Đức ghi nhận khoảng 1.500 ca mắc COVID-19
Ngày 11/, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin sẽ nỗ lực tối đa để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh quốc gia này đã ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm bệnh này.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một lái xe tại khu vực cửa khẩu Jedrzychowice giữa Đức và Ba Lan nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 9/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Merkel nhận định đây là một tình huống đặc biệt bất thường nên Đức sẽ làm mọi việc cần thiết đồng thời tin vào khả năng ngân sách quốc gia sẽ đáp ứng tốt cho cuộc chiến chống dịch bệnh này. Thủ tướng Đức nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là chấm dứt cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh này.
Bà cũng khẳng định chính phủ sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ thanh khoản để giúp đỡ các công ty chịu tác động của dịch bệnh trong bối cảnh nhiều quốc gia đã buộc phải đóng cửa biên giới, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và các đơn hàng nước ngoài ngày càng ít vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Bà cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thống nhất sẽ linh hoạt trong vấn đề ngân sách nếu các quốc gia chịu tác động mạnh của dịch bệnh muốn EU nới lỏng các quy định giới hạn thâm hụt ngân sách để phục vụ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Tính đến sáng 11/3, Đức đã ghi nhận 1.565 ca mắc bệnh và 3 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19.
Video đang HOT
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu khi số ca nhiễm mới ngày một tăng cao tại các quốc gia như Italy, Pháp và Đức. Chính phủ Anh ngày 11/3 cũng công bố gói biện pháp hỗ trợ tài chính trị giá 30 tỷ bảng (39 tỷ USD) để giảm thiểu những tác động ngày càng lớn của dịch bệnh COVID-19 tới nền kinh tế nước này. Trong dự thảo ngân sách đầu tiên trình lên quốc hội sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak công bố khoản tài chính trị giá 30 tỷ bảng để hỗ trợ người dân, hỗ trợ việc làm và doanh nghiệp Anh vượt qua thời điểm khó khăn vì dịch bệnh. Ông khẳng định Bộ tài chính sẵn sàng hành động khi tình hình diễn biến phức tạp hơn đồng thời nhấn mạnh đây là phản ứng toàn diện trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tại Anh cũng như toàn châu Âu. Ông cũng nhận định tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế Anh sẽ khá mạnh nhưng chỉ trong ngắn hạn.
Nghị viện nước này vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghị sĩ Nadine Dorries, Thứ trưởng Bộ Y tế Anh, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và một nghị sĩ khác được yêu cầu tự cách ly ở nhà vì có dấu hiệu nghi nhiễm. Người phát ngôn của Nghị viện Anh khẳng định cơ quan này tuân thủ mọi hướng dẫn của Cơ quan Y tế Cộng đồng quốc gia và áp dụng các biện pháp phù hợp quy định. Nhiều nghị sĩ Anh bày tỏ lo ngại tòa nhà quốc hội Anh quá cũ kỹ và không được trang bị tốt để có thể hạn chế dịch bệnh lây lan trong khi các nghị sĩ là những người thường xuyên đi hội họp và gặp gỡ mọi người.
Trong khi đó, ngày 11/3, vùng đô thị Madrid của Tây Ban Nha cũng mới công bố thêm 10 ca tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại vùng này lên 31 ca. Cơ quan Y tế vùng Madrid cho biết số ca xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 tại vùng này đã lên tới 1.024, tăng nhanh so với mức 782 ca ghi nhận trước đó một ngày. Vùng đô thị này gồm thủ đô Madrid và 40 khu tự quản bao quanh, với dân số khoảng hơn 5,8 triệu người. Tính đến ngày 11/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha đã lên 2.002 ca và số ca tử vong tăng lên 47, trong đó Madrid là vùng chịu tác động mạnh nhất.
Giới chức nước này đã nhanh chóng công bố các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa các trường học ở Madrid trong 2 tuần, khử trùng các phương tiện giao thông công cộng tại thủ đô hàng ngày và cấm mọi chuyến bay từ Italy. Chính phủ cũng cam kết sẽ hỗ trợ ngành du lịch tại quốc gia là điểm đến du lịch hấp dẫn thứ 2 thế giới này.
