Đức kỳ vọng sẽ hạn chế được các khoản nợ từ đại dịch COVID-19
Bộ trưởng Scholz cho biết nếu Chính phủ có thể “xoay sở” để đưa tăng trưởng kinh tế lên cao trở lại trong nửa cuối năm thì 156 tỷ euro có thể là mức nợ cao mới của nước Đức.
Các nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Leipzig, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Olaf Scholz cho biết nước này có thể hạn chế tác động tài chính của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà không vượt quá mức nợ được phê duyệt nếu nền kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Quốc hội Đức ngày 25/3 đã đình chỉ chính sách “phanh nợ” (hạn chế mức thâm hụt ngân sách) để hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19, đi cùng với ngân sách bổ sung 156 tỷ euro (gần 170 tỷ USD), 100 tỷ euro (gần 109 tỷ USD) cho một quỹ ổn định kinh tế có thể mua cổ phần trực tiếp trong các công ty và 100 tỷ euro (gần 109 tỷ USD) tín dụng cho Ngân hàng Phát triển KfW. Các biện pháp này chủ yếu nhằm tài trợ cho các công ty chăm sóc sức khỏe và y tế.
Khi được hỏi liệu 156 tỷ euro có thể là mức nợ cao mới của nước Đức hay không, ông Scholz nói với tờ báo Welt am Sonntag rằng nếu Chính phủ có thể “xoay sở” để đưa tăng trưởng kinh tế lên cao trở lại trong nửa cuối năm, thì việc này hoàn toàn khả thi.
Ông nói rằng nước Đức sẽ đặt mục tiêu phục hồi các khoản chi tiêu này trong một thời gian dài mà không phải tiết kiệm đáng kể cho những lĩnh vực khác. Đồng thời, Bộ trưởng Scholz ca ngợi hệ thống phúc lợi xã hội của Đức vốn giúp Chính phủ có thể đưa ra mức hỗ trợ khá cao.
Video đang HOT
Song ông Scholz nói thêm rằng điều đó có nghĩa là Chính phủ có thể tăng mức thuế áp lên những người có thu nhập thuộc nhóm cao sau cuộc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh rằng việc đánh thuế như vậy cần phải “công bằng và chính đáng” để hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp hơn.
Ngoài những khoản tiền nêu trên, gói hỗ trợ của Chính phủ Đức còn bao gồm một quỹ bình ổn trị giá 400 tỷ euro (gần 435 tỷ USD) trong bảo lãnh cho vay để đảm bảo những khoản nợ cho các công ty có nguy cơ vỡ nợ, qua đó đẩy tổng số tiền lên tới hơn 750 tỷ euro (hơn 815 tỷ USD).
Bộ trưởng Scholz nói rằng ông đặt mục tiêu đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế nếu cần thiết, sau khi kết thúc chính sách giãn cách xã hội hiện tại vốn khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân buộc phỉa ở nhà. Ông cho biết chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ cho các chủ khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ Đức cũng sẽ chú ý đến việc hiện đại hóa đất nước như thông qua việc giảm lượng khí thải CO2, mở rộng các phương tiện di chuyển chạy bằng điện hoặc số hóa nền kinh tế.
Ngày 17/4, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết sau bốn tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, đến nay Đức đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch COVID-19.
Chính phủ Đức đang lên kế hoạch để các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại vào tuần tới, đồng thời cũng dự định mở lại các trường học vào đầu tháng Năm, trong khi vẫn đang duy trì các quy tắc nghiêm ngặt về giãn cách xã hội ./.
H.Thủy
Goldman Sachs: Giá dầu sẽ tiếp tục giảm bất chấp kế hoạch của OPEC+
Theo báo cáo mới nhất, Goldman Sachs nhận thấy dự báo giá dầu Brent quanh ngưỡng 20 USD/thùng trong ngắn hạn của họ có khả năng phải điều chỉnh giảm.
Tại một trạm bán xăng ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đưa ra dự báo rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tới, do thỏa thuận hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC) chưa đủ mạnh để bù đắp cho nhu cầu suy giảm trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuần trước, OPEC và các đồng minh (còn gọi nhóm OPEC ) cho biết đã đồng ý cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020 để ngăn chặn đà giảm của giá dầu.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, Goldman Sachs nhận thấy dự báo giá dầu Brent quanh ngưỡng 20 USD/thùng trong ngắn hạn của họ có khả năng phải điều chỉnh giảm.
Goldman Sachs cho rằng ngay cả khi các thành viên chủ chốt của OPEC tuân thủ đầy đủ các cam kết cắt giảm, còn các quốc gia khác tuân thủ 50% mức hạn chế sản lượng đề ra trong tháng Năm, thì kế hoạch này sẽ chỉ giúp sản lượng của họ giảm khoảng 4,3 triệu thùng dầu/ngày so với mức trong quý 1/2020.
"Đại gia" ngân hàng Phố Wall này nhận xét dù các quốc gia thuộc Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng tham gia cắt giảm sản lượng lớn hơn, điều này sẽ không giúp được gì nhiều.
Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng không có kế hoạch cắt giảm tự nguyện nào có thể đủ lớn để bù đắp cho nhu cầu sụt giảm trung bình 19 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn từ tháng 4-5/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Goldman Sachs cho biết dự báo của họ cho giá dầu Brent trong năm 2021 là 52,50 USD/thùng có thể được điều chỉnh tăng. Ngân hàng này nhận định sau giai đoạn thị trường tái cân bằng mạnh mẽ sẽ là giai đoạn phục hồi mạnh nhờ nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại.
Một ngân hàng khác của Phố Wall là Morgan Stanley lại điều chỉnh nâng dự báo giá dầu của họ. Trong báo cáo của riêng mình, Morgan Stanley đã tăng mức dự báo giá của dầu Brent và WTI trong quý 3/2020 lên lần lượt là 30 USD/thùng và 27,50 USD/thùng, từ 25 USD/thùng và 22,50 USD/thùng tương ứng trước đó.
Ngân hàng này cũng nâng triển vọng giá dầu quý 4 lên thêm 5 USD cho cả hai loại dầu trên, lần lượt là 35 USD/thùng cho dầu Brent và 32,50 USD/thùng cho WTI.
Ngoài ra, Morgan Stanley cũng dự báo nhu cầu năng lượng thế giới trong quý 2/2020 sẽ giảm khoảng 14 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái./.
H.Thủy
Tăng sức đề kháng cho nền kinh tế Dịch cúm đang tác động đến kinh tế của nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay cũng được dự báo giảm và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song Thủ tướng Chính phủ khẳng định chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Như vậy, tìm giải pháp tăng sức đề kháng để vượt qua dịch...