 USD/kg, tương đương 74.000 đồng/kg; ức gà 4,38 USD/kg, tương đương 98.000 đồng/kg; gà nguyên con 3,39 USD/kg, tương đương 76.000 đồng/kg.
“Như vậy đùi gà bán về Việt Nam giá 0,8 USD/kg, tức chỉ có 18.000 đồng/kg là đang bán giá chỉ bằng 29% giá sản phẩm cùng loại bán tại thị trường Mỹ, chưa tính giá vận chuyển đông lạnh, thuế nhập khẩu và các loại phí khác… Ngoài ra, giá bán này cũng đã bán dưới giá thành sản xuất” – ông Long khẳng định.
Cũng theo khảo sát, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi ở Mỹ thấp hơn Việt Nam 15%, do Mỹ là quốc gia xuất khẩu bắp (ngô), đậu nành (đậu tương) nên giá bắp tại Mỹ chỉ có 3.300 đồng/kg còn tại Việt Nam là 5.400 đồng/kg, nhưng chi phí nhân công, điện, vật liệu tại nước Mỹ lại cao hơn ta.
“Sau khi tham khảo thực tế tại một số công ty Mỹ, chúng tôi nhận thấy về cơ bản giá thành sản xuất của thịt gà Mỹ không có chênh lệch nhiều so với giá thành gà Việt Nam, tức khoảng 26.000 – 27.000 đồng/kg. Như vậy về tới Việt Nam mà giá bán chỉ có 18.000 đồng là đã bán phá giá hơn 30%” – ông Long phân tích.
Trên những cơ sở khảo sát thực tế đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang vận động, hợp tác cùng các công ty chăn nuôi lớn trong khu vực để tiến hành các bước cuối cùng thu thập hồ sơ, chứng cứ gửi cho Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tiến hành vụ kiện. Tính toán sơ bộ của Hiệp hội, chi phí thuê công ty tư vấn Mỹ cung cấp tư liệu, số liệu về thị trường gà Mỹ và công ty luật ở Việt Nam chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện ước tính ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.
“Hiện các công ty chăn nuôi lớn trong khu vực như C.P, Emivest, Japfa, CJ, Bel Gà… cũng đã ủng hộ, cùng chúng tôi đứng chung là nguyên đơn trong vụ kiện này. Với số lượng gà mà các công ty này cung cấp ra thị trường Việt Nam hiện chiếm tới 90% là đã dư yêu cầu, bởi theo luật chỉ cần 25% đại diện ngành bị thiệt hại là đủ điều kiện nộp đơn kiện” – ông Long cho biết.
Video đang HOT
Theo kế hoạch của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, trong tháng 11 tới, hiệp hội sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển cho Cục Cạnh tranh của Bộ Công Thương để chính thức tiến hành vụ kiện.
Chưa đủ bằng chứng?
Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, chưa có cơ sở để khẳng định có sự gian lận thương mại với việc bán đùi gà Mỹ giá rẻ.
Cụ thể, ông Sơn nói: “Đến nay cơ quan nhà nước đang vào cuộc, chưa có bằng chứng nào khẳng định có sự gian lận thương mại. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng chưa có một phát ngôn nào chính thức bằng văn bản khẳng định…”.
Trước đó, một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, qua khảo sát tại thị trường Mỹ và các đơn vị liên quan, thịt đùi và cánh gà xuất vào Việt Nam có giá thấp nhất là 0,9 USD/kg (chưa bao gồm thuế, phí), tương đương 20.160 đồng/kg.
Do đó, thịt gà Mỹ bán ra thị trường ở Việt Nam với giá chỉ 20.000 đồng/kg chứng tỏ có hành vi gian lận thương mại hoặc có sự câu kết, không minh bạch của các doanh nghiệp và được sự “tiếp tay” của lực lượng hải quan. Sau thông tin này, Tổng cục Hải quan khẳng định, toàn bộ số thịt gà được nhập khẩu theo đường chính ngạch, sau khi vào Việt Nam thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho sản phẩm cánh, đùi, gà nguyên con… là 20-40%. Mọi thông tin về sản phẩm được cung cấp cho Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) làm rõ có hành vi bán phá giá hay không.
