Đức sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 2/6 cho biết nước này đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ 4 nếu số ca mắc mới bất ngờ tăng giống như hồi mùa Thu năm 2020.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 30/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, Bộ trưởng Spahn cho biết ông đã bắt đầu thảo luận với các chuyên gia và Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhằm sớm phát hiện những nguy cơ và tìm ra chiến lược để tránh một làn sóng lây nhiễm mới. Sự thận trọng của Đức dựa trên thực tế là sau giai đoạn tỷ lệ nhiễm mới tương đối thấp hồi mùa Hè năm ngoái, tình hình dịch bệnh nhanh chóng chuyển sang giai đoạn xấu trong tháng 9 và tháng 10, khiến Đức phải áp đặt một số biện pháp phong tỏa trong tháng 11 và sau đó phải nhiều lần gia hạn biện pháp này, thậm chí phải áp đặt “phong tỏa cứng” trong nhiều tháng qua.
Ông Spahn một mặt bày tỏ yên tâm hơn với tình hình dịch bệnh ngày càng dịu đi hiện nay ở Đức khi số ca mắc mới giảm mạnh, số người được tiêm chủng một mũi và tiêm đủ liều vaccine ngày càng tăng, song mặt khác khuyến cáo cần thận trọng bởi diễn biến dịch có thể bất ngờ thay đổi, giống như tình trạng ở Anh với sự bùng nổ số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Số liệu của RKI cho thấy chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Đức đã tăng ngày thứ 2 liên tiếp, từ mức 35,2 lên 36,8, dù đã giảm mạnh so với thời điểm một tuần trước (46,8). Do tỷ lệ lây nhiễm thấp, hầu hết các lĩnh vực ở Đức đang dần mở cửa trở lại, trong đó có du lịch, nhà hàng, thể thao… Các dịch vụ trong nhà được thực hiện nếu người tham gia có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giấy chứng nhận đã tiêm vaccine đủ liều. Tuy nhiên, việc mở cửa tại một số nơi đang gây tranh cãi khi một số ổ dịch bùng phát trở lại. Tại điểm thu hút du lịch ở đảo Sylt thuộc bang cực Bắc Schleswig-Holstein, 7 nhân viên ở 2 nhà hàng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, khiến 29 nhân viên và 55 du khách phải cách ly. Ngoài ra, khoảng 1.000 người tiếp xúc gần được yêu cầu tự cách ly.
Hiện Chính phủ liên bang Đức có kế hoạch tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, vốn là cơ sở pháp lý để đề ra các quy định về tiêm chủng hay chi phí xét nghiệm. Tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh lần đầu tiên được Quốc hội liên bang phê chuẩn ngày 25/3/2020, được gia hạn hồi tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực tới cuối tháng 6 này.
Để chuẩn bị cho các tình huống dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong tương lai, Chính phủ liên bang Đức muốn đảm bảo nguồn cung ứng vaccine ở Đức cho người dân. Để triển khai, cần phải đảm bảo năng lực sản xuất vaccine hiện có trong trung hạn cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thêm năng lực sản xuất. Chính phủ sẽ trao các hợp đồng “sẵn sàng chống đại dịch” cho các công ty phù hợp, đổi lại, các công ty cần phải cam kết xây dựng, cung cấp và duy trì năng lực sản xuất của mình. Khi được kích hoạt, năng lực sản xuất có thể được tăng cường trong vòng 3 tháng.
Theo Bộ trưởng Spahn, Chính phủ liên bang Đức muốn đảm bảo rằng trong trường hợp xảy ra đại dịch trong tương lai, năng lực sản xuất vaccine cần phải cung ứng được từ 600-700 triệu liều. Theo tài liệu của Chính phủ Đức, cần phải đảm bảo năng lực sản xuất hằng năm khoảng 2 tỷ liều vaccine trong Liên minh châu Âu (EU) để có thể tiêm đủ liều 2 mũi cho người dân châu Âu cũng như có đóng góp lượng vaccine đáng kể cho thế giới.
Vaccine ngăn ngừa 65% nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2
Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford cho thấy vaccine ngừa COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Qua theo dõi gần 400.000 người Anh trong 4 tháng đầu tiên của chương trình tiêm chủng quốc gia, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêm vaccine của Oxford/AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech đều giúp ngăn ngừa khoảng 65% nguy cơ lây nhiễm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người nhiễm virus sau khi tiêm chủng thường không có triệu chứng và cũng ít có khả năng tạo ra virus, đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng lây truyền virus hơn.
Theo lời của Tiến sĩ Koen Pouwels thuộc Đại học Oxford, từ kết quả nghiên cứu có thể đi đến nhận định rằng vaccine có khả năng làm giảm sự lây truyền virus nhưng cần định lượng chính xác mức giảm này. Điều này đòi hỏi phải có các nghiên cứu kỹ lưỡng về truy vết tiếp xúc.
Trong khi đó, theo Giáo sư Sarah Walker cũng tại Đại học Oxford, mục tiêu quan trọng nhất của vaccine là ngăn ngừa nhiễm bệnh và khi tỷ lệ lây nhiễm càng giảm thì người dân càng sớm có cơ hội trở lại trạng thái bình thường. "Về lâu dài, phong tỏa không phải là giải pháp khả thi. Rõ ràng vaccine là cách duy nhất để chúng ta có cơ hội kiểm soát dịch bệnh", Giáo sư Sarah Walker nói.
Tuy nhiên, cả Giáo sư Walker và các đồng nghiệp của bà đều cảnh báo rằng vaccine không phải là "phép màu" và vẫn sẽ có những người bị nhiễm virus dù đã tiêm phòng. Do đó, người dân vẫn cần phải rất thận trọng.
Seoul thu thuế bằng tiền điện tử Chính quyền thành phố Seoul ngày 23/4 thông báo đã thu giữ tiền kỹ thuật số từ hàng trăm đối tượng nợ thuế nhiều nhất, những người đã cất giấu tài sản dưới dạng "tiền ảo". Đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Với quyết định này, Seoul đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên ở Hàn Quốc thu...