Tại Ba Lan, giới chức đã đóng cửa tất cả các trường học, trường đại học, rạp chiếu phim, nhà hát và bảo tàng trong vòng 2 tuần từ ngày 12/3 để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan. Phát biểu trong buổi họp báo cung, các Bộ trưởng Ba Lan cho biết các trường mầm non và tiểu học, trung học sẽ đóng cửa từ ngày 12/3 nhưng dịch vụ trông giữ đặc biệt với nhóm trẻ nhỏ tuổi nhất sẽ vẫn được duy trì trong tuần này. Ba Lan hiện ghi nhận 26 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng nhận thấy tình hình bệnh dịch diễn biến nhanh tại các quốc gia châu Âu nên chính phủ nước này quyết định thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Thủ tướng Đức đề xuất thiết lập vùng an toàn ở Idlib, Syria
Để cải thiện tình hình nhân đạo tại tỉnh Idlib của Syria, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị thiết lập một vùng an toàn ở tỉnh này.
Pháo binh của quân đội Syria tấn công vào mục tiêu của phiến quân tại al-Habit, tỉnh Idlib, ngày 22/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin ngày 3/3, Thủ tướng Merkel đã đề xuất thiết lập một vùng an toàn ở Idlib nhằm bảo vệ và cứu trợ cho người tị nạn Syria. Bà bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ việc thiết lập vùng an toàn cho hàng trăm nghìn người tị nạn ở vùng Tây Bắc Syria, đồng thời cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang cẳng thẳng ở Idlib, nhấn mạnh cần có một lệnh ngừng bắn, một khu vực được bảo vệ an toàn cho hàng trăm nghìn người chạy về phía biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cùng ngày đã ủng hộ cách xử lý cứng rắn của Hy Lạp để ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn tràn vào biên giới châu Âu. Ông Seehofer kêu gọi duy trì Thỏa thuận về kiềm chế người tị nạn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, không để lặp lại kịch bản như hồi năm 2015 khi hơn 1 triệu người tị nạn tràn vào châu lục này. Ông nhấn mạnh khi biên giới ngoài châu Âu không được bảo vệ, chính sách tị nạn của châu Âu cũng sẽ không thể vận hành và điều này sẽ gây phương hại rất lớn cả về chính trị và tài chính cho châu Âu.
Bộ trưởng Đức cũng khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức cho chính quyền Athens trong việc ngăn chặn người tị nạn ở biên giới Hy Lạp, cũng là biên giới ngoài của châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch đảng đoàn Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Alexander Dobrindt cảnh báo Đức không nên gửi tín hiệu gây hiểu nhầm cho người tị nạn Syria. Ông nêu rõ rằng cần phải giúp những người tị nạn hiểu rằng họ không có cơ hội đến Đức.
Trong một diễn biến khác liên quan, theo phóng viên TTXVN tại New York, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock ngày 3/3 cho biết các hoạt động cứu trợ nhân đạo tạ Syria đã bị quá tải do có gần 1 triệu người đã chạy trốn khỏi bạo lực ở phía Tây Bắc Syria trong thời gian gần đây
Phó Tổng Thư ký LHQ đưa ra nhận định trên sau khi cùng với các quan chức khác của LHQ đánh giá các nỗ lực cứu trợ dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và tại tỉnh Idlib. Theo ông Lowcock, việc phái đoàn gồm nhiều cơ quan của LHQ tới Idlib là một bước quan trọng để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ đang diễn ra ở vùng Tây Bắc Syria. Đây là dịp để các cơ quan nhân đạo của LHQ có cơ hội thu thập thông tin trực tiếp, chi tiết về nhu cầu nhân đạo trên thực địa và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để bảo vệ dân thường.
Theo Mạnh Hùng - Hữu Thanh (TTXVN)
Châu Âu hoan hỉ, các "nhân vật chính" lạnh nhạt ở hòa đàm Libya Trong khi các lãnh đạo châu Âu tham gia hòa đàm nhằm chấm dứt nội chiến dai dẳng tại Libya tỏ ra phấn chấn, các "nhân vật chính" - đại diện hai phe đối lập ở Libya có thái độ tương đối lạnh nhạt. Quá trình hòa đàm Libya do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng. Kết thúc một ngày thương lượng...