Đức khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 17/12, Đức đã khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc Niedersachsen.
Tham dự lễ khai trương có các nhà lãnh đạo hàng đầu nước Đức như Thủ tướng Olaf Scholz, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại lễ khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc Niedersachsen. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Scholz khẳng định đây là “một ngày tốt lành” cho nước Đức, “một dấu hiệu tốt cho toàn thế giới rằng nền kinh tế Đức sẽ có thể tiếp tục vững mạnh” về sản xuất và đối phó với các thách thức. Ông ca ngợi việc hoàn thành dự án trong thời gian rất ngắn là “tốc độ mới ở Đức”; đồng thời khẳng định nước Đức đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Với các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đã và đang được triển khai xây dựng, nguồn cung cấp năng lượng của Đức sẽ “không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga”. Nhà lãnh đạo Đức cho biết cơ sở tiếp nhận khí lỏng ở cảng Wilhelmshaven là một “đóng góp rất, rất quan trọng” cho an ninh năng lượng của nước Đức. Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này.
Cơ sở tiếp nhận khí lỏng ở cảng Wilhelmshaven được vận hành bởi nhà nhập khẩu khí đốt Uniper của Đức. Chỉ trong khoảng 10 tháng triển khai xây dựng, một hệ thống đường ống dẫn khí mới dài khoảng 26 km và một con tàu đặc biệt mang tên “Hegh Esperanza” đã được xây dựng. Con tàu này sẽ chuyển khí tự nhiên hóa lỏng do tàu chở khí lỏng LNG cung cấp sang trạng thái khí và đưa vào mạng lưới khí đốt của Đức. Quá trình này sẽ diễn ra từ tuần tới.
Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Habeck cũng cho rằng việc khai trương cơ sở tiếp nhận khí lỏng này là “một bước quyết định để đảm bảo nguồn cung khí đốt ở Đức”. Nếu không có những cơ sở tiếp nhận như thế này, nước Đức có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng. Ông khẳng định chính phủ Đức đang hành động dưới áp lực lớn nhất để đảm bảo an ninh nguồn cung. Điều này cũng có nghĩa là các quy trình triển khai dự án sẽ được rút ngắn để mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng.
Ngoài cơ sở tiếp nhận khí lỏng tại cảng Wilhelmshaven, nước Đức đang tiếp tục triển khai xây dựng 4 cơ sở nữa và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm tới. Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu nước này cho biết các cơ sở tiếp nhận này sẽ cung cấp 1/3 nhu cầu khí đốt tự nhiên cho nước Đức trong những năm tới.
Đức tiếp tục nhập khí tự nhiên hóa lỏng của Nga
Theo Viện Kinh tế thế giới (IfW) có trụ sở tại thành phố Kiel (Đức), khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tiếp tục được đưa tới Đức mặc dù Berlin tuyên bố muốn chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Công trình xây dựng trạm tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của công ty năng lượng Uniper tại cảng Wilhelmshaven, Đức ngày 29/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời ông Stefan Kooths - Phó Chủ tịch IfW - cho biết khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga được vận chuyển đến Bỉ bằng tàu vận tải và từ đây sẽ được chuyển tiếp tới Đức. Trong số liệu thống kê nhập khẩu của châu Âu, LNG của Nga được giao cho Bỉ, nhưng trên thực tế, những lô hàng này được chuyển tới Đức dù số lượng tương đối nhỏ, khoảng gần 5 tỷ m3/năm. Theo ông Kooths, con số này chỉ chiếm từ 5 - 6% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm ở Đức.
Theo tờ Handelsblatt, nhập khẩu LNG của châu Âu từ Nga đã đạt mức cao kỷ lục trong năm qua. So với năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) cùng Anh đã mua lượng khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga nhiều hơn 1/5 lần so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Số liệu của công ty dữ liệu chuyên về năng lượng ICIS cho biết hiện lượng LNG nhập khẩu từ Nga vào châu Âu chiếm 13%, trong đó các nước mua chính là Pháp, Hà Lan và Bỉ.
Chuyên gia về khí đốt Andreas Schrder thuộc ICIS cho biết số lượng LNG Nga nhập khẩu vào châu Âu đang tăng lên và do Đức chưa có kho cảng LNG riêng nên vẫn đang mua thông qua các nước láng giềng như Pháp, Bỉ và Hà Lan.
Theo Handelsblatt, trong 11 tháng đầu năm nay, các nước EU và Anh có thể đã chi trả Nga khoảng 27 tỷ euro tiền mua LNG. Tuy nhiên, lượng LNG mà Nga chuyển tới châu Âu thông qua các cảng LNG là tương đối nhỏ. Từ tháng 1 - 11/2021, các nước EU đã nhập khẩu ít nhất 133 tỷ m3 khí đốt qua các đường ống, trong khi cùng thời gian này chỉ nhập trên 15 tỷ m3 LNG từ Nga. Trong 11 tháng đầu năm nay, lượng LNG nhập khẩu từ Nga lên tới gần 18 tỷ m3, trong khi lượng khí nhập qua các đường ống là 60 tỷ m3.
Viện IfW cũng nhận định sẽ không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông này, dù tình hình tương đối eo hẹp. Để tránh tình trạng thiếu khí đốt, cần phải tiết kiệm tổng cộng 20% lượng khí đốt tiêu thụ. Tuy nhiên, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn vào mùa đông năm 2023 - 2024, khi các cơ sở tích trữ sẽ khó có khả năng được lấp đầy. Điều này sẽ phụ thuộc vào thời tiết. Các cơ sở tích trữ sẽ không được lấp đầy, trừ phi thời tiết ấm hơn mọi năm.
Đức sắp vận hành trạm nổi đầu tiên tiếp nhận khí đốt hoá lỏng Công ty năng lượng Uniper ngày 9/12 thông báo công ty này sắp đưa vào vận hành trạm tiếp nhận khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nổi đầu tiên của Đức tại cảng Wilhelmshaven, Tây Bắc nước này, để bơm vào mạng lưới đường ống khí đốt quốc gia. Một dự án xây dựng trạm tiếp nhận khí hóa lỏng tại cảng Wilhelmshaven,...