Việc giá thịt gà Mỹ nhập khẩu chỉ bằng nửa giá gà trong nước đã làm dư luận đặt nhiều nghi vấn. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tra việc có hay không tình trạng bán phá giá sản phẩm thịt gà Mỹ tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát xem chất lượng thịt gà Mỹ liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc… Trong đó, gà Mỹ chiếm hơn 60% tổng trị giá nhập khẩu thịt gà các loại vào Việt Nam, với trị giá 39,1 triệu USD. Gà từ các nhà xuất khẩu có giá trước thuế trung bình từ 0,8-1,78 USD/kg tùy loại, tương đương 18.200-38.300 đồng/kg. Hiện có 82 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt gà qua các cửa khẩu cảng tại TP.HCM và Hải Phòng.
Theo Phụng Anh
Dân Việt
Lý do dịch sốt xuất huyết ngày càng gia tăng ở Đông Nam Bộ
Ý thức người dân trong chủ động diệt loăng quăng và phòng tránh muỗi đốt vẫn được xem là "bức tường" cản trở phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Các tỉnh Đông Nam bộ đang phải đối mặt với sự bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết. Tuy còn vài tháng nữa mới kết thúc mùa mưa, dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhưng đến nay đã có hàng chục người tử vong vì căn bệnh này.
Số người chết do sốt xuất huyết tăng
Những ngày cuối tháng 9, dịch sốt xuất huyết trên cả nước nói chung và ở vùng Đông Nam Bộ "nóng" hơn bao giờ hết, khi số ca mắc bệnh ngày càng tăng. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu miền Nam về số ca mắc sốt xuất huyết với hơn 9.300 ca, Đồng Nai xếp thứ 2 với 5.000 ca, thứ 3 là Bình Dương với 3.000 ca.
Các bệnh nhi đang được điều trị Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM
Nhưng nếu tính tỷ lệ mắc trên 100.000 dân thì Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Trong đó, vùng nóng nhất của tỉnh về sốt xuất huyết lại chính là trung tâm hành chính của tỉnh - thành phố Biên Hòa.
Tính đến tháng 9 năm nay, Biên Hòa có khoảng 2.000 trường hợp sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Những trường hợp một nhà có nhiều người cùng bị sốt xuất huyết không phải là hiếm.
Anh Trần Văn Sinh, một người dân ở khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa cho biết: "Ban ngày ít muỗi, nhưng tầm chiều muỗi ra nhiều. Muỗi cắn bọn trẻ trông thấy thương. Ở trong nhà xịt thuốc hoài nên không có, nhưng từ bên ngoài như những khu đất trống, bãi cỏ, suối... muỗi bay vào rất nhiều".
Tại hầu hết các tỉnh Đông Nam Bộ, số ca sốt xuất huyết đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tuần, ở thành phố Hồ Chí Minh hay Đồng Nai có trên 500 trường hợp phải nhập viện. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là số ca tử vong do mắc sốt xuất huyết đã tăng lên khá nhanh trong mùa dịch năm nay.
Cụ thể, tính đến sáng ngày 25/9, Đồng Nai có 4 ca tử vong, tỉnh Bình Dương có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tất cả đều trong tháng 8 và tháng 9 này. Như vậy, Bình Dương là địa phương có số ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất toàn miền Nam.
Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: "Sốt xuất huyết có chu kỳ 3 đến 5 năm. Năm ngoái, đã xuống tận mức đáy, năm nay lại bùng lên. Và chu kỳ này được tác động bởi lối sống của những người dân ở vùng thôn quê đến đây. Nhiều khi ban ngày đi làm, ban đêm về ngủ, không có quan tâm đến môi trường".
Nguyên nhân một phần do người dân
Trong khi dịch đang bùng phát mạnh mẽ trên diện rộng và tăng theo thời gian thì công tác chống dịch dù được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng chưa phát huy hiệu quả. Sau mỗi lần ra quân huy động hàng ngàn người dân từ học sinh, sinh viên cho đến quân đội, công an vào cuộc tìm diệt loăng quăng hay phun xịt hóa chất thì chỉ cần 5 đến 7 tuần sau, mật độ muỗi sẽ sinh sôi như cũ.
