Đức bình luận về khả năng triển khai quân tới Ukraine
Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố việc triển khai quân đội Đức tới Ukraine là “điều không thể” và sẽ “không phù hợp”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 16/2/2024. AFP/TTXVN
Theo đài RT (Nga), ông Scholz đã đưa ra tuyên bố trên trước Quốc hội Đức hôm 4/12, khi bình luận về những nhận xét được đưa ra hồi đầu tuần của Ngoại trưởng nước này, bà Annalena Baerbock.
Một ngày trước đó, phát biểu bên lề cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu NATO, bà Baerbock ám chỉ rằng Berlin sẵn sàng chấp nhận ý tưởng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
“Phía Đức sẽ ủng hộ mọi thứ phục vụ cho hòa bình trong tương lai”, bà Baerbock cho biết, đồng thời nói thêm rằng quân đội của nước này “chỉ có thể được triển khai trong điều kiện ngừng bắn thực sự”.
Tuyên bố của bà Baerbock đã thúc đẩy những suy đoán rộng rãi về cách thức triển khai quân đội tới Ukraine có thể diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào từ tuyên bố của bà Baerbock. Ông khẳng định rằng Ngoại trưởng Đức đã diễn đạt theo những thuật ngữ vô cùng mơ hồ.
“Khi được hỏi điều gì có thể xảy ra trong giai đoạn hòa bình, bà Baerbock đã cố gắng trả lời mà không khẳng định có hay không. Bởi vì hiện tại không thích hợp để suy đoán về những gì sẽ xảy ra sau này trong trường hợp lệnh ngừng bắn được đàm phán”, ông Scholz nói với Quốc hội.
Video đang HOT
Thủ tướng Đức cũng loại trừ mọi khả năng điều quân đến Ukraine trước khi lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Moskva và Kiev được thiết lập.
“Chúng tôi đồng ý với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng rằng Đức phải làm mọi thứ để đảm bảo rằng cuộc chiến này không trở thành cuộc chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Và đó là lý do tại sao việc gửi bộ binh là điều không thể đối với tôi trong tình hình chiến tranh này”, ông giải thích.
Trước đó, truyền thông Đức dẫn lời Ngoại trưởng Baerbock đưa tin Berlin sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy hòa bình lâu dài ở Ukraine “bằng tất cả sức mạnh của mình”.
Bà đề xuất một thỏa thuận hòa bình tiềm năng có thể bao gồm các đảm bảo an ninh cho Kiev, chẳng hạn triển vọng trở thành thành viên NATO và tiếp tục hỗ trợ quân sự từ phương Tây, cũng như một sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 18/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Advertisements
X
Khi được hỏi về vai trò quân sự mà Đức có thể đóng góp trong thỏa thuận này, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung dẫn lời bà Baerbock cho biết: “Chỉ chúng ta với tư cách là người châu Âu mới có thể cùng nhau bảo vệ hòa bình”. Bà gợi ý rằng các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả Đức, có thể điều quân tới Ukraine.
Những thông điệp trái chiều từ giới lãnh đạo Đức xuất hiện trong bối cảnh một loạt thông tin trên các phương tiện truyền thông cho rằng Pháp và Anh cũng đang cân nhắc triển khai quân tới tiền tuyến ở Ukraine như một lực lượng gìn giữ hòa bình, để giám sát lệnh ngừng bắn trong trường hợp Moskva và Kiev thực sự tham gia vào các cuộc đàm phán.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của NATO, mục tiêu thực sự của đợt triển khai tiềm năng này là đảm bảo rằng các thành viên NATO châu Âu vẫn có tiếng nói trong việc giải quyết xung đột sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga cáo buộc các quốc gia phương Tây đang có kế hoạch triển khai tới 100.000 quân “gìn giữ hoà bình” tới Ukraine. Cơ quan này cảnh báo lực lượng lớn như vậy sẽ tương đương với một cuộc chiếm đóng và giúp Kiev thời gian để xây dựng lại lực lượng trước khi tiếp tục cuộc chiến với Nga.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Moskva đã nhiều lần vạch ra các điều kiện rõ ràng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông cho biết các nguyên nhân cốt lõi của cuộc xung đột, chẳng hạn việc NATO tiếp tục mở rộng ở châu Âu, cần phải được giải quyết để hướng tới một giải pháp.
“Điều đó quan trọng hơn nhiều việc gửi một phái bộ gìn giữ hòa bình”, ông Peskov nói.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Đan Mạch và Đức tiếp tục tài trợ vũ khí cho Ukraine
Ngày 29/9, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố nước này sẽ giải ngân 1,3 tỷ kroner (194 triệu USD) để hỗ trợ Ukraine củng cố kho vũ khí vốn đang chịu áp lực lớn do cuộc xung đột ở nước này.
Binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện trên pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất tại Kiev, ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố nêu rõ số vũ khí và trang thiết bị được hỗ trợ này sẽ được sản xuất tại Ukraine, nhưng sẽ được tài trợ thông qua khoản tiền giải ngân của Đan Mạch.
Ngoài việc tài trợ vũ khí cho Ukraine, Đan Mạch, quốc gia vốn ủng hộ Ukraine kể từ khi cuộc xung đột giữa nước này và Nga bắt đầu nổ ra hồi năm 2022, cũng đã thông báo việc thành lập trung tâm phòng thủ chung tại Kiev nhằm hỗ trợ phát triển các mối quan hệ đối tác mới.
Đầu năm nay, Đan Mạch đã ký thỏa thuận về đảm bảo an ninh kéo dài 10 năm với Ukraine, sau những thỏa thuận tương tự của Đức, Anh và Pháp.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên các phương tiện truyền thông của nước này cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố nước này cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, bà Annalena Baerbock cho biết Chính phủ Đức không ủng hộ đề xuất cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Hiện Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục không đạt được mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là chi 2% GDP cho quốc phòng. Nguồn dự trữ của lực lượng vũ trang Đức, vốn đã thiếu hụt do bị hạn chế đầu tư trong nhiều thập kỷ, lại càng cạn kiệt do cung cấp vũ khí cho Kiev.
Đức xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài kể từ Thế chiến thứ 2 Tờ Financial Times đưa tin Đức đã bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự tại Litva, gần biên giới Belarus, nơi sẽ trở thành căn cứ quân sự thường trực đầu tiên của nước này ở nước ngoài kể từ Thế chiến thứ 2. Xe tăng Leopard 2 A7 của quân đội Đức tham gia buổi huấn luyện ở Munster năm 2019....