Đức chỉ trích Mỹ coi an ninh như món hàng thương mại
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Annegret Kramp-Karrenbauer lên tiếng chỉ trích việc chính quyền Mỹ mang vấn đề an ninh ra làm sức ép mặc cả với Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 16/6 lên tiếng chỉ trích việc chính quyền Mỹ mang vấn đề an ninh ra làm sức ép mặc cả với Đức, trong khi quan chức cấp cao của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO cho biết khối này vẫn chưa biết khi nào Mỹ sẽ rút gần 10.000 quân khỏi Đức.
Máy bay Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức.
Tuyên bố của bà Annegret Kramp-Karrenbauer được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích việc Đức ít đóng góp ngân sách quân sự cho NATO, đồng thời thông báo kế hoạch rút bớt 9.500 quân Mỹ đang đồn trú tại Đức.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, khối quân sự NATO không phải là một tổ chức thương mại và an ninh không phải là một món hàng. Bà Annegret Kramp-Karrenbauer cũng thừa nhận hiện tại quan hệ Mỹ-Đức đang có nhiều căng thẳng.
Cũng trong ngày 16/6, phát biểu khi đang thăm Ba Lan, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng khẳng định, việc duy trì quân Mỹ trên lãnh thổ Đức không chỉ là phục vụ an ninh cho nước Đức mà còn vì an ninh của Mỹ và toàn bộ châu Âu.
Video đang HOT
Ủng hộ quan điểm của Đức, Ngoại trưởng Ba Lan, Jacek Czaputowicz cũng cho biết Ba Lan mong muốn Mỹ tiếp tục duy trì việc đóng quân đồn trú trên đất Đức.
Hiện có nhiều thông tin cho rằng, sau khi rút 9.500 quân khỏi Đức, chính quyền Mỹ sẽ đưa phần lớn số quân này sang đồn trú tại Ba Lan và một số nước Đông Âu khác nằm trong khối NATO.
Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp báo chiều ngày 16/6 tại Brussels, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết, khối quân sự này được thông tin về việc Mỹ có ý định rút quân khỏi Đức nhưng chưa rõ thời điểm và cách thức thực hiện ra sao.
“Nước Mỹ và Tổng thống Trump đã thông báo điều cần thông báo. Nhưng hiện vẫn chưa quyết định là việc này sẽ được thực hiện khi nào và ra sao. Đây sẽ là một chủ đề thảo luận trong cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng NATO sắp tới. Tôi đã điện đàm với Tổng thống Trump, các quan chức Mỹ cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer về vấn đề này”./.
Quan hệ Đức-Mỹ chưa khi nào xuống thấp như hiện nay
Từ sau Chiến tranh thế giới 2 đến nay, chưa khi nào quan hệ giữa Đức và Mỹ lại xuống đến mức thấp như hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 8/6 cho biết, chính phủ Đức vẫn chưa nhận được sự khẳng định từ phía Mỹ rằng Mỹ sẽ rút hàng chục ngàn quân khỏi Đức trong thời gian tới, trong khi giới chuyên gia nhận định chưa khi nào quan hệ Đức - Mỹ xuống mức thấp như hiện nay.
Máy bay quân sự Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein trên đất Đức. (ảnh: DW)
Phát biểu trước báo giới ngày 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết, thông tin về việc Mỹ sẽ rút bớt quân khỏi Đức trong thời gian tới hiện vẫn chỉ là đồn đoán.
"Vẫn chưa có bất cứ thông tin khẳng định chính thức nào liên quan đến các chính sách của chính quyền Mỹ trong việc này. Hiện tại chúng tôi mới chỉ biết đến thông tin qua báo chí, vì thế tôi không muốn đồn đoán về những việc chưa chắc chắn. Thực tế ở đây là sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Đức phục vụ cho an ninh của toàn bộ liên minh NATO, và cho chính an ninh của nước Mỹ"- Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết.
Trước đó, theo thông tin được tờ báo uy tín "Nhật báo phố Wall" của Mỹ đăng tải tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định sẽ rút khoảng 9500 quân Mỹ khỏi Đức vào tháng 9/2020.
Thông tin này ngay lập tức gây rúng động chính trường Đức. Nhiều chính trị gia Đức chỉ trích ý định của chính quyền Mỹ là làm tổn hại an ninh của châu Âu và làm phương Tây suy yếu trong cuộc cạnh tranh có tính hệ thống với Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Đức ngày 8/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng thừa nhận, quan hệ với Mỹ "đang rất phức tạp".
Theo số liệu của quân đội Mỹ, tính đến hết năm 2019, Mỹ đang duy trì trên 38.000 quân lính và nhân viên quân sự tại 6 căn cứ quân sự phân bố chủ yếu ở miền Nam và Tây Nam nước Đức. Các căn cứ quân sự này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt an ninh với nước Đức và khối quân sự NATO mà còn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế địa phương tại Đức.
Giới phân tích cho rằng, ý định rút bớt quân khỏi Đức có thể là biện pháp trừng phạt của chính quyền Mỹ đối với chính phủ Đức do những mâu thuẫn gay gắt thời gian qua. Mỹ luôn chỉ trích Đức là thiếu đóng góp cho ngân sách quân sự của NATO, cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có nhiều bất hoà với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đầu tháng này, bà Angela Merkel cũng đã từ chối lời mời của ông Donald Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Mỹ, ban đầu dự tính tổ chức trong tháng 6 nhưng đã hoãn đến tháng 9/2020.
Theo chuyên gia Thomas Kleine-Brochkoff, Phó Chủ tịch Quỹ Marshall của Mỹ, quỹ nghiên cứu chiến lược về quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, từ sau Chiến tranh thế giới 2 đến nay, chưa khi nào quan hệ giữa Đức và Mỹ lại xuống đến mức thấp như hiện nay.
"Theo dõi mối quan hệ này trong suốt 35 năm qua và không nhớ nổi có thời điểm nào mối quan hệ này xuống mức thấp hơn hiện nay. Ông Donald Trump có vẻ như xem bà Angela Merkel, chứ không phải ai khác, là đối thủ có tính hệ thống của mình. Vấn đề cá nhân có ảnh hưởng nhưng đây cũng là một phần trong chủ nghĩa biệt lập mới của Mỹ" - vị chuyên gia cho biết.
Iran phản đối quốc tế tiếp cận địa điểm hạt nhân Iran cảnh báo dự thảo nghị quyết cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận hai địa điểm hạt nhân ở nước này là "phản tác dụng". "Đưa ra nghị quyết để kêu gọi Iran hợp tác cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là việc đáng thất vọng và hoàn toàn phản tác dụng", Kazem Gharib Abadi,...