Chưa kể nếu việc phun xịt hóa chất gặp mưa thì coi như không có tác dụng. Vì thế, đây cũng chỉ như xử lý được phần ngọn của dập dịch. Vấn đề cốt lõi là ý thức người dân trong chủ động diệt loăng quăng và phòng tránh muỗi đốt vẫn được xem là bức tường quá khó cho công tác phòng chống dịch.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết: "Vấn đề diệt loăng quăng trong từng hộ gia đình hoặc ở các khu đất trống còn gặp nhiều khó khăn. Khi chúng tôi tổ chức phun hóa chất diện rộng thì 10% hộ gia đình đi vắng, 15% ở nhà nhưng không mở cửa cho chúng tôi vào. Vì thế vấn đề phun hóa chất cũng không được triệt để".
Tại tỉnh Đồng Nai, các thành viên trong đội đặc nhiệm phòng chống dịch và cộng tác viên hoạt động tất bật từ hơn tháng nay nhưng đều lắc đầu ngán ngẩm vì càng chống, dịch càng tăng. Việc tìm gặp để tuyên truyền đến từng nhà gặp vô số khó khăn vì đa số là công nhân nên đi làm từ rất sớm và về nhà rất muộn.
Do phải đi làm thường xuyên nên họ cũng không có thời gian để dọn dẹp nhà ở, vệ sinh xung quanh nhà để diệt loăng quăng. Số lượng người dân nhập cư ở nơi đây càng ngày càng tăng cao khiến cho lực lượng chống dịch không thể tiếp cận hết. Và ngay cả khi tiếp cận rồi, tuyên truyền rồi thì sau đó loăng quăng vẫn phát triển, môi trường vẫn tồn tại những vật chứa giúp loăng quăng phát triển.
Chị Vũ Thị Thanh, y tế thôn ấp, khu phố 4, thành phố Biên Hòa cho biết: "Mình đi đến đâu là hướng dẫn người ta dọn dẹp đến đấy. Nhưng lần sau đến thì vẫn thấy bừa bãi, những vật dụng chứa nước không sử dụng đến, có loăng quăng. Tức là khâu tuyên truyền đã đến cùng rồi nhưng ý thức người dân vẫn không cao nên người ta không dọn dẹp. Phải trực tiếp dọn dẹp với người ta luôn chứ không bao giờ có chuyện mình về rồi người ta mới làm".
Thậm chí, ở một số nơi tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân còn không chịu hợp tác với ngành chức năng như không chịu mở cửa để được phun hóa chất diệt muỗi. Nhiều lí do được đưa ra như sợ hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, nhà có em bé, nhà không có muỗi thì sao phải xịt... Những điều này đã góp phần khiến cho việc dập dịch sốt xuất huyết năm trở nên khó khăn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nên cương quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch: "Đối với những tổ chức có tư cách pháp nhân thì chúng ta phải phạt theo luật. Kèm theo đó là có văn bản nhắc nhở đối với cơ quan cấp trên quản lý của họ. Còn đối với hộ gia đình thì lần 1 có thể nhắc nhở, lần 2 phê bình trong tổ dân phố, lần 3 là phải phạt theo luật".
Theo các chuyên gia dịch tễ học, dịch sốt xuất huyết đã có xu hướng chuyển dịch từ vùng Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ. Kể từ sau 2007 thì tỷ lệ bệnh sốt xuất huyết tại vùng Đông Nam Bộ tăng mạnh, chiếm từ 40% đến 66% số ca mắc của toàn miền Nam.
Với những cảnh báo từ các chuyên gia dịch tễ học, các tỉnh Đông Nam Bộ chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng không chỉ trong những tháng mùa mưa tiếp theo mà còn trong cả nhiều năm tới. Và việc phòng chống dịch, phải được thực hiện hiệu quả hơn. Trước mắt, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền để giúp người dân ý thức tốt hơn việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng./.
Hiếu Hiền
Theo_VOV
Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh Manh mún, phụ thuộc nguyên liệu thức ăn đầu vào, trình độ chăn nuôi còn thấp... cũng như thiếu sự liên kết và có quá nhiều khâu trung gian là những nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung luôn ở mức cao. Vì vậy, theo Hiệp hội Chăn...